Vụ bạo loạn tại trại giam Sukhumi

Chủ Nhật, 10/12/2023, 08:45

Vào những năm 80-90 tình trạng tội phạm tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trở nên phức tạp bởi thực tế thời kỳ đó sự ảnh hưởng của những kẻ cực đoan ngày càng tăng khi chúng lợi dụng tình trạng bất ổn để trục lợi cá nhân. Cảnh sát đã tiến hành các hoạt động quy mô lớn để thu giữ vũ khí. Trong bối cảnh đó vẫn có một kho vũ khí bí mật khá lớn đã rơi vào tay bọn tội phạm khi chúng nổi loạn để chiếm giữ trại giam Sukhumi.

Tại các nước Cộng hòa có một số lượng lớn vũ khí đã khiến phát sinh vấn đề tìm nơi cất giữ. Ví dụ, chỉ riêng ở nước Cộng hòa tự trị Abkhaz nhỏ bé, đến giữa năm 1990 đã có hơn 3.000 khẩu súng và hơn 20.000 đạn dược được gom lại. Quyết định được thông qua khá bất ngờ: số vũ khí sẽ được đặt tại một nhà tù địa phương. Đây có vẻ là một điều hợp lý đối với các quan chức cảnh sát cấp cao nhất: khó có thể xảy bất trắc được khi kho vũ khí được bảo vệ suốt ngày đêm.

Thời gian này tại trại tạm giam Sukhumi có 75 tù nhân, hầu hết mang án giết người, một số bị kết tội cướp của, thậm chí có kẻ cướp máy bay. Trong số tù nhân có một kẻ tái phạm đặc biệt nguy hiểm là Pavel Prunchak từng bị truy nã và trong khi bị bắt đã giết chết hai cảnh sát. Hắn bị thương và các bác sĩ đã phải nỗ lực trong thời gian dài để cứu mạng hắn, thậm chí hắn đã được hiến máu từ một cảnh sát. Sau khi bình phục, Prunchak bị tòa tuyên án tử hình. Trong khu cách ly cùng với hắn còn có một kẻ đánh bom liều chết là Miron Dzidzairia. Cả hai đều mang án tử và không được ân xá. Cách duy nhất để chúng có được tự do là bỏ trốn.

Vụ bạo loạn tại trại giam Sukhumi   -0
Vũ khí được cất giấu trong kho trại giam.

Những sai lầm tai hại của giám thị

Buổi sáng ngày 11/8/1990 bắt đầu như thường lệ tại trại giam Sukhumi. Nhân viên trực phân phát thùng và chổi cho tù nhân dọn dẹp phòng. Có thể sẽ không có gì đặc biệt xảy ra nếu các nhân viên trại tạm giam tuân thủ nội quy: cửa phòng giam chỉ được mở khi có mặt của hai giám thị. Tuy nhiên, quy tắc này đã thường xuyên bị vi phạm và điều này khiến Prunchak chú ý. Hắn đã nói chuyện đó với Dzidzairia cùng 5 tù nhân khác và bọn chúng quyết định đề ra một kế hoạch bỏ trốn.

Thực tế sẽ không khó để chúng có thể ẩn náu tại những ngọn núi và hang động ở Abkhazia. Hơn nữa, Prunchak đã biết rõ về khu vực này vì trước kia hắn từng lẩn trốn trong các hang động địa phương. Mặc dù người đứng đầu trại tạm giam đã nghe tin đồn về việc trốn trại và đã truyền đạt thông tin này cho cấp dưới, nhưng các nhân viên vẫn không thay đổi cung cách làm việc của mình. Các tù nhân đã chọn ngày 11/8 để hành động vì biết rằng vào ngày đó chỉ có 4 giám thị trong trại.

Giám thị đã một mình đến mở cửa phòng giam của Prunchak. Đợi anh ta xuất hiện ở cửa, 7 tù nhân đã lao vào để lấy chìa khóa. 3 bảo vệ khác cố gắng khắc phục tình hình. Ngay khi biển báo bắt đầu phát tín hiệu về việc phòng giam này đã bị mở, họ đã lập tức bắt tay hành động. Trung úy Timur Shikirba cố gắng đóng cánh cửa dẫn đến các phòng dịch vụ. Trung sĩ Feodor Vekua chạy đến phòng trực gần đó sau khi đã chặn cửa chính của trại giam.

