Tokuryu - Thế hệ tội phạm mới ở Nhật Bản

Thứ Năm, 01/08/2024, 12:39

Sự suy thoái của yakuza để lại lỗ hổng trong thế giới ngầm Nhật Bản. “Khoảng trống” quyền lực đó hiện đang được lấp đầy bởi một thế hệ tội phạm mới ít tổ chức hơn, ít chuyên nghiệp hơn nhưng chẳng kém tinh vi. Người ta gọi chúng là tokuryu...

Thế hệ mới

Nhắc đến tội phạm Nhật Bản thì người ta nghĩ ngay đến những gã yakuza ngạo nghễ, xăm trổ đầy người. Vậy nhưng số lượng yakuza ở Nhật đang ngày càng giảm, trong khi độ tuổi trung bình của yakuza lại tăng. Sự suy thoái của yakuza để lại lỗ hổng trong thế giới ngầm Nhật Bản. “Khoảng trống” quyền lực đó hiện đang được lấp đầy bởi một thế hệ tội phạm mới ít tổ chức hơn, ít chuyên nghiệp hơn nhưng chẳng kém tinh vi. Người ta gọi chúng là tokuryu.

Tokuryu là từ ghép của hai từ tokumei (ẩn danh) và ryudo (nhỏ bé, uyển chuyển). Thuật ngữ ngày xuất hiện vào năm 2021 trên các phương tiện truyền thông Nhật. Theo số liệu của Cục Cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA), trong vòng hai năm kể từ khi báo chí nước này bắt đầu sử dụng từ tokuryu, cảnh sát đã bắt được hơn 10.000 đối tượng có thể xếp vào diện này.

Tokuryu - Thế hệ tội phạm mới  ở Nhật Bản -0
Cảnh sát Nhật áp giải đối tượng Wakama Kirato có liên quan đến vụ sát hại hai vợ chồng.

Vậy nhưng từ tokuryu nghĩa là gì? Tokuryu chỉ chung những nhóm tội phạm nhỏ và chỉ hoạt động tạm thời. Bao giờ cũng có một đối tượng đứng ra thuê những người khác để thực hiện một, hai phi vụ, rồi sau đó cho nhóm giải tán. Các thành viên của một băng đảng tokuryu có thể hoàn toàn không biết nhau mà chỉ được tuyển dụng qua nhiều kênh khác nhau. Nói văn hoa thì nếu như yakuza giống như nhân viên một công ty có bộ máy tổ chức cán bộ, thì tokuryu giống như nhóm thợ làm thuê phụ trách một dự án nào đó.

Còn nhớ vào tháng 5/2023, ba kẻ bịt mặt đã xông vào một cửa hàng đồng hồ cao cấp ở quận Ginza, trung tâm Tokyo ngay giữa ban ngày. Chúng cuỗm lấy 74 chiếc đồng hồ với tổng trị giá khoảng 300 triệu yên. Vụ cướp táo tợn đến mức nhiều nhân chứng còn tưởng là đang quay phim.

Cảnh sát Tokyo chỉ cần vài tiếng để tóm gọn toán cướp và thu hồi tài sản bị trộm. Trong số ba tên cướp và kẻ thứ tư làm nhiệm vụ lái xe bỏ trốn, đối tượng trẻ nhất mới có 16 tuổi, và đối tượng lớn nhất cũng chỉ mới 19 tuổi. Chúng khai được một kẻ không rõ danh tính thuê ăn cướp qua mạng xã hội. Ba bị cáo trên 18 tuổi đã nhận án tù, còn riêng đối tượng mới chỉ 16 tuổi phải vào trại giáo dưỡng.

Một sỹ quan cảnh sát giấu tên phụ trách vụ ăn cướp ở Ginza nhận xét trên báo Gendai Media: “Kẻ đứng sau toán cướp thiếu niên không phải bọn yakuza mà là một mạng lưới lừa đảo có thành viên ở khắp vùng Kanto, nhưng các đầu lĩnh lại sống tại Philippines. Chúng gọi nhau là “Luffy” (tên nhân vật hải tặc trong bộ truyện tranh “One Piece”) và giữ liên lạc qua các ứng dụng nhắn tin. Ngoài việc ăn cướp thì chúng còn đi lừa đảo qua điện thoại và ăn chặn tiền bảo kê của các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Manila”.

