Thuốc giả - hiểm họa toàn cầu
Hiện tượng thuốc giả và thuốc kém chất lượng liên quan đến tất cả các loại dược phẩm đang có mặt trên thị trường: vaccine, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị chống lại HIV, thậm chí là Viagra và chúng ngày càng gây ra nhiều nạn nhân hơn: hàng trăm nghìn ca tử vong trong những năm gần đây. Làm thế nào để chống lại mối nguy hại đe dọa trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng này?
Kháng sinh giả giết chết 8.000 người chỉ ở một bệnh viện
Bệnh nhân chết oan vì thuốc giả đã xảy ra khắp nơi trên thế giới và liên quan đến hầu như tất cả các loại thuốc. Một loại thuốc chống lao kém chất lượng, gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng đã giết chết 100 bệnh nhân tại một bệnh viện ở Lahore, Pakistan, vào năm 2012.
Năm 2013, nhà chức trách Ấn Độ phát hiện ra rằng một loại thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng sau phẫu thuật là thủ phạm đã khiến 8.000 người chết tại một bệnh viện hẻo lánh ở Himalaya trong khoảng thời gian 5 năm vì nó là thuốc giả, không chứa chất hoạt tính. Tháng 5-2019 , Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng các vaccine viêm màng não hết hạn sử dụng đang được bán tràn lan ở Tây Phi.
Hầu như tất cả các loại thuốc đều bị làm giả - thuốc chống sốt rét, vaccine, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị HIV và thậm chí cả Viagra. Ít tệ nhất là loại thuốc giả không hoặc chứa không đủ hoạt chất, tệ nhất là thuốc chứa các chất độc gây chết người. Các vụ bắt giữ thuốc giả đang gia tăng hàng năm. Chẳng hạn, Chiến dịch Pangea của Interpol đã thu giữ 2,4 triệu viên thuốc giả và bất hợp pháp vào năm 2011, con số này đã tăng lên 20,7 triệu trong năm 2015.
Mặc dù đã biết về sự tồn tại của thuốc giả trong nhiều thập niên, nhưng quy mô gây choáng váng của thảm họa này chỉ được biết đến vào đầu những năm 2000, khi một số tổ chức nghiên cứu bắt đầu tiến hành thu thập dữ liệu. Tại Interpol, mãi đến năm 2005, đơn vị chống Tội phạm Dược phẩm mới được thành lập. Các chuyên gia tin rằng vấn nạn thuốc giả đang trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn và thu hút ngày càng nhiều tội phạm tham gia - lý do rất đơn giản: rủi ro thấp và lợi nhuận cao.
Michael Deats, chuyên gia thuộc bộ phận Dược Phẩm và Thiết bị Y tế thiết yếu của WHO ước tính rằng thuốc giả đã gây ra cái chết của 100.000 đến 1 triệu người mỗi năm trong những năm gần đây. Con số này dường như đã tăng lên theo thời gian nhưng hầu như không thể ước lượng chính xác, bởi nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân rất khó đoán biết: thuốc giả, chẩn đoán sai, điều trị đã quá muộn…
Ngành công nghiệp dược phẩm được đan dệt từ các mạng lưới phức tạp trải dài trên toàn cầu. Trong quá trình sản xuất, một viên thuốc có thể di chuyển qua hàng chục quốc gia: các hoạt chất được tổng hợp ở Trung Quốc có thể được kết hợp với tá dược ở Ấn Độ và sau đó được đóng gói ở Mexico trước khi đến một hiệu thuốc ở Canada, điều này tạo cho bọn tội phạm nhiều cơ hội để xâm nhập vào chuỗi cung ứng.
Những kẻ làm hàng giả thường có mạng lưới quốc tế rộng khắp. Năm 2013, một người Puerto Rico bị kết án hai năm tù vì bán hàng trăm nghìn loại dược phẩm giả trên mạng. Anh ta là người điều phối tại Mỹ cho một mạng lưới làm thuốc giả do Bo Jian, một công dân Trung Quốc đứng đầu, người này được nhìn thấy lần cuối ở New Zealand trước khi bỏ trốn mất tích.
Nạn tham nhũng của quan chức
Aline Plancon, Phó Giám đốc Interpol phụ trách chống các sản phẩm y tế giả và tội phạm dược phẩm, cho biết: "Trong số 196 quốc gia trên thế giới, rất ít có bộ phận chuyên trách về dược phẩm hoạt động giống như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ”.
Khi dược phẩm nhập khẩu vào một quốc gia, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra tài liệu và tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên bao bì, thành phần hóa học và hình thức bên ngoài. Nhưng bọn tội phạm thường sử dụng tài liệu giả mạo. Nhìn chung, thị trường cho thuốc giả thường là những quốc gia tương đối nghèo, thiếu ngân sách và nhân viên, và các quan chức của họ, do thiếu sự giám sát nghiêm túc của chính phủ, đôi khi tự cho phép mình bị tha hóa.
Theo một báo cáo do Ủy ban Đánh giá chống tham nhũng Độc lập (MEC) công bố năm 2018, các quan chức của Bộ Y tế Công cộng Afghanistan “nhận hối lộ cho các hoạt động ngoài nhiệm vụ của họ mà không có nguy cơ bị phát hiện”. Một quan chức bị hành quyết ở Trung Quốc vào năm 2010 vì tội nhận hối lộ để đổi lấy thuốc chưa qua kiểm tra.
