Chuyện chưa kể về những chủ nhân Điện Élysée (kỳ 3)

Thứ Ba, 30/05/2017, 07:30
Hầm rượu vang Điện Élysée chính thức đi vào hoạt động từ năm 1947, do Tổng thống Vincent Auriol lập nên. Hầm rượu này được được bảo vệ bằng một cửa thép kiên cố, nằm không xa trung tâm chỉ huy kho vũ khí hạt nhân của Pháp.


Sự ra đời của danh xưng "đệ nhất phu nhân"

Thế chiến thứ II kết thúc, các nước châu Âu  bắt tay vào công cuộc tái thiết. Năm 1947,  nền Đệ tứ Cộng hòa Pháp ra đời với Tổng thống Vincent Auriol. Lớp bụi thời gian đã phủ lên những gian phòng lạnh lẽo trong Điện Élysée.

Rất may là khi xâm chiếm nước Pháp, phát xít Đức đã không tái diễn màn vơ vét cướp phá những lâu đài, dinh thự như đã từng làm với các nước Đông Âu hay Nga. Vincent Auriol bỏ phòng làm việc cũ của các vị tổng thống tiền nhiệm (gian phòng ấy nay là thư viện trong Điện Élysée) mà chọn Salon d'Argent làm nơi làm việc, cho sơn phết, sửa sang lại tòa dinh thự, tân trang gian bếp mới, thay đổi các thang máy...

Tổng thống Vincent Auriol và bà Michèle Auriol.

Hầm rượu vang Điện Élysée chính thức đi vào hoạt động từ năm 1947, do Tổng thống Vincent Auriol lập nên. Hầm rượu này được được bảo vệ bằng một cửa thép kiên cố, nằm không xa trung tâm chỉ huy kho vũ khí hạt nhân của Pháp. Ngày đó, ngoài các nhân sự được cấp phép, không ai được tham quan hầm rượu vang chứa hơn vạn chai rượu vang danh tiếng trên toàn nước Pháp.

Điều đáng lưu ý là không một loại vang nước ngoài nào được phép sử dụng trong Điện Élyseé. Số lượng rượu được bổ sung hàng năm, vì vậy, vào một thời điểm thích hợp trong năm, bộ phận quản lý hầm rượu, dưới sự giám sát chặt chẽ của quan chức chính phủ, tổ chức đón tiếp tất cả các nhà sản xuất vang hàng đầu từ mọi miền của nước Pháp để nếm rồi tuyển chọn các sản phẩm của họ.

Điều thú vị là mặc dù biết rõ khi sản phẩm của mình nếu lọt qua những bước tuyển chọn khắt khe, được chính thức đưa vào hầm rượu là vinh dự cũng như cơ hội quảng bá thương hiệu cực kỳ lớn, nhưng các nhà sản xuất rượu vang không bao giờ biếu rượu cho chính quyền, cùng lắm họ chỉ bán giảm giá mà thôi. Đây không hề là vấn đề tiền bạc mà chỉ là nguyên tắc kinh doanh đã thành truyền thống.

Những phu nhân tổng thống Pháp trước đây thường chỉ giữ vai trò là "vật trang trí trung tâm biết di động" của Điện Élysée hoặc là người tổ chức các buổi chiêu đãi. Trong một phóng sự, phóng viên báo Le Monde cho biết: "Người đầu tiên thể hiện vai trò phu nhân tổng thống trước công chúng là bà Michèle Auriol, vợ của Tổng thống Vincent Auriol. Sống cùng chồng tại Điện Élysée, bà ấy sắp xếp chỗ ăn ở cho gia đình và không như các phu nhân tổng thống tiền nhiệm, bà thường tháp tùng chồng trong các chuyến công du. Từ đó, báo chí trong nước gọi bà là Première Dame".

Hầm rượu vang Điện Élysée chính thức đi vào hoạt động từ năm 1947, do Tổng thống Vincent Auriol lập nên.

