Nhức nhối tội phạm đường phố

Thứ Hai, 13/03/2023, 18:22

Thời gian qua, những vụ phạm tội mang tính bộc phá, không có tổ chức hoặc chỉ có sự tham gia của nhóm nhỏ diễn ra trên đường phố, gọi chung là “tội phạm đường phố” tại TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn. vậy, “phương thuốc” nào hữu hiệu để phòng, chống loại tội phạm gây nhiều bất an và bức xúc cho người dân và du khách?

Tội phạm đường phố - ám ảnh của người dân và du khách

Những ngày đầu tháng 2/2023, trên địa bàn quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, nhiều vụ cướp giật tài sản của người đi đường liên tiếp xảy ra gây bất an cho người dân. Đáng nói, các vụ cướp giật xảy ra ngay ban ngày, ở các tuyến đường đông đúc, tài sản cướp giật là điện thoại, túi xách chứa tiền, vàng, ngoại tệ...

Trước tình hình trên, trinh sát hình sự Công an quận Tân Phú đã vào cuộc điều tra, khoanh vùng băng nhóm do Nguyễn Hồng Ngọc Vinh (22 tuổi, ngụ ở địa phương) cầm đầu và nghi vấn băng nhóm này đã thực hiện nhiều vụ cướp giật, nên lập chuyên án để đấu tranh. Kết quả công tác trinh sát đã làm rõ ngoài Vinh, băng cướp giật còn có Nguyễn Quốc Hùng (18 tuổi, ngụ quận Bình Tân) và Lưu Tấn Lộc (21 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh). Trong đó, Vinh trực tiếp điều khiển xe gắn máy biển kiểm soát giả để cướp giật. Còn Hùng, Lộc có nhiệm vụ cản địa. Nhóm này chọn khu vực khuất camera an ninh để thực hiện hành vi, sau đó tẩu thoát nhanh, thay đổi quần áo, biển số, màu xe gắn máy nhằm tránh bị lần theo tung tích.

Nhức nhối tội phạm đường phố -0
Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá tình hình.

Sau khi nắm đầy đủ bằng chứng và xác định rõ, ngày 31/1/2023, trinh sát Công an quận Tân Phú đã phục kích bắt giữ Vinh, Hùng và Lộc. Tại cơ quan điều tra, nhóm này khai, từ Tết Nguyên đán đến lúc bị bắt giữ đã thực hiện tổng cộng 17 vụ cướp giật. Công an đã xác định nạn nhân của một số vụ và hiện đã khởi tố đối với 3 bị can để mở rộng điều tra.

Cũng trong giai đoạn phá chuyên án trên, Công an quận Tân Phú còn triệt phá băng cướp giật khác gồm 5 đối tượng do Huỳnh Vĩnh Kỳ (17 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cầm đầu. Công an đã bắt giữ 8 đối tượng, trong đó có 3 đối tượng tiêu thụ tài sản phạm pháp. Băng nhóm này khai đã thực hiện 7 vụ cướp giật ở quận Tân Phú và quận Bình Tân. Mới đây, đối tượng Kỳ cùng một thành viên băng nhóm đã giật điện thoại iPhone 11 của một cô gái ở đường Thạch Lam, quận Tân Phú thì bị trinh sát phát hiện truy đuổi, bắt giữ. Từ khai báo của Kỳ và người đi cùng, Công an đã bắt giữ thêm những đối tượng khác…

Mới nhất, ngày 2/3, anh T.Đ.T (23 tuổi, quê Bình Phước) chở bạn gái bằng xe máy đi ăn tối. Khi đến đường Kinh Dương Vương (đoạn qua địa bàn thuộc phường 13 quận 6), bất ngờ anh bị 2 thanh niên chở nhau bằng xe máy chạy cùng chiều áp sát rồi ra tay giật túi xách trên người bạn gái ngồi phía sau. Biết gặp phải nhóm cướp giật tài sản liều lĩnh, anh T. liền điều khiển xe đuổi theo. Khi xe của anh vừa áp sát đã bị hai đối tượng buông lời đe dọa nên đành bỏ cuộc vì muốn bảo toàn tính mạng... Nạn nhân cho biết, trong túi xách bị cướp có 1 điện thoại di động, một ít tiền mặt, cùng giấy tờ tùy thân.

