GRU: Câu chuyện về những điệp viên
- Những kế hoạch của Mỹ đối phó với tình báo Nga
- Những nữ điệp viên nổi tiếng trong lịch sử tình báo Nga
- Mặt trận phản gián qua cuốn sách của Trung tướng tình báo Nga
Nguy cơ bị lộ?
Nhiều điệp viên của GRU bị lộ và nhiều người trong số họ bị trục xuất ngay lập tức thay vì bị bắt, đặc biệt là khi họ được hưởng quy chế ngoại giao. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Năm 1978, hai đặc nhiệm tình báo Liên Xô (cũ) làm việc dưới vỏ bọc nhân viên của Liên Hợp Quốc đã bị bắt quả tang làm rơi tài liệu về Hải quân Mỹ.
Cả hai đều bị xét xử và bị kết án 50 năm tù, nhưng một năm sau đó, họ được đổi lấy 5 người bất đồng chính kiến bị giam giữ ở Liên Xô (cũ). Khi về nước, hai sĩ quan này đã được tặng thưởng “Sĩ quan An ninh Nhà nước danh dự”.
Các đặc vụ GRU đã bị phát hiện ở Mỹ (năm 1999, FBI buộc tội Stanislav Gusev, thư ký thứ hai của Đại sứ quán Nga tại Washington D.C ngồi trong xe của ông ta bên ngoài Bộ Ngoại giao và nghe trộm các cuộc trò chuyện bên trong tòa nhà), Nhật Bản (2000), Bulgaria (2001), Đức (2004 và 2005), Qatar (2004), Azerbaijan (2006), Áo (2007), Ba Lan (2010 và 2018), Georgia (2011) và Ukraine (2014)...
Ngày 15/7/2014, một bài báo có tiêu đề “Cuộc chiến trong bộ ba gián điệp của Putin” xuất hiện trên trang web Warfiles.ru với lập luận rằng FSB muốn “trở lại tình trạng của KGB toàn năng” và tiếp quản các cơ quan tình báo khác của Nga. Văn bản kết thúc với danh sách 79 cái tên - tất cả đều được cho là đặc vụ GRU hoạt động bí mật ở Mỹ, Châu Âu và Nam Mỹ. Hóa ra một số người trong danh sách này đang làm đại diện công ty Aeroflot tại Hà Lan và những người khác đang làm cố vấn tại Đại sứ quán Nga ở Moldova.
Cựu điệp viên Nga Anna Chapman bị Mỹ trục xuất năm 2010, và hiện đang làm Giám đốc điều hành tại Transneft và Rosneft. Ảnh: Metro. |
Theo nhà báo điều tra Sergey Kanev, Trung tâm an ninh thông tin của FSB được lệnh truy tìm những kẻ chịu trách nhiệm làm rò rỉ tên của các đặc vụ GRU bí mật. Giám đốc của trung tâm vào thời điểm đó, Sergey Mikhailov, được giao phụ trách việc tìm kiếm và FSB đã gửi cảnh báo đến các công ty đăng ký địa điểm, giải thích rằng danh sách nhân sự là bí mật nhà nước.
Tháng 12/2016, Mikhailov đã bị bắt và bị buộc tội phản quốc, có thể vì bị cáo buộc cung cấp cho Mỹ thông tin tình báo về tin tặc Nga. Không có gì biết thêm về những gì đã xảy ra với những người bị lộ tên. Ít nhất một người trong danh sách - một nhân viên của Aeroflot, người thường xuyên bình luận về các tin tức về công ty ở Mỹ và Hà Lan - đã ngừng mọi hoạt động công khai.
Trong quá trình tìm kiếm, FSB phát hiện ra rằng những người ngẫu nhiên đôi khi tình cờ biết được tên thật của các đặc vụ GRU. Ví dụ, theo một báo cáo điều tra của Sergey Kanev, một cảnh sát ở quận Shchukino của Moscow đã đánh thức một người đàn ông đang ngủ ở bến xe buýt vào tháng 3/2017. Khi kiểm tra hồ sơ cá nhân của anh ta, viên cảnh sát đã tìm thấy số điện thoại và tên của những cư dân tại một khu nhà ở của Bộ Quốc phòng trên phố Narodnoe Opolcheni, nơi ở tất cả các đặc vụ GRU.
Điệp viên hai mang
Và cũng có nhiều hơn 1 trường hợp là điệp viên GRU hai mang. Cụ thể, Dmitry Polyakov làm việc với tình báo Mỹ từ năm 1961 đến năm 1986, trong thời gian đó, ông ta đã cung cấp cho Mỹ khoảng 25 hộp tài liệu mật để loại bỏ 19 điệp viên chìm của Liên Xô (cũ) và hơn 150 điệp viên nước ngoài làm gián điệp cho Moscow.
