Ma túy đội lốt thực phẩm, thuốc lá điện tử tấn công giới trẻ

Len lỏi vào từng ngóc ngách (bài 1)

Thứ Hai, 26/12/2022, 12:54

Thời gian qua tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc ma túy - thậm chí tử vong - đối với nhiều bạn trẻ trong độ tuổi học sinh, sinh viên khiến cho các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng, bất an.

Thêm vào đó, những loại ma túy này luôn được ngụy trang dưới hình thức là các loại nước uống, thực phẩm "vô hại" như: "nước chali", "nước vui", "kẹo chocolate", "bánh lười"... và đang được tiêu thụ tràn lan trên các kênh của mạng xã hội.

"Nước vui" hay nước sầu?

Có thể nói vấn nạn ma túy đội lốt thực phẩm như bánh kẹo, trà sữa, nước vui... thâm nhập học đường đang ngày một trở nên nghiêm trọng. Theo thống kê của Cục CSĐT tội phạm về Ma túy (Bộ Công an), khoảng vài năm trở lại đây trên địa bàn thủ đô Hà Nội nói riêng và một số tỉnh thành phía Bắc đã ghi nhận nhiều vụ ngộ độc ma túy, mức độ đặc biệt nguy hiểm.

Len lỏi vào từng ngóc ngách (bài 1) -0
Một học sinh của Trường THPT Hoành Bồ phải điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Hạ Long, sau khi ăn kẹo nghi chứa ma túy.

Còn nhớ tháng 10/2021, Bệnh viện đa khoa TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã tiếp nhận 13 bệnh nhân là học sinh Trường THPT Hoành Bồ (TP. Hạ Long) trong tình trạng ngộ độc thực phẩm nặng. Qua test nhanh phát hiện có đến 9 em dương tính với ma túy.

Vào cuộc điều tra Cơ quan công an xác định trước đó vào hồi 7 giờ 45 phút ngày 25/10, trong giờ chào cờ đầu tuần, một học sinh lớp 10 có biểu hiện ngộ độc, như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay. Ngay sau đó, có thêm 12 học sinh có biểu hiện tương tự. Phát hiện sự việc, Ban Giám hiệu nhà trường đã cùng tổ y tế sơ cứu ban đầu và chuyển các học sinh này đến Bệnh viện Đa khoa Hạ Long.

Qua rà soát nhanh cho thấy, các học sinh trên đã cùng sử dụng một loại kẹo không rõ nguồn gốc (màu xanh, có in chữ nước ngoài) do một học sinh nam trong lớp mang đến. Nhà trường đã báo cáo các cơ quan chức năng, đồng thời phối hợp Công an TP Hạ Long lập biên bản sự việc, niêm phong gói kẹo học sinh đã sử dụng và xác minh các thông tin liên quan để phục vụ điều tra.

Cơ quan Công an nhanh chóng xác định gói kẹo mà  các học sinh ăn là Medicated Nerds Rope có chứa 400 mg THC (là hoạt chất chính của cây cần sa). Em học sinh nói mua gói kẹo ở một quán cà phê.

Ít tháng sau, tại TP Hà Nội cũng xảy ra một vụ việc tương tự. Vào tháng 5/2022 Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) nhận được thông tin Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở II tiếp nhận và điều trị 5 bệnh nhân trẻ tuổi có triệu chứng lơ mơ, khó thở. Qua khai thác được biết các bệnh nhân sau khi ăn một loại kẹo chocolate khoảng 20 phút thì xuất hiện dấu hiệu bồn chồn, khó thở, sau đó bất tỉnh và được đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Nhận được tin báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đã đến tiếp nhận vụ việc và gửi mẫu chocolate trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Hà Nội giám định chất ma túy trong các mẫu thu được từ vụ việc trên.

Sau khi tiếp nhận trưng cầu của Công an huyện Đông Anh, các giám định viên của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Hà Nội đã tìm thấy chất ADB-BUTINACA trong các viên chocolate. Chất ADB-BUTINACA là chất thường được phát hiện có trong các mẫu "cỏ Mỹ".

ADB-BUTINACA có tác dụng gây ảo giác tương tự như các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẫu thảo mộc, đã được quy định trong danh mục chất ma túy tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ.

Len lỏi vào từng ngóc ngách (bài 1) -0
Giám định viên Công an Hà Nội tổ chức giám định chocolate nghi chứa ma túy.