Lúc này, Shikirba cùng với một giám thị khác cố gắng khống chế cuộc bạo loạn và đi đến các phòng giam. Tuy nhiên, lực lượng hai bên không cân sức. Trung úy nhận ra là mình đã phạm sai lầm và cố gắng ném chùm chìa khóa. Theo bảng chỉ dẫn, có một đường ống đặc biệt ở lối vào phòng giam, giám thị có thể vứt chìa khóa vào đó và tù nhân sẽ không lấy được. Song bọn chúng không để cho Shikirba làm điều này. Sau đó, anh cố ném chùm chìa khóa ra ngoài cửa sổ đang mở nhưng nó lại bị mắc kẹt và bị treo trên song sắt. Đến lúc này thì hai bên đã đổi chỗ cho nhau - các giám thị bị nhốt trong phòng giam và 70 tù nhân đã tràn ra ngoài hành lang.

Vụ bạo loạn tại trại giam Sukhumi   -0
Các chiến binh đặc nhiệm trong cuộc dẹp loạn.

Tù nhân cướp kho vũ khí

Chỉ một lúc sau tù nhân đã tiến vào các văn phòng, chúng đốt hồ sơ cá nhân, kiểm kê danh tính những tù nhân giả hiệu và nhốt họ trong phòng giam sau khi đã đánh đập họ. Trong khi lần lượt đột nhập vào các văn phòng, những kẻ bạo loạn đã tình cờ phát hiện ra kho vũ khí. Tại trại tạm giam Sukhumi có cất giữ cả loại vũ khí cổ, những khẩu súng trường mạ vàng và một kho đạn khổng lồ. Với một lượng vũ khí đặc biệt như vậy cho phép chúng không chỉ đẩy lùi cuộc tấn công, mà còn quyết liệt chống trả các lực lượng đặc nhiệm.

Các tù nhân đã lợi dụng lợi thế và ngay lập tức bố trí tại mỗi cửa sổ một tay súng máy, thỉnh thoảng chúng bắn chỉ thiên để đe dọa. Trong thời gian đó, lực lượng an ninh có vũ trang bắt đầu tiếp cận trại giam, phong tỏa khu vực và chặn lối bằng xe bọc thép chở quân. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tình hình ở đây đã được kiểm soát. Tù nhân đã dùng các giám thị làm con tin và yêu cầu tạo được mọi điều kiện để chúng rời lên núi. Cuộc tấn công có nguy cơ gây ra thương vong lớn cho cả hai bên.

Tình hình trở nên gay cấn khi người thân của những kẻ bạo loạn và của nạn nhân bắt đầu tiếp cận trại tạm giam. Giữa họ thường xuyên xảy ra đụng độ khiến cho hoạt động của các lực lượng an ninh trở nên phức tạp. Không thể tin chắc rằng dân chúng sẽ từ chối hỗ trợ tù nhân. Suốt thời gian đó họ cố gắng thương lượng với những kẻ bạo loạn và việc này kéo dài suốt bốn ngày. Lúc đầu, người thân của các tù nhân đã cùng tham gia và thuyết phục họ hạ vũ khí đầu hàng. Song điều này không mang lại kết quả.

Các tù nhân yêu cầu mở một hành lang sống bằng phụ nữ và trẻ em để chúng có thể ẩn nấp mà không bị cản trở. Sau đó, chúng quyết định sẽ tốt hơn nếu ở trên một chiếc tàu bọc thép. Tiếp đến, chúng bắt đầu yêu cầu có một chiếc trực thăng để bay đến Gruzia, hơn nữa trực thăng phải hạ cánh thẳng xuống mái trại tạm giam. Các nhà đàm phán đã thuyết phục được chúng rằng điều đó sẽ rất nguy hiểm do tòa nhà đã xuống cấp. Hai  bên thỏa thuận rằng trực thăng sẽ hạ cánh ở quảng trường gần nhất. Thủ lĩnh của nhóm bạo loạn yêu cầu trước tiên máy bay phải bay vài vòng quanh trại tạm tạm giam để chúng có thể tin vào sự nghiêm túc của phía bên kia.

Vụ bạo loạn tại trại giam Sukhumi   -0
Trại giam Sukhumi.

Nhóm Alpha lên kế hoạch

Đến thời điểm này, từ Moscow nhóm “A” của KGB do Victor Karapukhin chỉ huy và 27 chiến binh thuộc lực lượng đặc nhiệm do Sergey Lysiuk chỉ huy đã có mặt. Điều chắc chắn là không được để bọn tội phạm ra khỏi bức tường của trại tạm giam. Nhưng làm thế nào để làm được điều này, nếu mỗi một cửa sổ ở đây đều nằm dưới sự kiểm soát thường trực của bọn tội phạm đang có sẵn vũ khí trong tay?

