Hiểm họa từ xe độ, chế

Thứ Hai, 13/06/2022, 20:03

Đam mê tốc độ, muốn mình sở hữu một chiếc xe mang dấu ấn riêng, ngầu hơn, nổi bật hơn nên việc độ xe ngày càng trở nên phổ biến ở giới trẻ. Thế nhưng, thú chơi xe độ đang vi phạm các quy định về an toàn giao thông, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho bản thân người lái và người xung quanh. Đáng ngại hơn nữa, rất nhiều chiếc xe độ lại có nguồn gốc là xe cũ, xe cổ, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, ảnh hưởng đến môi trường.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Không khó khăn gì để bắt gặp cảnh vài nhóm thanh niên dàn hàng hai, hàng ba nẹt pô ầm ĩ, rú ga, lạng lách, đánh võng khiến người đi đường khiếp sợ. Cầu ắt sẽ có cung, các cửa hàng độ xe mọc lên như nấm, trên mạng xã hội các nhóm cho người chơi độ xe cũng được thành lập. Chính vì thế, để sở hữu một chiếc xe độ với giới trẻ không còn quá khó khăn. Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng, những chiếc xe máy cũ sẽ biến thành một chiếc xe mới toanh với hình dáng theo yêu cầu. Thậm chí, có những chiếc xe mới tinh cũng được độ thành những thứ đồ chơi lập dị của giới trẻ với hình dạng kỳ lạ, màu mè.

Ngồi trên chiếc Win 110 được độ với hình dáng vô cùng đặc biệt, Nguyễn Huy Hoàng (19 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) vít ga lao về phía trước, tiếng pô nổ giòn tan, kèm theo đó là làn khói trắng khiến người đi đường được một phen hoảng sợ. Gạt chân chống, đỗ ngay quán cà phê ven đường, Hoàng hất hàm với đám bạn: “Ác chưa? Con này độ cả vỏ và máy luôn... chạy thì cứ gọi là “khét lẹt”. Đảm bảo khi ra đường 100 người thì cả 100 phải ngước nhìn”.

Hiểm họa từ xe độ, chế -0
Ngày 22-5 Công an TP Hồ Chí Minh vây bắt 400 chiếc xe máy độ lạng lách, đánh võng, rú ga... gây mất trật tự an toàn giao thông.

Theo Hoàng, độ xe có 2 kiểu, một là độ ngoại thất, tức là thay đổi hình dáng bên ngoài cho đẹp, bắt mắt so với kiểu dáng cũ; hai là độ máy để cải thiện sức máy, nâng cao tốc độ. Theo Hoàng, hiện nay giới trẻ thích độ máy hơn độ ngoại thất. Tùy vào mục đích của người chơi xe, khi đưa xe vào lò độ, thợ xe sẽ tư vấn cũng như đưa ra các lựa chọn phù hợp ví dụ như để đi phượt, tham gia các giải đua hoặc đơn giản chỉ để thể hiện cá tính của người chơi xe.

Theo chỉ dẫn của Hoàng, chúng tôi dạo một vòng các tuyến phố được biết đến với cái tên “phố độ xe” như Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm), Phó Đức Chính (quận Ba Đình), Lạc Long Quân (quận Tây Hồ)... Tại đây, chúng tôi chứng kiến hoạt động sửa chữa, độ xe diễn ra nhộn nhịp, khách hàng chỉ cần có nhu cầu, các chủ tiệm đều có thể đáp ứng.

Anh Đinh Văn Thắng (chủ một tiệm độ xe tại quận Tây Hồ tiết lộ, 10 khách đến tiệm của anh thì có tới 9 người bổ máy làm lại để hợp với những cuộc bão đêm hay đi phượt miền núi. “Tùy vào mục đích của người chơi xe mà tôi làm thôi. Có người dùng nó để đi đua, người thì muốn mình phải nổi bật trên đường, thể hiện cá tính. Khách hàng phổ biến nhất vẫn là các thanh niên tầm 25 tuổi tìm đến “đôn nòng” để xe đạt tốc độ cao, thời gian tăng tốc ngắn với tiếng máy gầm rú”, anh Thắng cho hay.

