Nguy cơ cuộc chiến bạo lực mới giữa IS và Taliban

Thứ Năm, 05/05/2022, 13:17

Ngày 2-5, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng chịu trách nhiệm về chuỗi các vụ tấn công chết người trên khắp Afghanistan. Trong hai tuần qua, IS, mà cụ thể là ISIS-K đã thực hiện ít nhất 4 vụ tấn công khủng bố lớn tại quốc gia Nam Á này, làm dấy lên lo ngại rằng đây là khởi đầu của một cuộc chiến bạo lực mới.

Tháng lễ Ramadan đẫm máu

Ngày  29-4, một vụ nổ lớn tại nhà thờ Hồi giáo Khalifa Sahib, nằm ở khu vực Darulaman, phía Tây thủ đô Kabul, Afghanistan đã làm hơn 50 người tử vong. Đây là vụ mới nhất trong một loạt vụ tấn công vào các mục tiêu dân sự ở thủ đô và các tỉnh Afghanistan. Văn phòng các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc (OCHA) tại Afghanistan cho biết, vụ nổ xé nát nhà thờ Hồi giáo, làm hư hỏng mái nhà…

Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres lên án mạnh mẽ vụ tấn công và nhấn mạnh, các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các đối tượng dân sự, bao gồm cả các nhà thờ Hồi giáo, bị nghiêm cấm theo luật nhân đạo quốc tế. Besmullah Habib, Phó phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết, vụ đánh bom xảy ra tại nhà thờ Hồi giáo Khalifa Sahib ở phía Tây thủ đô Kabul vào đầu giờ chiều 29-4 (theo giờ địa phương) khi những người sùng đạo tại nhà thờ Hồi giáo dòng Sunni tụ tập sau buổi cầu nguyện ngày thứ sáu. Nhiều khả năng, kẻ đánh bom liều chết đã có mặt cùng các tín đồ trong buổi lễ và cho nổ chất nổ quấn quanh người.

Nguy cơ cuộc chiến bạo lực mới giữa IS và Taliban -1
Lực lượng an ninh của Taliban đứng gác trong một buổi lễ ở Kabul hôm 28-4. Ảnh: EFE.

Các bệnh viện địa phương báo cáo con số thương vong cao hơn nhiều, với hàng chục người được cho là thiệt mạng và bị thương, trong đó có nhiều trẻ em. Bệnh viện cấp cứu ở trung tâm thành phố Kabul xác nhận đang điều trị cho 20 người bị thương trong vụ nổ, ngoài ra còn có hai người chết khi đến nơi. Một y tá tại bệnh viện gần đó thông tin thêm, họ đã tiếp nhận một số người bị thương trong tình trạng nguy kịch do vụ tấn công liều chết.

Ramiz Alakbarov, Điều phối viên Nhân đạo của Liên hiệp quốc tại Afghanistan khẳng định đây là một vụ tấn công "khủng khiếp". Ông Ramiz Alakbarov nói: “Vụ nổ xảy ra vào thứ sáu cuối cùng của tuần lễ Ramadan, là một đòn đau nữa đối với người dân Afghanistan, những người tiếp tục phải hứng chịu tình trạng bất an và bạo lực không ngớt. Việc thường dân bị nhắm mục tiêu một cách bừa bãi khi họ tụ tập cầu nguyện, đi học, đi chợ hoặc trên đường đi làm là vô lương tâm”.

Như vậy, trong những tuần gần đây, ngày càng có thêm nhiềìu người dân Afghanistan thiệt mạng trong các vụ nổ. IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ tấn công này. Điều này lại càng dấy lên tranh cãi về vai trò đảm bảo an ninh của chính quyền Taliban. Khi giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul và các vùng khác trên đất Afghanistan hồi tháng 8 năm ngoái, Taliban đã tuyên bố sẽ đảm bảo an toàn cho đất nước và loại bỏ phần lớn các nhóm chiến binh IS, chi nhánh ở các địa phương.

Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế đã cảnh báo rằng, nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự tại quốc gia này vẫn còn. Thực tế thì nhiều cuộc tấn công nhắm vào cộng đồng thiểu số tôn giáo Shia, đồng thời vào các nhà thờ Hồi giáo dòng Sunni đã được tiến hành. Hôm 28-4, bom cũng phát nổ trên hai xe tải chở người Hồi giáo dòng Shia ở thành phố Mazar-e-Sharif, miền Bắc Afghanistan làm ít nhất 9 người thiệt mạng. Trước đó 6 ngày (22-4), một vụ nổ đã "xé nát" một nhà thờ Hồi giáo dòng Sunni trong buổi cầu nguyện ở thành phố Kunduz, khiến 33 người thiệt mạng…

gettyimages_1234881175_copy.jpg -0
Các vụ nổ liên tiếp xảy ra ở Afghanistan trong thời gian qua làm hàng trăm người thiệt mạng và bị thương. ảnh: Getty.

Nỗi lo sợ về ISIS-K

Các thông tin tình báo từ Mỹ, phương Tây và cả Taliban đều khẳng định, hoạt động chống phá, khủng bố tại Afghanistan hiện do chi nhánh IS, được biết đến với tên gọi Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K) tiến hành. Chi nhánh tổ chức này được thành lập vào năm 2015 bởi các chiến binh Taliban và những người Pakistan vỡ mộng. ISIS-K coi những người Hồi giáo dòng Shiite và Sufi là những kẻ dị giáo và không tin Taliban đủ nghiêm khắc để xử lý.

Trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái, hầu hết các chiến binh ISIS-K đều ở miền Đông Afghanistan và một số thủ lĩnh đã bị giết trong các cuộc không kích của Mỹ hoặc các cuộc đột kích của biệt kích Afghanistan. Theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trong những tháng dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan vào năm ngoái, ISIS-K đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công (nhiều hơn so với năm 2020).

Khi Taliban dọn sạch các nhà tù ở Afghanistan, hàng ngũ của ISIS-K bắt đầu được củng cố. Phái bộ Liên hiệp quốc tại Afghanistan cho biết, với số lượng chiến binh tăng gấp đôi, hiện ISIS-K có các thành viên ở hầu hết 34 tỉnh của Afghanistan và chúng đã thực hiện hàng chục vụ tấn công từ cuối năm 2021 đến nay, giết chết gần 100 chiến binh Taliban.

Mặc dù Taliban tuyên bố ISIS-K không đe dọa đến an ninh của Afghanistan, nhưng Michael Kugelman, Phó giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, nói với tạp chí Times rằng, lý do đằng sau sự gia tăng bạo lực này là vì ISIS-K đang tìm cách làm xấu mặt Taliban và làm suy yếu tính hợp pháp của lực lượng này. ISIS-K cũng muốn "đẩy lùi" tuyên bố của Taliban rằng họ khôi phục hòa bình và ổn định trên khắp đất nước sau sự ra đi của quân đội Mỹ. “Nếu người Afghanistan nhìn thấy mọi thứ bị nổ tung từ trái sang phải, thì rõ ràng điều đó đang khiến cho Taliban mất uy tín”, Michael Kugelman nhấn mạnh.

isis khurasan sept 2020 pose crop.png -0
Hình ảnh về các chiến binh ISIS-K được cắt ra từ một video hồi tháng 9 năm 2020.

 Cũng theo phân tích của ông Michael Kugelman, sự sụp đổ của quân đội Afghanistan và sự ra đi của các lực lượng NATO cũng có nghĩa là vũ khí đã bị loại bỏ, giúp các chiến binh ISIS-K không phải lo lắng về các cuộc không kích như một phương pháp hữu hiệu để chống khủng bố. Và cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo đang diễn ra ở Afghanistan cũng tạo ra môi trường cho các cá nhân cực đoan được ISIS-K tuyển mộ.

Michael Kugelman chỉ rõ, ISIS-K có một số mục tiêu ở Afghanistan gồm: gây ra căng thẳng giáo phái, gieo rắc hỗn loạn và gây cảm giác bất an nói chung. “Nhóm này muốn khủng bố càng nhiều người càng tốt và không giới hạn đối tượng có thể bị nhắm làm mục tiêu”, Michael Kugelman nói và cảnh báo khi Taliban đấu tranh để cai trị Afghanistan lần thứ 2, họ có ít khả năng để dập tắt mối đe dọa do ISIS-K gây ra. “Thật không may, tôi nghĩ rằng trong một thời điểm mà Afghanistan đang phải hứng chịu khủng hoảng kinh tế khủng khiếp này, thì vấn đề khủng bố sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn. Rõ ràng, người dân Afghanistan đang phải chịu đựng nhiều mối họa nhất”, Michael Kugelman khẳng định.