Hơn 30 thành viên của băng nhóm Luffy đã bị Philippines trục xuất về Nhật. Một số đối tượng từng làm yakuza, nhưng cũng có những kẻ côn đồ, lừa đảo độc lập hay thậm chí là không hề có bất kỳ tiền án tiền sự nào. Đấy là ví dụ minh họa cho mô hình tổ chức của các nhóm tokuryu. Chúng không gây chiến với mafia truyền thống để chiếm lấy địa bàn, mà thay vì thế chúng hợp tác ăn chia lợi nhuận với yakuza. Những thành viên còn lại thì được thuê qua các mạng xã hội như Instagram. Người Nhật gọi việc nhận đi cướp, lừa đảo thuê qua mạng là yami-baito (“việc mờ ám vặt”).

Một số đối tượng bị bắt cho biết những kẻ thuê họ đã nhiều lần đe dọa mạng sống của họ và gia đình để buộc họ phải tuân lệnh. Những người này được thuê đi móc túi, lừa đảo, buôn bán vận chuyển ma túy, làm giả giấy tờ v.v... Lợi nhuận thu được từ các hoạt động trên được những ông trùm tái đầu tư vào việc kinh doanh hợp pháp.

Tokuryu - Thế hệ tội phạm mới  ở Nhật Bản -0
Đã có những “bóng ma” mới ám ảnh thế giới ngầm Nhật Bản.

Tokuryu đang là chủ đề nóng trong dư luận Nhật Bản sau vụ sát hại hai người hồi tháng 4 vừa qua. Buổi sáng ngày 16/4, người dân thị trấn Nasu, tỉnh Tochigi tìm thấy hai cái xác trôi dạt ở bờ sông. Cảnh sát xác định danh tính hai nạn nhân là cặp vợ chồng Takarajima Ryutaro (55 tuổi) và Takarajima Sachiko (56 tuổi). Hai người bị siết cổ đến chết, sau đó thì đầu bị đội túi nylon, thân bị cuốn chặt bởi mấy lượt băng dính.

Cảnh sát Nhật sau đó bắt giữ Sekine Seiha (32 tuổi), con rể của ông bà Takarajima, và sáu đối tượng đồng phạm khác: Maeda Ryu (32 tuổi, nhân viên công ty địa ốc), Sasaki Hikaru (28 tuổi, nghề nghiệp tự do), Hirayama Ryoken (25 tuổi, nhân viên xây dựng), Wakayama Kirato (20 tuổi, từng làm diễn viên), và Kang Gwang-gi (20  tuổi, người nhập cư Hàn Quốc). Chỉ có Sekine Seiha và Maeda Ryu là quen biết nhau từ trước, còn 5 đối tượng còn lại được thuê giết người qua các kênh khác nhau.

Được biết vợ chồng Takarajima là chủ sở hữu hàng chục nhà hàng khác nhau ở quận Ueno, thủ đô Tokyo. Seiha làm quản lý ở công ty sở hữu nhà hàng của nhà vợ. Giữa hai bên từng xảy ra xích mích vì chuyện quản lý nhà hàng và việc ông bà Takarajima thường xuyên đòi hỏi được gặp cháu ngoại. Seiha bàn chuyện sát hại bố mẹ vợ với Maeda Ryu, rồi sau đó chúng đi thuê kẻ sát nhân. Năm đối tượng được thuê chỉ gặp nhau đúng một lần tại hộp đêm ở quận Shibuya để bàn chuyện giết người. Chúng còn không biết họ tên đầy đủ của nhau.