Hiểm họa từ xe độ, chế -0
Một chiếc Exciter đang được độ để có màu sắc và kiểu dáng đặc biệt hơn.

Ngồi ngắm nghía chiếc Wave 110 của mình đang được độ dở, Thanh Bình (22 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Em mới mua xe được ít bữa, mang ra đây để nhờ các anh ấy lên đời giúp. Em đang tính thay toàn bộ bóng đèn xe bằng bóng xenon siêu sáng, lắp thêm đèn gầm trang trí, gắn loa, thay pô. Quan trọng nhất thì vẫn là độ máy”.

Với xu hướng hiện nay, việc độ ngoại thất và nội thất đều được dân chơi quan tâm như nhau. Ai cũng muốn sở hữu một chiếc xe vừa lạ mắt, vừa cá tính lại khỏe. “Nói gì thì nói, khi đã độ theo cách nào thì cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ, thậm chí cả độ an toàn của người lái xe”, anh Thắng cho biết thêm.

Theo anh Thắng, nghề độ xe hiện nay được coi là rất hot, dễ kiếm tiền. Do nhu cầu chơi xe độ ngày càng nhiều, dân độ xe lùng sục khắp nơi, mua lại xe cũ của người dân, thậm chí còn vào các bãi xe phế liệu để tìm hàng. Những chiếc xe tưởng chừng như đồ bỏ đi này qua tay thợ sẽ trở nên phong cách và đẹp long lanh, bất chấp các quy định về an toàn, đăng kiểm lưu thông. Dân độ xe tiết lộ, tính cả tiền mua xe cũ, tiền đồ và công độ, khi bán xe ra có thể lãi gấp đôi, gấp ba.

“Việc đi mua xe cũ về độ cũng như đi câu vậy, may thì mua được con xe còn ngon, dòng xe ưa thích. Mình có thể làm xe theo đơn hoặc tự thiết kế, sau đó khách thích thì đẩy đi thôi. Thường thì khách chơi muốn thay thế các bộ phận bên ngoài xe hoặc can thiệp vào máy móc, sử dụng phụ tùng khác để xe chạy nhanh hơn, tiếng máy phát ra mạnh mẽ hơn. Dù độ theo phong cách nào thì người chơi đều muốn thể hiện cái tôi, cái đặc biệt của mình thông qua chiếc xe. Các đồ thay thế cũng tùy theo, người chơi muốn hàng xịn, chất lượng thì đắt đỏ, đồ thay thế đôi khi còn đắt hơn cả chiếc xe. Năm ngoái tôi có lên khu Hiệp Hòa (Bắc Giang) bế được gần chục con Minsk, mang về nhà tha hồ độ. Tính ra đợt ấy cũng kiếm cả trăm triệu chứ chẳng chơi”, anh Thắng chia sẻ.

Có thể thấy, qua bàn tay “phù phép” của những người thợ mà đa phần đều không có bằng cấp chuyên môn, những chiếc xe cũ kỹ có thể đạt tốc độ chạy tới 160-180 km/h. Chỉ cần nghe tiếng động cơ “gầm rú” của những chiếc xe này cũng đủ khiến người đi đường khiếp sợ, tìm cách nép vào lề. Hiện nay, nhiều chiếc xe còn thay đổi kết cấu bên ngoài, tự ý gắn thêm đèn LED, đèn ánh sáng trắng, đèn chớp, thay còi kích âm để tăng âm lượng xuất hiện ngày càng nhiều, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an, ninh trật tự.

Gián tiếp tiếp tay cho các quái xế

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Chiếc xe được độ lên thì có đảm bảo an toàn hay không?”, tất cả đều khẳng định, những chiếc xe này dù cũ hay mới, đã nhúng tay vào thay đổi thiết kế gốc thì đều ảnh hưởng đến vận hành xe.

Rõ ràng, những chiếc xe độ quá đà đang là mối hiểm họa tiềm ẩn, có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho người đi đường, người lái thậm chí còn vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ. Đặc biệt hơn, những dân chơi có máu đua xe trái phép thì những chiếc xe của họ phải được độ để có thời gian tăng tốc ngắn nhất có thể, tiếng máy gầm rú càng mạnh càng tốt và hành vi độ xe này chính là gián tiếp tiếp tay cho những quái xế này.

