Nhà báo Pháp bị cáo buộc tống tiền Quốc vương Morocco

Thứ Hai, 03/04/2023, 11:21

Vào tháng 1/2023, hai nhà báo người Pháp là Eric Laurent 75 tuổi và Catherine Gracier 48 tuổi bị đưa ra xét xử vì bị cáo buộc đe dọa và tống tiền. Theo luận tội, hai nhà báo này đã tìm cách kiếm 2 triệu euro từ nhà vua Mohammed VI của Morocco. Đổi lại, họ hứa sẽ không xuất bản một cuốn sách làm mất uy tín của Quốc vương và gia đình ông. Laurent và Gracier thì khẳng định họ đã bị gài bẫy do nhà vua đã có ác cảm với họ từ lâu vì một cuốn sách trước đó của họ vạch trần hoạt động của ông.

“Trường hợp đầu tiên trong lịch sử”

Laurent và Gracier bị tạm giữ vào cuối tháng 8/2015. Khi hai người rời một khách sạn ở Paris thì bị các nhân viên pháp luật tiếp cận và yêu cầu đi theo. Họ bị khám xét và tìm thấy 2 phong bì với 40.000 euro trong mỗi chiếc - là số tiền tạm ứng để cuốn sách mới của họ buộc tội nhà vua Marocco sẽ không được ra mắt.

3. nhà vua mohammed vi.jpg -0
Quốc vương Mohammed VI của Morocco trong một buổi lễ.

Theo lý giải, hai nhà báo đã gặp các đại diện của vua Mohammed VI tại nhà hàng. Lúc đó, họ đã ký một văn bản hứa sẽ không xuất bản cuốn sách về quốc vương để đổi lấy 2 triệu euro. Họ đã bị giam giữ ở đồn cảnh sát một ngày, bị  buộc tội tống tiền, sau đó được tại ngoại.

Vài ngày sau đó, nhà xuất bản Shoi đã tuyên bố “chấm dứt mối quan hệ tin cậy” và từ chối cuốn sách của hai nhà báo dự kiến được phát hành vào năm 2016. Đáp lại, Laurent tuyên bố rằng ông sẽ tìm một nhà xuất bản khác và nhấn mạnh rằng cuộc điều tra mới về vua Mohammed VI “có thể sẽ làm rung chuyển chế đội quân chủ”. Luật sư Eric Dupond Moretti nghi ngờ việc cuốn sách có thể làm suy yếu quyền lực của nhà vua Morocco, tuy nhiên, ông coi vụ việc là một tín hiệu đáng báo động “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà nhà báo đe dọa nguyên thủ quốc gia đương nhiệm”.

Hai người bị buộc tội đã phủ nhận việc đe dọa này. Theo Laurent, mọi chuyện bắt đầu khi luật sư Hicham Natsiri thay mặt nhà vua liên lạc với ông và đề nghị trả tiền để giữ bí mật cuốn sách về Mohammed. “Tôi nghĩ rằng lời đề nghị mà họ đưa ra cho chúng tôi là một thỏa thuận cá nhân về công việc của tôi”.

Eric Mute, luật sư của Gracier nói “Có thông đồng hay không thì tôi không biết. Điều rõ ràng là họ (các nhà báo) đã bị dụ vào bẫy”. Gracier cũng khẳng định rằng đó là một thỏa thuận riêng tư. Bà không tin rằng mình đã phạm luật, mặc dù thừa nhận rằng đã sai theo quan điểm đạo đức “Trong tôi có sự đấu tranh: tôi tự nhủ sẽ không từ bỏ cuốn sách, đồng thời nghĩ nếu nhận tiền thì sẽ đổi đời”.

Laurent và Gracier là hai nhà báo nổi tiếng người Pháp chuyên về chính trị quốc tế. Laurent từng làm phóng viên cho đài phát thanh Pháp và đưa tin về các cuộc xung đột quân sự ở Trung Đông, đặc biệt là cuộc chiến Arab- Israel năm 1973 và cuộc chiến Lebanon năm 1982. Sau đó ông trở thành phóng viên hàng đầu của tờ báo Pháp Le Figaro. Ông đã phỏng vấn nhiều chính khách nổi tiếng như Gaddafi, Saddam Hussein và Ronald Reagan. Vào năm 2000, Laurent bắt đầu viết thể loại điều tra. Ông đã xuất bản sách về mối quan hệ của các nhà lãnh đạo Mỹ với Hussein và gia đình Osama bin Laden và sự thao túng, dối trá của các quốc gia sản xuất và bán dầu.

Gracier thì nổi tiếng sau một loạt tư liệu về các nước Bắc Phi. Bà là đồng tác giả với nhà báo Pháp Nicolas Beau của cuốn sách về tham nhũng ở Morocco và tình trạng gia đình trị ở Tunisia. Trong số các xuất bản phẩm mới đây của bà nói về cuộc điều tra việc Libya tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Nicolas Sarkozy năm 2007 và việc bán vũ khí của Pháp cho Libya.

