Ma túy đội lốt thực phẩm, thuốc lá điện tử tấn công giới trẻ:

Không thể làm ngơ (bài cuối)

Thứ Ba, 03/01/2023, 15:15

Qua tìm hiểu của chúng tôi, một bộ phận thanh thiếu niên không những sử dụng các loại ma túy đội lốt thực phẩm để "phê pha" với nhau mà còn tập tành buôn bán. Cách thức cũng rất chuyên nghiệp và "gọn gàng", khi các đối tượng chỉ ngồi một chỗ và nhận hàng, giao hàng qua những nickname trên mạng xã hội và các shipper.

Lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc quyết liệt nhằm tấn công, bóc dỡ các đường dây ma túy nguy hiểm này.

Giới trẻ tập tành nghiện ngập, buôn bán

Thời gian qua, thống kê từ Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an, lực lượng phòng, chống ma túy trên cả nước đã phát hiện một số trường hợp học sinh các trường THPT tụ bạ để sử dụng ma túy, trong số này có nhiều loại ma túy mới đội lốt thực phẩm. Đặc biệt cơ quan chức năng cũng thống kê trên thị trường có đến hàng trăm loại ma túy núp bóng dưới các dạng bánh kẹo, nước uống, bong bóng... rất bắt mắt và dễ dàng lôi kéo được sự tò mò của giới trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Những đứa trẻ luôn là con mồi ngon dễ bị dụ dỗ nhất.

Không thể làm ngơ (bài cuối) -0
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy: "Ma túy đang được các đối tượng pha chế, đóng gói tinh vi dưới dạng thực phẩm, đồ uống... nên vô cùng nguy hiểm".

Đơn cử ngày 25/4/2021 tại Hải Dương, Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện bốn học sinh đang dùng ma túy tại quán nước. Trong số đó có hai em sinh năm 2006. Cụ thể, 4 học sinh bị bắt quả tang đang sử dụng ma túy gồm: T.C.Đ. (sinh năm 2005), Đ.Q.H.A. (sinh năm 2006, đều trú tại phường Cẩm Thượng, TP. Hải Dương), Đ.P.Đ. (sinh năm 2006, ở phường Nguyễn Trãi, TP. Hải Dương), N.Đ.M. (sinh năm 2005, ở phường Thanh Bình, TP. Hải Dương).

Cách đó không lâu, Công an thành phố Ninh Bình cũng phát hiện, bắt giữ hai học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo khi các em đang bán trái phép hai túi ma túy (dạng cần sa) trước cổng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (thành phố Ninh Bình). Thi hành lệnh khám xét nơi ở của một trong hai học sinh trên, Công an thành phố Ninh Bình tiếp tục thu giữ 6 gói cần sa; tổng trọng lượng ma túy thu được là 30,61g.

Đáng lưu tâm là qua quá trình đấu tranh, hai đối tượng khai nhận số ma túy trên là do mua trên mạng Facebook về chia ra bán lại chủ yếu cho học sinh cùng trường để kiếm lời. Vụ việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên.

Không thể làm ngơ (bài cuối) -0
Bánh lười có chứa ma túy hiện đang được các đối tượng rao bán trên mạng.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số trường học đã manh nha xuất hiện một số đường dây buôn bán thực phẩm, đồ uống có chứa chất ma túy. Một số học sinh có người quen ở nước ngoài gửi hàng về, chủ yếu là để sử dụng. Phần còn lại sẽ chia sẻ cho bạn bè, những ai có nhu cầu với mục đích để có tiền mua tiếp.

Có trường hợp các em học sinh suy nghĩ đơn giản, cho rằng các loại bánh lười cũng như thực phẩm thông thường nên nhập hàng từ các đầu nậu trong và ngoài nước rồi đem lên mạng Internet bán kiếm lời. "Cháu thấy các anh chị rao bán đầy nên cháu cũng mua một ít về bán thử xem sao" - một học sinh trả lời ráo hoảnh. Song dù vậy, cách thức giao dịch luôn chỉ qua các nickname trên mạng xã hội, và gửi shipper chứ không bao giờ giao hàng trực tiếp!

Chủ động triệt phá

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về Ma túy (Bộ Công an) thời gian qua, trên thế giới và Việt Nam xuất hiện hai dạng ma túy “núp bóng” dưới dạng pha chế và đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, tinh dầu thuốc lá điện tử.

Không thể làm ngơ (bài cuối) -0
Một thanh niên bị sốc do ăn phải thực phẩm có chứa ma túy.

Cụ thể là thực phẩm như các loại bánh, kẹo có chứa chất ma túy được sản xuất đóng gói có giấy phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới với hàm lượng quy định được ghi rõ trên bao bì kèm theo khuyến cáo khi sử dụng. Thời gian qua, đối tượng đã lén lút mang về nước phát tán, sử dụng dẫn đến gây ngộ độc ở TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đối tượng mua kẹo trong siêu thị có ghi xuất xứ ở Hoa Kỳ mang về cho người nhà sử dụng nhưng không nói rõ trong kẹo có chứa chất ma túy khiến người dùng có thể sử dụng quá nhiều từ đó dẫn đến ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng.