Trong chuyến thăm Mỹ của vợ chồng tổng thống Vincent Auriol, bà Michèle Auriol được người Mỹ gọi là "First Lady", như vậy có thể thấy rằng, danh xưng "Đệ nhất phu nhân" được ra đời từ thời kỳ này dù "đệ nhất phu nhân Pháp" lại không phải chức danh chính thức được pháp luật thừa nhận.

Hiến pháp nước Pháp không hề nhắc tới cụm từ "đệ nhất phu nhân" hay "vợ của tổng thống".

Trong các quy định chính thức, cho tới giờ mới chỉ có văn bản luật công bố ngày 3-04-1955, có một điều đề cập tới quyền lợi của vợ của một cựu tổng thống: Trong trường hợp một cựu tổng thống Pháp qua đời, người vợ góa sẽ được hưởng 50% số lương hưu hàng tháng của chồng. Luật lạnh lùng và có phần… bất công nhưng để xứng với danh xưng "đệ nhất phu nhân" và thể hiện ý chí cho một xã hội nam nữ bình quyền,  phu nhân của các tổng thống kế nhiệm Tổng thống Vincent Auriol luôn chứng tỏ mình không phải là một cái bóng sau lưng đức ông chồng.

Như đệ nhất phu nhân Yvonne De Gaulles thường kín đáo tư vấn cho chồng trong những chuyện quốc gia đại sự, đệ nhất phu nhân Claude Pompidou phụ trách việc hiện đại hóa và trang hoàng lại điện Élysée, bà Danielle Mitterrand là đệ nhất phu nhân đầu tiên tự chủ xây dựng các dự án riêng với nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền,  đệ nhất phu nhân Bernadette Chirac nổi tiếng với quỹ từ thiện Pièces d'Or, bà Carla Bruni thành lập quỹ xóa mù chữ, phòng chống AIDS, còn bà Valérie Trierweiler - khi còn là bạn gái của Tổng thống Francois Hollande - tham gia tổ chức từ thiện mang tên đệ nhất phu nhân Danielle Mitterrand…

Người bạn đời mẫu mực, "quân sư sau rèm" của Tổng thống Charles De Gaulle

Cuộc đời của tướng Charles De Gaulle không chỉ gắn liền với những trang sử huy hoàng nhất của nước Pháp thế kỷ XX, mà còn là hiện thân cho đường lối đối ngoại độc lập của nền Đệ ngũ Cộng hòa. Sinh trưởng trong một gia đình danh giá; cha ông có nguồn gốc quý tộc từ miền Normandy và Burgundy, mẹ ông thuộc giới kinh doanh giàu có của thành phố kỹ nghệ Lille trong vùng Flanders của nước Pháp.

Ngay từ thuở nhỏ, cậu bé de Gaulle đã được cha mẹ dạy dỗ tinh thần quốc gia và hướng dẫn đọc các sách của các tác giả bảo thủ. Ngay sau khi học xong bậc trung học, Charles de Gaulle đã thi vào Trường Quân sự Saint-Cyr, quyết tâm chọn cho mình con đường binh nghiệp. 

Tướng Charles de Gaulle và Yvonne trong ngày cưới.

Trong những năm 1920 và 1930, do các quan điểm táo bạo, Thiếu tá de Gaulle thường xuyên bất hòa với các nhà lãnh đạo quân sự Pháp, vì vậy cho tới khi Thế chiến thứ II bùng nổ, ông de Gaulle chỉ mang hàm Trung tá. Tháng 5-1940, Trung tá de Gaulle được giao trách nhiệm chỉ huy Sư đoàn 4 Thiết giáp.

Ngày 17-5-1940, sư đoàn của Trung tá de Gaulle đã tấn công các lực lượng chiến xa Đức tại Montcornet. Với 200 chiến xa và không có máy bay khu trục yểm trợ, cuộc tấn công này đã không cản được bước tiến của quân xâm lăng Đức, nhưng đến ngày 28-5, Trung tá de Gaulle đã chỉ huy cuộc phản công khiến cho bộ binh Đức phải rút lui tại Caumont. Đây là một trong số rất ít các chiến thắng của quân đội Pháp trong suốt cuộc chiến. Nhờ chiến thắng này, ông de Gaulle được Thủ tướng Paul Reynaud đặc cách thăng chức Thiếu tướng và từ đó, ông được mọi người gọi là "Tướng de Gaulle".

