Nhan nhản “chợ” bạc bịp trên mạng
Ngoài việc lừa phỉnh, dụ dỗ con bạc vào tròng, thì khi công nghệ càng phát triển thì các thủ đoạn lừa đảo cờ bạc cũng tinh vi theo, đặc biệt là các thiết bị cờ bạc bịp.
Chính vì thế các thiết bị cờ bạc bịp rất được ưa chuộng và rao bán công khai trên chợ mạng và mạng xã hội. Dù cơ quan chức năng đã bắt giữ và xử lý nhiều vụ mua bán các loại thiết bị này nhưng vẫn chỉ như bắt cóc bỏ đĩa.
Thiết bị cờ bạc rao bán tràn lan
Do các đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ không kiểm soát tốt thông tin đăng tải của chủ tài khoản trên mạng xã hội, dẫn tới tình trạng xuất hiện nhiều thông tin hướng người xem theo những tệ nạn xã hội như: cá độ, lô đề, cờ bạc… Các đối tượng bán thiết bị cờ bạc bịp liên tục chạy quảng cáo, đẩy những mặt hàng này lên mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa “dụng cụ cờ bạc bịp” trên Facebook sẽ cho ra vô số kết quả dẫn đến những tài khoản cá nhân hoặc Fanpage chuyên bán dụng cụ cờ bạc bịp.
Đơn cử như trang: “Đồ chơi cờ bạc bịp chuyên nghiệp”, tại đây những sản phẩm được cho là “cập nhật thời đại” giúp các con bạc đánh đâu thắng đấy được rao bán la liệt. Những dụng cụ bịp như: bầu cua, tôm cá, xóc đĩa, kính áp tròng nhìn xuyên thấu, bài thửa, quân máy… được quảng cáo rất nhiều. Để tạo uy tín, lòng tin, người bán quay video để chứng minh sản phẩm là “chất như nước cất” khi có thể giúp chơi “xóc đĩa an toàn, chuẩn xác tuyệt đối”; “có thể nhìn kết quả qua màn hình điện thoại trắng đen cùi bắp”; “có thể thấy trong hộp là gà, bầu, tôm, cá, nai, cua”..
Các video này có nội dung xoay quanh việc các nhân vật với nhiều cọc tiền mệnh giá lớn, buông lời thách thức nhau tham gia đánh bạc. Người bán vừa chơi vừa khẳng định nếu sử dụng thiết bị sẽ không bao giờ thua bất kỳ ván nào, đặc biệt là rất bí mật và an toàn. Các thiết bị được thiết kế ẩn trong hình dáng một chiếc điện thoại thông minh có màn hình cảm ứng, hoặc dạng điện thoại nhỏ phím bấm.
Theo như người bán, các thiết bị này được kết nối bluetooth với tai nghe siêu nhỏ nhét trong tai từ đó máy sẽ đưa ra các thông số để người dùng bốc, cắt bài sao cho bản thân có số điểm cao nhất. Nhưng chủ hàng cũng cho hay, mỗi chiếc máy này chỉ hoạt động với bộ bài cài sẵn mã vạch thiết kế tương thích. Một loại máy khác cũng được coi là “thiện xạ” mỗi khi vào chiếu bạc, máy này cũng cài đặt trên điện thoại có camera giấu kín. Khi người chơi để ở vị trí thuận lợi, máy sẽ thu hình ảnh rồi truyền về mắt chủ sở hữu qua 1 mắt kính áp tròng.
Để khảo sát thị trường dụng cụ cờ bạc bịp, phóng viên vào trang Facebook cá nhân có tên “Siêu bịp”. Tại đây người bán đăng tải rất nhiều dụng cụ khác nhau và không quên để cả số điện thoại liên lạc. Gọi theo số 0976445xxx, phóng viên biết được, một bộ thiết bị của các đối tượng được rao bán dao động từ 2 đến 5 triệu đồng, cá biệt có những bộ cả vài chục triệu đồng. Sau khi giới thiệu giá và một số chủng loại hỗ trợ bạc bịp, người bán giới thiệu tên Hoàng sống tại Hà Nội. “Chị mua đồ của em là chuẩn địa chỉ rồi, khách của em chưa bao giờ phải chịu trận cả. Đặc biệt đồ của em rất an toàn, bí mật tuyệt đối, nhiều anh em kiếm ăn được còn lộc lá lại cho bọn em cơ mà. Chị cứ an tâm bọn em giao hàng tận tay, chỉ cần chị chuyển khoản 30% giá trị đơn hàng, khi nhận hàng kiểm tra mới chuyển nốt tiền”, Hoàng cho biết.
