Scandal xâm hại cầu thủ trẻ ở Gabon

Chủ Nhật, 21/01/2024, 20:34

Vấn đề cầu thủ trẻ bị quấy rối tình dục không phải là mới. Còn nhớ cách đây mới chỉ vài năm bóng đá Anh đã bị sốc khi thông tin về một loạt cầu thủ trẻ vào những thập niên 1970, 1980 và 1990 bị cưỡng hiếp khi đang theo học tại học việc bóng đá. Các đối tượng làm hại họ lại chính là huấn luyện viên và ông chủ của một số câu lạc bộ danh tiếng như Manchester City, Newcastle, Chelsea, Aston Villa, v.v...

Trong khi vụ đại án ở Anh còn chưa được giải quyết xong thì lại xuất hiện một scandal lớn khác tại Gabon. Kể từ thập niên 1990 đến nay, hàng chục cầu thủ trẻ tại quốc gia Trung Phi này đã bị quấy rối tình dục bởi các huấn luyện viên và lãnh đạo đội bóng. Tuy sự thật đã được phơi bày nhưng cuộc chiến đòi lại công lý của các nạn nhân vẫn chưa chấm dứt.

Đau đớn trong im lặng

Nhắc đến tên Parfait Ndong thì người yêu bóng đá Gabon nào cũng biết. Parfait từng chơi nhiều năm cho các câu lạc bộ Bồ Đào Nha tại vị trí hậu vệ phải, đồng thời đeo băng đội trưởng đội tuyển quốc gia Gabon 45 lần. Vào năm 2019, ông góp nhặt được đủ tiền để thực hiện được ước mơ của cuộc đời mình: Mở ra học viện bóng đá Jardin de football au Gabon. Parfait chẳng thể ngờ rằng việc này sẽ đưa ông lại gần một bí mật đen tối của nền bóng đá Gabon.

Scandal xâm hại cầu thủ trẻ ở Gabon -0
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Gabon Pierre-Alain Mounguengui.

Cựu danh thủ bóng đá trả lời phỏng vấn phóng viên hãng tin BBC: “Tôi đã làm đúng tất cả mọi quy trình. Tôi đã trình báo với tất cả mọi người kể từ chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Gabon (Fegafoot) trở xuống. Chẳng ai muốn nghe tôi nói dù chỉ một câu. Họ biết rõ về vấn nạn xâm hại trẻ em, nhưng họ thà để mấy đứa nhỏ bị hủy hoại thay vì làm gì”.

Phải đến khi tờ The Guardian của Anh đăng một loạt bài phóng sự điều tra thì FIFA lẫn Fegafoot mới nghiêm túc mở cuộc điều tra. Kẻ đứng đầu trong danh sách những đối tượng bị điều tra không ai khác là Patrick Assoumou Eyi, hay còn gọi là “Capello”, huấn luyện viên đội trẻ của đội tuyển quốc gia. Capello nắm trong tay quyền quyết định ai sẽ chơi cho đội trẻ quốc gia. Theo lời Parfait Ndong thì: “Capello giống như một vị Chúa, và tín đồ của ông ta toàn là giám đốc các trung tâm đào tạo, các học viện bóng đá”.

Một nạn nhân giấu tên từng là thành viên đội U17 Gabon tường thuật lại tội ác: “Tôi và người bạn, người đồng đội thân nhất đang đang ngủ cùng phòng thì bị gọi dậy và kéo sang một căn phòng khác. Trong căn phòng bật đèn đỏ đấy có đầy những người đàn ông không mặc gì. Họ sờ soạng tôi và bạn tôi. Tôi tìm cách bỏ chạy, nhưng cửa đã bị khóa, lại còn có hai người mặc đồ bảo vệ đứng canh nữa. Họ ném tôi xuống đất và lột hết quần áo trên người tôi... Khi tôi nhìn sang người bạn mình đang bị hãm hiếp, đôi mắt anh ấy cứ như thể muốn nói là: “Hãy cố chịu đựng đi, rồi mọi chuyện sẽ hết”. Tôi chỉ còn biết khóc và la hét”.

“Những người đàn ông bảo tôi rằng nếu tôi hé răng về chuyện sẽ xảy ra, tôi sẽ không bao giờ được đá bóng nữa, rồi gia đình tôi sẽ bị giết”. Nạn nhân sau đó đã bỏ hẳn nghiệp bóng đá.

