Tra tấn khỉ quay phim, thêm góc tối trong tâm hồn người
Lucy Kapetanich và Dave Gooptar không hề có bất kỳ điểm chung nào. Kapetanich là một vũ công sống ở bang Los Angeles, Mỹ. Gooptar là phiên dịch viên và YouTuber tại quốc đảo Trinidad. Vậy nhưng sự tình cờ đã biến họ và một số người khác trên toàn thế giới trở thành những nhà điều tra.
Nỗ lực chung của họ đã giúp triệt hạ một đường dây chuyên quay video tra tấn khỉ rồi tung lên mạng. Qua vụ án này, xã hội lại một lần nữa được nhắc nhở về những góc tối trên mạng Internet lẫn trong tâm hồn con người.
Thú vui bệnh hoạn
Lucy Kapetanich nói với báo chí: “Từ khi xảy ra đại dịch, tôi có thói quen mới là xem video về động vật trên YouTube. Tôi đã xem khá nhiều clip về khỉ làm xiếc. Rồi một ngày nọ thuật toán của YouTube bất ngờ giới thiệu cho tôi những clip quay cảnh con người tra tấn khỉ. Đa số video đến từ Indonesia và có chung một nội dung: Một người đàn ông giấu mặt dùng đủ cách để tra tấn những con khỉ macaque chỉ to hơn tay người, từ ném khỉ vào tường đến chặt ngón tay chúng”.
Cách đó hơn 6.400 km, Dave Gooptar cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Anh kể: “Sau khi tôi tìm thấy những đoạn video tra tấn khỉ xuất hiện trên feed YouTube của mình, tôi bắt đầu kiểm tra về nội dung, vị trí và thời điểm quay, v.v... của các clip. Sau đó tôi tổng hợp thông tin lại thành một đoạn phóng sự điều tra đăng trên YouTube. Có nhiều người như Lucy Kapetanich sau khi xem xong video liền liên lạc với tôi để tình nguyện cùng nhau điều tra về những kẻ tra tấn khỉ”.
Nạn nhân được Kapetanich và Gooptar chú ý đến nhiều nhất là một cô khỉ macaque mang tên Mini. Lứa khỉ trong đó có Mini đã bị tra tấn từ nhỏ. Gooptar miêu tả: “Trong cộng đồng tra tấn khỉ ai cũng biết đến Mini. Ai cũng từng xem đoạn clip quay cảnh Mini và hai con khỉ sơ sinh khác chạy tán loạn trong phòng tắm trong khi người đàn ông quay phim nắm lấy đuôi chúng để ném thẳng vào tường”.
Nhà bảo vệ động vật người Mỹ Nina Jackel cho biết: “Mỗi con khỉ đều có tên. Chiro, Sweetpea, Ji, Mona. Bạn có thể nhận ra từng con khỉ bằng cách quan sát chúng. Như Ji sẽ nắm lấy đầu mình rồi đung đưa, hay Mini sẽ ôm lấy mình. Đấy là biểu hiện của những con vật đã bị hành hạ cả đời và có vấn đề nghiêm trọng về tâm lý và hành vi”.
Trái với sự kinh hoàng của những người có lương tâm, đối tượng khán giả của video hành hạ khỉ tỏ ra rất hào hứng. Không khó để những đoạn video này nhận được hơn 100 lượt like cùng nhiều lời bình luận ủng hộ. Chưa hết, không ít người xem còn muốn nạn nhân bị hành hạ kinh khủng hơn. Jackel tiết lộ: “Họ muốn dí que sắt nung đỏ vào người con khỉ để nó rụng lông..”.
Bà Jackel là chủ tịch quỹ từ thiện động vật Lady Freethinker. Cùng với cộng tác viên của quỹ và những người tình nguyện như Lucy Kapetanich, bà bắt đầu điều tra truy tìm đường dây tra tấn khỉ. Họ tìm thấy một số nhóm kín trên Telegram chuyên về trao đổi video hành hạ động vật. Vấn đề là nhóm kín chỉ có thành viên trong hội mới được mời người mới vào. Phải sau nhiều tháng điều tra, cuối cùng các nhà bảo vệ động vật cũng tìm được một người sẵn sàng làm “tay trong”.
