WFP bất lực trước nạn đói ở Haiti
Mới đây, Chương trình lương thực thế giới (WFP) trực thuộc Liên hợp quốc đã tuyên bố: “Không thể nuôi nổi người dân Haiti trong những điều kiện thảm khốc vì không còn kinh phí để đáp ứng nhu cầu nhân đạo đang ngày càng tăng ở quốc gia này”.
“Điều kiện thảm khốc” mà WFP nói đến là kể từ khi ông Jovenel Moise, Tổng thống Haiti bị ám sát hồi tháng 7/2021, quyền kiểm soát đất nước nằm trong tay những băng nhóm tội phạm…
Bối cảnh của nạn đói ở Haiti
Bắt đầu từ ngày 10/1/2022, dấu tích của nền dân chủ Haiti đã hoàn toàn biến mất khi nhiệm kỳ của 10 thượng nghị sĩ, trên danh nghĩa đại diện cho 11 triệu dân Haiti, hết hạn. Ngay cả Thủ tướng Ariel Henry, người nhậm chức sau vụ ám sát Tổng thống Moise hồi tháng 7/2021 cũng chưa được công nhận bằng một cuộc bầu cử chính danh.
Kể từ khi ông Moise bị ám sát, Haiti đã không có bất kỳ một tổ chức đại diện dân cử nào. Ủy ban bầu cử Haiti và Tòa án tối cao không hoạt động. Chính phủ của Thủ tướng Ariel Henry bất lực trước nạn tham nhũng, việc quản lý yếu kém các nguồn tài nguyên quốc gia đã tạo điều kiện cho giới thượng lưu thêm giàu có. Trật tự xã hội rơi vào tay 200 băng nhóm tội phạm, trong đó đáng kể nhất là nhóm G9 an Fanmi-e-Alye do cựu sĩ quan cảnh sát Jimmy “Barbecue” Cherizier cầm đầu, và GP Epla do Gabriel Jean Pierre, thường được gọi là Ti Gabriel thống lĩnh. Hai băng nhóm này chi phối hầu như toàn bộ mọi hoạt động kinh doanh ở thủ đô Port-au-Prince.
Theo trang tin Inside Politics, rất khó để biết mỗi băng nhóm có bao nhiêu thành viên nhưng số liệu báo cáo bởi Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc cho thấy trong năm 2022, Haiti đã xảy ra 1.200 vụ bắt cóc đòi tiền chuộc mặc dù con số chính xác có thể còn cao hơn, cùng với 1.349 vụ giết người từ tháng 1 đến tháng 8. Riêng tháng 11 là 280 vụ.
Để chứng tỏ quyền lực, hồi tháng 9/2022 nhóm G9 giành quyền kiểm soát kho nhiên liệu chính ở thủ đô Port-au-Prince đồng thời chiếm giữ các đường cao tốc quan trọng. Đến tháng 11, quân đội chính phủ chiếm lại nhà kho trong bối cảnh có tin đồn về các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Henry và các băng nhóm. Nhà báo Tymothy của trang tin Inside Politis cho biết các băng nhóm không hề bị cô lập: “Kể từ những năm 1980, tất cả chính quyền trước đây, bao gồm cả chính quyền của Tổng thống Jean-Bertrand Aristide, Michel Martelly, Moise cũng như các chính trị gia đối lập, đã dung túng và sử dụng các băng nhóm cho mục đích của họ, bao gồm việc đe dọa những người chống đối. Thông qua những thỏa thuận chính trị đó, các băng nhóm hiều rằng chúng có thể châm ngòi và thao túng bạo lực để thu về những khoản lợi nhuận kếch xù”.
Về phía các lực lượng thực thi pháp luật, bất chấp nhiều năm được tài trợ và đào tạo bởi các tổ chức quốc tế, cảnh sát Haiti với 9.000 thành viên không đủ khả năng xử lý băng nhóm. Do thiếu người, lương bổng thấp, trang bị thiếu thốn cộng với sự thất vọng về khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Henry và nhất là một phần quyền lực chính trị bị các băng nhóm khống chế, chưa kể một số chỉ huy cao cấp của cảnh sát trong nhiều năm đã thông đồng với những băng nhóm để kiếm tiền, đã khiến nhiều sĩ quan cảnh sát chỉ quan tâm đến mạng sống của mình và gia đình. Đại úy Alvarez phụ trách một nhóm cảnh sát cơ động nói: “Theo thời gian, tham vọng và sức mạnh của các băng nhóm đã gia tăng cả về tổ chức lẫn trang bị. Chúng không còn hài lòng với những khoản hối lộ nhỏ như điện thoại thông minh hoặc máy tính, rượu ngoại mà thay vào đó, chúng đưa ra những yêu sách, buộc các chính trị gia phải trả tiền”. Hậu quả là 774 cảnh sát bỏ việc, đã khiến Liên hợp quốc gọi đây là “tổn thất đáng kinh ngạc”, gần 5 triệu người Haiti - một nửa dân số đất nước lâm vào cảnh nghèo đói cùng cực. Họ phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu, thuốc chữa bệnh cùng các nhu yếu phẩm khác. Điều ấy vô hình trung đã thúc đẩy dòng người tị nạn bỏ nước ra đi ngày càng nhiều.