Theo như dân chuyên mua bán dụng cụ cờ bạc bịp, những ngày cận Tết các sản phẩm hỗ trợ cờ bạc bịp được bán rất chạy. Bởi những ngày nghỉ Tết nhiều người có thời gian rảnh, vui chơi đầu xuân. Nhưng những hệ lụy của cờ bạc và cả những con bạc bịp thì khó mà dự đoán trước được. Còn nhớ Tết năm 2023, có một người ở Yên Nghĩa (Hà Đông) có sử dụng quân sóc đĩa “máy” vào sới bạc chuyên nghiệp và bị phát hiện. Tên này đã kiếm cả vài trăm triệu nhưng sau bị phát hiện, các con bạc khác nhốt vào và đánh cho thập tử nhất sinh.
Bất chấp vì lợi nhuận
Cuối tháng 8/2023, Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã phá chuyên án, bắt giữ khởi tố 12 đối tượng đánh bạc chuyên nghiệp, thu giữ hơn 300 triệu đồng và nhiều tang vật khác có liên quan, trong đó có thiết bị cờ bạc bịp. Bằng việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Thạch Hà đã huy động 30 cán bộ, chiến sĩ đột kích vào địa điểm đánh bạc tại nhà riêng của đối tượng Lê Văn Nam (sinh năm 1968), trú tại tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà, bắt quả tang 12 đối tượng khi đang thực hiện hành vi đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa.
Tại hiện trường, cơ quan Công an thu giữ số tiền hơn 300 triệu đồng, 12 điện thoại di động, 1 xe ôtô 7 chỗ, 1 thiết bị điều chỉnh con vị cùng nhiều tang vật khác có liên quan.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Lê Văn Nam được xác định là đối tượng đầu sỏ, ngoài việc tổ chức đánh bạc, Nam còn cho các con bạc vay tiền, thu tiền lãi, lấy tiền hồ, đặc biệt Lê Văn Nam còn sử dụng hình thức đánh bạc “bịp” bằng cách gắn thiết bị điện tử giúp đối tượng biết trước kết quả con vị trong mỗi lần xóc đĩa, để lừa các con bạc trong quá trình chơi.
Cách đây ít lâu, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cũng kiểm tra hành chính, phát hiện, bắt giữ một điểm bán thiết bị, dụng cụ cờ bạc bịp. Điểm buôn bán dụng cụ cờ bạc bịp này có số lượng lớn tại số nhà 25 phố Lê Hồng Sơn, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa do Lê Văn Hiền, sinh năm 1983 cùng vợ là Lê Thị Huệ, sinh năm 1990 làm chủ.
Tại đây, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an Thanh Hóa đã phát hiện số lượng lớn thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc đánh bạc bịp, gồm: hơn 2.500 bộ bài các loại đã được tẩm hóa chất, quét mã vạch và đánh dấu các hoa văn dùng cho các máy đánh bạc; 40 hộp kính áp tròng, kính đeo mắt nhìn thấu quân bài; 2 bộ dụng cụ ép bài; 28 bộ bát đĩa, quân vị có gắn chíp điện tử để điều khiển các đối tượng tham gia đánh bạc; 9 bộ bệ chôn dưới đất; 30 máy rung màu đen kiểu dáng điện thoại; 3 đồng hồ soi lá bài; 12 áo bên trong gắn máy đổi bài... cùng một số tang vật phục vụ việc chơi “cờ bạc bịp”.
Tại cơ quan Công an, Lê Văn Hiền khai nhận đã mua các dụng cụ, thiết bị này từ cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh về Thanh Hóa bán để kiếm lời. Theo Hiền, mỗi loại thiết bị, dụng cụ dùng để hoạt động cờ bạc “bịp” này có giá tiền khác nhau từ 1 - 10 triệu đồng.
Trước đó, tổ công tác Đội CSHS Công an quận Nam Từ Liêm phối hợp cùng Công an phường Mỹ Đình 1 bất ngờ tiến hành kiểm tra hành chính một ngôi nhà trên đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong nhà có 4 nam thanh niên gồm: Trần Văn Tuyên, sinh năm 1990 (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc); Lưu Thanh Tùng (TP Vĩnh Yên); Phạm Hồng Quân (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) và Trần Văn Chung (TP Vĩnh Yên). Tại tầng 2 của ngôi nhà có 280 bộ bài giấu số; 26 hộp kính áp tròng; 1 hộp bài máy; 2 bộ bát đĩa, quân vị, máy rung, 1 bộ bệ chôn dưới đất; 10 máy rung màu đen kiểu dáng điện thoại Nokia; 6 máy rung màu trắng kiểu dáng điện thoại Samsung; 3 áo phông màu đen bên trong gắn máy đổi bài.
