300 năm không phai mờ Versailles lộng lẫy vàng son

Thứ Tư, 07/06/2017, 11:18
Trong chuyến thăm nước Pháp vừa qua của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông đã được tổng thống nước chủ nhà đón tiếp tại điện Versailles, một trong những tòa cung điện lộng lẫy nhất Châu Âu và đẹp nhất thế giới. Tại sao không phải là dinh Tổng thống Pháp - Điện Élysée - mà lại chọn Versailles?

Giới chính khách tinh tế và thâm sâu đều nhận ra rằng, đây là một sự chọn lựa mang tính chất lịch sử hơn là chính trị, vừa trang trọng hơn, vừa gây ấn tượng hơn mà cũng không cần quá nhiều nghi lễ và cũng vì vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong nền Đệ ngũ Cộng hòa thích được hòa theo dòng lịch sử.

Đồ sộ và lộng lẫy là hai tính từ người ta nhắc đến nhiều nhất khi mô tả Versailles, tổ hợp cung điện rộng 67.000m² nằm cách thủ đô Paris khoảng 20 km về phía Tây, được mệnh danh là cung điện lộng lẫy nhất Châu Âu và đẹp nhất thế giới bởi quy mô tổng thể kiến trúc đồ sộ gồm ba cung điện là Versailles, Grand Trianon và Petit Trianon gồm trên 700 phòng với kiến trúc tinh xảo và cách bài trí nội thất cực kỳ xa hoa.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại phòng trưng bày "Những cuộc chiến" ở cung điện Versailles, ngày 29-5-2017. Ảnh: Reuters.

Đây còn là biểu tượng quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp, là nơi ở của các vua Pháp Louis XIII, Louis XIV, Louis XV và Louis XVI. Cung điện Versailles là công trình ghi dấu những tinh hoa của nghệ thuật Pháp thế kỷ XVII-XVIII, tuân theo những quy tắc chuẩn mực của trường phái cổ điển như tính đối xứng của công trình, các hành lang nhiều cột, 67 cầu thang, hơn 2.000 cửa sổ… là các công trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ truyền thuyết và nghệ thuật cổ đại.

Ngoài hệ thống cung điện, Versailles còn nổi tiếng với hệ thống công viên, vườn cảnh và hồ nước phân bổ trên một diện tích 815 hecta (8.000 ha trước Cách mạng Pháp). Trong khuôn viên Versailles có 55 hồ, bể nước trong đó lớn nhất là Grand Canal (kênh lớn) rộng 23 ha với dung tích 500.000m³. Ngoài ra còn phải kể đến 600 vòi phun nước và hệ thống kênh đào dài tổng cộng 35km.

Nội thất của Phòng Gương. Dọc hai bên là những chân đèn thếp vàng được tạo hình công phu như các bức tượng.

Vào thế kỷ thứ X, các tu sĩ đã cho xây dựng công trình đầu tiên ở vùng đất này, đó là nhà thờ - tu viện Saint - Julien. Năm 1472, thị trấn nhỏ Versaille aux bourg de Galie bắt đầu xuất hiện.

Một lâu đài nhỏ của chúa đất Versailles mọc lên thay thế cho nhà thờ cũ. Năm 1623, vua Louis XIII cho xây dựng tại khu rừng Versailles một khu nhà nhỏ bằng gạch và đá để làm nơi cho ông và đoàn tùy tùng dừng chân khi săn bắn. Con trai ông - vua Louis XIV lúc nhỏ đã biểu lộ thiên khiếu về hội họa, âm nhạc, và nhất là khiêu vũ. Mỗi ngày (từ 7 tuổi cho đến 27 tuổi), Louis XIV đều học và luyện vũ 2 tiếng.

