Những vụ đào tẩu táo tợn của tù nhân Nga
Mấy năm gần đây, ở Nga, số vụ đào tẩu của tù nhân tăng lên rõ rệt. Đào tẩu được coi là tội phạm nghiêm trọng, những kẻ trốn chạy không chỉ bị đưa trở lại nhà tù mà còn bị tăng thêm vài năm tù nữa. Tuy nhiên, đôi khi khao khát tự do mạnh mẽ hơn nỗi sợ hãi và hình phạt. xin trân trọng giới thiệu bài phóng sự điều tra của báo “tuyệt mật” về vấn đề này.
Hành động theo cách cổ điển
Vào đầu tháng 11/2024, ngày thứ 11 của cuộc tìm kiếm, lực lượng chức năng đã bắt được kẻ đào tẩu cuối cùng tại Trại giam IK-2 ở tỉnh Lipetsk. Đó là Turgun Abdulaev, công dân Uzbekistan bị kết án 10 năm tù vì tội cưỡng hiếp. Tên này đã trốn trong một ngôi nhà bỏ hoang ở làng Peskovatsky, nằm giáp ranh với tỉnh Tambov. Tại đó, hắn bị bắt giữ.
Tổng cộng có 6 tù nhân đã trốn khỏi trại: 5 tên là công dân Uzbekistan và 1 tên là công dân Tajikistan. Hai tên trong số đó bị kết tội buôn bán ma túy, 3 tên bị kết tội cưỡng hiếp, và 1 tên bị kết tội quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi.

Bọn tội phạm hành động theo cách cổ điển, giống như trong bộ phim hình sự nổi tiếng của Mỹ “Nhà tù Shawshank”. Chúng đã đào một đường hầm dài 65 mét nối liền một cái xưởng bỏ hoang và "vùng tự do" phía bên ngoài hàng rào của trại giam. Để tránh bị nghi ngờ, chúng đổ đất thải vào hệ thống cống rãnh. Sử dụng xẻng tự chế, những kẻ tội phạm đã đào đường hầm trong vài tháng trời.
Sau cuộc đào tẩu, các điều tra viên đã khởi tố vụ án theo Điều 293 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga về hành vi cẩu thả của các nhân viên trại cải tạo. Hàng loạt cuộc kiểm tra được tiến hành tại Trại giam IK-2 ở tỉnh Lipetsk. Kết quả là trong khu vực của trại giam, nơi giam giữ tên tội phạm nguy hiểm Aleksey Sherstobitov (tục danh là Lyocha Soldat), người ta đã phát hiện ra nhiều điện thoại di động.
Theo thông báo của Cơ quan Điều tra Liên bang Nga tại tỉnh Lipetsk: “Vụ đào tẩu xảy ra do các nhân viên trại giam không thực hiện đúng trách nhiệm của mình".

Đào tẩu hàng loạt
Sự cố tại Trại giam IK-2 ở tỉnh Lipetsk là trường hợp thứ ba tương tự trong vòng nửa năm. Vào giữa tháng Sáu, 6 tù nhân đã trốn khỏi Nhà tù tạm giam SIZO-1 ở tỉnh Rostov và bắt 2 nhân viên nhà tù làm con tin.
Cuối tháng Tám, tại Trại giam IK-19 ở tỉnh Volgograd, một số tù nhân cũng đã bắt cóc các nhân viên của Cơ quan Thi hành án Liên bang.
Đúng một tháng sau, các nhân viên của Cục An ninh Liên bang và Cơ quan Thi hành án Liên bang đã ngăn chặn một vụ khủng bố tại Trại giam IK-6 ở tỉnh Nizhny Novgorod. Những tù nhân có tư tưởng cực đoan đã lên kế hoạch chiếm trại, chúng tấn công các giám thị bằng dao và dàn dựng một vụ đào tẩu hàng loạt.

