Cứu tinh của 3 vạn người tị nạn Ba Lan trong Thế chiến thứ II

Thứ Ba, 05/12/2017, 13:27
Trong khuôn viên Trường Đại học Bách khoa Budapest soi bóng từ trăm năm qua bên bờ sông Danube của thủ đô của Hungary, có một quần thể tượng rất đặc biệt: 2 bức tượng đồng khắc họa hình ảnh hai người đàn ông ngồi bên chiếc bàn đá đang trao đổi một điều gì đó…

Tính chất quan trọng của câu chuyện thể hiện trên gương mặt của cả hai, nhưng một người quyết liệt, nóng nảy, còn người kia thì trầm tĩnh hơn. Đó là Antall Jozsef (người Hungary) và Henryk Slawik (người Ba Lan). hai ông đã có công bảo vệ hơn 30.000 người Ba Lan tị nạn, trong đó có khoảng 5.000 người gốc Do Thái khỏi cái chết và sự tù đày của phát xít Đức trong Thế chiến thứ II.

Cả hai người đều được truy tặng danh hiệu “Công dân danh dự”- sự vinh danh cao nhất của Nhà nước Israel dành cho những công dân nước ngoài đã liều mình cứu mạng người dân Do Thái trong đại nạn diệt chủng Holocaust. Tên của hai ông cũng được đặt cho hai con đường chạy dọc đôi bờ sông Danube.

Tượng Henryk Slawik và Jozsef Antall tại thủ đô Budapest, Hungary.

Henryk Slawik sinh ra trong một gia đình nghèo có năm anh em. Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ và tham gia Thế chiến thứ I, ông làm phóng viên. Đến năm 1928 làm chủ bút tờ báo “Gazeta Robotnicza” (Nhật báo công nhân) rồi gia nhập đảng Xã hội Ba Lan.

Tháng 9-1939, Ba Lan bị Đức và Liên Xô tấn công từ hai phía, sau khi chính phủ hai nước này ký kết Hiệp định không tấn công lẫn nhau và thỏa thuận về việc phân vùng Ba Lan. Henryk Slawik lại cầm súng chiến đấu trong một đơn vị quân đội Ba Lan đóng ở cố đô Krakow. Ngày 17-9-1939, hơn hai tuần sau khi phát xít Đức tấn công Ba Lan, Henryk Slawik vượt biên giới Hungary - lúc đó cũng là một nước chư hầu của Đệ Tam Đế chế.

Trong số gần 120.000 người lính Ba Lan và thường dân đến trú ẩn ở Hungary, Henryk Slawik nhanh chóng trở thành lãnh đạo của lực lượng này. Hoạt động không được bao lâu, ông bị chính phủ Hungary thân Đức bắt làm tù binh.

Nhờ nói sõi tiếng Đức, tại trại tù binh gần thành phố Miskolc, Hungary, Henryk Slawik có dịp làm quen với Antall Jozsef, lúc bấy giờ là đặc phái viên chính phủ phụ trách vấn đề người tị nạn của Bộ Nội vụ Hungary. Khi ấy, chính quyền Hungary đang tìm người làm việc trong vấn đề này, nhờ vậy, Henryk Slawik được tuyển dụng và chuyển về làm việc ở thủ đô Budapest.

Tháng 11-1939, với sự hỗ trợ của Jozsef Antall, Henryk Slawik đã chủ động thành lập Ủy ban Trợ giúp Người tị nạn Ba Lan ở Hungary. Vào tháng 3-1940, cơ quan này được Chính phủ Ba Lan lưu vong trao giấy ủy quyền, Henryk Slawik khi đó được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch thay cho Tướng Wladyslaw Sikorski và bấy giờ ông trở thành đại diện chính thức của Bộ chính trị xã hội Ba Lan tại Hungary.

Henryk Slawik cùng vợ Jadwiga và con gái.

