IS tuyên bố thiết lập một căn cứ quân sự mới ở Lybia: Thế giới đang bất lực

Thứ Tư, 02/12/2015, 16:20
Sức mạnh của IS không hề suy giảm bất chấp những nỗ lực tấn công của các liên minh quốc tế. Đi kèm với đó là tội ác của chúng cũng tăng theo. Ngoài việc tiếp tục tiến hành các vụ khủng bố ở Pháp, Mali và Ai Cập... IS vừa tuyên bố thiết lập một căn cứ quân sự mới ở thành phố Sirte, Lybia.

Các nhà lãnh đạo đã nghĩ cách phải đưa một lực lượng đa quốc gia vào Syria để diệt tổ chức khủng bố này, nhưng xem ra ý tưởng này không khả thi.

IS đang biến đổi

Bất chấp bị Nga và Mỹ, dẫn đầu các liên minh riêng rẽ, không kích trong nhiều tháng qua, nhưng IS vẫn tỏ ra không hề nao núng. Ngoài việc tiếp tục tiến hành các vụ khủng bố ở Pháp, Mali và Ai Cập... IS vừa tuyên bố thiết lập một căn cứ quân sự mới ở thành phố Sirte, Lybia.

Theo tờ Wall Street Journal ra ngày 29-11, chỉ trong vòng một năm qua, quân IS tại Sirte đã tăng từ 200 lên 5.000 người. Tờ báo Mỹ dẫn nguồn tin riêng cho biết, hiện các thủ lĩnh IS đã đưa ra lời kêu gọi tất cả các lực lượng khủng bố hãy tập trung về Libya để thực hiện ý đồ đánh chiếm các mỏ dầu và các nhà máy lọc dầu ở gần Sirte.

Cũng trong ngày 29-11, Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria thông báo tổng kết số nạn nhân bị IS sát hại từ khi nhóm khủng bố này tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo cách đây 17 tháng: Chỉ riêng tại Syria, hơn 3.500 người đã bị hành quyết, trong đó hơn phân nửa là thường dân kể cả trẻ em. IS cũng xử tử 415 chiến binh của họ khi những người này đào ngũ.

Trong khi đó, ngày 28-11, một hố chôn tập thể được phát hiện ở phía bắc Iraq. Đây là mồ chôn xác thứ 6 các nạn nhân bị IS sát hại được phát hiện tại tỉnh Sinjar từ khi liên quân Kurdistan và Yazidi, được không quân phương Tây yểm trợ tái chiếm khu vực này vào ngày 13-11.

Theo AFP, IS xử tử 123 nạn nhân và chôn xác tại đây. Sau khi chiếm Sinjar vào tháng 8-2014, IS gây ra những vụ thảm sát, bắt cóc, hãm hiếp…người sắc tộc Yazidi gây phẫn nộ công luận quốc tế buộc Tổng thống Mỹ Obama ra lệnh can thiệp bằng không quân.

Các giới chức chống khủng bố nói rằng, nhận định những nỗ lực của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm đánh bại IS đã khiến tổ chức này đang trên đà diệt vong, là không chính xác, và họ cảnh báo một loạt các cuộc tấn công khủng bố gần đây của IS tại Pháp, Ai Cập và Mali chỉ là một phần trong sự biến đổi của tổ chức này.

Vết thương của cuộc tấn công ở Paris vẫn còn rỉ máu ở trái tim châu Âu nơi mà sự đau buồn đã nhanh chóng được thay thế bằng những nỗi lo sợ và những biện pháp an ninh được tăng cường. Nhiều chuyên gia trong ngành tình báo cho rằng đây là một thực tế mới.

James Woolsey, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cảnh báo: "Chúng ta chỉ mới bắt đầu. Tôi nghĩ chúng ta còn phải đối phó với IS trong một thời gian khá lâu, ngay cả trong trường hợp sào huyệt của chúng bị chiếm hay bị hủy diệt".

Các giới chức chống khủng bố tin là IS muốn dùng các cuộc tấn công khủng bố vào Paris và vào chiếc máy bay của Nga tại Ai Cập để chứng tỏ sự kiên cường của chúng - tuy chậm chạp nhưng chắc chắn- trong lúc những lực lượng của chúng đang bị đẩy lùi tại Iraq và Syria.