Cho rằng những kẻ cầm đầu cuộc bạo loạn là Prunchak và Dzidaria sẽ làm bất cứ điều gì để được tự do, kể cả hy sinh đồng bọn khác, các chỉ huy của lực lượng an ninh đã dùng đến mưu kế. Theo yêu cầu của bọn tội phạm, một chiếc trực thăng đã được phái đến và hạ cánh xuống quảng trường gần kề trại giam và được hứa sẽ có một chiếc xe bus nhỏ để có thể chở cả bọn đến nơi đó.

Tuy nhiên, cuộc tấn công cũng bị cản trở bởi dân thường tụ tập vẫn gần đó và qua cửa sổ họ đã báo tin cho bọn bạo loạn về vị trí đóng quân của nhóm an ninh. Và lực lượng hai bên cũng không cân bằng - chưa đến 50 chiến sĩ an ninh phải chống lại 70 quân bạo loạn được trang bị vũ khí tận răng, chúng đã không còn sợ hãi và không có quy chuẩn về đạo đức, cộng thêm vòng tròn dày đặc thường dân đang bao vây trại giam. Lực lượng an ninh đã lên một kế hoạch, theo đó một đơn vị sẽ phải tấn công chiếc xe bus, các nhóm khác sẽ chiếm trại tạm giam.

Đã đến ngày quyết định-ngày 15/8. Lực lượng đặc nhiệm đã án ngữ các vị trí của mình, nhưng bọn tội phạm vẫn chưa vội ra xe bus. Tên Prunchak phải mất hồi lâu để quyết định sẽ mang theo những ai. Cuối cùng, có 11 tên trong số tù nhân được chọn, cộng thêm hai con tin. Còn hai giám thị khác bị giữ lại trong phòng giam để đảm bảo an toàn cho những kẻ còn lại trong trại. Prunchak đã chuẩn bị cẩn thận để rời khỏi khu nhà. Tất cả đều được cải trang kỹ lưỡng để không nhận ra ai là tội phạm và ai là con tin. Những người đi cuối hàng đều cầm súng ngắn và mọi người đều đeo mặt nạ hoặc mặt nạ phòng độc.

Vụ bạo loạn tại trại giam Sukhumi   -0
Tù nhân bị vô hiệu hóa.

Hành động quyết định

Nhóm của tên Prunchak di rời khỏi trại giam vào lúc tối muộn, chúng mang theo vũ khí và nhiều đạn dược. Vào đúng lúc chiếc xe bus nhỏ chạy về phía quảng trường, các thiết bị phát nổ trong xe đã hoạt động. Tuy vậy, vụ nổ có công suất nhỏ, một số ngòi nổ không hoạt động và kết quả là chiếc xe đã đi xa hơn một đoạn so với kế hoạch. Nhóm Prunchak đã nổ súng. Một chiếc xe bọc thép chở quân đã chặn đường chiếc xe bus. Lợi dụng lúc chiếc xe bus dừng lại, một binh sĩ đã kéo tài xế ra khỏi tay lái, một tù nhân khác lập tức thế chỗ, nhưng xe bus chưa kịp di chuyển thì chiếc xe bọc thép đã lao tới. Lực lượng an ninh chỉ mất chưa đầy một phút để vô hiệu hóa cả nhóm và tiêu diệt những tên cầm đầu vụ bạo loạn.

Vào thời điểm này, trại tạm giam cũng đang bị tấn công. Sau khi dùng chất nổ phá cổng, nhóm an ninh đã cố gắng xông vào bên trong, nhưng đằng sau hàng rào đầu tiên có một tấm lưới. Hơn nữa, sau khi Prunchak rời trại, các tù nhân ở lại không có ý định đầu hàng và chúng đã dùng đồ gỗ chặn lối vào. Điều này không là trở ngại nghiêm trọng đối với lực lượng an ninh. Chẳng mấy chốc họ đã vào được bên trong khu nhà và cùng lúc nhóm an ninh thứ ba cũng tiến vào qua đường mái nhà.

Khi vào được bên trong, lực lượng an ninh đã bắn đạn cao su, trong khi bọn tội phạm nổ súng vào họ. Tuy nhiên, các tù nhân không trụ được lâu và chúng đã sớm bỏ chạy về các phòng giam và đóng cửa lại, không ai trong số bọn chúng bị thương.

Sau khi kết thúc chiến dịch, các chiến sĩ an ninh đều được ghi công, Karapukhin được phong thiếu tướng, còn các tù nhân phải nhận thêm án tù mới. Không có chiến sĩ nào tử vong, hai người và hai con tin bị thương nhẹ. Đây là chiến dịch dẹp bạo loạn duy nhất đã vô hiệu hóa được 70 tên tội phạm có vũ trang mà không có tổn thất về con tin và lực lượng an ninh.

Bích Nguyễn (Tổng hợp)
.
.