Đặc thù công việc của Ủy ban Hỗ trợ người tị nạn Ba Lan đã làm nảy sinh tình bạn gắn bó sâu sắc giữa hai người cùng độ tuổi và cùng chí hướng nhân đạo. Antall Jozsef và Henryk Slawik đã tổ chức thành lập các trường học, cơ sở nuôi trẻ mồ côi và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người tị nạn Ba Lan khi đó đào thoát được sang Hungary.

Đồng thời, họ còn thực hiện các phi vị giúp các chiến sĩ Ba Lan lưu vong trốn sang Pháp hoặc vùng Cận Đông để gia nhập quân đội Ba Lan tiếp tục đấu tranh chống phát xít Đức. Antall Jozsef đã ra sức tận dụng cương vị đặc phái viên chính phủ của mình, không quản ngại nguy hiểm để giúp đỡ những người bạn Ba Lan.

Từ trước năm 1939, người Do Thái đã bị phân biệt đối xử tại Hungary. Hệ quả là vào mùa xuân năm 1943, khi Đức Quốc xã quyết định can thiệp vào chính thể Hungary, thì nước này đã tiến hành chính sách tận diệt người dân Do Thái.

Chỉ trong vòng 2 tháng của chiến dịch thanh trừng sắc tộc Holocaust, đã có gần 500.000 người Hungary gốc Do Thái bị tống vào các trại tập trung và lò thiêu người. Nhiều người bị bắn rồi vứt xác xuống sông Danube trong mùa đông lạnh giá. Có một thống kê cho rằng, cứ 10 người Do Thái bị sát hại trong Thế chiến thứ II thì có một là người là dân Hungary.

Vậy mà Antall Jozsef và Henryk Slawik bằng cách mạo hiểm tạo hồ sơ và làm giấy tờ giả chứng minh nhân thân mà đã cứu được khoảng 5.000 người Ba Lan gốc Do Thái trong số trên 30.000 người tị nạn tại Hungary. Với tư cách là người chăm sóc cho những người tị nạn thời chiến, Henryk Slawik đã “sản xuất” những tấm thẻ căn cước mới cho người Do Thái bằng cách sử dụng họ Slavic.

Henryk Slawik còn cấp giấy tờ chứng nhận tất cả người Do Thái mà ông giúp là có nguồn gốc Ba Lan và theo Kitô giáo, điều này được chính quyền Hungary chấp nhận vì theo luật định Hungary lúc bấy giờ, những người theo Kitô giáo đều nằm ngoài “đối tượng thanh lọc” của chính quyền sở tại.

Một ngôi trường được mở tại thành phố Warszawa, trên giấy tờ chứng thực đây là nơi dành cho con em các sĩ quan Ba Lan chết trận, nhưng thực chất là nơi ẩn náu của phần đông con em mồ côi gốc người Do Thái.

Trong chuỗi hoạt động đầy mạo hiểm này, Henryk Slawik phối hợp nhịp nhàng với văn phòng của Jozsef Antall, người chịu trách nhiệm đóng dấu và hợp pháp hóa các tài liệu liên quan đến lý lịch của những người tị nạn.

Jozsef Antall (bên trái ảnh) và Henryk Slawik thời cùng làm việc trong Ủy ban Hỗ trợ người tị nạn.

Nhưng tất cả đều thay đổi vào tháng 3-1944, khi Đức Quốc xã cho quân đội vào khống chế Hungary. Antall Jozsef xin từ chức, nhưng ông vẫn bị Cơ quan mật vụ Gestapo của Đức bắt giam, còn Henryk Slawik thì chuyển vào hoạt động bí mật. Lúc này, các phụ tá của ông nhận được yêu cầu phải làm sao để càng nhiều người tị nạn Ba Lan do ông quản lý thoát khỏi Hungary thì càng tốt. Tất cả người Do Thái, kể cả con em Do Thái mồ côi đều thoát được khỏi Hungary, nhưng ông vẫn ở lại dù rõ biết bao hiểm nguy đang chờ đợi mình. Bà Zadwiga, vợ ông, bị bắt và bị đưa vào một trại tập trung.

