Ngăn chặn đa cấp trá hình nơi vùng cao biên giới
Không hiểu rõ mạng internet, không biết tiền ảo là gì nhưng nhiều người dân tộc Mông ở miền núi huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa lại dám dốc sạch vống liếng để kinh doanh tiền ảo theo lời dụ dỗ. Dù lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về thủ đoạn hoạt động lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng nhiều người đã bị các đối tượng lừa đảo lôi kéo tham gia vào hoạt động kinh doanh tiền ảo đa cấp trên mạng, gây thiệt hại về tài sản, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Thủ đoạn cũ
Tháng 9-2021, trên địa bàn huyện miền núi biên giới Mường Lát có 3 nhóm với gần 90 người tham gia kinh doanh đa cấp dưới 2 hình thức: Đầu tư đồng tiền ảo TRON (TRX) trên mạng internet; đầu tư thông qua Công ty Vitae. Trong đó, có 72 người Mông huyện Mường Lát và 17 người Mông ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lào Cai tham gia.
Đối với hoạt động đầu tư đồng tiền ảo TRON, thủ đoạn của các đối tượng là thông qua mạng xã hội Facebook tạo lập các phòng Zoom để tổ chức thuyết trình, lôi kéo người dân tham gia với những lời hứa về lợi nhuận cao, “tiền đẻ ra tiền”, “không phải làm gì cũng có tiền”. Để trở thành thành viên, mỗi người phải đóng từ 1 đến 2 triệu đồng tùy thuộc vào tỉ giá quy đổi giữa tiền Việt Nam và đồng tiền ảo TRON tại mỗi thời điểm giao dịch để mua 510 TRON. Sau khi đóng tiền, người tham gia sẽ được hướng dẫn lập một ví tiền ảo Klever để quản lý và được cấp một mã số riêng.
Để phát triển thành viên, các đối tượng tham gia sẽ phải tìm kiếm, phát triển nhánh gồm 2 thành viên cấp dưới (đây là hình thức kinh doanh đa cấp tiền ảo hệ nhị phân). Từ 2 thành viên mới này, nếu phát triển tiếp thêm thành viên mới khác thì người giới thiệu ban đầu sẽ được thăng cấp và hưởng một số tiền ảo tương ứng. Việc thăng cấp chỉ được công nhận khi phát triển đầy đủ mỗi nhánh 2 thành viên. Vì lý do nào đó, cấp dưới không phát triển đủ 2 thành viên thì cấp trên không được thăng cấp và không được hưởng hoa hồng; nếu không phát triển được thành viên mới, người chơi sẽ bị mất số tiền đóng ban đầu.
Dù không am hiểu nhiều về công nghệ hay tài chính nhưng được các đối tượng từ nước ngoài rủ rê, lôi kéo, nhiều người Mông trên địa bàn huyện Mường Lát do hám lời nên mù quáng tin theo. Tại huyện Mường Lát, lực lượng chức năng đã làm rõ có 3 nhóm tham gia đầu tư đồng tiền ảo TRON gồm: nhóm Suối Phái, xã Tam Chung với 36 người tham gia, do Vàng A Chu đứng đầu; nhóm tại bản Pù Toong, xã Pù Nhi với 22 người tham gia (bao gồm cả người Mông ở tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Sơn La) do Lâu Văn Gấu đứng đầu và nhóm ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung với 4 người tham gia do Sùng Thị Cợ đứng đầu.
Với hình thức đầu tư thông qua Công ty Vitae, 31 người chủ yếu là các cặp vợ chồng người Mông ở bản Pha Đén, xã Pù Nhi và bản Pá Búa, xã Trung Lý (huyện Mường Lát) tham gia. Hoạt động này xâm nhập vào địa bàn từ năm 2019 do một số đối tượng ở tỉnh Điện Biên tuyên truyền trên mạng xã hội. Về cách thức đầu tư, mỗi người tham gia đóng từ 5-6 triệu đồng với lời hứa được trả lương hằng tháng dựa trên lợi nhuận của Công ty Vitae và khi giới thiệu người mới tham gia, đến cuối năm 2021 mỗi người sẽ được nhận tổng số tiền từ 100-200 triệu đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7-2020, Công ty Vitae tuyên bố phá sản nên người tham gia bị mất toàn bộ số tiền đã nộp, dẫn đến hệ lụy mâu thuẫn giữa những người tham gia và người thân, họ hàng khi lôi kéo người thân tham gia.
