Phiến quân PDF ở Myanmar, họ là ai?

Thứ Hai, 06/02/2023, 09:17

Tháng 2/2021, quân đội Myanmar (thường được biết đến dưới tên Tatmadaw) tiến hành đảo chính, lật đổ chính phủ dân sự do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu. Không lâu sau đó, nhiều tổ chức nổi dậy vũ trang chống Tatmadaw lần lượt ra đời, đáng kể nhất là Lực lượng phòng vệ nhân dân - People’s Defence Force, gọi tắt là PDF…

1. Với một hộp tiếp đạn đã được nạp đầy buộc sau lưng và khẩu súng trường trong tay, Rose Lalhmanhaih trông già hơn nhiều so với tuổi 17. Chỉ hai năm trước, cô đang ngồi trên ghế một trường trung học nhưng bây giờ, cô là người lính thuộc phe nổi dậy PDF. Điều còn có thể nhận ra ở tuổi nữ sinh là chiếc áo thun màu đen với dòng chữ quảng cáo cho thành phố Mỹ Los Angeles và những móng tay được đánh bóng bằng màu sơn tím sáng. Nói chuyện với phóng viên trang tin “Bên trong những nền chính trị” - Inside Politics, Rose cười: “Nó chỉ là một cách chọn lựa trong hoàn cảnh đất nước chúng tôi. Tatmadaw gọi chúng tôi là phiến quân nhưng chúng tôi là người ái quốc”.

Phiến quân PDF ở Myanmar, họ là ai? -0
Một tổ chiến đấu PDF hoạt động gần biên giới Myanmar - Ấn Độ.

Cuộc nói chuyện tạm dừng khi bộ đàm của Rose vang lên những tiếng bip bip. Bấm vào phím tổ hợp, cô vừa nghe vừa cúi mình xuống những bao cát, với lấy cái ống nhòm. Sau khi quan sát về phía trái, nơi có một tiền đồn của quân đội Myanmar, Rose trả lời: “Rõ, đã rõ”. Tiếp tục câu chuyện với phóng viên Inside Politics, Rose có vẻ vui: “Hôm nay sẽ là một ngày yên tĩnh. Lính Tatmadaw đã rời khỏi làng Haimual. Mấy hôm trước, bữa nào chúng tôi cũng đấu súng với họ”.

Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự, hơn 26.000 thường dân Myanmar đã thiệt mạng, 16.500 người bị bắt. Zay-Lin-Oo, 32 tuổi, từng là kỹ sư bom mìn trong quân đội Myanmar nhưng sau đó đào ngũ rồi trốn sang Ấn Độ trước khi quay về gia nhập PDF nói: “Lúc Tatmadaw tiến hành các cuộc phục kích quân nổi dậy, tôi cùng một số người khác được lệnh đặt mìn tại những vị trí tình nghi. Nếu quân nổi dậy không đi qua nơi ấy, chúng tôi rút về nhưng không gỡ mìn. Có thể những ngày sau đó sẽ có phiến quân chết và cũng có thể nhiều thường dân vô tội chết. Đó là lý do tôi có mặt ở đây”.

Rose Lalhmanhaih và Zay-Lin-Oo chỉ là 2 trong số hơn 60.000 người gia nhập phiến quân PDF. Cùng với nhiều tổ chức vũ trang khác, mục tiêu của PDF là chống lại quân đội Myanmar. Nơi đóng quân của họ là một ngôi làng chỉ cách biên giới Ấn Độ 18km nhưng toàn bộ dân làng đã vượt sông Tiau vào bang Mizoram, Ấn Độ. Tại bang này, 60 trại tị nạn tạm bợ đã được dựng lên, là nơi cư trú cho hơn 40.000 nghìn người Myanmar rời khỏi đất nước từ sau cuộc đảo chính. Mặc dù biên giới Ấn Độ - Myanmar đã chính thức đóng cửa nhưng người dân tộc thiểu số Mizo ở bang Mizoram có cùng nguồn gốc với người Chin ở Myanmar nên sự đồng cảm là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và cảnh sát biên giới Ấn Độ hầu như làm ngơ trước làn sóng người tị nạn nên việc người Mizo chào đón người Chin trở thành bình thường.

Zoramthanga, thủ hiến bang Mizoram nói với tờ Observer - “Người quan sát”: “Họ là anh chị em của chúng tôi và đó là lý do tại sao chúng tôi cung cấp thức ăn, chỗ ở cho họ”. Ông Zoramthanga cũng thừa nhận rằng nhiều thanh niên nam nữ sau một thời gian ngắn ở trại tị nạn và khi biết gia đình mình đã tạm thời yên ổn, họ quay trở lại Myanmar để gia nhập hàng ngũ phiến quân với những khẩu súng cũ kỹ do người Mizo trao tặng. Những người ở lại thành lập  tổ chiến đấu, vũ trang bằng dao, gậy, súng săn đề phòng quân đội Myanmar tràn qua. Chưa hết, xung quanh các trại tỵ nạn, chất nổ cũng được cài đặt để nếu gặp huống xấu nhất, các tổ chiến đấu sẽ cho nổ tung tất cả. Khẩu hiệu của người Myanmar ở đây là: “Hoặc chúng tôi sống, hoặc tất cả cùng chết!”.

