Đội cận vệ Thụy Sĩ của Đức Giáo hoàng trước lời đe dọa từ IS

Thứ Ba, 24/10/2017, 19:25
Ngày 25-8-2017, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) IS đã tung lên mạng một video clip với những lời tuyên bố đe dọa Đức Giáo hoàng Francis và xúc phạm Tòa thánh Vatican.

Việc đăng tải đoạn video clip này thực ra là cách “truyền tiếp” đoạn clip do nhóm phiến quân “Nhà nước Hồi giáo Lanao” tuyên bố trung thành với IS - thường được thế giới biết đến dưới cái tên “Nhóm Maute” ở miền Nam Philippines - thực hiện. Nhiều vụ khủng bố do những “con sói đơn độc” tiến hành trong thời gian gần đây tại các nước Châu Âu khiến Vatican không thể xem thường lời đe dọa này, vì IS đã vài lần nhắc đến một trong các “mục tiêu ưu tiên” là Giáo hoàng Francis.

Đội cận vệ Thụy sĩ của Giáo hoàng (The Swiss Guard of the Pope – SG) ngoài trang bị vật chất, còn chú trọng huấn luyện kỹ năng đối phó để xứng đáng là đội cận vệ thiện nghệ từng có trên 500 năm lịch sử.

Đức Giáo hoàng - một trong những mục tiêu “ưu tiên”

Theo trang web của Dailymail, tổ chức IS đã tung lên mạng một đoạn video dài khoảng 6 phút, đặc tả hình ảnh một số chiến binh đang phá hoại một nhà thờ Thiên Chúa giáo ở thành phố Marawi phía nam Philippines (ngày 16-10, quân đội Chính phủ Philippines tung đợt tấn công cuối cùng và 2 ngày sau, Tổng thống Philippines chính thức tuyên bố thành phố Marawi đã được giải phóng hoàn toàn khỏi tay nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Lanao và Abu Sayyaf).

Chỉ huy trưởng SG Alois Estermann và vợ Gladys Meza bị sát hại hồi tháng 5-1998.

Trên video còn có hình ảnh quân IS dẫm chân lên tượng Chúa Giêsu, xé toạc chân dung các giáo hoàng tiền nhiệm và đương nhiệm, đồng thời thề sẽ đến Roma “làm cỏ” cả Tòa thánh. Lời trong đoạn video nói bằng tiếng Anh phát âm theo giọng Mỹ toàn ca ngợi “Các chiến binh thực sự của Mohammed, người được tín đồ Hồi giáo ca ngợi là “sứ giả của Thượng đế”, đã chiến đấu để chinh phục lãnh thổ ở Đông Nam Á”.

Trong khi đó, tên khủng bố Abu Jinda nhìn thẳng vào ống kính camera nói bằng tiếng Anh: “Hãy nhớ điều này, hỡi những tên Kuffar (không phải tín đồ Hồi giáo), bọn ta sẽ đến La Mã, sẽ đến La Mã …” (Remember this, You kuffar! we will be in Rome, we will be in Rome…)

Trên trang mạng la-croix thuộc tờ nhật báo tiếng Pháp La Croix, bài viết của ký giả Gauthier Vaillant từng được đăng tải với nội dung: Từ khi trở thành Giáo hoàng, tổ chức khủng bố IS cuồng tín đã muốn tấn công ông. Trên thực tế, tổ chức khủng bố IS thường dùng những danh từ như “thập tự quân” để ám chỉ người phương Tây và Thiên Chúa giáo, và trong số này, Đức Giáo hoàng là mục tiêu hàng đầu.

Từ tháng 10-2014, những lời đe dọa này đã xuất hiện trên tạp chí Dabiq, tờ báo tuyên truyền bằng tiếng Anh của IS. Trên trang nhất của một trong các số đầu tiên của tạp chí này là hình hàng cột của Quảng trường Thánh Peter được gắn cờ đen của IS với những lời lẽ thách đố Giáo hội Thiên Chúa giáo. Linh mục Jacques Hamel tại giáo xứ Saint-Étienne-du-Rouvray bị giết trong cuộc tấn công vào nhà thờ Normandy ngày 26-7-2016 khi ông đang cử hành Thánh lễ.