Hiểm họa từ xe độ, chế -0
Linh kiện, phụ kiện tại một kho độ xe trên địa bàn quận Tây Hồ.

Anh Nguyễn Công Vũ (nhân viên chăm sóc khách hàng hãng xe Honda) cho biết, những chiếc xe được đưa ra thị trường đều được nhà sản xuất nghiên cứu rất kỹ về thiết kế và độ an toàn. Khi xe được độ thì đã bị thay đổi chất lượng và độ an toàn. Việc chơi xe độ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, có thể xảy ra tai nạn giao thông.

Thực tế, việc độ xe thường dựa vào kinh nghiệm của người thợ, đa phần không được đào tạo bài bản. “Trong quá trình lắp ráp rất có thể xảy ra lỗi, gây ra sự cố, gây tai nạn cho người điều khiển. Trong trường hợp những chiếc xe được lắp thêm ống pô, ống xả làm tiếng máy phát ra quá lớn, khiến người cùng tham gia giao thông hoảng loạn, giật mình cũng dễ xảy ra tai nạn”, anh Vũ nói.

Những người chơi xe độ đều hiểu rằng, chỉ cần sử dụng gương chiếu hậu khác với thiết kế của hãng cũng đủ để xử phạt, thế nhưng vì đam mê, nhiều người chấp nhận vi phạm các quy định.

Còn theo thầy Nguyễn Văn Công, giảng viên Khoa Cơ điện Đại học Công nghiệp thì thông thường, các nhà sản xuất đã tính toán và thử nghiệm cẩn thận trước khi tung ra sản phẩm. Chúng phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và mục đích sử dụng. Việc tự ý độ xe không theo hướng dẫn của nhà sản xuất như thay đổi cấu tạo, hình dáng... có thể dễ gây tai nạn giao thông.

“Chẳng hạn, việc thay bóng đèn sai tiêu chuẩn sẽ khiến người đi đường bị chói mắt. Hoặc, lốp không đúng kích cỡ làm sai lệch thông số đồng hồ tốc độ. Chưa kể, một số thợ độ còn thay đổi công suất động cơ nhằm giúp xe chạy nhanh hơn và dễ đạt tốc độ tối đa, ảnh hưởng không nhỏ tới an toàn giao thông”.

Các trường hợp độ xe không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gây nguy hiểm, làm mất an toàn giao thông đều bị xử phạt theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Hiểm họa từ xe độ, chế -0
Những linh kiện, phụ tùng thợ chuẩn bị độ xe cho dân chơi.

Dù ở bất cứ đâu, việc độ xe đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn và theo hướng dẫn của hãng sản xuất. Các hãng độ xe nổi tiếng trên thế giới lại là những đơn vị tuân thủ tuyệt đối quy định này. Họ phối hợp chặt chẽ với nhà sản xuất để thử nghiệm, sau đó chứng nhận phụ kiện đạt chuẩn. Chưa kể, nhiều nước có cơ quan hỗ trợ, kiểm tra quá trình độ xe sao cho đúng luật.

Tại Việt Nam, việc thay thế các phụ kiện bên ngoài không ảnh hưởng đến an toàn vẫn không bị cấm. Vì vậy, nếu thay đổi một số phụ kiện bên ngoài của xe mà không thay đổi kết cấu, cấu tạo của xe và vẫn đảm bảo yêu cầu kĩ thuật và đảm bảo độ an toàn của xe thì sẽ không bị xử phạt. Việc thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế ban đầu và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là hành vi trái với quy định của pháp luật.

Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với các quận, huyện đột kích hàng loạt lò độ, chế xe trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều xe độ, chế (không có biển số, không có số khung); nhiều linh kiện, phụ tùng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Hàng chục xe độ, chế đã được thay đổi kết cấu, nhiều linh kiện, phụ tùng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, lực lượng chức năng phát hiện cả xe máy không có biển số, xe có biển số nhưng không có giấy tờ theo quy định trong các lò độ, chế này. Hiện, Cơ quan công an đang điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Phong Anh
.
.