Về mặt địa lý, ngôi làng mà người Myanmar đang sống trên đất Ấn Độ có tầm quan trọng chiến lược, không chỉ đối với dân tị nạn mà còn với toàn bộ lực lượng phiến quân. Nó đảm bảo một đường tiếp tế quan trọng gồm thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược qua biên giới, giúp cho các tổ chức phiến quân tồn tại. Một chính trị gia Myanmar lưu vong hiện đang sống ở thủ phủ Aizawl của bang Mizoram, người yêu cầu giấu tên vì lý do an ninh cho biết ông nằm trong một nhóm vạch ra chiến lược đấu tranh  cũng như cung cấp vũ khí và một số phương tiện quân sự cho quân nổi dậy. Maria, bí danh của một chỉ huy phiến quân ở Haimual nói: “Chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào phía Ấn Độ về mọi thứ. Nếu liên lạc với Ấn Độ bị phá vỡ, điều đó sẽ giáng một đòn cực mạnh vào lực lượng của chúng tôi”.

2. Tuy nhiên, khi sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào cuộc chiến chống Chính phủ quân sự Myammar của các tổ chức phiến quân ngày càng nhạt dần thì nguồn cung cấp vật chất cho phiến quân cũng bắt đầu cạn kiệt. Nếu như những ngày đầu, tài xế các xe tải chở hàng ở bang Mizoram thường hào phóng tặng cho phiến quân nhiều món quà gia dụng hữu ích thì bây giờ, sự nồng nhiệt ấy hầu như đã chấm dứt. Sunglingthanhg, 63 tuổi, người già nhất trong nhóm nổi dậy PDF hoạt động dọc theo biên giới Ấn Độ, Myanmar cho biết: “Trước đây, mỗi lần nhờ cánh tài xế mua dùm phân kali, gelatin, lưu huỳnh để chế tạo thuốc súng, họ thường không lấy tiền nhưng bây giờ, họ từ chối với lý do nguồn cung khan hiếm. Hiện tại chúng tôi đang phải chiến đấu với những khẩu súng cổ lỗ sĩ, nhiều khẩu có từ thời Đệ nhị thế chiến, chống lại một đội quân vũ trang hiện đại, đông hơn chúng tôi gấp hàng trăm lần”.

Phiến quân PDF ở Myanmar, họ là ai? -0
Xưởng chế tạo bom của PDF.

Theo các chuyên gia quân sự Ấn Độ, chưa đến một nửa phiến quân được huấn luyện cách chiến đấu và chỉ một nửa có súng trường bán tự động. Bên cạnh đó, sự thiếu thốn phương tiện thông tin liên lạc đã dẫn đến việc phối hợp rời rạc giữa các nhóm với nhau nên hầu như chẳng nhóm nào biết được đã có bao nhiêu phần trăm diện tích đất đai ở bang Chin nằm dưới quyền kiểm soát của PDF mặc dù theo tuyên bố của PDF, tổ chức này được chia thành 5 bộ chỉ huy khu vực, gồm Bộ chỉ huy miền Bắc, Nam, Trung, Đông và Tây, mỗi bộ chỉ huy có ít nhất 3 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn có 5 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn gồm 4 đại đội. Tuy nhiên không một nguồn tin độc lập nào có thể kiếm chứng được con số ấy.

Ngày 13/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Yee Mon của Chính phủ thống nhất quốc gia Myanmar (National Unity Goverment Myanmar - viết tắt là NUG) tuyên bố sức mạnh của lực lượng dân quân PDF dự kiến sẽ đạt 65.000 người vào tháng 11/2022. Đến ngày 7/9 cùng năm, quyền Chủ tịch NUG là ông Duwa Lashi La có bài phát biểu nhân kỷ niệm một năm nổi dậy. Theo ông Duwa Lashi La, trong 1 năm ấy PDF đã mất 1.500 tay súng nhưng ông nói chính quyền quân sự Myanmar cũng đang mất dần quyền kiểm soát lãnh thổ và “năm 2023 sẽ là một năm quan trọng vì NUG sẽ kết thúc thành công cuộc cách mạng. 6 mặt trận sẽ được mở ra để phục vụ mục tiêu này”.

Theo các nguồn tin tình báo phương Tây, từ đầu tháng 1/2023, bởi không thể mua được vũ khí theo cách chính thức từ bất cứ một quốc gia nào nên phiến quân PDF cùng các nhóm phiến quân khác như Lực lượng Phòng vệ nhân dân Mandalay, Lực lượng Phòng vệ nhân dân Bago, Lực lượng Phòng vệ nhân dân Sagaing, Lực lượng Phòng vệ nhân dân Magway, Lực lượng Phòng vệ nhân dân Yangon, Lực Lượng Phòng vệ nhân dân Kalay, Lực lượng Phòng vệ Chinland, Lực lượng Phòng vệ quốc gia Chin, Lực lượng Phòng vệ dân tộc Karenni, Lực lượng Phòng vệ nhân dân Karenni và Đội quân Rồng Hoàng gia Myanmar đã liên kết với nhau để giải quyết vấn đề thiếu hụt vũ khí bằng cách tự sản xuất hoặc mua “chui”, trong đó chủ yếu là súng tiểu liên M-16, AK-47, súng phóng lựu RPG-7, M-79, súng cối 60mm cùng các loại đạn, lựu đạn và mìn.