Ngày 27/10, 5 tù nhân đã trốn khỏi trung tâm cải tạo ở thành phố Nerchinsk, thuộc khu vực Zabaikal. Chúng bị kết án lao động cưỡng bức, nên được sống trong một ký túc xá đặc biệt của trại và có thể di chuyển tự do trong làng.
Đào tẩu khỏi các trại cải tạo được coi là một trong những trường hợp phổ biến nhất. Lưu ý đến sự gia tăng loại tội phạm này, mùa hè năm 2024, Viện Kiểm sát Tối cao Liên bang Nga đã gửi văn bản kiến nghị tới Giám đốc Cơ quan Thi hành án Liên bang.Trong đó nhấn mạnh: "Đã phát hiện các hành vi vi phạm luật liên bang trong việc giám sát các cá nhân đang chấp hành án và ngăn ngừa hành vi phạm pháp của họ".
Theo số liệu của các phương tiện truyền thông, trong 5 năm gần đây, số lượng tù nhân bị kết án theo Điều 313 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga đã tăng từ 104 lên 132 người.
Ông Aleksey Melnikov, thành viên của Hội đồng Tổng thống Liên bang Nga về Phát triển xã hội dân sự và quyền con người kiêm thư ký Ủy ban Giám sát Công cộng Moscow cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến các vụ đào tẩu khỏi các trại cải tạo là tình trạng thiếu cán bộ.
"Theo thông tin tôi có được, Cơ quan Thi hành án Liên bang ở tỉnh Lipetsk thiếu từ 23% đến 25% cán bộ. Tôi không có thông tin chính xác về sự thiếu hụt cán bộ nói chung tại Trại giam IK-2, nơi xảy ra vụ đào tẩu, nhưng tôi ước tính được số lượng nhân viên trực tiếp tham gia bảo vệ trại. Con số này ấn tượng đến mức tôi quyết định không công khai, mà sẽ chuyển thông tin thu thập được cho ông Valery Fadeev, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Liên bang Nga về Phát triển xã hội dân sự và quyền con người", - ông Aleksey Melnikov nói.
Ông Melnikov cũng lưu ý rằng do thiếu cán bộ nên không thể đảm bảo cả công tác bảo vệ lẫn công tác điều hành tại cơ sở giam giữ một cách có hiệu quả.

Trong cuộc trò chuyện với báo "Tuyệt mật", cựu nhân viên Cơ quan Thi hành án Liên bang, ông Mikhail Fedorov (tên đã thay đổi) thừa nhận rằng tình trạng "lơ là cảnh giác" vẫn tồn tại tại các trại giam của Nga.
"Việc ngăn chặn các vụ đào tẩu sẽ hiệu quả hơn nếu có sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật hiện đại. Trước hết là hệ thống giám sát video chất lượng cao. Các cảm biến rung có khả năng phản ứng với bất kỳ sự rung động nào trên mặt đất sẽ nhanh chóng phát hiện việc đào bới. Vụ đào tẩu tại Trại IK-2 ở Lipetsk và các sự cố khác cho thấy rằng các trại giam Nga đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, cần được giải quyết ngay lập tức" - ông nhấn mạnh.
Từ đào hầm đến cướp máy bay trực thăng
Trong thế kỷ XX, các tù nhân Nga đã thể hiện những kỳ tích về sự tháo vát và sáng tạo. Năm 1922, tên cướp khét tiếng Lyonka Panteleev đã trốn thoát khỏi nhà tù Kresty, hay còn được gọi là "Ngục Bastille của Nga”, ở Saint Petersburg. 70 năm sau, "chiến công" của y đã được 7 tù nhân, đứng đầu là tên Anatoly Perepelkin, lập lại. Chúng đã bắt giữ 2 nhân viên của nhà tù và yêu cầu một chiếc trực thăng cùng vũ khí, nhưng đã xảy ra điều gì đó không ổn và vụ đào tẩu đã bị hủy bỏ vào phút chót.
Có hai cách đào tẩu phổ biến nhất: bắt cóc con tin và đào hầm. Ở Nga, chỉ có một tù nhân duy nhất là Aleksey Shestakov có thể bay ra khỏi nhà tù bằng trực thăng. Các đồng phạm của y tại Nhà tù IK-17 thuộc tỉnh Vladimir thuê chiếc trực thăng Mi-2, nói là để bay tham quan, sau đó chúng gí một khẩu súng lục vào thái dương phi công. Sự việc xảy ra vào mùa xuân năm 2012.
Đến nay, kỷ lục về số lượng tù nhân vượt ngục năm 1979 vẫn chưa bị phá vỡ. Lúc bấy giờ, 14 công dân Bắc Triều Tiên phạm tội ăn cắp và cướp bóc trên lãnh thổ Nga đã trốn thoát khỏi trại giam ở làng Starodubskoe trên đảo Sakhalin. Những người Triều Tiên chăm chỉ đã đào một đường hầm dài 40 mét bằng bát và xẻng. Họ đã lén lút giấu đá vào hố phân, còn đất thì rải thành lớp mỏng xung quanh các khu nhà giam.