Tiếp đó trong tháng 12/2022 Công an tỉnh Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh đồng loạt lên tiếng cảnh báo về loại ma túy núp bóng thực phẩm đang âm thầm được tuồn về Việt Nam, tấn công giới trẻ. Nó có tên là "Lazy Cakes" (bánh lười), từng xuất hiện tại Hà Nội khoảng 4-5 năm về trước.

Theo cơ quan công an loại bánh này có tẩm cần sa, được đóng gói trong bao bì màu tím, thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm và sử dụng. Khi ăn, chất kích thích ngấm nhanh vào máu gây cảm giác hưng phấn, ảo giác, dễ buồn ngủ hoặc chỉ thích nằm hay ngồi một chỗ (nên gọi là bánh lười) rồi... cười như ma làm. Loại bánh này được giới chuyên gia cảnh báo có thể gây suy hô hấp tạm thời và có thể khiến người dùng lâm vào trạng thái mê man.

Nguyên liệu để làm bánh là cần sa, chiết xuất thành dung dịch hoặc ma túy tổng hợp. Sau đó hỗn hợp này tiếp tục được trộn với bột mì, trái cây khô, chocolate… rồi nướng, hấp thành bánh và đóng gói. Loại bánh ngọt nguy hại này đã được du nhập vào nước ta từ nhiều năm nay. Người sử dụng chủ yếu là giới học sinh, sinh viên.

Khi học sinh vô tình sử dụng các loại kẹo bánh, nước uống có tiền chất ma túy sẽ gây kích thích phấn khích, dùng lâu sẽ có cảm giác thèm. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh của người dùng và nghiện. Bên cạnh đó, tiền chất ma túy pha trộn trong bánh kẹo, nước trái cây... dễ dàng lưu hành, bày bán và sử dụng mà người xung quanh khó phát hiện để tố giác. Các loại ma túy mới này cũng dễ dàng qua mặt được phụ huynh khi thấy con mình ăn mà không chút nghi ngờ.

Len lỏi vào từng ngóc ngách (bài 1) -0
"Chocolate chill max" được các đối tượng quảng cáo là "căng đét", quan hệ không biết mệt.

Và nghiêm trọng nhất có lẽ là vụ việc vừa xảy ra tại TP Hà Nội vào ngày 10/12 vừa qua. Theo thông tin điều tra ban đầu từ cơ quan công an, vào buổi chiều cùng ngày một nam sinh trẻ tên Nguyễn V.L. (thường trú tại TP Hải Phòng) đã tử vong, sau khi sử dụng ma túy nhiều ngày. Đặc biệt trong số những loại ma túy mà L. sử dụng có một loại "nước vui" có tên là nước Chali.

Cụ thể, khoảng chiều ngày 10/12, L. đến nhà một người bạn tại một chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) chơi. Tại đây L. sử dụng ketamin (ma túy tổng hợp) và nước Chali pha chế thành một thức uống "đặc biệt" và mời nhóm bạn cùng thưởng thức. Sau khi phê ma túy, L. ra phòng khách nằm, còn nhóm bạn cũng tứ tán mỗi đứa một nơi.

Khoảng 19h cùng ngày, một bảo vệ khu chung cư phát hiện ra một nam thanh niên bị rơi xuống bể bơi và trình báo lên cơ quan công an. Nạn nhân được làm rõ là L., đã bị ngã từ tầng 14 của chung cư xuống bể bơi và tử vong.

Chợ ma túy đội lốt thực phẩm

Qua một thời gian thâm nhập thị trường, chúng tôi nhận thấy các loại ma túy đội lốt thực phẩm đặc biệt nguy hiểm lại có thể mua khá dễ dàng trên mạng xã hội. Dĩ nhiên nó không được chào bán công khai song chỉ cần là thành viên của một hội nhóm kín là có thể tiếp cận được với các đầu mối chuyên nhập hàng từ nước ngoài về bán.

Được biết các đối tượng buôn bán những loại ma túy đội lốt thực phẩm như bánh lười, chocolate chill max; các loại trà sữa, nước vui... thường có rất nhiều chiêu trò để đánh vào thị hiếu của những em học sinh còn ít tuổi, thiếu hiểu biết. Đơn cử, các đối tượng dẫn dụ các em vào đọc những bài viết về các ngôi sao ca nhạc, ngôi sao bóng đá trên thế giới "vô tư" sử dụng các loại bánh kẹo có tẩm chất ma túy như tài mà, cỏ Mỹ... Các em khi thấy "thần tượng" sử dụng thì cũng bắt chước, hoặc tin tưởng dùng theo.

Len lỏi vào từng ngóc ngách (bài 1) -0
Nước Chali được các đối tượng quảng cáo “chỉ cần 1 gói 10 người lên tiên”.