Ngoài ra, Louis còn thích săn bắn. Lúc 5 tuổi, hoàng tử bé còn suýt bị chết đuối trong một bồn nước tại vườn hoa Versailles. Lúc 10 tuổi, cậu bị mắc bệnh đậu mùa rất nặng, sau 10 ngày chạy chữa, các thầy thuốc danh tiếng lúc ấy đều chịu thua, nhưng Louis bỗng… khỏi bệnh một cách kỳ lạ. Ít lâu sau, cậu lại bị trúng độc thức ăn, bệnh tình nguy cấp đến độ triều đình đã chuẩn bị tẩm liệm thì ông bất ngờ tỉnh lại và khỏe mạnh như không có chuyện gì.

Trong sử sách miêu tả, Louis XIV có vóc dáng cao lớn so với thời ấy. Năm 17 tuổi, ông  cao 1,75m, sức khỏe hơn hẳn người thường. Tại sao người ta gọi Louis XIV là Vua Mặt Trời? Vì trong những kỳ lễ hóa trang, Louis XIV luôn luôn đeo mặt nạ hình mặt trời - mặt trời đem nguồn sống cho mọi vật nên ông chọn mặt trời làm biểu tượng cho mình.

Năm 1643, vua Louis XIV lên ngôi, ông cảm thấy không thoải mái với bất cứ cung điện hoàng gia nào ở Pháp lúc đó. Vào năm 1660, ngay trong lần đầu tiên đến thăm Versailles, ông đã cảm thấy thích nơi này và quyết định chuyển dần hoàng gia về Versailles. Vị vua nổi tiếng trong lịch sử với câu nói "Ta chính là quốc gia", "Vua mặt trời" đã quyết định cho xây dựng cung điện Versailles để phô diễn quyền lực tuyệt đối của mình.

Cách "Vua Mặt trời" chọn địa điểm xây dựng cung điện Versailles cũng rất đặc biệt; nó tọa lạc giữa đồng trống, không có thành lũy vây quanh. Qua điều này, Louis XIV muốn chứng tỏ ông là một đấng quân vương quyền lực, không cần đến tường cao, hào sâu để bảo vệ mình.

 Việc khởi công xây dựng cung điện Versailles của vua Louis XIV bắt đầu vào năm 1661. Nhà vua chọn kiến trúc sư Louis Le Vau, nhà trang trí Charles Lebrun và nhà thiết kế cảnh quan André Le Nôtre. Năm trước đó, lễ sinh nhật của nhà vua được tổ chức ở lâu đài mới của Bộ trưởng Tài chính Pháp Fouquet ở Vaux le Vicomte, gần Melun.

Louis XIV rất ấn tượng trước tòa lâu đài tráng lệ cùng công viên xinh xắn cũng như luôn nhớ mãi thái độ tự phụ của chủ nhân tòa lâu đài - người ông sẵn sàng tống giam. Le Vau (1612 - 1670) xuất thân từ một gia đình kiến trúc sư, thợ xây dựng, người thiết kế, được phong là Kiến trúc sư cung đình vào năm 1654. Trước tiên ông thiết kế lại điện Versailles dưới thời Louis XIII, trước khi bổ sung phần mở rộng được thiết kế theo phong cách Baroque của Italia.

Theo nhiều tư liệu lịch sử, Louis XIV đã huy động 36.000 công nhân, 6.000 con ngựa để chuyên chở vật liệu xây dựng cung điện Versailles. Rất nhiều người đã chết hoặc thương tật do tai nạn nghề nghiệp và sốt rét. 100.000.000 (đồng livre, đơn vị tiền tệ thời ấy) là số tiền tối thiểu để hoàn thành công trình này. Vào năm 1682, tòa cung điện biểu tượng cho sự giàu có và quyền lực của một đất nước hùng mạnh bậc nhất châu Âu được hoàn tất. Trên toàn Âu lục, những quân vương khác, kể cả người đang giao chiến với vua Pháp, cũng tìm cách xây cung điện theo nguyên mẫu Versailles.

Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật khổng lồ như thế này thuộc sở hữu của Cung điện.

