Nạn buôn người qua chiêu bài tuyển cầu thủ

Thứ Sáu, 14/07/2023, 20:14

Những nhà môi giới cầu thủ chuyên nghiệp được xem như cứu cánh giúp nhiều ngôi sao bóng đá tiềm năng ở châu Phi bước ra ánh sáng và đổi đời. Lợi dụng điều đó, nhiều kẻ bất lương đã giả làm nhà môi giới, khiến hàng nghìn cầu thủ trẻ ở lục địa đen sập bẫy, mất tiền và đôi khi mất cả mạng sống...

Trường hợp điển hình của Abdrasaq

Abdulwasiu Abdrasaq từng là một cầu thủ trẻ tại Nigeria. Năm ngoái, trong khi duyệt tin tức trên Facebook, Abdulwasiu Abdrasaq nhìn thấy một quảng cáo cho công ty TalentBracket.net có trụ sở tại Australia đề nghị biến ước mơ chơi bóng chuyên nghiệp ở châu Âu của anh thành hiện thực. Tất cả những gì Abdrasaq cần làm là nhập chi tiết liên hệ, vị trí chơi ưa thích và quốc gia yêu thích - họ sẽ lo phần còn lại.

Nạn buôn người qua chiêu bài tuyển cầu thủ -0
Hầu hết các cầu thủ trẻ châu Phi đều khao khát được đến châu Âu chơi bóng.  Ảnh: DW.

“Sau vài tuần, họ gửi cho tôi một email thông báo rằng đơn đăng ký của tôi đã thành công và Real Betis đã chọn tôi,” chàng trai 19 tuổi nói với phóng viên báo DW của Đức.

Abdulwasiu Abdrasaq sau đó được thông báo rằng anh sẽ có một cuộc phỏng vấn với huấn luyện viên  người Chile, Manuel Pellegrini của Real Betis thông qua một nền tảng tuyển trạch khác, CoachPad.net. Vài ngày sau, “huấn luyện viên” Pellegrini đã gửi cho Abdrasaq một lá thư mời thử việc đính kèm qua email và yêu cầu chàng trai trả 125 euro phí đối ứng trong khi CLB sẽ trang trải phần còn lại là 425 euro. Abdrasaq và gia đình đã vội vàng kiếm đủ số tiền và gửi nó qua một nền tảng thanh toán trực tuyến.

Vài tuần sau, Abdrasaq lại được yêu cầu trả 250 euro cho đơn xin thị thực lao động trong khi phía CLB tự xưng là Real Betis kia sẽ chi trả 500 euro còn lại để anh có thể đến Tây Ban Nha thử việc. Sau đó, Abdrasaq cảm thấy nghi ngờ và liên hệ với nền tảng hỗ trợ các cầu thủ bóng đá địa phương, Footballers Connect. Đại diện nền tảng này đã xem qua thư mời mà Abdrasaq nhận được và xác nhận những nghi ngờ của anh là chính xác.

"Họ nói với tôi rằng tôi đã bị lừa," Abdrasaq nói. Chàng trai người Nigeria vì thế đã từ bỏ giấc mơ bóng đá để tập trung vào việc lấy bằng Truyền thông đại chúng tại Đại học bang Kwara (Nigeria) đồng thời khuyên các cầu thủ trẻ khác nên cẩn thận với các nền tảng như TalentBracket.net và CoachPad.net.

Theo Didier Drogba, cựu danh thủ người Bờ Biển Ngà từng khoác áo Chelsea, những câu chuyện như của Abdulwasiu Abdrasaq vẫn còn quá phổ biến ở châu Phi. Nhà vô địch Champions League 2012 đang đi đầu nỗ lực ngăn chặn các đồng nghiệp trẻ sập bẫy lừa đảo khi tham chiến dịch tuyên truyền cùng Hiệp hội Cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp quốc tế (FIFPro) về những mối nguy hiểm do người đại diện cầu thủ giả mạo gây ra.

“Một người đại diện tốt sẽ không bao giờ đòi tiền để ký hợp đồng với bạn,” huyền thoại bóng đá người Bờ Biển Ngà nói trong một hội thảo do FIFPro tổ chức cuối tuần qua. "Và các CLB chân chính cũng không yêu cầu bạn trả tiền để đến thử việc. Các cầu thủ trẻ châu Phi phải biết cách phân biệt giữa người đại diện giả và người đại diện thật”.

Nạn buôn người qua chiêu bài tuyển cầu thủ -0
Thành công của Didier Drogba là động lực để những thanh niên châu Phi quyết đổi đời bằng bóng đá. Ảnh: Getty Images.