Bảy đối tượng tham gia âm mưu giết người đều đang bị tạm giữ để phục vụ việc điều tra. Cảnh sát Tokyo còn bắt giữ cả cô Takarajima Manami (31 tuổi), con gái cả của hai nạn nhân và vợ của Sekine Seiha. Cô này từng là giám đốc công ty của bố mẹ, từ chức vào tháng 1/2024, rồi hơn một tháng sau khi vụ giết người xảy ra thì trở lại giữ chức vụ cũ.

Chuyên gia tội phạm, nguyên thám tử Ogawa Taihei nhận xét: “Những vụ án mà thủ phạm được kẻ khác thuê bao giờ cũng khó điều tra. Thường thì kẻ chủ mưu sẽ thuê một lúc nhiều đối tượng khác nhau, chia nhỏ công việc cho mỗi người, và không cho những kẻ dưới mình được liên lạc với nhau. Chúng làm vậy thì cảnh sát sẽ khó lần ngược lên được kẻ chủ mưu... Các nhóm tokuryu tổ chức theo cách lỏng lẻo mà năng động để cho dễ mở rộng mạng lưới. Tội phạm Nhật hiện có “chân rết” hoạt động ở Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.”

Ông Taihei còn cho biết, cảnh sát Nhật Bản từng bắt được 18 đối tượng tham gia vào mạng lưới lừa đảo qua điện thoại hoạt động ở thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia vào tháng 4/2022. Chúng chuyên lừa đảo các ông bà già ở Nhật bằng việc giả làm con cháu rồi nhờ gửi tiền giúp đỡ. Đây chỉ là một trong số nhiều băng nhóm lừa đảo tokuryu mọc lên giữa lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Chúng lợi dụng lúc các gia đình Nhật bị chia cắt bởi việc cách ly và ai cũng lo lắng cho người thân ở xa.

"Cái chết" của Yakuza

Nói về sự “lên ngôi” của tokuryu thì chẳng thể không nhắc đến “cái chết” của yakuza. Theo số liệu của NPA thì trong năm 2023, trên toàn nước Nhật chỉ còn 20.400 đối tượng yakuza, bằng 1/3 so với 20 năm trước. Càng ngày càng có ít người muốn làm yakuza vì sợ bị cấm thuê nhà, cấm mở tài khoản ngân hàng, cấm mua sim điện thoại, cấm ký hợp đồng bảo hiểm v.v...

Từng có thời yakuza hoạt động công khai không khác gì cảnh sát, cũng có trụ sở rồi đồng phục. Chúng kiếm tiền bằng đủ mọi cách như thu tiền bảo kê, tổ chức đánh bạc và mại dâm, buôn lậu súng và ma túy, đấu thầu xây dựng v.v... Xã hội Nhật “làm ngơ” với yakuza trong một thời gian rất dài một phần vì quyền và tiền của chúng, phần vì yakuza cũng có ý thức giữ gìn trật tự ở địa phương. Chúng hiểu rằng làm ăn có quy củ và không “rút dây động rừng” cảnh sát thì sẽ được yên ổn mà kiếm nhiều tiền hơn.

Vậy nhưng vào cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000, số những vụ bạo lực liên quan đến thành viên yakuza tăng lên hẳn, mà đỉnh điểm là vụ thị trưởng thành phố Nagasaki Itoh Iccho bị một tên Yakuza bắn chết vào ngày 17/4/2007. Chính phủ Nhật bắt đầu tìm mọi cách để chặn đường làm ăn của yakuza bằng cách thắt chặt luật chống bảo kê, luật sở hữu súng, v.v... Các thành viên yakuza cũng bị tước nhiều quyền cơ bản. Người dân và doanh nghiệp địa phương thì liên tục đi kiện các băng đảng yakuza để chúng “không còn đất sống”.

Tác giả, chuyên gia về yakuza Tomohiko Suzuki trả lời phóng viên tờ The Guardian (Anh): “Yakuza suy thoái có liên quan đến việc dân số Nhật già hóa, nhưng lý do chính là các ông trùm không thể dùng tiền để dụ dỗ người trẻ làm côn đồ được. Ai cũng hiểu rằng làm một tên yakuza thời nay thì sẽ phải chịu thiệt nhiều mà chẳng kiếm được bao nhiêu”.