Sau khi Louis XIV qua đời năm 1715, các vua Louis XV và Louis XVI liếp tục coi Versailles là cung điện chính thức của hoàng gia và xây dựng thêm các công trình khác. Sau khi Cách mạng Pháp nổ ra, chế độ phong kiến Pháp dưới triều vua Louis XVI sụp đổ thì Versailles cũng mất đi vị trí vốn có của mình. Rất nhiều vật báu của lâu đài hoặc được đưa về Bảo tàng Louvre, hoặc bị bán sang cho triều đình Anh.

Cũng như cuộc đời của vua Louis XIV, tất cả các sảnh, phòng ốc trong cung điện đều rộng lớn. Nét tinh túy của nghệ thuật Baroque nằm ở cách sử dụng vật trang trí tạo ra ảo giác dịch chuyển và không gian vô tận, kiến trúc tường bao biến mất bởi hệ thống tường, cột chạm trổ hoa mỹ nối với những bức bích họa tuyệt đẹp trên vòm trần. Chủ đề chiêm tinh cùng thần thoại luôn nhắc khách thập phương liên tưởng sự kết hợp giữa nhà vua với vị thần Mặt trời Apollo, Thần Ánh sáng và đời sống.

Một trong những không gian diễm lệ nhất thế giới, Phòng Gương (Galerie des Glaces), căn phòng lớn nhất của lâu đài dành cho hoàng hậu được xây dựng bắt đầu từ năm 1678, dài tới 73m, hướng nhìn ra công viên, kết hợp kỹ thuật sử dụng kính lần đầu tiên ở quy mô lớn (17 tấm panel gắn kính cao phản chiếu các cửa sổ có chiều cao tương tự ở phía đối diện. Vào thời điểm đó, gương là vật liệu đắt tiền và rất khó chế tạo), trên vòm trần là 30 bức bích họa của Le Brun mô tả những thành tựu của triều đại Louis XIV.

Yếu tố ấn tượng nhất trong hệ thống công viên, vườn cảnh của Versailles có lẽ là sự hiện diện và xử lý nước - bơm từ sông Seine. Kênh lớn chiếm 23 ha và các bể chứa khác, giống như kính trong Phòng Gương của lâu đài hướng mặt ra công viên, biến bầu trời thành một yếu tố trang trí thay đổi không ngừng, tăng thêm ảo giác về một không gian bất tận. Vòi phun thêm một lần nữa nhấn mạnh sự kết hợp của Vua Mặt trời với vị thần Mặt trời trong thần thoại Hy Lạp: 2 vòi phun chính liên tưởng đến đường đi của Mặt trời qua bầu trời - biểu thị đặc điểm của thần Apollo ở phía Tây và thần Leto, mẹ của Apollo ở phía Đông.

Các bảo tàng của lâu đài Versailles được Camille Bachasson, bá tước Montalivet thành lập năm 1837 theo lệnh của vua Louis-Philippe I dưới cái tên "Bảo tàng Lịch sử Pháp" (Musée d'Histoire de France).

Với diện tích 18.000m2, đây là bảo tàng lịch sử lớn nhất thế giới lúc bấy giờ bởi sở hữu một bộ sưu tập tranh cực lớn được sắp xếp theo niên đại lịch sử, tất cả đều do vua Louis-Philippe ra lệnh mua và sưu tầm: 6.123 bức tranh, 1.500 bức phác họa, 15.034 tác phẩm chạm trổ và 2.102 tác phẩm điêu khắc. Có một chi tiết là trong hơn 3.000 tranh mà nhà vua đặt hàng vẽ để lấp kín các phần còn trống trên các bức tường với đề tài về lịch sử nước Pháp từ thời Trung cổ đến thập niên 1830 không có bức tranh nào mô tả sự thất bại của Pháp trong các cuộc chiến.