Tháng 6-1940, Thống chế Pétain tìm cách đình chiến với quân đội Đức Quốc xã. Vào ngày 16-6 năm đó, Tướng de Gaulle đã thực hiện một quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời của ông và trong lịch sử mới của nước Pháp: Ông từ chối chấp nhận nước Pháp đầu hàng và chống lại chính quyền Pétain. Sáng ngày 17-6, với 100.000 đồng franc do ông Paul Reynaud giao cho đêm hôm trước, Tướng de Gaulle lên máy bay, bay thẳng đến London. Từ đó, Tướng de Gaulle bắt đầu xây dựng và lãnh đạo nước Pháp tự do -phong trào kháng chiến của Pháp ở hải ngoại.

Ngày 18-6-1940, Tướng de Gaulle chuẩn bị kêu gọi dân Pháp kháng chiến qua đài phát thanh BBC. Nội các Anh muốn ngăn cản cuộc nói chuyện này nhưng Thủ tướng Churchill đã chấp thuận. Tướng de Gaulle dõng dạc tuyên bố: "Nước Pháp đã thua trận, nhưng chưa thua cuộc chiến" cùng với câu: "Ngọn lửa của phong trào kháng chiến Pháp sẽ không hề bị dập tắt!".

Trên thực tế, chỉ một số nhỏ người dân Pháp đã nghe được lời hiệu triệu này bởi vì Tướng de Gaulle lúc đó chưa được nổi danh, ít người dân Pháp theo dõi đài BBC trong khi hàng triệu người hiện đang trên đường chạy loạn nhưng các phần trích yếu lời kêu gọi kháng chiến của Tướng de Gaulle đã xuất hiện trên các báo chí Pháp xuất bản tại miền Nam, là nơi chưa bị quân Đức kiểm soát và lời kêu gọi này còn được đài BBC nhắc lại trong các đêm kế tiếp.

Trong tình thế hỗn độn và hoang mang, tin tức về một vị tướng Pháp tại thành phố London không chấp nhận đầu hàng, tiếp tục chiến đấu đã được truyền miệng từ người này sang người khác. Theo đánh giá của giới sử học, các lời kêu gọi mang đầy dũng khí của Tướng de Gaulle là một trong các bài diễn văn danh tiếng nhất trong lịch sử nước Pháp.

Tổng Thống Charles de Gaulle không thích Điện Élysée vì lịch sử phức tạp của nơi này. Ông muốn đặt văn phòng ở École Militaire hay Les Invalides hoặc ở lâu đài Vincennes rộng lớn hơn nhưng vì việc đó sẽ ngốn một khoản lớn của ngân khố quốc gia nên tháng 1-1959, ông miễn cưỡng dọn vào Điện Élysée. Sống 10 năm tại đây, ông chỉ mang theo vài chục quyển sách, một số vật dụng cá nhân cần thiết vì chỉ coi đó là nơi làm việc, còn tư dinh thật sự của ông tên là La Boisserie ở Colombey-les-Deux-Églises thuộc tỉnh Haute-Marne.

Ông chọn phòng Salon Doré trong Điện Élysée làm nơi làm việc với nề nếp kỷ luật như thời trong quân ngũ: thức dậy lúc 7 giờ, vừa dùng điểm tâm vừa đọc báo, vào văn phòng làm việc từ 9 giờ 30 đến 13 giờ, ăn trưa không quá 45 phút với bà Yvonne, trở lại làm việc từ 14 giờ 30 đến 19 giờ 30.