Mảnh đất màu mỡ cho bọn bất lương

Theo một báo cáo mới được FIFPro công bố, 70% cầu thủ bóng đá châu Phi được khảo sát thừa nhận từng bị những người giả làm nhà môi giới chủ động tiếp cận, hứa sẽ giúp họ có cơ hội thi đấu ở nước ngoài. Đa phần những chuyến đi đó không bao giờ xảy ra, và trong trường hợp cầu thủ được đưa ra nước ngoài, họ thường bị bỏ rơi và phải tự tìm cách tồn tại trong những điều kiện không thuận lợi.

Fred Lord - cựu Trưởng bộ phận Liêm chính Thể thao của Trung tâm An ninh Thể thao Quốc tế (ICSS) đồng thời là cựu Giám đốc “Sáng kiến Đào tạo liêm chính trong thể thao INTERPOL-FIFA”, cũng chia sẻ thông tin tương tự. “Bóng đá chuyên nghiệp thường được coi là Chén Thánh của nhiều cầu thủ trẻ, với ước mơ trở thành Messi, Mane, Ronaldo hay Mbappe tiếp theo, và là tấm vé vàng để họ và gia đình thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Khát khao đó tạo ra môi trường màu mỡ cho bọn tội phạm lợi dụng”, ông Lord nói.

Fred Lord cho biết thêm, ông đã gặp trực tiếp nhiều cầu thủ trẻ đến từ Mali, Cameron và Ghana, những người đã tới Paris mà không có bất kỳ giấy tờ tùy thân, y tế hoặc hỗ trợ tài chính nào. Sau khi ước mơ được tham dự các buổi thử bóng đá hợp pháp hoặc giả mạo không thành hiện thực, họ bơ vơ tại đất khách quê người, không thể và trong một số trường hợp là cũng không muốn trở về nhà.

Những thân phận như vậy cuối cùng sẽ trở thành mồi ngon để các tổ chức tội phạm lợi dụng. Theo một điều tra của báo Sunday People (Anh), mỗi năm có khoảng 15.000 thanh niên, chủ yếu đến từ châu Phi, bị các tổ chức tội phạm chuyên giả danh người đại diện cầu thủ tiếp cận để tìm cách lừa đảo.

Nạn buôn người qua chiêu bài tuyển cầu thủ -0
Cựu chuyên gia an ninh của FIFA, cựu đặc vụ Intepol - Chris Eaton cho biết, mỗi năm có hàng nghìn thanh thiếu niên châu Phi sập bẫy những kẻ môi giới cầu thủ giả. Ảnh: Twitter.

Cựu chuyên gia an ninh của FIFA đồng thời là cựu đặc vụ Interpol, ông Chris Eaton, cho biết: “Có hàng ngàn trẻ em và thanh niên châu Phi bị lừa và thậm chí bị buôn bán sang các nước châu Âu. Những nhà môi giới giả liên hệ với các cầu thủ có triển vọng thông qua mạng xã hội, chẳng hạn như Facebook, rồi dùng cách sao chép thư mời của các CLB chuyên nghiệp để lừa các em”.

Ông Eaton mô tả kỹ hơn: “Bọn lừa đảo đóng giả làm người đại diện, làm nhà môi giới cầu thủ hoặc tuyển trạch viên của các CLB nổi tiếng rồi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để tiếp cận cầu thủ trẻ. Ai không có khả năng tài chính hoặc thận trọng thì chúng lừa tiền đặt cọc, ai dám dấn thân, đánh liều thì chúng đòi một khoản tiền to rồi đưa họ đến một quốc gia xa xôi nào đó và bỏ mặc họ lại. Một số em bị chúng thu mất hộ chiếu, phải sống chui lủi vì sợ chính quyền sở tại bắt được, và rồi bị bọn tội phạm địa phương tuyển dụng làm những công việc phi pháp, nguy hiểm tính mạng”.

Chuyện không phải của riêng ai

Thanh thiếu niên nghèo từ các nước châu Phi như Nigeria, Senegal, Ghana, Bờ Biển Nga và Mali là những con mồi dễ dàng của bọn lừa đảo, vì họ luôn mơ về danh tiếng và thu nhập cả trăm nghìn euro mỗi tuần mà những danh thủ đồng hương như Didier Drogba hay Sadio Mane kiếm được ở sân cỏ châu Âu.

“Những cậu bé đều bị hấp dẫn bởi Premier League và môi trường bóng đá châu Âu. Các CLB Anh đã phát động các chiến dịch ngăn chặn loại tội phạm này, nhưng Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) và Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã không làm quyết liệt như vậy”, cựu đặc vụ Interpol, Chris Eaton nói.