Thủ phạm là hai người Hồi giáo cam kết trung thành với IS. Bọn khủng bố IS lại đưa ra khẩu hiệu “bẻ gãy Thánh giá” và tung ra những khẩu hiệu xúc phạm Thiên Chúa giáo, như câu nhấn mạnh: “Thiên Chúa giáo là mục tiêu đầu tiên trong sự thù ghét của bọn chúng ta đối với phương Tây”.

Tổ chức khủng bố IS liệt Đức Giáo hoàng Francis là “một trong kẻ thù hàng đầu của Hồi giáo” vì ông đã nhiều lần lên tiếng phản đối chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Trong chuyến công du đến Albania vào cuối năm 2014, Giáo hoàng Francis đã đưa ra thông điệp gay gắt khi nói: “Xin đừng ai tự coi mình là chiếc áo giáp bảo vệ Thượng đế trong khi lại đi hoạch định và tiến hành các hành vi bạo lực cũng như áp bức!”.

Bài diễn văn nhằm xoa dịu các quan hệ giữa tín đồ Thiên Chúa giáo và tín đồ Hồi giáo của ông khi ông đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11-2014 bị xem là “thứ xảo ngôn bên trong cái vỏ thiện chí”. Năm 2016, khi các nước châu Âu lâm vào khủng hoảng bởi làn sóng người di cư, Giáo hoàng Francis đã tuyên bố “Vatican sẵn sàng mở cửa cho dân tị nạn, kể cả người theo đạo Hồi”.

Đài France TV dẫn nguồn từ Vatican cho biết, có 3 gia đình người Syria do nội chiến kéo dài đã phải vượt biển đến đảo Lesbos của Hy Lạp trước khi xin tị nạn tại một nước châu Âu và Vatican cùng chính quyền Italia đã đồng ý tiếp nhận họ. Hành động này bị IS bêu riếu là “làm cho khối tín hữu Hồi giáo quay lưng lại với đạo Hồi”.

Chuyện đội cận vệ trên 500 tuổi

Không lâu sau vụ tấn công ở Manchester, Anh Quốc, vào tháng 5-2017, một bức hình vẽ cảnh Tòa thánh Vatican chìm trong biển lửa được “truyền tay” trong số những kẻ có cảm tình với tổ chức khủng bố IS. Ông Domenico Giani, sĩ quan chỉ huy đội quân cảnh Tòa thánh Vatican, nói với tạp chí cảnh sát quốc gia Italia Polizia Moderna, rằng: “Sự đe dọa và mối nguy hiểm là có thật. Chúng tôi là những người buộc phải thích nghi với điều này, và không có sự lựa chọn nào khác”.

Christophe Graf, Đội trưởng Đội cận vệ Thụy Sĩ cho biết, SG đã chuẩn bị để đối phó với những vụ tấn công bất ngờ của tổ chức khủng bố. Các cận vệ của Giáo hoàng, mặc dù mặc trang phục chính thức là giáp trụ, lại tinh thông các loại vũ khí cá nhân hiện đại và lão luyện trong công tác chống khủng bố. Hiện Tòa thánh Vaticanđược bảo vệ bởi 150 đến 200 vệ binh Thụy Sĩ.

Đội vệ sĩ của Giáo hoàng với trang phục và vũ khí truyền thống.

Đức Giáo hoàng Julian II, trị vì Vatican vào thế kỷ XVI mà hậu thế gọi là Giáo Hoàng Chiến binh (Warrior Pope), là người thành lập ra Đội cận vệ Thụy Sĩ của Giáo hoàng tồn tại trong suốt cuộc chiến tranh Italia dài sáu thập kỷ. Khi ấy, Giáo hoàng 60 tuổi đã tìm cách bảo vệ chế độ chống lại giáo chủ hồng y đối thủ bằng cách tăng cường trung đoàn vệ binh có vũ trang riêng, và lực lượng này tồn tại cho đến ngày nay.