Theo tổ chức nhân đạo phi chính phủ “Save the Children - Cứu lấy trẻ em”, người dân thủ đô Haiti và thành phố cảng Port au Prince hiện đang sống trong những điều kiện của nạn đói. Nếu như từ những năm 1980 trở về trước, Haiti hoàn toàn tự lực về lương thực với gạo là thực phẩm chính, được cung cấp bởi những cánh đồng màu mỡ ở thung lũng Artibonite thì hiện nay, 80% gạo, 100% dầu ăn cùng hơn 50% các loại nhu yếu phẩm đều phải nhập khẩu bởi hai nguyên nhân: Một là chính sách trợ giá cho nông nghiệp đã bị cắt giảm và hai là một lượng lớn hàng viện trợ của nhiều quốc gia đổ vào trong nhiều năm đã triệt tiêu năng lực sản xuất của Haiti, cộng với một loạt những thảm họa thiên nhiên như trận động đất xảy ra năm 2021 đã tàn phá phần lớn đất đai ở phía Tây Nam, vựa lúa của Haiti, hay như trận dịch tả hồi năm 2020, giết chết 10.000 người trong bối cảnh lạm phát lên đến 30% và đồng nội tệ Haiti mất giá 23% so với đồng đô-la Mỹ. Ông Chantal-Sylvie Imbeault, giám đốc “Save the Children” nói: “Theo dự đoán của chúng tôi, Haiti sẽ sớm rơi vào vị trí IPC-4, là thang điểm xếp hạng về nạn đói của Chương trình lương thực thế giới, trực tiếp đe dọa 1,8 triệu người”.
Ngược lại với những vấn đề trên, kinh doanh ma túy lại phát triển mạnh. Những năm gần đây, Haiti đóng vai trò là trung tâm trung chuyển cocaine và các loại ma túy tổng hợp từ Nam Mỹ đến Mỹ. Lợi nhuận từ ma túy đã biến một số nhân vật ở Port-au-Prince trở thành hàng ngũ thượng lưu nhưng bên cạnh đó, nó cũng là nguồn gốc của những cuộc xung đột giữa các băng nhóm nhằm tranh giành lãnh địa. Vụ bạo lực mới nhất xảy ra ở thành phố Cité Soleil đã khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hàng nghìn người phải di dời. Nhiều con đường bị các băng nhóm phong tỏa đã khiến toàn bộ dân cư không tiếp cận được với thực phẩm, nhiên liệu hoặc nước sạch. Trường học, phòng khám bệnh và cơ sở kinh doanh buộc phải đóng cửa để tránh bị cướp. Các tổ chức nhân đạo, trong đó có “Save the Chilren” gặp phải những hạn chế nghiêm trọng khiến những hoạt động cứu trợ của họ chỉ còn có thể thực hiện một cách nhỏ giọt, cầm chừng.
Ăn đất vì đói quá
Vì quá đói, nhiều người dân Haiti đã phải… ăn đất! Những ngày này, nếu dạo qua bất kỳ khu chợ nào trên đường phố, có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc mẹt đựng những chiếc bánh màu vàng nhạt mà người Haiti gọi là “galettes” hoặc “bonbonté” theo tiếng địa phương. Nó được làm bằng đất sét có trộn thêm chút muối, đường cùng một ít dầu cọ phết trên bề mặt nhằm đánh lừa vị giác rồi phơi khô, bán với giá 5 xu Mỹ/chiếc. Bà Dormeus, một trong những người bán bánh “bonbonté” ở Port-au-Prince nói: “Mỗi ngày tôi bán được hơn 200 chiếc. Ai cũng biết nó là đất nhưng nếu không ăn, biết lấy gì bỏ bụng bây giờ?”. Ông Chantal-Sylvie Imbeault, giám đốc “Save the Children” cho biết: “Chúng tôi đã từng khuyên người dân không nên ăn vì ngoài việc không thể tiêu hóa, bánh đất còn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm nhưng hầu như chẳng ai nghe. Thậm chí có người còn bảo rằng ăn bonbonté rất tốt vì loại đất ấy có tính kháng axit. Ăn vào đỡ đau… dạ dày!”.
Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tính đến đầu năm nay, tại Haiti số người phải chịu đói ở mức độ tận cùng đã tăng lên 4,7 triệu, trong đó có 2,4 triệu là trẻ em. Bị suy yếu vì đói, trẻ ít có khả năng chống lại các bệnh tiêu chảy và hô hấp, vốn là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong trong lúc nhiều thanh niên chọn con đường gia nhập băng nhóm để sống sót. Ông Chantal-Sylvie Imbeault cho biết tiếp: “Tình hình ở Haiti đang xấu đi nhanh chóng. Hàng triệu trẻ em phải nhịn đói đi ngủ mỗi đêm. Nhiều gia đình đang bị đẩy đến bờ vực của sự khốn cùng do suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị và bạo lực băng nhóm. Đất nước hiện đang trên bờ vực sụp đổ”.
