Fritz Duquesne – điệp viên muôn mặt của Đức Quốc xã

Thứ Bảy, 27/05/2017, 07:11
Buổi chiều ngày 25-6-1941, Frederick Fritz Duquesne ngồi trong văn phòng nhỏ của Harry Sawyer tại khu Manhattan thành phố New York (Mỹ). Sawyer trao cho Duquesne phong bì trong đó là những bức ảnh chụp những thứ vũ khí và thiết bị chiến tranh của quân đội Mỹ như súng trường, vũ khí chống tăng v.v…

Duquesne cũng yêu cầu Sawyer cung cấp kíp nổ cho những quả bom dùng để nổ tung thiết bị máy móc trong nhà máy General Electric ở New York. 4 ngày sau khi Duquesne rời khỏi văn phòng, anh ta bị đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ. Sawyer, tên thật là Willian Sebold, là sĩ quan tình báo Đức Quốc xã làm việc cho FBI.

Duquesne năm 1900.

Đây là mắt xích quan trọng nhất của mạng lưới gián điệp tinh vi nhất của Đức được thành lập ở hải ngoại trước khi Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mạng lưới này gồm 30 điệp viên nam và 3 điệp viên nữ, Báo chí Mỹ mô tả chiến công của FBI là "vụ phá vỡ mạng lưới gián điệp lớn nhất lịch sử Mỹ".

Fritz Duquesne (tên thật là Fritz Joubert Marquis du Quesne) chào đời trong một nông trại trên bờ biển miền nam Nam Phi năm 1877 và học trung học ở Anh. Khi chiến tranh giữa Nam Phi và Anh nổ ra vào mùa thu năm 1899, Duquesne trở về quê hương để chiến đấu. Sau khi mẹ và em gái bị bắt, Duquesne cải trang thành một nhà nghiên cứu khoa học, cài bom hẹn giờ trên nhiều tàu Anh và đánh chìm chúng. Sau khi được thăng cấp đại úy, Duquesne chỉ huy một đơn vị biệt kích tấn công nhiều chuyến tàu hỏa Anh. Duquesne từng bị người Anh bắt giữ 3 lần và lần nào cũng trốn thoát được.

Từ đó, người Anh gán cho Duquesne biệt danh "Báo đen trên thảo nguyên" và đặt mục tiêu ám sát kẻ đã tiến hành rất nhiều chiến dịch thù địch chống lại chính quyền Anh dưới những tên giả như: Fred, Fredericks, đại tá Claude Staughton, đại tá Bezan, von Ricthofen, Piet Niacus v.v…

Ảnh căn cước của Duquesne trong hồ sơ FBI.

Không chỉ là một chiến binh đáng sợ mà Duquesne còn là nhà thám hiểm và thợ săn tài ba. Trong một lần giả dạng sĩ quan Anh ám sát hụt tổng tư lệnh quân đội Anh ở Nam Phi là tướng Herbert Horatio Kitchener, Duquesne bị bắt giam tại Bermuda. Lần này, Duquesne cũng trốn thoát và men theo đường biển đến Mỹ, trở thành công dân nước này. Khi Chiến tranh thế giới lần 1 nổ ra năm 1914, Duquesne tiếp tục âm mưu giết tướng Kitchener, lúc này là Bộ trưởng Chiến tranh của chính quyền Anh, song vẫn gặp thất bại. Trong cuộc chiến, Duquesne được tình báo Đức tuyển mộ.

Nhờ lập nhiều chiến công mà Duquesne được trao tặng Huân chương Chữ Thập sắt của Đức. Năm 1937, Cơ quan tình báo quân đội Đức Quốc xã (Abwehr) giao cho Duquesne nhiệm vụ tổ chức mạng lưới gián điệp hoạt động ngầm trên đất Mỹ chuẩn bị cho Chiến tranh Thế giới thứ II.

Trong vài tháng đầu tiên xâm nhập vào Mỹ, Duquesne đã lấy được bí mật liên quan đến những chiếc máy ngắm ném bom sử dụng trên máy bay chiến đấu của Mỹ. Với mật danh Dunn, Duquesne thành lập mạng lưới gián điệp gồm 33 thành viên tìm kiếm thông tin về vũ khí của Mỹ cũng như các quốc gia đồng minh nước này.

Ảnh tài liệu về 33 thành viên mạng lưới Duquesne của FBI. Ảnh Duquesne ở bìa phải hàng đầu.

Mạng lưới của Duquesne thu thập nhiều chi tiết về một số vũ khí quan trọng như thiết bị điều khiển ném bom trên máy bay chiến đấu, thiết kế mặt nạ chống khí độc, các khí tài được kiểm soát bằng radio, bể chứa nhiên liệu chống rò rỉ… Từ cuối những năm 1930, một số thành viên của Duquesne làm việc trên các tàu buôn và hãng hàng không của Mỹ với nhiệm vụ làm liên lạc viên, trong khi những người khác thu thập các tin tức tình báo bằng cách đóng giả những nhà thầu quân sự.

Khi tình hình trở nên căng thẳng ở châu Âu, Abwehr cần thêm người hoạt động gián điệp ở Mỹ và đối tượng được chọn là William Sebold, một người Mỹ gốc Đức. Abwehr giao cho Sebold - với tên giả là Harry Sawyer - liên lạc với Duquesne và mạng lưới gián điệp của người này để thu thập thông tin mật chuyển về Đức.

Ảnh cắt từ đoạn phim FBI quay lén về cuộc gặp giữa Sebold và Duquesne ở Manhattan.

Nhưng Sebold đã âm thầm tiết lộ kế hoạch của Abwehr với FBI. Từ tháng 2-1940, Harry Sawyer trở thành điệp viên hai mang đầu tiên của FBI giúp phá vỡ mạng lưới Duquesne của Đức Quốc xã. Do lo sợ gián điệp điện tử, Duquesne luôn từ chối lời mời đến văn phòng của Sebold ở Manhattan. Cuối cùng, vào ngày 25-6-1941, Duquesne rơi vào bẫy và bị FBI bắt giữ cùng với toàn bộ thành viên mạng lưới gián điệp.

Mạng lưới gián điệp Duquesne bị tuyên án tổng cộng hơn 300 năm tù giam, trong đó Duquesne lĩnh 18 năm tù. Lần này, Duquesne đã 64 tuổi và không trốn thoát khỏi nhà tù được nữa. Duquesne bị giam tại nhà tù liên bang Leavenworth ở bang Kansas cùng với một gián điệp Đức khác tên là Hermann Lang.

Năm 1945, Duquesne được chuyển đến một bệnh viện nhà tù do có vấn đề về sức khỏe. Năm 1954, Duquesne được thả vì bệnh tật sau khi thụ án được 14 năm. Duquesne qua đời do đột quỵ tại bệnh viện trên Đảo Welfare (sau đổi tên thành Đảo Roosevelt) thuộc thành phố New York vào ngày 24-5-1956 ở tuổi 78.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.