Chính thức được giao nhiệm vụ bảo vệ Giáo hoàng kể từ năm 1506, trên thực tế, SG còn phục vụ như là lực lượng quân đội của Tòa Thánh Vatican (dù không chính thức), được xem là quân đội kế thừa lâu đời nhất trên thế giới nhưng cũng là quân đội vũ trang nhỏ nhất thế giới.

Đúng 21 năm sau ngày chính thức thành lập, đội cận vệ Thụy Sĩ đã ghi một mốc son trong lịch sử bằng việc anh dũng cứu Giáo hoàng Clement VII thoát khỏi cuộc tấn công của binh lính Tây Ban Nha ngày 6-5-1527. Tổng cộng có 147 cận vệ hy sinh trong trận đánh này. Kể từ đó, ngày 6-5 hằng năm trở thành ngày các cận vệ tuyên thệ giữ lời thề trung thành với Đức Giáo hoàng.

Do thời gian nắm quyền bính của Giáo hoàng Julian II ngày càng nối dài nên đội quân lính đánh thuê Thụy Sĩ đã kiếm bộn tiền trong các trận đánh liên miên ở châu Âu. Số binh sĩ sống sót cố gắng tìm kiếm công việc ít nguy hiểm hơn, làm bảo vệ cho các quân vương và hoàng gia ở nước ngoài.

Năm 1874, hiến pháp Thụy Sĩ đã được sửa đổi để cấm thanh niên Thụy Sĩ làm lính đánh thuê và đến năm 1927, Thụy Sĩ còn cấm cả công dân nước mình tham gia quân đội của các quốc gia khác. Riêng đối với Tòa thánh, đội cận vệ Thụy Sĩ của Giáo hoàng lại được miễn trừ khỏi các hạn chế mới này.

Theo truyền thống và quy định được đặt ra từ 500 năm trước, mọi thành viên của đội cận vệ đều phải là công dân Thụy Sĩ và theo Thiên chúa giáo. Những người được tuyển mộ phải cao trên 1,75m và từng được huấn luyện quân sự cơ bản tối thiểu 2 năm.

Tuy Vatican dùng tiếng Latinh làm ngôn ngữ chính và tiếng Italia trong công việc hằng ngày nhưng Đội cận vệ Thụy Sĩ lại nói tiếng Đức. Ngoài SG, Tòa thánh Vatican còn có đội cận vệ Palatine Guard, gồm các tay súng tình nguyện được thành lập năm 1850 bởi các công dân của Vatican. Đội cận vệ Noble Guard, một đơn vị kỵ binh của Italia thành lập vào năm 1801 chịu trách nhiệm hộ tống Giáo hoàng trong các chuyến công du. Cả hai đơn vị này đã giải tán vào năm 1970, chỉ còn giữ lại SG.

Trang phục của Đội Cận vệ Thụy Sĩ gồm các màu xanh dương, đỏ cam với những đường kẻ sọc để thể hiện sức mạnh. Quần áo của SG rộng thùng thình, được thiết kế vào năm 1914, lấy cảm hứng từ trang phục nguyên thủy của SG có từ thế kỷ XVI.

Từ trước đến nay, mọi người thường truyền tụng nhau về chuyện danh họa Michelangelo là tác giả thiết kế bộ đồng phục của đội cận vệ. Nhưng Christian Richard, một cựu thành viên của SG tiết lộ: một chỉ huy của đội quân này đã vẽ ra bộ trang phục gồm hai màu xanh và vàng hồi đầu thế kỷ XX. Ông nói thêm: “Michelangelo có rất nhiều tài năng nhưng ông ấy không phải là một thợ may”.

Trang phục của SG đồng bộ, may đo cẩn thận để phù hợp với cơ thể của từng người. Đặc biệt hơn là chiếc mũ thép mang dáng dấp chiếc mũ morian của các hiệp sĩ từ thời Phục hưng.

Và đúng với phong cách các hiệp sĩ thời Trung Cổ, nổi tiếng nhất trong số vũ khí của SG là chiếc kích, loại vũ khí tạo nên uy phong dũng mãnh. Chiếc kích này dài trên 2m, kết hợp thép rìu ở đầu, chóp mũi hình giáo mác. Đây là loại vũ khí xuất hiện lần đầu ở châu Âu trong thế kỷ thứ XIV, nhất là trên các chiến trường cuối thời Trung Cổ.