Với Chương trình lương thực thế giới (WFP), tổ chức này thừa nhận “không thể nuôi người Haiti trong những điều kiện thảm khốc” vì WFP chỉ tài trợ được 16% nhu cầu thiết yếu về cái ăn. Lạm phát lương thực gia tăng ở Haiti có nghĩa là người dân phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua thực phẩm trong khi số người cần hỗ trợ cũng tăng lên. Bên cạnh đó, các nhà tài trợ cho WFP cũng đã cắt giảm kinh phí. Giám đốc quốc gia của WFP tại Haiti là ông Jean-Martin Bauer nói: “Những điều ấy xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất, khi người dân Haiti phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo đa chiều. Cuộc sống và sinh kế của họ bị đảo lộn bởi bạo lực, mất an ninh, bất ổn kinh tế và những cú sốc khí hậu. Trừ khi chúng tôi nhận được tài trợ ngay lập tức, còn không thì thế giới sẽ nhanh chóng chứng kiến một thảm kịch, đe dọa tương lai của cả một dân tộc…”.
Vẫn theo ông Bauer, tổng kinh phí ứng phó nhân đạo của WFP trong năm 2023 là 720 triệu USD. Nếu được cung cấp đủ, WFP sẽ đạt mục tiêu tiếp cận 2,3 triệu người Haiti đang bị đói nhưng từ đây đến cuối năm, nếu không được bổ sung thêm 121 triệu USD thì 750.000 người Haiti đói vẫn hoàn đói. Ông Bauer nói: “Nhu cầu đang lên đến đỉnh điểm. Những gì chúng ta cần làm không phải là cắt giảm mà là hỗ trợ nhiều hơn. Chúng tôi có nguồn nhân lực, có kế hoạch và có khả năng tiếp tục công việc”.
Với các tổ chức xã hội dân sự nước ngoài tham gia hoạt động nhân đạo ở Haiti, nhiều nhóm đã rời khỏi đất nước này do những lo ngại về an ninh và cũng vì không thể gửi hàng cứu trợ qua các cảng ở Port-au-Prince hiện do các băng nhóm kiểm soát. Pascale Solages, đồng sáng lập nhóm nữ quyền Haiti Nègès Mawon phát biểu tại một phiên điều trần của Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ hồi đầu tháng này: “Hiếp dâm và bạo lực tình dục cũng đang được các băng nhóm sử dụng để uy hiếp tinh thần người dân. Chỉ trong tháng 5, chúng tôi đã nhận được báo cáo về hơn 650 trường hợp bị hãm hiếp. Các băng nhóm đang mở rộng quyền kiểm soát ở Artibonite, một bang rộng lớn tại miền trung Haiti, nơi trồng nhiều lúa gạo nhất nước. Các vụ bắt cóc, tống tiền cũng thế, nó gia tăng với mức độ chóng mặt đã khiến không còn làm cho ai ngạc nhiên vì mỗi sáng mở mắt ra, lại có tin người này, người kia biến mất…”.
Ngày 6/7/2023, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lập lại lời kêu gọi thành lập một lực lượng an ninh quốc tế để hợp tác với cảnh sát Haiti nhằm triệt phá các băng đảng và khôi phục an ninh nhằm “giải thoát người dân khỏi cơn ác mộng”. Lời kêu gọi được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh CARICOM của các quốc gia vùng Caribe mà trong đó, Haiti là chủ đề bàn luận chính.
Trước đó, suốt nhiều tháng, ông Antonio Guterres và ông Ariel Henry, Thủ tướng Haiti đã kêu gọi thành lập lực lượng này nhưng chỉ nhận được rất ít phản hồi vì không một quốc gia nào đứng ra nhận trách nhiệm. Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 6/7, bà Maria Isabel Salvador, đặc sứ của ông Antonio Guterres về vấn đề Haiti cho biết bộ máy an ninh của quốc gia này không đủ sức để chống lại sự lộng hành của các băng nhóm. Điều ấy đã dẫn đến người dân phải tự bảo vệ chính mình và gia đình. Hệ quả là chỉ trong tháng 6, đã có ít nhất 264 thành viên băng nhóm bị giết bởi các tổ chức nhân dân tự quản!
Theo các nhà quan sát địa chính trị, ngay cả khi có một lực lượng quốc tế mạnh mẽ thì cũng phải mất nhiều năm để “làm sạch đất nước Haiti” nhưng hiện tại, trước những biến động và những cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở một số nơi trên thế giới, nhiều quốc gia có lẽ sẽ cân nhắc việc đổ người, đổ của vào đất nước này…