Đấu tranh tại chỗ, các đối tượng khai nhận những thiết bị trên dùng để phục vụ đánh cờ bạc bịp. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, thu giữ các thiết bị trên và đưa nhóm đối tượng về trụ sở để làm rõ. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, đây là ổ nhóm chuyên buôn bán kinh doanh thiết bị đánh cờ bạc bịp trên mạng xã hội do Trần Văn Tuyên cầm đầu.
Trần Văn Tuyên khai đã lập 2 trang Facebook “Bịp công nghệ cao” và “Thành Phát casino” để đăng tải các bài viết, rao bán các thiết bị đánh bạc bịp kèm số điện thoại của mình để khách liên hệ rồi giao nhiệm vụ cho Tùng, Chung, Quân quản lý 2 trang Facebook, trả lời khách và gửi hàng đến địa chỉ khách yêu cầu.
Nếu khách có nhu cầu xem hàng trực tiếp, Tuyên sẽ hẹn khách đến khu vực Bến xe Mỹ Đình rồi cử Tùng đi xe máy ra chỗ hẹn để chở khách vào kiểm tra, xem và mua hàng. Cũng theo lời Tuyên, số hàng này được Tuyên lên cửa khẩu biên giới Lạng Sơn thu gom ở nhiều cửa hàng khác nhau rồi mang về nhà trọ cất giấu. Sau đó, rao bán trên Facebook. Tuyên sẽ hưởng toàn bộ lợi nhuận bán hàng, còn Tùng, Chung, Quân được Tuyên trả mức lương cố định 6 triệu đồng/tháng/người.
Khi một số con bạc sử dụng các phương tiện, công cụ cờ bạc bịp này thì sẽ trở thành người quyết định sự thắng - thua trong mỗi canh bạc. Các đối thủ chỉ có thua chứ không có thắng. Khi thua, những con bạc khát nước này càng trở nên “khát nước” và càng có ý định gỡ gạc. Tuy nhiên, vì không chống lại được thiết bị cờ bạc bịp nên kết quả là càng gỡ càng thua. Thậm chí, khi biết mình bị lừa, bị đối thủ gian lận, dùng thiết bị bịp, nhưng vì việc đánh bạc là vi phạm pháp luật, nên các con bạc bị lừa không dám đến cơ quan Công an tố cáo, do đó đành chịu phần thiệt thòi.
Tùy từng thiết bị, công cụ càng hiện đại thì giá tiền càng cao. Chỉ cần sử dụng thành công các loại thiết bị này, các con bạc bị lừa đảo, móc túi trắng trợn mà không hề hay biết. Ngoài ra, các bộ bài bán để dùng cờ bạc bịp đều được quét các loại hóa chất dùng để phản quang có chứa chất phóng xạ, vượt từ 20-30 lần cho phép, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật sư Interla (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay: Người buôn bán dụng cụ cờ bạc bịp có thể bị xử phạt theo Bộ luật Hình sự hiện hành về hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Nhưng Nghị định số 59/2006/NĐ-CP quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh thì lại không nhắc tới dụng cụ đánh bạc nên khó khăn cho công tác xử lý. Cũng theo luật sư Kiên, theo Nghị định số 73/2010/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội), hành vi sản xuất, mua bán các thiết bị cờ bạc bịp chỉ bị xử phạt hành chính.
“Hành vi đánh bạc bằng phương tiện công nghệ nhằm mục đích chiếm đoạt tiền, tài sản có thể khép vào tội lừa đảo. Tuy nhiên, việc sản xuất, mua bán dụng cụ này thì lại khó có thể cấu thành tội lừa đảo. Đơn cử, nếu bắt quả tang được các đối tượng mua/bán dụng cụ chơi cờ bạc bịp nhưng không chứng minh được các đối tượng này dùng dụng cụ đó để lừa đảo cũng không thể xử lý. Việc xử lý hình sự chỉ có thể thực hiện được khi cơ quan điều tra chứng minh được một đối tượng mua và sử dụng công cụ đánh bạc bịp để chiếm đoạt tiền của người khác với số tiền đủ để xử lý hình sự. Còn người bán rất khó xử lý hình sự”, luật sư Hòe phân tích.