Về cơ bản, ông ta đã một tay làm tê liệt hoạt động thu thập thông tin tình báo bí mật của Liên Xô (cũ) tại Mỹ. Ban đầu, Polyakov là thành viên của phái bộ LHQ của Liên Xô tại New York, nơi ông ta quản lý công việc tình báo bí mật, giám sát các điệp viên chìm. Sau đó, vào những năm 1970, ông ta lãnh đạo bộ phận tình báo tại Học viện Quân sự ở Moscow.
Năm 1986, Polyakov bị bắt. Tổng thống Ronald Reagan cố gắng thay mặt ông ta trực tiếp cầu xin Mikhail Gorbachev nhưng đã quá muộn: Polyakov đã bị bắn. Sandra Grimes, một trong những sĩ quan CIA đã giúp phát hiện ra điệp viên hai mang của Liên Xô Aldrich Ames, gọi Polyakov là “viên ngọc quý của chúng tôi” và là “nguồn tốt nhất mà bất kỳ cơ quan tình báo nào từng có”.
Điệp viên 3 mang, Đại tá Oleg Penkovsky của GRU - người bắt đầu làm việc với tình báo Anh từ những năm 1960 và sau đó làm việc cho cả tình báo Mỹ. Ảnh: KT |
Nhân vật thứ hai là Đại tá Oleg Penkovsky - người bắt đầu làm việc với tình báo Anh từ những năm 1960, và chỉ trong vài năm, đã cung cấp cho MI5 khoảng 5.000 tài liệu mà ông đã sao chép bằng máy ảnh Minox. Oleg Penkovsky còn làm việc cho cả tình báo Mỹ. Penkovsky thường thả thông tin tình báo tại các địa điểm khác nhau xung quanh Moscow, ví dụ, trên đại lộ Tsvetnoy hoặc tại Arbat. Một lần, ông ta để lại một gói hàng tại nghĩa trang Vagankovo, được giấu dưới mộ của nhà thơ Sergey Yesenin. Sau đó, Penkovsky bị bắt và xử bắn vào năm 1962.
Vào đầu những năm 1990, Đại tá Stanislav Lunev làm việc tại Nga ở Washington, D.C. với tư cách là nhân viên của văn phòng ITAR-TASS. Sau khi được CIA liên lạc, Lunev quyết định ở lại Mỹ và viết một cuốn tự truyện có tên “Qua đôi mắt của kẻ thù”, trong đó tuyên bố rằng các đặc vụ GRU có thể được chỉ định “địa điểm chết” để đổ hóa chất vào sông Potomac để đầu độc người dân Washington, trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Lunev cho biết "có khả năng" các chuyên gia GRU đã đặt "nguồn cung cấp chất độc gần các nhánh sông đến các hồ chứa lớn của Mỹ." Alexander Kouzminov, một kẻ đào tẩu từ GRU sau đó đã ủng hộ thông tin này, nói rằng chính anh ta đã vận chuyển các mầm bệnh khác nhau vào đầu những năm 1990.
Sergey Skripal trong phiên tòa tại tòa án quân sự Moscow ngày 9 tháng 8 năm 2006. Ảnh: Kommersant. |
Đại tá GRU Sergey Skripal làm việc bí mật ở Tây Ban Nha với tư cách là tùy viên quân sự. Năm 1995, ông bắt đầu hợp tác với tình báo Anh. Skripal giám sát bộ phận nhân sự của GRU và quen biết với hầu hết các sĩ quan tình báo của cơ quan. Ông này cũng đã cung cấp cho MI-5 thông tin về các địa điểm quân sự bí mật của Nga và sân bay vũ trụ Plesetsk. Năm 2006, Skripal bị bắt và bị kết án 13 năm tù. Tuy nhiên, vào năm 2010, ông ta đã được trao đổi với Alexander Zaporozhsky để lấy các điệp viên bí mật của Nga bị bắt tại Mỹ.
Về Alexander Zaporozhsky, năm 1997, ông rời GRU và cùng gia đình chuyển đến Mỹ và làm tư vấn doanh nghiệp. Ngay sau khi đến Mỹ, ông cũng bắt đầu hợp tác với cộng đồng tình báo Mỹ, cung cấp thông tin về hoạt động của các cơ quan gián điệp Nga và các đơn vị tình báo riêng lẻ.
Không lâu trước khi bị bắt ở Nga, Zaporozhsky đã mua một ngôi nhà ở Maryland, không xa Baltimore, với giá 400.000 USD. Năm 2001, những đồng nghiệp cũ dụ ông ta về nước và ông bị bắt ngay khi đặt chân xuống sân bay Moscow. Zaporozhsky bị kết án 18 năm tù, nhưng đã được trao đổi trở lại phương Tây với Sergey Skripal vào năm 2010.
Tháng 2/2002, một cảnh sát đã nhìn thấy Đại tá Alexander Sypachev của GRU vào Đại sứ quán Mỹ ở Moscow, và viên cảnh sát đã báo cáo điều đó. Sypachev bị giám sát ngay sau đó và bị phát hiện gặp một nhân viên CIA ở Khimki, ngoại ô Moscow. Người này yêu cầu anh ta thu thập thông tin về các điệp viên của Nga ở nước ngoài.