Cũng trong ngày 2/3, mạng xã hội đã chia sẻ clip một vụ cướp giật điện thoại táo tợn trên đường Phan Văn Hớn trước một tiệm mỹ phẩm thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Người phụ nữ cố gắng giằng co với kẻ cướp giật, lấy lại tài sản. Theo nội dung đoạn clip, khoảng 7h ngày 19/2, chị H. ngồi dọn dẹp, quét rác trước cửa tiệm trên đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng. Lúc này, một người đàn ông khoảng 30 tuổi, chạy xe máy đến tiếp cận từ phía sau, thò tay vào túi quần của chị H. móc điện thoại. Chị H. đứng dậy, dùng tay bám, níu xe của kẻ cướp và hô hoán.

“Tôi rút được chìa khóa xe của kẻ cướp giật liền bị người này đe dọa, chỉ tay vào mặt mày coi chừng tao. Sợ quá tôi mới ném chìa khóa xuống đường”, chị H. nói. Khi bị rút chìa khóa xe, kẻ gian đã ném điện thoại của chị H. xuống đường gây hư hỏng, rồi mới chạy khỏi hiện trường. Theo người dân gần hiện trường, thời điểm trên có thấy một người nam giằng co với chị H. Khi ngã xe người này còn lao đến thách thức định hành hung nạn nhân. Lúc kẻ gian chạy xe máy đi người dân mới biết chị H. bị cướp điện thoại...

Nhức nhối tội phạm đường phố -0
Nhóm đối tượng Trần Minh Hậu, Mai Anh Tiến, Lê Thị Ngọc Hân chuyên dàn cảnh cướp tài sản của tài xế xe ôm công nghệ.

Theo Đại tá Mai Hoàng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, tình hình tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm xâm phạm sở hữu như cướp, cướp giật, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, đua xe, cố ý gây thương tích... diễn ra trên đường phố nhiều, liên quan đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của hậu dịch bệnh COVID-19 và sự suy thoái của nền kinh tế. Mặc dù Công an thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, lực lượng tập trung triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh nhằm kiềm chế và kéo giảm các loại tội phạm, nhưng tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm đường phố tại các nơi công cộng.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, năm 2022, ghi nhận xảy ra 4.266 vụ phạm tội về trật tự xã hội (so với năm 2019 đã giảm 156 vụ). Trong đó, tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản (cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản) xảy ra trên đường phố ghi nhận 2.816 vụ (giảm 312 vụ so với cùng kỳ năm 2019).

Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, đánh giá tội phạm xâm phạm sở hữu dù được kéo giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, nhưng thực tế vẫn chiếm tỷ lệ cao - 66,01% - trong cơ cấu tội phạm về trật tự xã hội. Bên cạnh một số đối tượng hoạt động nhất thời, cơ hội, địa bàn thành phố còn xuất hiện các đối tượng, băng nhóm hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi, manh động, táo tợn, thể hiện quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, trở thành nỗi lo của nhiều người dân, gây hoang mang dư luận xã hội trong thời gian qua như một số vụ việc kể trên.

Đáng nói, qua rà soát, khảo sát thì các đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội ngoài đường phố (chủ yếu là tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản; các nhóm hỗ trợ để thanh thiếu niên hình thành băng nhóm sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, tụ tập đua xe trái phép...) đều không cư ngụ tại địa phương mà thường thuê khách sạn, nhà trọ để ở, tụ tập hoặc thường xuyên thay đổi chỗ ở, di chuyển liên tục trên nhiều tuyến đường qua nhiều địa bàn, hoạt động mang tính lưu động... Các đối tượng này có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có nhiều kinh nghiệm đối phó với Cơ quan công an. Một số đối tượng rất manh động, liều lĩnh, bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, sẵn sàng sử dụng vũ khí, hung khí chống trả lại lực lượng truy bắt... cũng gây khó khăn trong công tác xác minh, giám sát, quản lý, điều tra, bắt giữ đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật. Đáng lo là thành phần đối tượng phạm tội ngày càng phức tạp, trẻ hóa trong cơ cấu tội phạm, ghi nhận hầu hết thường là thanh thiếu niên mới lớn đến dưới 30 tuổi (2.628 đối tượng, chiếm 52,85%/tổng số đối tượng bị bắt giữ trong năm 2022). Đa phần phạm tội lần đầu, không nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không ổn định, trình độ học vấn thấp, lười lao động, có lối sống không lành mạnh. Tài sản có được sau khi gây án, các đối tượng thường mang đi tiêu thụ, bán lấy tiền hút chích ma túy, cờ bạc, ăn chơi, tiêu xài cá nhân và phục vụ chuẩn bị công cụ, phương tiện gây án tiếp...