1. nhà báo eric laurent.jpg -0
Nhà báo Pháp Eric Laurent.

Laurent và Gracier cùng nhất trí về vấn đề Morocco. Vì vậy, Laurent đã đích thân làm quen với người cha của vua Mohammed VI là cựu vương Hassan II và những cuộc trò chuyện giữa họ là cơ sở cho cuốn sách “Hassan II- hồi ức của nhà vua” được xuất bản năm 1993. Còn Gracier trong một thời gian đã làm việc tại tòa soạn The Weekly Journal là ấn phẩm đối lập của Morocco, tờ báo sau này bị chính quyền đình bản.

Hai nhà báo quyết định mở một cuộc điều tra về vua Mohammed VI sau khi ông có tên trong bảng xếp hạng những vị vua giàu nhất của tạp chí Forbes năm 2009. Laurent và Gracier đặt câu hỏi: Mohammed VI gia tăng tài sản của mình ra sao khi hàng triệu người Morocco sống dưới mức nghèo khổ? Kết quả sự hợp tác của họ là cuốn sách “Ông vua săn mồi” được xuất bản vào  năm 2012.

Khi cuốn sách trên tiết lộ về chính sách “săn mồi” của Mohammed VI, hai nhà báo quyết định không dừng lại mà ký hợp đồng với NXB Shoi và tiếp tục cuộc điều tra. Chính cuốn sách thứ hai, theo giả thiết, là một công cụ tống tiền, theo phiên bản khác, là một thỏa thuận riêng tư. Cuốn sách mới đã nói về lối sống xa hoa của Hoàng gia, cũng như những xung đột của các thành viên.

Cuốn sách “Ông vua săn mồi”

Vào tháng 7/2009, tạp chí Forbes của Mỹ đã gây chấn động khi công bố danh sách thường niên những người giàu nhất thế giới. Nhà vua Mohammed VI của Morocco bất ngờ đứng thứ 7 với khoảng 2,7 tỷ USD trong bảng xếp hạng dành riêng cho các quân vương, vượt qua cả quốc vương Qatar và Kuweit.

Trước khi viết cuốn sách này, trong suốt vài tháng Laurent và Gracier đã trò chuyện với nhiều nhân vật, từ người thân cận với cung điện tới các chính trị gia quen biết nhà vua. Có cả những chuyên gia đã tiết lộ hoạt động bất hợp pháp của nhà vua trong vấn đề tài chính, nông nghiệp v.v… Những phát ngôn của hơn 40 người đã trở thành nguồn tin chủ yếu.

Hai nhà báo phát hiện ra rằng trong 9 năm trị vì, quốc vương của Morocco đã thâu tóm mọi lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, trở thành người đứng đầu các tổ chức lớn nhất nước như tài chính và công nghiệp, nông nghiệp. Mức lương tháng của ông ta vào năm 2009 là 40.000 đôla, cao hơn của tổng thống Pháp và Mỹ vào thời điểm đó (29.000 và 33.000 đôla). Ông còn là giám đốc ngân hàng, là nhà bảo hiểm, nhà xuất khẩu và sản xuất nông sản. Ông kiểm soát kinh doanh nông nghiệp, xuất khẩu và năng lượng.

Các tác giả cuốn sách cho biết Mohammed VI lên ngôi năm 1999 và được ca ngợi là “vị vua của người nghèo” vì ông hứa sẽ chống nạn đói nghèo trong nước. Tuy nhiên, ông đã không đạt được bất kỳ thành công nào: năm 1998-1999 tỷ lệ người nghèo là 19% thì đến năm 2007-2008 không giảm nhiều: 18,1%. Nhà vua còn có 12 cung điện, mặc dù ông chỉ đến 4 trong số đó nhưng mỗi dinh thự đều có một lượng lớn gia nhân sẵn sàng phục vụ nhà vua bất cứ lúc nào. Hàng năm, 70 triệu USD được phân bổ từ ngân sách để trả lương cho họ. Ngoài ra, nhà vua còn có bộ sưu tập những chiếc xe hơi sang trọng. Ông không tiếc tiền mua trang phục đắt tiền, như một chiếc áo khoác len của London trị giá tới 35 nghìn bảng Anh.

Không lâu sau, cuốn “Ông vua săn mồi” đã bị cấm ở vương quốc này. Một quan chức của Bộ Truyền thông Marocco gọi nó là “vu khống và không có căn cứ”. Trước khi bị bắt, Laurent nói rằng vào ngày 23/7/2015 ông đã gọi cho thư ký riêng của Mohammed VI, báo rằng cuốn sách mới về nhà vua sắp được phát hành và muốn làm rõ một số chi tiết. Ngày hôm sau luật sư Natsiri đề nghị gặp nhà báo này vào ngày 11/8 tại một khách sạn ở Paris.