Còn Geremi Njitap, cựu tuyển thủ quốc gia Cameroon và hiện là Chủ tịch FIFPro châu Phi, thì lý giải việc các CLB thiếu cơ sở hạ tầng để phát triển và không đủ tài chính để trả lương khiến các cầu thủ châu Phi dễ bị cám dỗ bởi cơ hội thi đấu ở nước ngoài: "Điều quan trọng là phải cải thiện điều kiện để các cầu thủ trẻ châu Phi có thể đạt được ước mơ ngay trong cộng đồng của họ”, Geremi, người từng chơi cho Real Madrid, Chelsea và Newcastle, nhận định.

Theo báo DW, hiện vẫn còn thiếu một khuôn khổ quốc tế cho phép cung cấp các chiến lược tuyển dụng cầu thủ một cách chủ động để giảm thiểu mối đe dọa do tội phạm gây ra trong lĩnh vực tội phạm đang gia tăng này.

Nạn buôn người qua chiêu bài tuyển cầu thủ -0
Geremi Njitap, cựu tuyển thủ Cameroon và hiện là Chủ tịch FIFPro châu Phi (bên trái) rất trăn trở về nạn lừa đảo nhắm vào các cầu thủ trẻ. Ảnh: FIFPro.

Lỗ hổng trong việc giải thích bản chất thực sự cho cầu thủ trẻ và gia đình họ về bọn lừa đảo hiện đang được lấp đầy bởi các tổ chức phi chính phủ, các nhà báo điều tra và các cựu danh thủ như Drogba hay Geremi. Nhưng con số thực sự về các nạn nhân thông qua thể thao quốc tế vẫn chưa được xác minh, và cũng rất khó xác minh khi nhiều nạn nhân không trình báo chính quyền.

Và, không chỉ cầu thủ phải đối mặt với cạm bẫy của các nhà môi giới giả, mà các ông chủ CLB hoặc học viện bóng đá cũng vậy.  Olatunji Okuku, người sáng lập Học viện Triple 44 ở Ibadan (Nigeria), nói với báo DW rằng các nhà quản lý của học viện bóng đá này thường chịu áp lực phải trả tiền cho người môi giới để tìm CLB cho cầu thủ mình đào tạo, do đó góp phần gây ra vấn đề.

“Chúng tôi, những ông chủ CLB, cũng rơi vào những cái bẫy này vì muốn tìm kiếm cơ hội cho các cầu thủ của mình” Okuku nói. Vị giám đốc học viện kể rằng một người đại diện giả đến từ Thụy Sĩ từng mời ông đi du lịch châu Âu cùng với một cầu thủ trẻ, hứa hẹn sẽ có được một hợp đồng khi đến nơi. Nhưng hợp đồng không bao giờ xuất hiện. Thay vào đó, Okuku được đề nghị đầu tư 80.000 euro vào một CLB bóng đá ở Albania để cầu thủ từ học viện sử dụng làm điểm dừng tại châu Âu trước khi đến được các nền bóng đá lớn hơn. Đi kèm với đó là lời hứa chia lợi nhuận béo bở trong tương lai.

May là Okuku từ chối “cơ hội” ấy, trở về Nigeria và tiếp tục xây dựng học viện của mình. Nhưng không phải ai cũng tỉnh táo như ông.

Theo Mahfoud Amara, một chuyên gia thể thao Bắc Phi từ Đại học Qatar, hàng ngàn cầu thủ trẻ tốt nghiệp từ các học viện mọc lên như nấm trên khắp châu Phi cuối cùng bị lạc trong hệ thống di cư bóng đá phức tạp và lộn xộn hiện nay. Những học viện này được thành lập với lời hứa cung cấp các hợp đồng chuyên nghiệp ở nước ngoài.

Để ngăn chặn, cần có sự giáo dục và nhận thức tốt hơn. Các nền tảng truyền thông xã hội, tivi, báo đài và áp phích trưng bày tại các sân vận động nên được sử dụng tuyên truyền về những chiêu trò của bọn lừa đảo. CAF và FIFA cũng nên công bố rộng rãi tên của các nhà môi giới cầu thủ chính thức được FIFA cấp phép. Điều này sẽ giúp các cầu thủ trẻ và gia đình họ dễ dàng xác minh.

Nhưng cuối cùng, theo Didier Drogba, trách nhiệm bảo đảm  an toàn vẫn phải bắt đầu từ nhận thức của các cầu thủ trẻ. “Người đại diện tốt nhất các em có là chính các em. Cứ thể hiện tốt trên sân cỏ, những người đại diện tử tế sẽ tìm đến các em, một cách đường hoàng. Không cần phải đi tìm họ trên mạng xã hội hay qua những lời giới thiệu vô trách nhiệm” - cựu danh thủ người Bờ Biển Ngà nhắn nhủ.

Quang Anh (Tổng hợp)
.
.