Nguy cơ về cuộc chiến toàn diện

Nhận định về những gì đang diễn ra ở Afghanistan, tờ The National Interest Online đã có một bài phân tích khá kỹ về cuộc xung đột kéo dài 50 năm qua ở Afghanistan. Theo đó, có 4 giai đoạn được phát triển gồm:  giai đoạn đầu (1973-1991) xoay quanh cuộc chiến ý thức hệ; giai đoạn thứ hai (1991-2001) xoay quanh hai phe gồm: cực hữu (Hizb Islami và Taliban) và cực hữu ôn hòa (Nhà nước Hồi giáo Afghanistan) và cuộc chiến giữa các nhóm sắc tộc ở Afghanistan để giành giật sức mạnh, sự cân bằng. Giai đoạn thứ ba (2001-2021), cuộc chiến tranh nhằm phân chia quyền lực với sự can thiệp của Mỹ và NATO.

Giai đoạn thứ tư tính từ năm 2021 trở đi, các đảng phải chính trị và các tổ chức khủng bố chiến đấu để phân bổ quyền lực đã đưa Afghanistan vào tình trạng chiến tranh toàn diện. “Ngày nay, chiến tranh tôn giáo, chiến tranh sắc tộc, chiến tranh ủy nhiệm và chiến tranh mafia đang xảy ra ở Afghanistan theo cả cách truyền thống và hiện đại. Trái ngược với suy nghĩ thông thường của các nhà phân tích nước ngoài, việc Afghanistan rơi vào tay Taliban đã không được các nhóm vũ trang khác nhau hoan nghênh ngay từ đầu. ISIS-K và mặt trận dân tộc chủ nghĩa ôn hòa của người Tajiks ở Afghanistan có tên là Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (NRF) - vẫn kháng cự trong các khu bảo tồn miền núi và chống lại sự thống trị của Taliban”, bài báo có đoạn viết.

626bf81dc8c8ac0019411088.jpeg -0
Một chiến binh Taliban đứng gác tại địa điểm xảy ra vụ nổ ở Kabul, Afghanistan hôm 19-4. Ảnh: REUTERS.

ISIS-K đã thực hiện kế hoạch chống phá của mình ngay từ đầu khi Taliban nắm quyền, gọi chính phủ Taliban là con rối của Mỹ. ISIS-K đã thực hiện các cuộc tấn công và đánh bom liều chết, dựa trên "các phương pháp chiến tranh mới", chống lại đối thủ Hồi giáo của Taliban. Còn NRF là kẻ thù truyền thống và là phe đối lập chính của Taliban, cũng đã nổi lên như một mối đe dọa tiềm tàng đối với sự cai trị của Taliban.

Các nhà lãnh đạo và chỉ huy của NRF như Mohammad Ismail Khan ở phía Tây thành phố Herat, Atta Mohammad Noor ở phía Bắc thành phố Balkh và các chỉ huy khác ở Takhar, Parwan cùng các tỉnh khác đã tham gia lực lượng bán quân sự bên ngoài lực lượng gọi là Quân đội Quốc gia Afghanistan. Abdul Ghani Alipur ở miền Trung Hazarajat và Tướng Dostum ở Tây Bắc Afghanistan cũng đứng lên chống lại Taliban với tư cách là đồng minh của các lực lượng kháng chiến.

Ahmad Massoud, con trai của nhà lãnh đạo Ahmad Shah Massoud quá cố vẫn đang cố thủ ở Panjshir và Andarab ở các vùng núi miền Trung-Đông Bắc Afghanistan và đang dần mở rộng mặt trận cùng quy mô hoạt động. Song song đó, các mặt trận du kích khác cũng được hình thành, nổi bật nhất là Mặt trận Giải phóng Afghanistan (ALF).

Khánh Chi
.
.