Ngay cả ở các quốc gia giàu có như ở Mỹ và Anh, nơi các loại thuốc thường xuyên được xét nghiệm, hàng giả vẫn có thể lọt qua các kẽ hở, thường đó là khi bệnh nhân hoặc bệnh viện mua trên Internet. Phần lớn thuốc mua trực tuyến được gửi qua đường bưu điện. Các gói hàng thường được kiểm tra biên giới định kỳ, bao gồm chụp X-quang và chó phát hiện ma túy.
Nếu có lý do để tin rằng một gói hàng có chứa sản phẩm giả, chẳng hạn như nếu cơ quan chức năng biết rằng một số loại thuốc giả đã được sản xuất gần đây hoặc nếu các tài liệu có dấu hiệu đáng ngờ, các quan chức hải quan sẽ mở nó ra và kiểm tra nội dung. Tuy nhiên, cả Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), dịch vụ nhập cư và Hải quan Mỹ đều không thể cho biết tỷ lệ bao bì bị kiểm tra hoặc tịch thu mỗi năm.
Ngay cả khi họ phát hiện ra điều gì đó không ổn, không có gì đảm bảo rằng họ sẽ được quyền giữ sản phẩm. Người phát ngôn của NIPRCC (Trung tâm Điều phối Quốc gia về Quyền Sở hữu Trí tuệ, một trong những cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ hải quan tại Mỹ) cho biết thêm, một vụ bắt giữ đòi hỏi một quá trình kiểm tra và điều tra gồm 25 bước và cần tới thời gian, nhân viên và nguồn lực. Do đó, các loại thuốc giả chỉ bị thu giữ nếu chúng có khả năng ảnh hưởng đến một số lượng lớn người dùng.
Thuốc giả hay thuốc kém chất lượng?
Các cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc định ra các giải pháp khác biệt để chống lại thuốc giả và thuốc vi phạm bản quyền. Loại thứ hai là những loại thuốc không tôn trọng bằng sáng chế do phòng thí nghiệm dược phẩm cấp.
Ví dụ, Viagra giả, có thể chứa các chất tương tự như sản phẩm được cấp phép nhưng không được sản xuất bởi Pfizer, công ty này vì vậy không nhận được phần lợi nhuận từ việc bán hàng. Thuốc vi phạm bản quyền không nhất thiết gây nguy hiểm đến tính mạng của con người - chủ yếu là đe dọa đến lợi nhuận của các công ty dược phẩm đang nắm giữ bản quyền sáng chế.
Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, mối nguy hiểm thực sự là thuốc giả, chúng giết hàng nghìn người trên thế giới mỗi năm. Tuy nhiên, hầu hết tại các quốc gia, người ta lại đang dành nguồn lực hạn chế của mình để ngăn chặn các vụ vi phạm sở hữu công nghiệp thay vì săn lùng các tập đoàn sản xuất thuốc giả.
WHO là tổ chức duy nhất có khả năng khắc phục sự cố trên bình diện toàn cầu. Họ có thể tổ chức các hội nghị, thảo luận về những gì các quốc gia có thể làm cùng nhau để giảm số lượng thuốc giả và soạn thảo các báo cáo định kỳ về thuốc giả trên khắp thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay WHO vẫn khước từ ý tưởng về một hiệp ước quốc tế chống thuốc giả và cũng không lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc tách thuốc giả với thuốc vi phạm bằng sáng chế.
Nhu cầu hợp tác đa quốc gia
Để chấm dứt tai họa này, cần có sự hợp tác quốc tế sâu rộng. Amir Attaran, giáo sư luật và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Ottawa, Canada, đề xuất việc thiết lập một hiệp ước quốc tế nêu rõ các quy tắc cần tuân thủ. Ông so sánh tình hình với hàng không: “Có hàng chục hiệp ước hàng không dân dụng và tất cả các quốc gia đều tôn trọng chúng. Cần có một hệ thống tương tự để trừng phạt các quốc gia không thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm túc đối với các sản phẩm y tế”. Hiệp ước quốc tế gần nhất với kỳ vọng này hiện đang áp dụng đó là công ước Medicrime được ban hành vào năm 2011, nó bắt buộc các quốc gia ký kết phải hình sự hóa những gian lận dược phẩm trong biên giới của họ.
Có một tổ chức đang kiên trì chống lại vấn nạn thuốc giả: Đơn vị Pangea của Interpol. Trong 7 năm qua, các cuộc điều tra của Pangea đã dẫn tới việc thu giữ hàng triệu hộp thuốc giả, trong đó có nhiều loại được bán trên mạng. Đây luôn được coi là một ví dụ tuyệt vời về sự hợp tác quốc tế thành công với sự phối hợp của các cơ quan chức năng đến từ 111 quốc gia, theo một thông cáo báo chí do Interpol đưa ra vào năm 2017.
Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn, điều mà Interpol không bao giờ nói tới, đó là hơn một nửa số ma túy bị thu giữ trong các chiến dịch của Pangea chỉ đến từ một số quốc gia nhất định. Vì thế các nước bị tổn thương chủ yếu vẫn là các nước nghèo và các nước giàu đủ hài lòng để không kêu gọi hành động kịch tính hơn.
Hiện nay đã có những giải pháp đơn giản có thể giúp người tiêu dùng ở các nước đang phát triển tự bảo vệ mình. Điện thoại di động là một trong số đó. Các nhà sản xuất thuốc đang bắt đầu cung cấp bao bì có mã cào: người tiêu dùng gửi nó qua SMS đến một số đặc biệt để gửi tin nhắn tự động xác nhận tính xác thực của thuốc. GS Jim Herrington thuộc Trường Y tế Công cộng Gillings thuộc Đại học Bắc Carolina, cho biết kết quả đầu tiên rất hứa hẹn: Không có kẻ giả mạo nào có thể hack được hệ thống.