Theo phóng viên trang tin Inside Politics, đây cũng là lần đầu tiên PDF sử dụng máy in 3D để cho ra đời loại súng trường bán tự động FGC-9 bắn đạn 9mm. Vẫn theo các nguồn tin tình báo, ngân sách của NUG hiện có khoảng 55 triệu USD và 4 tỉ kyat thông qua các hoạt động phát hành trái phiếu, bán đất, bán quyền khai thác rừng, bán mỏ ngọc bích, thu thuế khai thác đất hiếm…, ở những vùng do PDF kiểm soát. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc đã chính thức lên tiếng phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, cũng như hội nghị cấp cao của những quốc gia ASEAN gần đây đã công nhận sự cần thiết phải có mặt của NUG trong việc giải quyết khủng hoảng đã khiến những nhà lãnh đạo NUG tin rằng mình sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhưng theo các nhà phân tích địa chính trị, niềm tin của NUG rất mỏng manh trong bối cảnh thế giới đang bị lôi cuốn vào những cuộc xung đột hiện hữu hoặc tiềm tàng, chưa kể chính quyền quân sự Myanmar vẫn xem NUG, PDF và các nhóm phiến quân khác là những tổ chức khủng bố.

3. Trở lại với hàng ngũ PDF, từ giữa năm 2022, tổ chức này đã liên tiếp tung ra các cuộc tấn công nhắm vào quân đội Myanmar nhưng chỉ ở mức nhỏ lẻ, chủ yếu nhắm vào các đồn bót hẻo lánh. Biện minh cho những việc ấy, một chỉ huy của PDF là Thonya nói: “Cuộc kháng chiến vũ trang là cuộc chạy marathon chứ không phải là chạy nước rút. Để chạy nước rút, bạn cần sức mạnh. Để chạy marathon, bạn cần sự kiên trì. Vì vậy, mọi người nên chuẩn bị tâm lý vững vàng để chiến đấu”. Phát ngôn ấy cũng nhằm ngăn chặn một số nhà lãnh đạo của NUG  đưa ra những hy vọng hão huyền, rằng sẽ đạt được chiến thắng trong 2 năm! Theo nhà phân tích an ninh Anthony Davis thuộc Viện nghiên cứu chiến tranh Mỹ, việc đốt cháy giai đoạn từ hình thái chiến tranh du kích sang xung đột tổng lực có thể sẽ dẫn đến thất bại cho NUG bởi lẽ mới chỉ 25% quân số PDF được trang bị vũ khí phù hợp. Hơn nữa, kỳ vọng của NUG về sự can thiệp của nước ngoài là phi thực tế.

Phiến quân PDF ở Myanmar, họ là ai? -0
Các cuộc biểu tình chống chính phủ quân sự vẫn diễn ra nhiều nơi ở Myanmar.

Với những người trẻ tuổi như Rose Lalhmanhaih hoặc Zay-Lin-Oo, chính trị là một cái gì đó xa vời. Họ tham gia PDF chỉ với suy nghĩ đánh bại Tatmadaw bằng mọi cách. Nhiều người khác chọn việc cầm súng như một lối thoát vì sau những cuộc biểu tình ôn hòa đòi dân chủ, họ bị truy bức và cánh cửa nhà tù đang mở ra trước mặt họ. Noe, 21 tuổi nói với trang tin Inside Politics: “Ngay cả giao tiếp trực tuyến cũng rất nguy hiểm. Lực lượng an ninh Myanmar thường xuyên kiểm tra ngẫu nhiên trên đường phố, chủ yếu nhắm vào nam nữ thanh niên. Hễ trong điện thoại của ai mà có những thông tin liên quan đến kháng chiến là bị bắt”. Minlwin Oo, 24 tuổi nói thêm: “Điện thoại của tôi liên tục nhận được những cảnh báo, rằng không tham gia biểu tình, không đi theo PDF. Nếu vi phạm, tôi sẽ chết cùng với gia đình tôi”.

Về phía chính phủ quân sự Myanmar, NUG, PDF và các tổ chức phiến quân khác chỉ là những nhóm khủng bố qua dẫn chứng về những vụ đánh bom xảy ra tại Yangon,  thành phố lớn nhất Myanmar. Người phát ngôn quân đội Myanmar nói: “Một tiệc cưới cũng là mục tiêu vì bọn khủng bố nghi ngờ chú rể đã cung cấp thông tin cho quân đội. Bốn người thiệt mạng bao gồm cả cô dâu, chú rể và hàng chục người khác bị thương khi quả bom được ngụy trang như một hộp quà mừng…”.

Vũ Cao (Theo Inside Politics)
.
.