Sau khi có được thông tin tình báo, Sypachev đã chuyển nó đến một điểm thả gần ga tàu điện ngầm Studencheskaya ở Moscow và bị các đặc vụ FSB bắt giữ. Tại tòa, Sypachev nói rằng ông ta làm điều đó vì tiền. Một năm trước khi tiếp xúc với các nhân viên tình báo Mỹ, Sypachev đã phải trải qua một cuộc ly hôn. Sau đó, ông ta tái hôn nhưng phải vay nợ để thuê một căn hộ mới và mua đồ nội thất. Tòa án đã kết án ông ta 8 năm tù giam.
Bí hiểm
Sergey Tretyakov, người từng là trưởng trạm SVR ở New York cho đến năm 2000, là quan chức tình báo cấp cao nhất của Nga từng làm gián điệp cho Mỹ. Bắt đầu từ giữa những năm 1990, ông ta bắt đầu chuyển tài liệu cho các quan chức Mỹ để đổi lấy tiền. Chẳng bao lâu sau, người ta thấy ông ta lái xe thể thao dạo phố.
Năm 2000, Tretyakov được tị nạn chính trị ở Mỹ. 8 năm sau, ông ta viết một cuốn sách về những trải nghiệm của mình khi làm điệp viên Nga, Hơn một năm sau, vào năm 2010, Tretyakov mắc nghẹn miếng thịt tại một nhà hàng ở Florida và qua đời.
Năm 2009, Phó Giám đốc GRU Yuri Ivanov cũng chết trong một hoàn cảnh bí ẩn: ông được cho là đang đi công tác chính thức ở Syria thì người ta phát hiện thi thể ông trôi dạt vào một ngôi làng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, sĩ quan SVR Evgeny Toporov, người trốn sang Canada vào năm 2000 đã bị điện giật chết trong bồn tắm của mình vào năm 2010.
Phó Giám đốc GRU Yuri Ivanov cũng chết trong một hoàn cảnh bí ẩn. Khi ông được cho là đang đi công tác chính thức ở Syria thì người ta phát hiện thi thể ông trôi dạt vào một ngôi làng ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2009. Ảnh: Getty. |
Năm 1992, Phó giám đốc GRU qua đời trong một vụ va chạm giao thông. Năm tiếp theo, người đứng đầu Cục Phản gián quân sự hạm đội Thái Bình Dương của cơ quan này đã thiệt mạng trong một thảm kịch tương tự. Năm 1996, một chỉ huy GRU khác, Alexey Lomanov, bị một chiếc ô tô đâm và tử vong.
Một năm sau, Thiếu tướng GRU Viktor Shipilov rơi từ tầng 15 của tòa nhà chung cư và tử vong. Năm 1999, Thiếu tướng GRU Ivan Shalaev cũng chết trong một vụ tai nạn ô tô. Giám đốc GRU Igor Sergun đột ngột qua đời vào ngày 3/1/2016. Mặc dù thông tin chính thức cho hay, ông qua đời tại nhà riêng ở ngoại ô Moscow sau một cơn đau tim nhưng theo công ty tình báo địa chính trị Mỹ Stratfor, Sergun đã qua đời vào ngày đầu năm mới ở Lebanon.
Vậy điều gì xảy ra với các cựu điệp viên? Khi về hưu, cuộc sống của các cựu đặc nhiệm GRU đã có nhiều ngã rẽ. Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, các cựu điệp viên GRU thường xuất hiện trong các bản tin về tội phạm có tổ chức. Ví dụ, vào năm 1996, một cựu sĩ quan đã thực hiện vụ đánh bom nghĩa trang Kotlyakovskoya khiến 14 người thiệt mạng.
Cùng với băng đảng Orekhovskaya, các cựu đặc nhiệm GRU khác đã lên kế hoạch giết Chủ tịch của công ty Russian Gold và dàn dựng vụ bắt cóc doanh nhân. Năm 2005, cựu điệp viên GRU, Thiếu tá Yuri Kolchin bị kết tội tổ chức ám sát chính trị gia người Nga Galina Starovoytova.
Năm 2015, các đặc vụ liên bang đã đột kích vào nhà của một cựu đại tá GRU ở Nizhny Novgorod. Trong nhà để xe của anh ta, họ phát hiện vũ khí tự động Kalashnikov, súng trường, hai súng máy, súng phóng lựu và một khẩu súng lục Makarov mà một năm trước đó được sử dụng để sát hại một doanh nhân ở Moscow.
Cũng có nhiều đặc vụ sau khi bị bại lộ hoặc quyết định rời khỏi cộng đồng tình báo, đã tìm được việc làm tại các tập đoàn nhà nước. Theo cách này, những người bị trục xuất khỏi Mỹ vào năm 2010 cùng với Anna Chapman là ví dụ điển hình. Anna Chapman hiện đang làm Giám đốc điều hành tại Transneft và Rosneft còn những người khác trở thành quan chức nhà nước.