Vào tháng 12-2021, Ủy ban đạo đức độc lập của FIFA ra lệnh cấm hành nghề với Capello và ba huấn luyện viên Gabon khác để phục vụ việc điều tra. Cuộc điều tra được chỉ đạo bởi các quan chức Fegafoot. Điều này chỉ làm tăng thêm sự nghi ngờ của ngành bóng đá Gabon về sự trong sạch của cuộc điều tra. Luật sư Loic Alves, cố vấn của Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro), cho biết: “Chẳng có nạn nhân nào tin được một cuộc điều tra được thực hiện bởi chính những kẻ gây án... Tổ điều tra Gabon có quá nhiều xung đột về lợi ích đến mức bất kỳ chuyên gia pháp lý nào cũng phải đặt câu hỏi về sự công bình của họ”.

Trong số bốn huấn luyện viên bị điều tra, chỉ có Capello thú nhận tội cưỡng hiếp và quấy rối tình dục trẻ em trong thời gian dài. Ba người huấn luyện viên kia đều phủ nhận các cáo buộc. Cả bốn vẫn đang phải ngồi tù để chờ quyết định xét xử cuối cùng.

Việc Capello bị đình chỉ công tác và ngồi tù không khiến nhiều nạn nhân của ông ta cảm thấy yên tâm. Cầu thủ Alexis (tên giả) hiện đang chơi bóng ở châu Âu nói với hãng tin BBC: “Tôi chỉ dám nói ra điều này vì tôi đang ở châu Âu. Nếu tôi còn ở Gabon thì thể nào cũng sẽ bị đe dọa tính mạng... Họ đã bắt Capello, nhưng chính những người bắt ông ta cũng lại là thủ phạm. Họ chỉ dám bắt những người ở “tầng thấp”. Những kẻ phạm tội ở tầng cao nhất của bóng đá Gabon đã lấy Capello ra làm “vật thí mạng”. Chừng nào những kẻ này chưa bị trừng trị thì cầu thủ trẻ vẫn sẽ bị đe dọa”.

Cựu tiền đạo Armand Ossey từng chơi cho những câu lạc bộ tại Pháp và Bồ Đào Nha là một trong số ít người trong làng bóng đá Gabon dám nói ra sự thật. Ông kể: “Bất kỳ cầu thủ trẻ nào ở Gabon vào đầu thập niên 1990 cũng từng nhìn thấy thứ “ung nhọt” này chiếm lấy nền bóng đá nước nhà. Nhiều người đồng đội của tôi là nạn nhân nhưng không dám nói ra, vậy nên tôi phải nói thay họ... Tôi không biết có tất cả bao nhiêu nạn nhân, nhưng chỉ nhìn vào Capello thôi thì con số cũng đã thật kinh khủng. Hắn ta đã xâm hại trẻ em từ 25 đến 30 năm nay. Mỗi năm hắn lại huấn luyện cho ít nhất 50 cậu bé”.

Theo ông Armand thì một trong những kẻ đồi bại đầu tiên trong làng bóng đá Gabon là huấn luyện viên Jean Bahoken người Cameroon của đội USM Libreville. Vị cựu danh thủ kể lại: “Chúng tôi hay gọi hắn ta là “Prési”. Khi tôi còn chơi cho USM thì Prési từng lột trần tôi rồi quay phim cảnh hắn ta xâm hại tôi. Nhưng tôi vẫn chưa phải là người xấu số nhất”.

Một người đồng đội cũ của Armand tại USM kể: “Prési hay gọi từng cầu thủ lên văn phòng rồi nói: “Cậu chơi tốt nhưng chưa có tâm thế tốt”. “Tâm thế tốt” giống như là từ khóa với những kẻ chuyên xâm hại tình dục như ông ta. Trong đầu Prési nghĩ rằng bằng cách quấy rối tình dục chúng tôi, ông ta thực chất đang chuẩn bị “tâm thế tốt” cho cầu thủ”.

Jean Bahoken mất sau khi trở về Cameroon, nhưng Capello - người quen cũ của ông ta - và các huấn luyện viên Gabon khác vẫn tiếp tục xâm hại trẻ em. Trước đây Capello vốn là diễn viên xiếc tại đoàn Cirque de l'Equateur nổi tiếng, rồi đến thập niên 1990 thì trở thành huấn luyện viên bóng đá. Cả một thế hệ cầu thủ Gabon tài năng trưởng thành dưới trướng Capello. Cựu tiền đạo Shiva N'Zigou, người từng có nhiều năm chơi bóng ở Pháp, nhớ lại: “Các đồng đội của tôi ở tuyển trẻ đều là những người tài năng, nhưng ai cũng hiểu là phải làm theo những “mệnh lệnh đặc biệt” của Capello thì mới giữ được chỗ trong tuyển”.