Trong nhịp sống quy củ đến mức đơn điệu như vậy, ông vẫn dành thời gian tiếp rất nhiều quan khách, viếng thăm nhiều quốc gia và thường tiếp các ký giả và đài truyền hình tại phòng khách lớn của Điện Élysée, trả lời lưu loát các câu hỏi và mỗi tuần họp với các bộ trưởng vào sáng thứ tư. Thời khóa biểu họp này được các đời tổng thống Pháp duy trì đến ngày nay.

Trong 2 nhiệm kỳ làm tổng thống, Charles de Gaulle đã mang lại sự ổn định chính trị cũng như sức mạnh cho nước Pháp trên trường quốc tế, kinh tế nước Pháp bắt đầu thịnh vượng. Không thể phủ nhận trong những thành quả đó có sự đóng góp của người bạn đời luôn tận tụy hy sinh vì sự nghiệp chính trị của chồng - bà Yvonne de Gaulle. Tướng Charles de Gaulle và bà Yvonne Vendroux gặp gỡ và yêu nhau vào năm 1920. Một năm sau đó, đám cưới của họ diễn ra tại nhà thờ Notre Dame de Calais vào ngày 6-4-1921.

Họ sinh hạ được 3 người con là Philippe, Élizabeth và Anne. Bà là một mẫu người rất ý thức vào bổn phận, trách nhiệm cũng như chỗ đứng của mình bên cạnh một người chồng được dân Pháp tôn sùng, kính trọng. Những năm đồng cam cộng khổ, cùng chồng con bôn ba từ Anh sang Algerie lãnh đạo cuộc kháng chiến chống phát xít Đức thời Thế chiến thứ II cho đến lúc ông thoát khỏi vụ ám sát ngày 22-8-1962 tại thị trấn Petit Clamart, rồi những năm tháng khó khăn sau cuộc bầu cử vào năm 1965.

Cả chuyện 2 người đã bị số phận thử thách với sự ra đời của đứa con gái Anne bị dị tật bẩm sinh và chết sớm đã khiến người dân Pháp dành cho bà nhiều thiện cảm nên họ gọi bà bằng cái tên thân mật "Tante Yvonne" (dì, mợ, cô Yvonne- hiểu theo nghĩa tiếng Việt). Bên cạnh chồng, bà khiêm tốn từ phong thái cho đến cách phục sức lịch sự nhưng không cầu kỳ.

Khi đã trở thành Đệ nhất phu nhân của nước Pháp, bà Yvonne luôn tìm cách tiết giảm chi tiêu cho ngân sách quốc gia như hạn chế các khoản mua sắm, trang trí cho Điện Élysées, không tổ chức các chuyến đi chơi xa sử dụng xe công, đích thân kiểm tra các tiệc chiêu đãi để tránh gây lãng phí. 

Là một tín đồ ngoan đạo, được giáo dục trong một gia đình quý tộc ở miền Bắc nước Pháp, bà Yvonne không thích những trường hợp vợ chồng ly dị hay những trường hợp sống chung không hôn thú, khéo léo từ chối những cuộc phỏng vấn và những lời đề nghị vẽ hay chụp chân dung. Bà trở nên nổi tiếng với câu nói: "Cương vị Tổng thống chỉ là tạm thời, gia đình mới là vĩnh cửu".

Quả thật, trong cuộc sống chốn hậu trường, ông de Gaulle luôn nhận được sự động viên và những lời khuyên hữu ích từ người vợ hiền thảo. Bà vừa là bạn chí cốt, là nguồn an ủi, vừa là quân sư của ông nữa. Charles de Gaulle thích sự yên tĩnh, lãng mạn nhưng ông lại ít biểu lộ cảm xúc và tình cảm thật của mình, để đáp lại tình yêu và sự hy sinh lặng thầm của vợ, ông luôn toàn tâm toàn ý sống mẫu mực và thủy chung. Với ông, gia đình là điểm tựa tinh thần vững chắc cho ông cống hiến trọn cuộc đời cho nước Pháp.

(Còn tiếp)

Quang Học (tổng hợp)
.
.