Nhiều giải pháp để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm đường phố

Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm đường phố, Công an TP Hồ Chí Minh đề ra nhiều giải pháp để đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này. Bên cạnh triển khai thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, các chuyên đề đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm..., Công an thành phố đã đề xuất thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm khác như: Triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp, công tác nghiệp vụ của ngành Công an, trong đó chú trọng các giải pháp phòng ngừa xã hội để hạn chế nguyên nhân, điều kiện làm gia tăng tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm đường phố. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý địa bàn, đối tượng, nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT..., không để tội phạm lợi dụng hoạt động nhằm hạn chế, kéo giảm tội phạm nói chung cũng như từng bước xóa bỏ các điều kiện hoạt động của tội phạm đường phố. Đồng thời, tiếp nhận, nhanh chóng giải quyết các tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền.

Nhức nhối tội phạm đường phố -0
Tổ công tác 363 Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ đối tượng trộm cắp xe máy tại địa bàn huyện Bình Chánh.

Công an TP Hồ Chí Minh cũng đặt chỉ tiêu cụ thể về kéo giảm tỷ lệ tội phạm về xâm phạm sở hữu trong cơ cấu về tội phạm hình sự; đặt chỉ tiêu về tỷ lệ điều tra tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản phải đạt trên 60%; chỉ đạo trong việc nghiên cứu, đánh giá, ban hành các kế hoạch chuyên đề về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm quyền sở hữu, trong đó, tập trung là tội phạm cướp, cướp giật và trộm cắp tài sản. Bên cạnh đó là tăng cường tổ chức các tổ 363 để tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống tội phạm, huy động, phối hợp với lực lượng Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tăng cường kiểm tra, tuần tra, kiểm soát phòng, chống tội phạm các dịp cao điểm lễ, Tết. Công an thành phố cũng chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tăng cường đẩy mạnh công tác tuần tra, mật phục, chốt chặn tại các tuyến địa bàn trọng điểm thường xảy ra tội phạm đường phố kể cả ban ngày lẫn ban đêm (nhất là các địa bàn trung tâm thành phố)... Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương của 6 tỉnh giáp ranh với thành phố để chỉ đạo lực lượng công an 7 tỉnh, thành tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo ANTT địa bàn giáp ranh, chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm đường phố...

Thiết nghĩ, để phòng ngừa tội phạm nêu trên cùng với sự nỗ lực các lực lượng Công an, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị người dân, các đơn vị, tổ chức đề cao cảnh giác, có sự quan tâm chú ý giữ gìn tài sản của mình. Mỗi người dân khi đi ra đường cần đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ tài sản của mình. Đối với những người đeo trang sức, giỏ xách có tài sản giá trị phải cất cẩn thận, không mang bên người. Đồng thời hạn chế đi lại lúc đêm khuya, đường vắng người; đối với phụ nữ có mang túi xách, điện thoại, dây chuyền, tài sản có giá trị thì phải có biện pháp bảo vệ như mặc áo khoác bên ngoài, treo túi xách cẩn thận hoặc bỏ vào cốp xe, không nghe điện thoại khi đang chạy xe máy. Tuyệt đối không để tội phạm có điều kiện thực hiện hành vi cướp, cướp giật tài sản. Đồng thời, người dân cũng cần tích cực phối hợp với Công an thành phố trong xác minh, điều tra, xử lý tội phạm và góp phần bảo vệ tài sản người dân, tổ chức và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, chú trọng đa dạng các biện pháp tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân thông tin về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm đường phố để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm với cơ quan chức năng...

Phú Lữ
.
.