Theo lời  những nạn nhân thì Capello lựa chọn các cầu thủ có gia cảnh nghèo khó rồi hứa hẹn họ sự nghiệp sau này. Một nạn nhân giấu tên kể lại: “Ông ta liệt kê một loạt những cầu thủ đàn anh từng quan hệ với ông ta. Rồi có lần khác ông ta gọi điện trực tiếp cho chủ một câu lạc bộ ở Pháp... Tôi tự an ủi mình rằng để cho Capello làm việc gì ông ấy muốn cũng chỉ là cách để có sự nghiệp sau này... Ai cũng muốn được đá ở tuyển quốc gia, trong các giải thi đấu quốc tế để mong rằng có câu lạc bộ nước ngoài nào để ý đến mình”.

Một kẻ đồi bại khác trong làng bóng đá Gabon khi đó là Guy Mandarano, một doanh nhân, chuyên gia chuyển nhượng và ông chủ câu lạc bộ Ermoglichen. Nói không ngoa, Guy nắm “quyền sinh quyền sát” đối với nhiều cầu thủ trẻ. Một cựu cầu thủ Ermoglichen trả lời BBC: “Khi tôi vừa mới dậy thì năm 13 tuổi thì bị Guy Mandarano tiếp cận. Ông ta kể tên các cầu thủ nổi tiếng vào thời điểm đó và nói rằng chỉ cần tôi làm theo lời ông thì cũng sẽ trở nên nổi tiếng như vậy... Cầu thủ nào ở Ermoglichen cũng chấp nhận việc quan hệ với ông chủ như là chuyện thường tình.” Hiện nay Guy Mandarano đang sống ở Pháp.

Parfait Ndong không phải cầu thủ đầu tiên lên tiếng về khối “ung thư” của bóng đá Gabon. Cựu tiền đạo Brice Makaya là thành viên của đội tuyển quốc gia Gabon từng đi đến tứ kết cúp châu Phi năm 1996. Vào năm 2014, Brice trở thành một huấn luyện viên của đội trẻ Gabon dưới quyền Capello và có cơ hội điều tra những vụ xâm hại tình dục cầu thủ. Vị danh thủ trả lời phỏng vấn: “Trong một trận đấu của đội U17 ở Ethiopia, tôi đưa cho ông Pierre-Alain Mounguengui (Chủ tịch Fegafoot) điện thoại của một cầu thủ trong đội. Trong điện thoại là tấm ảnh một người đàn ông đội tóc giả rồi lại còn bôi son cùng dòng tin nhắn: “Môi em đẹp lắm, anh chỉ muốn hôn em một phát thôi”. Bức ảnh cùng tin nhắn được gửi bởi Capello. Vậy mà Mounguengui xem ảnh xong bèn nói luôn với tôi rằng như vậy là vẫn chưa đủ bằng chứng”.

Một số cầu thủ Gabon khác thì chỉ trích trước phóng viên nước ngoài việc ông Pierre-Alain bổ nhiệm Engouma Bertrand, nguyên huấn luyện viên USM Libreville, vào chức giám đốc kỹ thuật của Fegafoot vào năm 2016. Đã có đến gần 30 cựu cầu thủ USM ký tên vào đơn tố cáo Engouma xâm hại tình dục họ. Một nguyên đơn nói: “Việc Engouma Bertrand nhận chức giám đốc kỹ thuật chẳng khác gì cái tát vào mặt chúng tôi. Ai thấy thế cũng phải tự hỏi rằng: “Phải chăng cứ ai cưỡng hiếp cầu thủ trẻ là được nhận chức cao ở Fegafoot?”.

Scandal xâm hại cầu thủ trẻ ở Gabon -0
Huấn luyện viên Patrick Assoumou Eyi bị tố cáo đã cưỡng hiếp không ít học trò của mình.