Vào tháng 9/2020, 6 tù nhân ở Dagestan đã âm thầm đào một đường hầm từ chính buồng giam của họ. Những kẻ này bị kết tội giết người và buôn bán ma túy đang thi hành án ở làng Shamhal thuộc ngoại ô thành phố Makhachkala. Những bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các tù nhân đã đào một lỗ vuông trên sàn nhà. Một cái thang khoảng 5-6 bậc đi xuống sâu khoảng một mét.
Theo báo cáo của Cơ quan Thi hành án Liên bang, kẻ đứng đầu về các vụ đào tẩu là Aleksandr Solonik - sát thủ thuộc nhóm tội phạm có tổ chức ở thành phố Kurgan. Trong những năm 90, y đã giết ít nhất hai chục trùm tội phạm. Một trong những "kiệt tác" của y là vụ đào tẩu khỏi trại giam ở Ulyanovsk qua đường ống cống. Tuy nhiên, "tác phẩm nghệ thuật" thực sự của y là vụ đào tẩu siêu đẳng khỏi Nhà tù Matrosskaya Tishina ở Moscow.
Theo một giả thuyết, Aleksandr Solonik cùng đồng bọn đã cài cắm người của mình vào đội ngũ cán bộ trại giam, theo một giả thuyết khác, y đã mua chuộc một giám thị trại giam với giá 500.000 USD. Người giám thị mở xà lim của tên tội phạm, cùng nhau trèo lên mái nhà, rồi dùng thiết bị leo núi tụt xuống chiếc ôtô đang chờ sẵn. Những kẻ vượt ngục sau đó đã rời khỏi Nga và định cư ở Hy Lạp, nơi chúng bị giết sau vài năm.
Sát thủ Oleg Topalov được coi là “ngôi sao độc nhất vô nhị” của Nhà tù Matrosskaya Tishina. Y đã dùng thìa khoét xi măng giữa các viên gạch trong ống thông gió, trèo lên mái nhà qua cửa sổ và tụt xuống địa phận của tòa nhà bên cạnh - bệnh viện tâm thần Gilyarovsky, nằm cạnh nhà giam. Sau đó, y bị bắt giữ ở công viên Izmaylovsky ngay khi đang ghi vào nhật ký của mình: "Giấc mơ của ta đã thành hiện thực. Tự do! Tự do!"
Chạy trên lưỡi dao
Sớm hay muộn thì những kẻ đào tẩu sẽ bị bắt, vì chúng bị truy nã vô thời hạn. Các cơ quan chức năng biết địa chỉ của người thân và bạn bè, cũng như dấu vân tay của chúng. Thường thì những tù nhân này bị phát hiện ở nhà của người thân.
Một số tù nhân quyết định chạy trốn ngay cả khi thời gian thụ án đã gần hết. Nguyên nhân có thể là do mẹ, vợ hoặc con cái bị ốm nặng.
Phóng viên báo "Tuyệt mật" đã trò chuyện với cựu tù nhân Ivan Petritsky (tên đã thay đổi), người từng bị giam khoảng hai năm vào đầu những năm 2000 vì tội đánh nhau. Sau đây là câu chuyện của anh ta.
"Trong các trại giam, tồn tại song song hai khu vực: khu nhà ở có giường tầng, và khu vực công nghiệp, nơi tù nhân tham gia cái gọi là “liệu pháp lao động”. Thông thường, việc đào đường hầm dễ dàng hơn ở khu vực công nghiệp, nơi có xẻng, xà beng, và các dụng cụ khác, cũng như các xưởng bỏ hoang, nơi có thể đổ đất. Những người có ý định đào tẩu hành động rất cẩn thận, ở đây sự bí mật là yếu tố quyết định thành công, vì trong tù, việc tố cáo lẫn nhau rất phổ biến.
Thời điểm chuyển trại và đưa tù nhân đi thực nghiệm điều tra là những cơ hội đào tẩu thành công nhất. Thường thì những kẻ đào tẩu là những tù nhân đang phải chịu án dài hạn và không còn gì để mất, đôi khi, tù nhân còn quyết định bỏ trốn “vì bạn bè”. Một cuộc đào tẩu sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài và sự tham gia của các giám thị. Là người đã từng sống trong môi trường đó, tôi có thể nói rằng tất cả những vật dụng cần thiết cho việc đào tẩu, dù bị cấm, đều có thể được các cán bộ trại giam đưa vào với sự trợ giúp của tiền".
Ở đây không có gì phải bàn cãi: mức độ tham nhũng cao của các nhân viên Cơ quan Thi hành án Liên bang là điều kiện chủ yếu cho một cuộc đào tẩu thành công. Yếu tố con người mạnh hơn cả các hệ thống giám sát hiện đại như camera an ninh và cảm biến rung. Sau những vụ vượt ngục gây chấn động, các cán bộ trại giam đã phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi. Có thể, việc tăng cường kiểm soát các trại giam và công khai sự thật về các vi phạm đã được phát hiện sẽ giúp tìm ra câu trả lời.