Chị H.T.D, ở bản Suối Phái, xã Tam Chung, một trong số những nạn nhân cho biết: “Thông qua mạng xã hội, một số người trên địa bàn đã tìm cách tiếp cận, làm quen rồi rủ rê tham gia. Tôi đã nộp vào 2 triệu đồng, họ hứa chỉ cần nộp tiền và giới thiệu người khác tham gia thì sẽ được hưởng hoa hồng và được trả tiền lãi hằng tháng. Nhưng, sau khi nộp tiền thì họ nói công ty đã phá sản nên không đòi lại được”.
Các đối tượng cầm đầu, chủ mưu đa số đều đang sống ở nước ngoài, lợi dụng mạng xã hội qua các ứng dụng như Facebook, Zalo, YouTube... để lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin trong nước tham gia. Khi lôi kéo được người tham gia trong nước, để duy trì đường dây, nhánh hoạt động, người tham gia bắt buộc phải lôi kéo thành viên mới tham gia để nuôi sống hệ thống. Nên những người Mông, huyện Mường Lát khi tham gia vào hình thức này chủ yếu phát triển đường dây bằng cách lôi kéo người thân trong gia đình, cộng đồng dân tộc mình tham gia. Khi sự việc vỡ lỡ, hệ quả để lại là rất lớn. Ngoài tiền mất, tật mang, nhiều người còn nghi ngờ lẫn nhau dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình, cộng đồng...
Chặt “vòi bạch tuộc”
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an huyện Mường Lát tập trung nắm tình hình, tổ chức tuyên truyền để người dân nắm rõ những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, từ đó đề cao cảnh giác không bị các đối tượng lôi kéo, rủ rê tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, “chơi tiền ảo”; tích cực phòng ngừa, phát hiện và tố giác hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép. Phòng An ninh đối nội Công an tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và Công an huyện Mường Lát mở đợt cao điểm tuyên truyền vận động người dân bằng nhiều hình thức như: Tổ chức họp dân tại 22 bản Mông; phát bằng cả tiếng Mông và tiếng Việt trên hệ thống loa truyền thanh của huyện và các xã, bản người Mông; tranh thủ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc để tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp, tiền ảo để mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Mặt khác, lực lượng Công an đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác minh làm rõ để ngăn chặn sự lây lan, phát triển của hình thức lừa đảo trên. Chỉ sau một thời gian ngắn xác minh, các lực lượng chức năng đã làm việc với 30 đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp. Tất cả những trường hợp này đều do thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin nên đã tin theo và nộp tiền cho các đối tượng cầm đầu, sau đó tìm cách lôi kéo thêm thành viên mới để nhận hoa hồng, lấy lại số tiền đã nộp ban đầu.
Các đối tượng đứng đầu đường dây, nhánh phát triển như Vàng A Chu, Lâu Văn Gấu, Sùng Thị Cợ do trình độ, nhận thức hạn chế cũng bị các đối tượng từ nước ngoài rủ rê, lôi kéo vào hoạt động lừa đảo. Cơ quan công an đã yêu cầu cam kết dừng hoạt động, không tiếp tục lôi kéo người khác tham gia kinh doanh đa cấp.
Thượng tá Lê Văn Hiệp, Phó trưởng Phòng An ninh đối nội Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đây là những hình thức lừa đảo không mới diễn ra trên không gian mạng mà các cơ quan chức năng, cũng như lực lượng Công an đã tuyên truyền, phổ biến từ nhiều năm nay. Hình thức, thủ đoạn tuy cũ nhưng các đối tượng lừa đảo lại nhắm tới một bộ phận người dân thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết, thiếu thông tin ở vùng miền núi, dân tộc để thực hiện hành vi lừa đảo. Đây cũng là bài học đắt giá để người dân rút kinh nghiệm, đừng vì hám lợi mà dễ dàng sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Với sự đấu tranh kịp thời, quyết liệt, bằng nhiều biện pháp, đến nay hoạt động kinh doanh đa cấp tại vùng đồng bào Mông, huyện Mường Lát đã chấm dứt. Tuy nhiên, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho người dân và chính quyền địa phương trước các thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, số đối tượng hoạt động lợi dụng vào tâm lý tin người của đồng bào dân tộc Mông, triệt để lợi dụng mạng xã hội, quan hệ thân tộc, đồng tộc để lôi kéo người dân tham gia. Mặc dù đến thời điểm này, bà con đã nhận ra được thủ đoạn của các đối tượng xấu, chưa phát hiện người dân tiếp tục tham gia nhưng chính quyền huyện đã chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội, các xã, thị trấn tiếp tục nắm bắt tình hình, tổ chức tuyên truyền, thông tin cảnh tỉnh người dân về hoạt động này.