Chấn động

Tuy rằng dư luận Gabon đã lên tiếng yêu cầu ông Pierre-Alain Mounguengui từ chức, nhưng ông Pierre-Alain vẫn tái tranh cử thành công chức chủ tịch Fegafoot vào tháng 4 năm 2022. Hai tháng sau đó ông ta lại được bầu vào Ủy ban điều hành Liên đoàn bóng đá Châu Phi (CAF). Cảnh sát Gabon phải chờ đến giữa năm 2022 mới ra lệnh bắt tạm giam Pierre-Alain để điều tra. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà FIFA không chịu đình chỉ công tác Pierre-Alain, vậy nên ông ta ngồi ở trong tù mà vẫn chỉ đạo Fegafoot như thường.

Cựu hậu vệ Rémy Ebanega, Chủ tịch Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Gabon, trả lời phỏng vấn: “Ngành tư pháp Gabon đã bắt giam Pierre-Alain, vậy tại sao FIFA lại không làm gì? Thử hỏi xem họ có coi luật pháp Gabon ra cái gì không... Tôi chưa từng thấy ở nơi nào trên thế giới có chuyện chủ tịch ngồi tù mà vẫn được chỉ đạo liên đoàn bóng đá quốc gia”.

Về phía CAF thì tổ chức này viết thư khiếu nại lên bộ Thể thao Gabon để phàn nàn việc Pierre - Alain Moungeuengui bị bắt giam vô cớ. Chủ tịch CAF Patrice

Motsepe còn vào tận nhà tù để thăm Pierre-Alain. Cuối cùng thì vị chủ tịch của bóng đá Gabon cũng được thả ra. Ông ta lập tức bay đến Qatar để xem vòng chung kết World Cup 2022. Có không ít bức ảnh chụp Pierre-Alain tỏ ra thân mật với các quan chức cấp cao của những liên đoàn bóng đá quốc gia và châu lục.

Hơn hai năm sau khi scandal quấy rối tình dục cầu thủ trẻ bị vỡ lở, nhiều đối tượng bị cáo buộc vẫn đang giữ các chức vụ quan trọng trong nền bóng đá Gabon. Đơn cử như Hervé Patrick Opiangah, Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá CF Mounana. Ông này từng phải ngồi tù 15 tháng vì tội lừa đảo tài chính, sau đó ra tù và làm giàu từ việc đi buôn, rồi trở thành nhân vật quyền thế trong giới chính trị và thể thao Gabon - ngay cả nguyên Tổng thống Ali Bongo cũng coi Hervé Patrick Opiangah là cố vấn thân cận.

Một cầu thủ Gabon đang chơi bóng ở Châu Âu cho biết: “Opiangah nắm “quyền sinh quyền sát” ở đội tuyển quốc gia. Ông ta muốn ai lên tuyển là làm được. Chỉ vì tôi không chịu lên giường với ông ta mà không được gọi tập trung thi đấu quốc tế”.

Một cựu cầu thủ của câu lạc bộ CF Mounana thì tiết lộ: “Hervé gọi tôi vào văn phòng để nói thẳng là muốn được ký hợp đồng là phải ngủ với ông ta. Tôi từ chối và thế là bị đuổi khỏi câu lạc bộ. Tôi gia nhập câu lạc bộ khác nhưng không được chơi phút nào bởi vì Hervé đã đứng sau “giật dây”... Cầu thủ nào ở Gabon cũng sợ ông ta.”

Huấn luyện viên Lazare Nguema của đội bóng tỉnh Estuaire là một nhân vật khác bị cáo buộc xâm hại tình dục cầu thủ. Một nạn nhân của ông ta kể: “Lazare liên tục lấn tới và nói rằng nếu tôi không chịu hợp tác thì sẽ chẳng tiến được tới đâu. Có lần tôi đến nhà riêng của Lazare. Lazare bảo tôi cởi hết quần áo để kiểm tra sức khỏe, rồi bất ngờ đẩy tôi ngã xuống sàn và nằm đè lên tôi. Tôi may mắn đẩy được ông ta ra rồi cứ thế mà nhảy qua cửa sổ, chạy một mạch về nhà trong khi trên người không một mảnh vải... Từ cái ngày đó trở đi Lazare liên tục gọi điện quấy rầy tôi rồi nói rằng chỉ có ông ta mới có thể cho tôi chơi bóng trở lại. Tôi đang nghĩ mình cũng nên bỏ hẳn bóng đá để dẹp hết mọi chuyện”.

Lê Công Vũ
.
.