Noboru Hirosue, nhà tội phạm học tại đại học Ryukoku và nguyên sĩ quan cảnh sát Nhật Bản chuyên quản lý các đối tượng quản thúc, là một trong những cá nhân đầu tiên gióng hồi chuông cảnh báo về tokuryu. Ông cho biết: “Bất kỳ cơ sở kinh doanh nào có liên quan đến yakuza đều gặp không ít khó khăn trong việc hoạt động. Chẳng có khách hàng hay ngân hàng nào muốn làm ăn với họ cả. Vậy nhưng tội phạm tokuryu không sợ bị đối xử như vậy. Có nhiều đối tượng tokuryu là những tên cựu yakuza phải quay sang đường kiếm ăn khác. Nhưng cũng có nhiều kẻ chẳng phải là tội phạm. Họ phạm tội thay người khác để kiếm vài đồng tiền, sau đó thì trở lại với cuộc sống lương thiện... Tôi đã chứng kiến một số trường hợp bị bạn bè lôi kéo vào các nhóm tokuryu”.

Tokuryu - Thế hệ tội phạm mới  ở Nhật Bản -0
Tang vật thu giữ được từ một nhóm lừa đảo tokuryu hoạt động ở Phnom Penh, Campuchia.

Cuộc chiến lâu dài

Vậy cảnh sát Nhật đang làm gì để chống lại làn sóng tokuryu? Tỉnh Fukuoka, nơi từ lâu được coi là “thành trì” của yakuza, mới đây đã thành lập một tổ cảnh sát 100 người chuyên xử lý các vụ án có liên quan đến tokuryu. Fukuoka cũng là một trong số 7 tỉnh ở Nhật có điều động sỹ quan lên nhận nhiệm vụ tại Cục Phòng chống tokuryu mới được NPA thành lập vào tháng 4 vừa qua. Hiện cục này có khoảng 500 sỹ quan đã có kinh nghiệm điều tra các băng đảng tokuryu.

Ông Yasuhiro Tsuyuki, Tổng ủy viên cảnh sát Nhật Bản, phát biểu: “Vấn đề lớn nhất trong việc xử lý tội phạm tokuryu là vượt qua rào cản giữa các sở cảnh sát tỉnh và giữa cảnh sát Nhật với cảnh sát các quốc gia khác. Tội phạm tokuryu hoạt động không kể biên giới tỉnh hay biên giới quốc gia. Việc thành lập cục phòng chống tokuryu là bước đầu tiên trong quá trình tăng cường khả năng cộng tác giữa các cơ quan cảnh sát khác nhau”.

Theo số liệu của NPA thì từ tháng 6-2023 đến tháng 6-2024, trong số các đối tượng bị bắt vì có liên quan đến các băng nhóm tokuryu thì có 6.170 cá nhân phạm tội lừa đảo, 2.292 cá nhân phạm tội buôn bán ma túy, 195 cá nhân ăn trộm, và 1.721 cá nhân đã thực hiện hành vi tiếp tay cho tội phạm như làm giấy tờ giả. Những con số này tuy lớn nhưng không phản ánh được thực tế về tội phạm tokuryu.

Ông Noboru Hirosue giải thích: “Những kẻ chủ mưu dùng mọi thủ đoạn để che giấu thân phận của chúng, ví dụ như sử dụng sim rác và phần mềm đọc từ thành tiếng. Rất ít khi cảnh sát lần được đến chúng... Cách tiếp cận của cảnh sát Nhật bây giờ là phân chia các đối tượng tokuryu bị bắt ra các nhóm dựa vào nhiệm vụ của chúng, rồi quan sát mối quan hệ giữa các nhóm này để tìm ra được những kẻ chủ mưu ở giữa “mạng nhện”.

Lê Công Vũ
.
.