Xét về mặt quy mô xây dựng cũng như sự xa hoa, lộng lẫy của nội thất thì thứ hạng hàng đầu châu Âu dành cho cung điện Versailles là hoàn toàn xứng đáng, nhưng nếu xét về mặt lịch sử thì cung điện này cũng trải qua không ít những tháng ngày phong ba bắt đầu từ khi cuộc cách mạng Pháp nổ ra vào năm 1789.

Sau biến cố lịch sử trọng đại này, giới sử gia ghi nhận có 3 sự kiện dính líu đến con số 21 định mệnh: Ngày 21-6-1791 vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette bị bắt khi đang cố đào tẩu khỏi nước Pháp; ngày 21-9-1791, Pháp bãi bỏ chế độ phong kiến, thành lập chế độ cộng hòa; ngày 21-1-1793 vua Louis XVI bị đưa lên máy chém hành quyết. Cung điện Versailles cũng chứng kiến 2 sự kiện quan trọng khác dính líu đến con số 28 và một trong số này liên quan đến lịch sử Việt Nam: Ngày 28-6-1919, tại Versailles diễn ra lễ ký kết Hòa ước kết thúc Chiến tranh thế giới thứ I. Trước đó 132 năm, vào ngày 28-11-1787, giám mục Bá Đa Lộc - đại diện cho chúa Nguyễn Ánh ở đàng Trong ký với triều đình vua Louis XVI bản Hiệp ước Versailles mở đường cho thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.

Để quản lý và điều hành một cung điện rộng mênh mông như Versailles, phải cần đến đội ngũ khoảng 900 nhân viên, gần phân nửa trong số đó là nhân viên bảo vệ. Điều này cũng dễ hiểu vì những tài sản bên trong cung điện này gần như vô giá.

Sau hai cuộc chiến tranh thế giới Versailles được trùng tu nhờ sự viện trợ của tỉ phú John D.Rockfeler. Bảo trì cung điện Versailles là một việc làm khó khăn, vì các mái che của cung điện có diện tích quá lớn, nên phí tổn rất nhiều, nhưng nhờ tiền bán vé vào cửa từ hàng triệu triệu du khách, cộng thêm nguồn tiền trợ giúp của các hiệp hội bảo trợ, kế đến là tiền ứng của Quỹ bảo tồn di tích quốc gia Pháp, nên chương trình tân trang lại cung điện Versailles đã bắt đầu từ năm 2003 và dự trù chấm dứt vào năm 2020.

Trong 7 năm đầu, chính phủ Pháp đã bỏ ra một ngân khoản tương đương 135 triệu euro thực hiện 3 mục tiêu chính: Thứ nhất, tạo sự an ninh cho cung điện Versailles ; thứ hai, tân trang lại toàn bộ cung điện ; thứ ba, tạo những khu vực mới để tiếp đón khách thăm viếng. Số tiền của nhiều Mạnh Thường Quân đóng góp vào vấn đề tân trang này tương đương với 5% của tổng ngân quỹ như Hiệp hội "American Friends of Versailles" tặng 4 triệu đôla để tân trang những vòi phun nước và Quỹ đầu tư nghệ thuật tư nhân Da Vinci tặng 12 triệu euro để sửa lại phần hành lang bằng gương trong cung điện Versailles.

Năm 1979, Cung điện Versailles đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới. Versailles ngày nay được sử dụng như Bảo tàng viện quốc gia và Nhà khách chính phủ, cũng như là điểm tổ chức các sự kiện trọng đại như ký kết hiệp ước sau Chiến tranh thế giới thứ I, hội nghị các nguyên thủ châu Âu và cuộc họp của lưỡng viện Quốc hội Pháp khi bàn về sửa đổi hiến pháp. 

Trong số những chiếc đồng hồ trong cung điện, có một chiếc đồng hồ hình mặt trời biểu tượng của Louis XIV. Tiếng tích tắc phát ra từ chiếc đồng hồ đều đặn, không hề thay đổi sau gần 3 thế kỷ.

Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.