Mike McCartney được biết trong thế giới ngầm với biệt danh “vua tra tấn”. Ông từng ngồi tù 20 năm vì tham gia vào một băng đảng xe máy phân khối lớn. Cũng như nhiều người khác, McCartney bị kéo vào đường dây tra tấn khỉ vì tình cờ trong thời đại dịch. Ông ta biết cách edit video rồi bán lại cho các thành viên khác trong nhóm Telegram. Việc này vừa kiếm ra tiền, vừa biến McCartney trở thành “nhân vật” quan trọng trong đường dây. Vậy nhưng cũng đến lúc McCartney không thể chịu nổi những gì mình đã xem. Ông ta bí mật liên lạc với Lucy Kapetanich để xin làm “nội gián”. Sau khi hai bên đồng ý hợp tác, McCartney đã dùng uy tín của mình để trao quyền thành viên hội nhóm trên Telegram cho Kapetanich và một số nhà điều tra khác.
Mike McCartney mô tả cách đường dây hoạt động trên đài BBC 1: “Người đứng sau các nhóm Telegram là một gã tên là “Mr Ape”. Hắn không trực tiếp hành hạ những con khỉ mà thuê người ở nước khác. Hắn thuê chủ yếu là chủ khỉ ở Indonesia. Thành viên nào trong nhóm muốn xem khỉ bị tra tấn theo cách họ muốn thì phải trả tầm $200 cho Mr Ape. Đôi khi có yêu cầu ghê tởm đến mức ngay cả chủ khỉ cũng không chịu nhận tiền làm”.
Một thành viên trong nhóm Telegram giấu tên trả lời phóng viên báo USA Today: “Chỉ cần bạn trả tiền là muốn làm gì con khỉ, Mr Ape cũng đồng ý. Nhưng mà điều Mr Ape muốn nhất là một đoạn video có thể khiến ông ta trở nên nổi tiếng. Thế rồi ông ta nghĩ ra cách cho con khỉ con vào máy xay sinh tố... Càng ngày những đoạn video càng trở nên tàn bạo hơn. Mr Ape kiểm soát các thành viên trong nhóm Telegram, đề phòng có nội gián. Bấy giờ có khoảng trên dưới 100 thành viên mới gia nhập mỗi ngày”.
Vậy nhưng Mr Ape cũng chơi trò “hai mặt”. Nhà hoạt động Nina Jackel kể: “Khoảng hơn một tháng sau khi xuất hiện đoạn video cối xay sinh tố, tôi bất ngờ nhận được email từ Mr Ape. Hắn ta viết rằng mình thật ra là “điệp viên hai mang” được cảnh sát cài vào để triệt hạ đường dây tra tấn khỉ. Tôi không hề tin hắn ta. Gần như chắc chắn rằng hắn chỉ đang tìm cách tạo chứng cứ ngoại phạm cho mình. Tuy vậy tôi vẫn chuyển thông tin về Mr Ape cho Dave Goopta”.
Dave Goopta cuối cùng cũng tìm được thân phận thật của Mr Ape. Phóng viên BBC dựa trên thông tin do Goopta cung cấp đã đến tận nhà của Mr Ape tại Florida. Đối tượng yêu cầu được giữ bí mật danh tính do sợ tính mạng của người thân bị đe dọa. Hắn ta chỉ mới hơn 20 tuổi và còn sống với mẹ. Hắn bộc bạch: “Không biết từ lúc nào nỗi đau tinh thần của tôi biến thành lòng căn hận. Tôi chỉ muốn thấy một ai đó hay là một con vật gì đó giống người bị hành hạ. Tôi không ngờ rằng có nhiều người giống tôi đến vậy... Chủ của Mini ra giá 5.000 USD để giết con khỉ. Chỉ trong vòng một ngày tôi đã kêu gọi đủ thành viên quyên tiền. Nhưng tôi quyết định không nhận tiền vì sợ gã chủ sẽ cầm tiền rồi “lặn mất tăm”.