Laurent kể: tại đây, luật sư nói rằng “Chúng ta có thể nghĩ đến một khoản phí, một thỏa thuận để đối lấy một văn bản từ chối xuất bản cuốn sách”. Tôi trả lời “Mặc dù tôi không chắc, chúng tôi sẽ từ chối xuất bản cuốn sách này… với giá 3 triệu euro”.

Laurent thừa nhận ông cần tiền cho gia đình, vợ ông được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn 4 và cần rất nhiều tiền để điều trị. Vào ngày 21/8 Natsiri và nhà báo lại gặp nhau. Ngày 27 cuộc gặp thứ ba diễn ra với sự có mặt của nữ nhà báo Gracier. Kết quả của thỏa thuận là số tiền được giảm xuống còn 2 triệu euro. Các nhà báo đã ký hợp đồng, nhận tiền tạm ứng và ngay trong ngày họ đã bị cảnh sát bắt giữ.

2. nhà báo catherine gracier.jpg -0
Nữ nhà báo Pháp Catherine Gracier.

Lý lẽ của các bên

Luật sư bảo vệ của nhà vua là Dupont Moretti khẳng định, tại cuộc gặp ngày 23/7, Laurent là người đầu tiên nêu vấn đề tiền bạc với 3 triệu đôla để không xuất bản cuốn sách. Ngay sau đó, luật sư đã thông báo với cảnh sát việc này và họ đã theo dõi hai cuộc gặp tiếp theo. Để làm bằng chứng buộc tội của các nhà báo, Dupont đã trình bản ghi âm của cả ba cuộc gặp. Nhưng chuyên gia pháp y kết luận rằng đoạn ghi âm về số tiền 3 triệu đôla đã bị chỉnh sửa.

Luật sư bảo vệ của Laurent và Garccier đã đệ đơn kháng cáo vì cho rằng đoạn ghi âm đầu tiên là giả. Tuy nhiên, đến năm 2017, tòa án Paris đã bác bỏ điều này. Garccier cho biết: “Khi tôi trở về sau kỳ nghỉ, Laurent nói với tôi rằng anh ấy đã gặp Hisham Natsiri và đề nghị 3 triệu euro để không xuất bản cuốn sách của chúng tôi. Vào thời điểm đó, đối với tôi dường như có điều gì đó khó tin”. Đáp lại, một nhân viên của nhà xuất bản nói: “Không, đây không phải là điều Laurent nói với tôi. Anh ấy nói rằng số tiền đề nghị là từ phía cung điện”.

Nữ nhà báo Pháp nói bà chỉ đồng ý đến cuộc họp thứ ba khi Natsiri năn nỉ. Hơn nữa, bà nhấn mạnh là cho đến giây cuối cùng đã không tiếp nhận thỏa thuận một cách nghiêm túc. Bà hy vọng sẽ nhận được câu trả lời từ luật sư cho những vấn đề mà sau này có thể được đưa vào cuốn sách. Gracier cũng nghĩ đến việc viết về người đại diện của nhà vua đã cố mua chuộc hai tác giả.

Gracier nói thêm rằng cuộc gặp của họ với luật sư kéo dài vài giờ, có mấy lần Natsiri đã rời khỏi phòng để tham khảo ý kiến của ai đó. Theo lời bà, thỏa thuận cuối cùng đã giảm xuống còn 2 triệu euro vì bà và Laurent từ chối đưa cho Natsiri những tài liệu mà họ đã dùng để viết cuốn sách thứ hai. Ngoài ra, viên luật sư yêu cầu các tác giả tiết lộ tên của những người cung cấp tin nhưng bị từ chối.

Gracie nói: “Tôi không bao giờ muốn đe dọa bất cứ ai, tôi đã rơi vào một cái bẫy… Tôi đã có lúc yếu lòng. Đó chẳng phải là bản chất của con người hay sao? Mỗi người sẽ tự hỏi mình nên làm gì nếu như có 2 triệu euro… Ngoài ra, họ đề nghị chúng tôi nhận tiền để không xuất bản sách, chứ không phải để giết ai đó”.

Trong thời gian tới, tòa án Paris sẽ xác định bên nào đã khởi xướng thương vụ. Công tố viên Thierry Vallat cho biết, nếu thực tế là đại diện của nhà vua Marocco tự đề nghị đưa tiền thì vụ án hình sự chống lại các nhà báo sẽ bị hủy bỏ. Còn nếu Laurent và Glaccrie là những người khởi xướng cuộc thảo luận về tiền bạc thì họ có nguy cơ phải vào tù. Theo luật của Pháp, việc đe dọa có thể bị phạt tù 5 năm với số tiền phạt là 75.000 euro, còn với hành vi tống tiền có thể bị tù tới 7 năm với tiền phạt là 100.000 euro.

Hải Yến (Tổng hợp)
.
.