Ma túy được đối tượng pha chế, đóng gói tinh vi dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Đây là thủ đoạn nhằm che mắt cơ quan chức năng trong quá trình mua bán, vận chuyển. Thực chất đây là ma túy pha trộn với thực phẩm, đồ uống. Điển hình như tháng 12/2019, Công an TP. Hà Nội khám phá vụ việc bánh ngọt chứa cần sa bán trên mạng Internet; vụ “nước xoài” có chứa chất ma túy ở TP. Hồ Chí Minh tháng 10/2020; vụ học sinh trường THPT Hoành Bồ (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) sử dụng kẹo chứa cần sa dẫn đến bị ngộ độc, phải cấp cứu tháng 10/2021; vụ 5 bệnh nhân phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội tháng 6/2022 sau khi sử dụng chocolate nhãn hiệu Chill Max có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA (thuộc danh mục IIC, Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 của Chính phủ).

Không thể làm ngơ (bài cuối) -0
Nhóm đối tượng trong đường dây mua bán, sản xuất ma túy núp bóng thực phẩm, thuốc đông y bị Công an thành phố Hà Nội bắt giữ.

Bên cạnh đó, nhiều loại ma túy như “nước vui”, “nước biển” chứa chất GHB (thuộc danh mục IIC, Nghị định 57), “nước xoài” có chứa chất ma túy Bromazepam, Nimetazepam (thuộc danh mục III của Nghị định 57). Nhiều loại ma túy khác như bánh lười, bánh cần chứa cần sa; tinh dầu thuốc lá điện tử, nước nho Ribena chứa ketamin; trà chanh, nước giải khát Tropicana Twister chứa ketamin, MDMA. Người mua bán, vận chuyển, tàng trữ các chất này khi bị bắt thường cố tình khai nhận không biết là ma túy hòng trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Ma túy được ẩn giấu dưới dạng thảo mộc với tên gọi “cỏ Mỹ”. Trong vụ mua bán trái phép chất ma túy do Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) khám phá tháng 9/2022 đối tượng tẩm dung dịch chứa chất ADB-BUTINACA vào chất thảo mộc rồi đóng gói thành loại thuốc lá điếu hoặc pha dung dịch này bơm vào thuốc lá điện tử POD (còn gọi là VAPE). Các đối tượng thông qua mạng xã hội liên kết thành các nhóm phạm tội ở nhiều địa bàn khác nhau. Hình thức giao dịch ma túy chủ yếu thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng ship COD, phần mềm đến khách hàng.

Cũng theo lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về ma túy - để ngăn chặn loại tội phạm ma túy núp bóng thực phẩm chức năng, đồ uống, thời gian qua Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách pháp luật của Nhà nước, tác hại của ma túy và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy, cách nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn.

Hai là, phối hợp với các cơ quan chức năng như hải quan, quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam để phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng.

Ba là, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, toàn dân tham gia và tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Bốn là, các cơ quan chức năng ngành Công an từ Trung ương đến địa phương thường xuyên tăng cường phối hợp với các nhà trường, chính quyền địa phương các cấp các ngành, với từng gia đình trong công tác giáo dục, quản lý, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy.

Năm là, Cục CSĐT tội phạm về ma túy sẽ tăng cường thường xuyên cập nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm về ma túy núp dưới bóng các loại thực phẩm, đồ uống để thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc để tuyên truyền tới toàn thể nhân dân và kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Tăng cường xử điểm, xử lưu động các vụ liên quan đến tội phạm về ma túy núp bóng các loại thực phẩm, đồ uống nhằm tuyên truyền, phòng ngừa loại tội phạm này.

Ngoài ra hướng dẫn nhân dân phát hiện, cung cấp đầy đủ các thông tin cho các cơ quan chức năng về tội phạm ma túy núp dưới bóng các loại thực phẩm, đồ uống để kịp thời bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Ngoài việc giáo dục, quản lý con em trong gia đình tránh xa tệ nạn ma túy thì lực lượng Công an rất cần có các thông tin kịp thời, đầy đủ của người dân khi phát hiện các thông tin liên quan đến tệ nạn, tội phạm ma túy để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh.

Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp quốc cảnh báo về những loại ma túy mới núp bóng thực phẩm

Mới đây Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) cảnh báo, trong những năm gần đây, sản phẩm ma túy được bán trên thị trường là “nước hạnh phúc” và “sữa bột k” đã xuất hiện ở Đông Nam Á, thường chứa ketamine cùng với các loại ma túy khác. Ở châu Mỹ Latinh, bột màu hồng được bán dưới tên “cocaina rosada” (nghĩa đen: “cocain hồng”), “tuci” hoặc “tucibi” đã xuất hiện, cũng thường chứa ketamine.

Đặc biệt xu hướng mới nổi ở Đông Nam Á gồm "nước hạnh phúc"/ "happy water" và "sữa bột k"/ "k-powdered milk" đã xuất hiện trên thị trường bất hợp pháp trong những năm gần đây. Các mẫu của những sản phẩm này có thể chứa nhiều chất kích thích thần kinh khác nhau với sự kết hợp và nồng độ khác nhau, trong đó ketamine là một thành phần thường được xác định. “Nước hạnh phúc” thường được bán trực tuyến thông qua mạng xã hội và tại các địa điểm giải trí ở dạng lỏng hoặc dạng bột để hòa tan trong đồ uống. Các sản phẩm “nước hạnh phúc” đã được thấy ở Myanmar, Singapore và Thái Lan... 

Minh Khang
.
.