Những năm cuối thế kỷ XIX và đầu XX, đội viên SG còn được trang bị thêm súng bắn tỉa, như K98 Mauser của Đức, súng lục tự động. Sau này các vệ binh SG còn được huấn luyện dùng súng tiểu liên SIG. Hiện nay, SG còn có thể sử dụng những loại vũ khí nhỏ gọn như súng tự động HK MP-5, Steyr TMP, hoặc súng ngắn SIG Glock. Theo đánh giá của Business Insider, SG hoạt động như một lực lượng đặc nhiệm thầm lặng.

Theo nguồn tin lan truyền khắp thế giới hồi đầu tháng 12-2014, Đức Giáo hoàng Francis đã sa thải Đại tá Daniel Rudolf Anrig, chỉ huy trưởng SG gồm 135 người, do không hoàn thành nhiệm vụ. Theo bài báo công bố trên tờ National Post của Canada, Giáo hoàng Francis đã không hài lòng về phong cách lãnh đạo của vị chỉ huy 42 tuổi này đã để các binh sĩ thuộc cấp phải đứng gác hàng giờ mà không được nghỉ giải lao. Giáo hoàng thức dậy vào một buổi sáng và phát hiện một vệ binh Thụy Sĩ đứng gác cả đêm.

Ông nói chàng lính trẻ ngồi xuống nhưng anh này không ngồi và nói rằng: “Con không thể. Điều đó là trái lệnh”. Giáo hoàng dõng dạc bảo: “Ta là người ra lệnh ở đây”, rồi nhanh chóng đi lấy một ly cà phê cappuccino cho anh lính đang kiệt sức. Hồi tháng 10 năm đó, Giáo hoàng còn chụp ảnh bắt tay với một thành viên đội vệ binh, xóa bỏ hình ảnh xưa nay rằng, Giáo hoàng phải giữ khoảng cách với các vệ sĩ của mình.

Năm 1998 là năm đen tối của đội cận vệ SG sau khi xảy ra cái chết thảm và đầy bí ẩn của chỉ huy trưởng SG Alois Estermann cùng vợ ông, bà Gladys Meza, chuyên gia thời trang người Venezuela và một hạ sĩ SG 23 tuổi tên là Cedric Tornay. Ba thi thể được tìm thấy trong căn hộ của Estermann ở Vatican vào một đêm tối trời tháng 5-1998, đúng vào ngày Estermann được Giáo hoàng John Paul II chỉ định vào chức vụ chỉ huy trưởng. Năm 1981, khi còn là một đại úy trẻ, Alois Estermann nổi tiếng vì đã dũng cảm bảo vệ Giáo hoàng John Paul II trước họng súng của tên thích khách Thổ Nhĩ Kỳ Ali Agca. Khi tiếng súng vang lên chát chúa giữa Quảng trường St. Peter, Estermann lập tức nhảy lên chiếc xe mui trần đang chở Giáo hoàng để che chắn cho ngài, nhưng lúc đó ngài đã trúng đạn và bị trọng thương.

Các nhà điều tra cho rằng, chính Tornay do bất mãn vì lẽ ra, vị trí chỉ huy phải thuộc về anh ta. Sau khi bắn chết hai vợ chồng, Cedric Tornay dùng súng tự sát. Sau này, thông tin tiết lộ thêm cho hay, viên hạ sĩ trẻ có quan hệ åtình cảm với vợ của Alois Estermann.

Sau khi bị đã cắt đứt mối quan hệ, Tornay đã trả thù người tình. Tuy nhiên cũng có nguồn tin nói rằng, vụ án này là một phần của một cuộc tranh giành nội bộ quyền kiểm soát SG, nhưng tất cả những lời đồn này đến nay vẫn chưa được sáng tỏ. Năm 2011, mẹ của Tornay đã đề nghị Vatican mở lại cuộc điều tra nhưng sự việc đã bị giới chức Vatican tìm cách né tránh.

Quang Học (tổng hợp)
.
.