Đại tá Steve Warren, người phát ngôn của chiến dịch của liên minh do Mỹ lãnh đạo tại Iraq, nói: "Chúng tôi thấy có một số thay đổi, chẳng hạn như sự giảm sút con số những người canh gác tại các điểm kiểm soát. Do đó điều này là chỉ dấu cho thấy mọi việc không tốt đẹp như đã tưởng tại những phần đất của IS".

Mặc dù vậy, giới quan chức ở Mỹ vẫn dè dặt, và họ đang tăng cường những biện pháp an ninh tuy nói rằng hiện nay chưa có những tin tức đáng tin cậy về những đe dọa đối với nước Mỹ. Mubin Shaikh, một cựu viên chức ngành phản gián nhận định: Vấn đề cần nhìn nhận là bản chất cơ hội chủ nghĩa lẫn chiến lược của Nhà nước Hồi giáo. "IS đã có một kế hoạch huấn luyện nhân sự để đưa những người đó trở về nước họ, nằm yên và… tấn công. Đây không phải là một sự thay đổi trong chiến lược. Họ chỉ làm những điều chúng đã nói là sẽ làm".

Một chuyên gia chống khủng bố Mỹ nhận định: IS đang biến đổi, từ một tổ chức chú trọng đến việc chiếm cứ đất đai để thành lập một Vương quốc Hồi giáo trở thành một tổ chức có khả năng tấn công ở những nơi cách xa cứ địa của chúng và tìm cách củng cố vị trí như một tổ chức thánh chiến Hồi giáo có uy tín nhất trên thế giới.

Trong một video dài hơn 4 phút do Trung tâm Truyền thông Al-Hayat, nhánh truyền thông của IS đăng tải ngày 25-11, tổ chức khủng bố này tuyên chiến với 60 nước và vùng lãnh thổ. Với hình ảnh cờ của 59 quốc gia cùng cờ đảo Đài Loan, video kết thúc bằng một lời tuyên chiến. "Xuất chiêu đi! Hãy tập trung đồng minh của các người, lên kế hoạch đối phó bọn ta. Đồng minh của bọn ta là vĩ đại nhất. Ông ấy là Allah và mọi vinh quang đều thuộc về ông ấy".

Ông John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân lực của Thượng viện Mỹ cho rằng cần phải có tổng số 100.000 quân trên bộ để tiêu diệt IS.

Liên quân đa quốc gia có đánh bại IS?

Trước sự lớn mạnh của IS và những tội ác của chúng, các chính trị gia thế giới kêu gọi thành lập một đạo quân quốc tế để đưa vào Syria đánh IS.

Phát biểu khi đến thăm Iraq, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ cho rằng, chiến lược không kích IS hiện tại của chính quyền Mỹ là không hiệu quả và theo ông phải đưa bộ binh vào Syria để đánh IS. Theo McCain, đạo quân 100.000 trên sẽ đến từ Arập Xêút, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Riêng Mỹ sẽ đóng góp khoảng 10.000 quân.

Quân đội Đức dự tính cung cấp 1.200 quân để trợ giúp Pháp chống IS tại Syria. Trả lời phỏng vấn báo Der Bild ngày 29-11, tướng Volker Wieker, Tổng thanh tra quân đội Đức nhận định: Theo quan điểm quân sự, để "bảo vệ cho máy bay và hải thuyền hoạt động một cách hữu hiệu thì một lực lượng khoảng 1.200 quân là đủ". Theo Tổng thanh tra quân đội Đức, Đức sẽ gửi một tuần dương hạm bảo vệ hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle của Pháp trong Địa Trung Hải, từ 4-6 chiến đấu cơ Tornado, máy bay trinh sát và tiếp liệu trong khuôn khổ cuộc chiến chống IS. Nhiệm vụ này sẽ được tiến hành ngay sau khi được Quốc hội Đức chấp thuận.

Giới phân tích cho hay, việc đưa một đạo quân hỗn hợp vào Syria đánh IS sẽ càng khiến tình hình thêm rối. Hiện nay tại Syria có sự hiện diện của cả chục lực lượng gồm các nhóm khủng bố, trong đó có IS, phe phiến quân, quân Chính phủ Syria và quân đội của các nước đồng minh. Bấy nhiêu đó đã khiến hàng triệu người Syria bị chết hoặc phải di tản, thì không hiểu nếu thêm 100.000 binh sĩ nước ngoài, nước này sẽ như thế nào chưa kể những trở ngại khác trong việc thành lập một lực lượng đa quốc như vậy.