Trong thời gian đó, biết là cực kỳ nguy hiểm nhưng gia đình Antall Jozsef vẫn nuôi giấu con gái của người bạn Ba Lan, xem cô như con đẻ của chính mình, chờ đến khi chiến tranh kết thúc, người mẹ may mắn trở về. Henryk Slawik không may mắn được như thế, ông bị bắt giữ và tra tấn dã man, nhưng ông nhất quyết không khai ra những cộng sự và đồng đội người Hungary đã hỗ trợ mình. Ngày 23-8-1944, Henryk Slawik bị quân Đức đem ra xử bắn tại trại tập trung Mauthausen.

Hai con người, hai số phận. Một người là quan chức cao cấp của Hungary, sáng lập viên một đảng lớn của nước này và sau này là nghị sĩ, quốc vụ khanh và còn sống được tới thập niên 70 thế kỷ XX. Người kia là nhà báo, một trong những nhà lãnh đạo của chính phủ Ba Lan lưu vong, đã hy sinh trước khi Thế chiến thứ II chấm dứt.

Mãi đến giữa thập niên 1990 của thế kỷ XX, tổ chức “Ba Lan Wallenberg” đã phục dựng công lao và lòng hy sinh quên mình của của Henryk Slawik - trước hết là nhờ công của Henryk Zimmermann, cộng sự của Slawik trong giai đoạn cuối của quá trình cứu người Do Thái, và sau đó là những nỗ lực của Grzegorz Lubczyka, cựu đại sứ Ba Lan tại Hungary.

Cả hai ông Antall Jozsef và Henryk Slawik là tấm gương sáng ngời về nhân phẩm và lòng quả cảm. Sau khi đất nước Ba Lan bị xâm chiếm trong một cuộc chiến không cân sức, đã có chừng 120.000 người Ba Lan tìm nơi ẩn náu tại Hungary; 30.000 người trong số đó “phải chịu ơn Henryk Slawik và Antall Jozsef”, theo nghị quyết chung của Quốc hội hai nước ban hành vào tháng 9-2014.

Hành động của hai ông còn là biểu tượng cho sự gắn bó của hai dân tộc Ba Lan và Hungary, hay như đánh giá của Nghị viện Ba Lan, là “một tình bạn vô tư hướng tới các dân tộc khác”.

Henryk Slawik tại Trường nuôi trẻ mồ côi, con cái các sĩ quan Ba Lan, thực chất cũng là nơi nuôi dưỡng các trẻ em người Do Thái.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của Henryk Slawik và 40 năm ngày mất của Antall Jozsef, để vinh danh công trạng to lớn của đôi bạn với tinh thần kiên định, lòng dũng cảm quên mình khiến họ không trốn chạy kể cả khi biết sẽ gặp hiểm nguy, một tượng đài đã được nguyên thủ quốc gia hai nước cắt băng khánh thành vào tháng 3-2015 tại thành phố Katowice (Ba Lan) nhân Ngày Hữu nghị Hungary - Ba Lan.

Đến tháng 11-2016, một cụm tượng mới được trang trọng đặt trong công viên đối diện Tòa Đại sứ Hungary ở thủ đô Warszawa. Và tháng 7-2017, bản sao tác phẩm điêu khắc tiếp tục được khánh thành trong khuôn viên Đại học Bách khoa Budapest, dưới chân tượng là tấm bia “gìn giữ câu chuyện cảm động của tự do và lòng nhân đạo cho tương lai”- theo lời Chủ tịch Quốc hội Hungary.

Riêng đối với Hungary, tên tuổi ông Antall Jozsef, từ trước nay thường chỉ được biết tới là thân phụ vị thủ tướng đầu tiên của đất nước Hungary dân chủ sau năm 1989, giờ được hậu thế biết thêm về công lao to lớn nhưng lặng thầm không kém của ông, trong số những người được lịch sử ghi tạc vì đã cứu hàng vạn người gốc Do Thái khỏi thảm họa Holocaust, như Kasztner Rezso, Raoul Wallenberg hay Oskar Schindler trong suốt những năm trường đen tối của Thế chiến thứ II. 

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.