Bên cạnh đó, các đối tượng cũng kể về cảm giác sau khi ăn chocolate - như một hành trình khám phá thế giới mới với biết bao niềm vui, sự lạ, gây cảm giác tò mò, hưng phấn. Ngoài ra các đối tượng cũng tổ chức quảng cáo hết sức rầm rộ cho những loại thực phẩm này.

Như đoạn rao về loại "Chocolat Chill Max Phi Hành Gia" đẳng cấp nhất mới ra lò năm 2022: "Mang lại cảm giác mới lạ, cho cuộc vui căng đét; tiện lợi sử dụng bất kỳ đâu. Lại còn dễ ăn, dễ ngủ còn "quan hệ" không biết mệt". Đặc biệt các đối tượng cũng khẳng định loại chocolate này không phải là ma túy, và nếu test nước tiểu cũng ra kết quả âm tính!? Nên hết sức an toàn khi sử dụng. Chủ topic còn không quên "thả thơ" cho loại sản phẩm mới: "Đừng thấy anh xấu mà chê/ Chơi đi thì biết anh phê cỡ nào".

Hay như tại nhóm "Chill with...", nhiều nickname rao bán loại nước vui "hot nhất quả đất" có tên Chali. Loại nước này được quảng cáo là sẽ khiến người dùng nhanh chóng "lên tiên" chỉ sau ít phút sử dụng. Liên hệ với số điện thoại đi kèm topic 0772493xxx tôi được một cô gái có nickname Zalo là "Mẫn Nhi" trả lời đang rất sẵn hàng. Giá 1 gói là 300 ngàn đồng, pha ra 10 người cùng "phê". Còn nếu mua sỉ 10 gói là 2,5 triệu đồng, 100 gói thì giá chỉ còn 21 triệu đồng. Nếu muốn mua thì đặt cọc trước 50%, sau khi nhận hàng kiểm tra "hàng chuẩn" thì chuyển khoản nốt số tiền còn lại.

Có thể thấy việc một bộ phận giới trẻ đang bị các loại ma túy đội lốt thực phẩm, đồ uống tấn công, gây những hậu quả nặng nề về sức khỏe và tính mạng. Song theo tìm hiểu của nhóm phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới, thời gian gần đây giới trẻ cũng đang "phát cuồng" với một "món mới" là thuốc lá điện tử. Loại thuốc lá này thường được những con nghiền pha thêm ma túy vào để "lê-tê-phê"...

(Còn nữa)

Mẹ ngộ độc vì ăn nhầm bỏng ngô có tẩm ma túy con trai mua qua mạng

Tối 29/11 vừa qua Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc sau khi ăn nhầm bỏng ngô nghi có tẩm cần sa.

Theo TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm thì bệnh nhân là nữ (sinh năm 1969, thường trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC - một chất chính có trong cần sa. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ nên đã qua cơn nguy kịch.

Theo lời kể của người nhà, chiều tối 29/11, sau khi ăn vài miếng bỏng ngô do con đặt mua trên mạng, nữ bệnh nhân kể trên bỗng cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn... sau đó ý thức lơ mơ và được người nhà đưa vào Trung tâm Chống độc để cấp cứu.

Tổ chức điều tra xác minh vụ việc, lực lượng chức năng thuộc Công an quận Hoàng Mai đã tiến hành làm việc với nữ bệnh nhân trên và 2 thành viên trong gia đình là chồng, con trai. Diễn biến sự việc cho thấy, con trai của nữ bệnh nhân (sinh năm 1998), thường mua bán hàng qua mạng xã hội.

Khoảng ngày 28/11, anh này thông qua số điện thoại di động của bố, đặt mua 50.000 đồng bỏng ngô với một hội nhóm quen trong ứng dụng Telegram. Thời điểm hàng chuyển đến, cậu con trai không có nhà, và nhờ bố nhận hộ. Tổng cộng tiền bỏng và công vận chuyển là 80 ngàn đồng.

Khi về nhà, anh này ăn mấy hạt bỏng thì thấy đắng, nên đã để lại. Ngày 29/11, trong khi dọn nhà, người mẹ trông thấy gói bỏng ngô bóc dở, vì…tiếc nên đã ăn, dẫn đến bị ngộ độc.

Theo người con trai, sau khi mẹ ngộ độc, anh này liên lạc lại với hội nhóm bán bỏng ngô trên Telegram, thì nhóm này đã chủ động cắt đứt liên lạc.     

Minh Khang
.
.