Việc truy tìm những kẻ trực tiếp tra tấn khỉ khó khăn hơn nhiều, một phần vì rào cản ngôn ngữ, một phần vì chúng đủ khôn ngoan để không bao giờ lộ mặt. Các điều tra viên phải dành hàng trăm giờ xem những đoạn clip để tìm bằng chứng. Dave Goopta kể lại: “Tôi phát hiện trong một clip có chiếc xe máy gắn biển số Indonesia. Thế là tôi lần theo biển số đến một địa chỉ ở huyện Ciamis, miền tây đảo Java. Khi biết rằng ở đây có rừng là nhà của hàng trăm con khỉ macaque, tôi biết 100% là mình sắp tìm ra kẻ tra tấn”.
“Tôi tìm được tên của chủ nhà ở địa chỉ trên cùng với tài khoản Facebook của hắn ta. Hắn đăng trên Facebook bức ảnh mình cầm một chiếc máy khoan màu đỏ. Đó chính là cái máy khoan dùng trong đoạn video giết khỉ”.
Kẻ thủ ác tên thật là Asep Yadi Nurul Hikmah. Hắn ta từ lâu đã nằm vào “tầm ngắm” của cảnh sát và các nhà bảo vệ động vật Indonesia vì tội tàng trữ, mua bán thú rừng trái phép. Sau khi nhận được tin báo từ Goopta, cảnh sát địa phương quyết định bắt giữ Asep Yadi.
Không lâu sau khi Asep Yadi bị bắt, đến lượt chủ của Mini cũng “sa lưới”. Các nhà bảo vệ động vật đóng giả làm người đi thuê Rasajana tra tấn khỉ rồi sau đó cùng cảnh sát bắt hắn tại trận.
Rasajana khai tại đồn cảnh sát: “Ban đầu tôi đăng video lên YouTube cũng chỉ để câu view kiếm tiền quảng cáo. Thế rồi có những người nước ngoài nhắn tin cho tôi nói rằng họ sẵn sàng trả tiền để tôi tra tấn khỉ theo yêu cầu của họ. Họ đều là những gã điên, nhưng mà nhờ có tiền họ trả mà tôi đã mua được chiếc ô tô mới.”
Tại thời điểm Rasajana mua Mini về, hắn ta đã sát hại 20 chú khỉ khác. Mini bị hắn tra tấn khoảng một năm trước khi ốm yếu đến mức không thể chạy được. Rasajana khóc nói: “Mỗi khi nhớ lại những gì mình đã làm với Mini là tôi lại khóc. Tôi là một kẻ xấu xa, nhưng Mini vẫn yêu quý tôi”. Hiện Ajis Rasajana đang phải chịu bản án tám tháng tù.
Góc khuất tâm hồn
Khoảng tầm đầu năm nay, FBI quyết định nhảy vào cuộc. Sau khi phỏng vấn Lucy Kapetanich và những nhà điều tra tình nguyện khác, FBI tổ chức bắt hàng loạt các đối tượng thành viên nhóm tra tấn khỉ trên Telegram. Đặc vụ Paul Wolpert (Bộ An ninh nội vụ Mỹ) là người trực tiếp chỉ đạo các vụ bắt giữ. Ông là người có kinh nghiệm triệt phá các đường dây xâm hại trẻ em. Wolpert trả lời trên tờ New York Times: “Vụ án này lạ đến mức ban đầu tôi còn chẳng hiểu vì sao mình được giao. Nhưng càng điều tra tôi lại càng nhận ra nó giống với các vụ tổ chức xâm hại trẻ em”... Bản năng nghề nghiệp của tổ điều tra khiến điều đầu tiên chúng tôi nghĩ tới là lần theo dòng tiền. Hóa ra các đối tượng trả tiền để tra tấn khỉ bất cẩn đến mức dùng tài khoản ngân hàng đăng ký bằng tên thật của mình để giao dịch với nhau”.