Người dân Anh biểu tình phản đối ý định không kích IS của Thủ tướng Anh.

Zubair Iqbal, học giả thuộc Viện Trung Đông, nhận định: "Làm thế nào huy động được một lực lượng lớn như vậy trong một vùng được xem như không có một chính sách thống nhất, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là những nước này chỉ theo đuổi những lợi ích rất nhỏ hẹp và sẽ không thể nào hợp tác với nhau, và luôn luôn có vấn đề là ai sẽ lãnh đạo lực lượng này. Vấn đề thứ ba thực sự quan trọng, là chúng ta sẽ làm gì sau khi đánh bại IS? Chúng ta đã có một chiến lược hay chưa, một chương trình một khi hòa bình được tái lập và những lực lượng khiến cho IS lớn mạnh có biến mất hay không?".

Ông Iqbal nói, nếu trước tiên không hiểu được những nguyên nhân làm cho IS lớn mạnh thì một lực lượng đa quốc như vậy chỉ làm cho vấn đề thêm phức tạp vì nó sẽ làm tăng thêm sự tuyên truyền của nhóm IS là Hồi giáo đang bị phương Tây tấn công.

Trong khi đó chuyên gia về chính sách ngoại giao của Viện Brookings, Robert Kagan, viết trên tờ Wall Street Journal số ra ngày 28-11: IS không chỉ hoạt động tại Trung Đông, cuộc tấn công ngày 13-11 tại Paris chứng tỏ tổ chức này vừa có khả năng hoạt động vừa có khả năng tồn tại lâu dài. Ông nói, nhóm IS đe dọa sự đoàn kết của châu Âu và cộng đồng xuyên Đại Tây Dương.

Do đó theo ông Kagan, cần có một lực lượng Mỹ với quân số lên đến 50.000 để thành lập một vùng an toàn tại Syria trong khi hỗ trợ cho các lực lượng địa phương để đánh bại IS. Ông hy vọng cuối cùng các binh sĩ Mỹ sẽ được các lực lượng châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút và các nước Arập khác thay thế.

Trong khi các chính trị gia kêu gọi "phải đánh IS" thì dư luận tại châu Âu lại đang tỏ ra phân vân. Hôm 29-11, khoảng 4.000 người đã biểu tình ở London để chống lại việc Anh có thể tham gia không kích nhóm IS ở Syria. Cuộc biểu tình do Phong trào phản đối liên minh quân sự tổ chức. Chủ tịch phong trào này, ông Andrew Murray nói rằng cuộc khủng hoảng IS không thể giải quyết bằng bom đạn.

Sau khi Pháp bị tấn công khủng bố ở Paris hôm 13-11, Tổng thống Hollande đã chạy đôn chạy đáo khắp thế giới để vận động một liên minh rộng lớn chống IS bằng vũ lực. Trong cuộc gặp ngày 24-11 tại Paris, Tổng thống Hollande đã thuyết phục được Thủ tướng Anh tham gia liên minh này. Và người đứng đầu Chính phủ Anh hứa sẽ giúp Pháp "một tay" bằng các cuộc không kích IS tại Syria. Anh còn cho phép quân Pháp sử dụng căn cứ không quân Akrotiri của Anh tại Cyprus.

Phát biểu trước quốc hội hôm 26-11, Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra điều mà ông gọi là "trường hợp khẩn cấp" cần mở rộng các cuộc không kích nhắm vào IS từ Iraq sang Syria. Ông Cameron dự định sẽ tổ chức một cuộc biểu quyết tại Hạ viện về việc mở rộng cuộc không kích ở Syria mà ông tự tin mình giành thắng lợi thông qua việc thuyết phục đủ số lượng các dân biểu đảng Lao động ủng hộ ông.

Tuy nhiên, quyết định tham chiến của Thủ tướng Cameron còn phải được Quốc hội Anh chấp thuận. Hiện nay đảng Lao động đối lập ở Anh có chủ trương chống lại việc đưa máy bay tham gia không kích IS. Chính phủ Anh tiền nhiệm hồi năm 2013 đã bị Quốc hội bỏ phiếu bác bỏ việc tham gia hành động quân sự chống chính quyền Assad và cũng không thúc đẩy biểu quyết việc Anh tham gia không kích ở Syria.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.