Ông Wolpert còn cho biết: “Người tham gia nhóm Telegram càng lâu thì lại càng để lộ nhiều thông tin cá nhân. Họ nói về nhà cửa, gia đình, công việc của họ. Rồi một ngày nọ Mike McCartney tuyên bố rằng để các thành viên có thể thật sự tin tưởng lẫn nhau, họ nên đăng ảnh chân dung cùng tên thật của mình. Không ai mảy may ngờ rằng McCartney là “tay trong” làm theo lệnh của cảnh sát.”
Mike McCartney cũng bị cảnh sát bắt và đang đối mặt với bản án bảy năm tù. Hiện chưa rõ hành vi cộng tác của ông ta có giúp McCartney được giảm án trước tòa không. McCartney trả lời phỏng vấn: “Tôi đã cố làm điều đúng đắn. Vấn đề là tôi cũng đã kiếm lời từ việc này. Đấy là tội lỗi của tôi”.
Hiện nay chỉ còn có Mr Ape là chưa bị bắt, nhưng đó chỉ là việc sớm muộn. Đối tượng đã thú nhận mọi việc mình làm với giới truyền thông. Tuy vậy Mr Ape cũng nói rằng ban đầu mình lập nhóm trên Telegram để tìm bắt những kẻ bệnh hoạn, nhưng vì đóng giả lâu quá đến mức trở thành như chúng.
Tiến sỹ tâm lý Stacey Cecchet làm cố vấn cho cảnh sát Mỹ trong vụ triệt phá đường dây tra tấn khỉ. Bà nhận xét: “Tôi khó mà tin lời của Mr Ape. Các đối tượng tham gia các vụ án như thế này, họ thường ham muốn những thứ ghê gớm từ rất lâu rồi. Không ai chỉ vì một giai đoạn khó khăn trong đời mà bất ngờ nảy ra ham muốn nhìn thấy những con khỉ bị cắt làm đôi”.
“Những người trả tiền để xem khỉ bị tra tấn cũng giống như những người xem phim trẻ em bị xâm hại. Những kẻ bệnh hoạn muốn tìm những thứ được làm riêng cho họ. Đôi khi họ tự lừa dối đạo đức của mình bằng cách nghĩ ra những “câu chuyện” giả tưởng như là Mr Ape nói rằng mình thực ra là “đặc vụ hai mang”.
Hiện nỗi lo của các nhà bảo vệ động vật là chữa trị cho sức khỏe và tinh thần cho các nạn nhân. Mini cùng những chú khỉ khác của Ajis Rasajana đã được đưa đến một khu bảo tồn tư nhân ở ngoại ô Bandung. Riêng Mini bị gãy xương nhiều chỗ, mất gần như cả hàm răng, và phải chịu đựng chấn thương tâm lý hậu khủng hoảng. Vậy nhưng sau 4 tháng điều trị, thể trạng và tâm lý của Mini đã hồi phục tốt. Bác sỹ thú ý Ilham Maulana điều trị cho những chú khỉ cho biết: “Mini không được sống với bầy đàn ngoài tự nhiên kể từ lúc sinh ra đến nay. Tôi không rõ liệu rằng thả Mini về tự nhiên thì nó có thể tự tồn tại và hòa nhập với bầy đàn không”.
Nina Jackel và các nhà bảo vệ động vật khác đang kiện YouTube vì tội tắc trách trong việc xử lý nội dung độc hại. Tòa sơ thẩm đã ra quyết định đứng về phía YouTube, nhưng vụ án đang ở tòa phúc thẩm. Nina Jackel thừa nhận: “Đây sẽ là một cuộc chiến pháp lý lâu dài. Bây giờ bạn vẫn có thể tìm thấy video tra tấn khỉ trên YouTube hay các hội nhóm tra tấn khỉ trên Facebook và Telegram. Những nền tảng này vẫn chưa làm đủ trách nhiệm của họ”.