Giải mật hồ sơ "Cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967"

Thứ Sáu, 16/06/2017, 09:41
Trước khi bùng nổ cuộc chiến tranh Trung Đông, hay còn gọi là cuộc “Chiến tranh 6 ngày", giới lãnh đạo Israel đã nỗ lực chạy đua chế tạo quả bom hạt nhân, đồng thời lập kế hoạch tuyệt mật kích nổ vũ khí đáng sợ này trên đỉnh một ngọn núi hẻo lánh ở Bán đảo Sinai (Ai Cập) nhằm gửi đi lời cảnh báo răn đe đến Ai Cập cũng như lực lượng quân sự của các nước Arập khác.

Kế hoạch dự phòng này - được gọi là "Chiến dịch Ngày tận thế" bởi cố chuẩn tướng Israel Itzhak Yaakov - chắc chắn sẽ được tiến hành nếu Israel thất bại trong cuộc chiến năm 1967.

Bài 1: "Chiến dịch Ngày tận thế" và kế hoạch kích hoạt quả bom hạt nhân

Chiến dịch Samson

Ngày 5-6 vừa qua, Trung tâm Woodrow Wilson (cơ quan nghiên cứu quốc tế hàng đầu của Mỹ ở Washington) công bố trên trang web đặc biệt một loạt tài liệu liên quan đến kế hoạch hạt nhân của Israel năm 1967. Nhưng trên thực tế, Israel đã chiến thắng quá nhanh trong cuộc "Chiến tranh 6 ngày" đến mức quả bom hạt nhân chưa kịp vận chuyển đến Bán đảo Sinai.

Tướng Itzhak Yaakov.

Tiến sĩ Avner Cohen - chuyên gia về lịch sử phát triển vũ khí hạt nhân của Israel, giáo sư Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey (California) và là thành viên Trung tâm Woodrow Wilson - nhận định: "Đây là bí mật cuối cùng của cuộc chiến năm 1967". Avner Cohen chào đời tại Israel và học đại học ở Mỹ, là tác giả 2 cuốn sách "Israel and Bomb" (tạm dịch: Israel và Quả bom) và "The Worst-Kept Secret" (tạm dịch: Bí mật tồi tệ nhất được giấu kín).

Tướng Itzhak Yaakov, người chịu trách nhiệm giám sát chương trình phát triển vũ khí cho quân đội Israel, đã trình bày chi tiết kế hoạch hạt nhân với Avner Cohen trong những năm 1999 và 2000. 13 năm sau, năm 2013,  Itzhak Yaakov qua đời ở tuổi 87.

Trong bản ghi âm một cuộc phỏng vấn, Itzhak Yaakov đặt vấn đề: "Khi trước mặt anh kẻ thù xuất hiện và hắn bảo sẽ ném anh xuống biển, anh sẽ tin là hắn nói thật nhưng làm sao để ngăn cản hắn được đây? Nếu anh có thể làm điều gì đó để dọa được hắn thì anh sẽ làm ngay thôi". Israel chưa bao giờ thừa nhận nước này sở hữu kho vũ khí hạt nhân mà luôn giữ "thái độ mập mờ về hạt nhân" trong suốt nhiều thập niên nhằm lảng tránh lời kêu gọi phi hạt nhân ở Trung Đông của cộng đồng quốc tế.

Năm 2001, Yaakov bị bắt giữ (lúc đó đã 75 tuổi) vì tội gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia sau khi hé lộ chương trình vũ khí hạt nhân năm 1967 với phóng viên Ronen Bergman của Israel. Trong nhiều giai đoạn khác nhau, ngay đến giới chức chính quyền Mỹ - bao gồm cả tổng thống Jimmy Carter - cũng thừa nhận sự tồn tại của chương trình hạt nhân Israel mặc dù không đưa ra chi tiết cụ thể nào. Nếu như giới lãnh đạo Israel ra lệnh kích nổ quả bom vào năm 1967 thì đây sẽ là vụ nổ hạt nhân đầu tiên vì mục đích quân sự kể từ khi Mỹ ném 2 quả bom tương tự xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Thế chiến thứ II.

Tướng Ariel Sharon trong “Chiến tranh 6 ngày năm 1967”.

Theo tướng Yaakov, kế hoạch kích nổ quả bom hạt nhân ở Bán đảo Sinai của Israel có mật danh là "Chiến dịch Shimshon (hay Samson)", đặt theo tên một nhân vật có sức mạnh siêu nhiên trong Kinh thánh. Thực ra, chiến lược răn đe hạt nhân của giới chức lãnh đạo Israel từ lâu đã được gọi là "giải pháp Samson" bởi vì nhân vật này đã sử dụng sức mạnh phi phàm của mình để phá sập ngôi đền Dagon của người Philistine, giết chết hàng loạt kẻ thù và cả chính mình. Tuy nhiên, Yaakov cũng lo sợ vụ nổ hạt nhân trên lãnh thổ Ai Cập cũng sẽ giết chết ông và đội biệt kích của ông.

Shimon Peres, cố Thủ tướng Israel (mất ngày 28-9-2016), cũng từng có sự ám chỉ về sự tồn tại của "Chiến dịch Simson" trong hồi ký của ông - "Battling for Peace" (tạm dịch: Chiến đấu cho Hòa bình). Trong đó, Shimon Peres đề cập đến một đề xuất (không được nêu tên) rằng, "nên răn đe người Arập và phòng tránh cuộc chiến tranh".

Vào thời điểm cuộc chiến tranh năm 1967, các cường quốc hạt nhân trên thế giới đang chú tâm quan sát việc thực thi Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân một phần (Partial Test Ban Treaty - PTBT) được ký kết giữa 3 nước Liên Xô - Mỹ - Anh tại  Moskva ngày 5-8-1963 - đây là tiền đề cho sự ra đời của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (Comprehensive Test Ban Treaty - CTBT) được ký kết sau đó vào năm 1966. Năm 1968, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) tiếp tục thông qua Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (Nuclear Non-proliferation Treaty - NNPT) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-3-1970. Đến năm 1975, đã có 95 quốc gia tham gia NNPT.

Trở lại câu chuyện, nhằm kiềm chế mối nguy hại của bức xạ hạt nhân, PTBT cấm mọi vụ nổ thử nghiệm hạt nhân ngoại trừ những vụ được tiến hành dưới lòng đất, do đó Israel xem việc tiến hành một vụ nổ hạt nhân công khai là bước đi liều lĩnh. 

Tướng Yaakov nói trong băng ghi âm cuộc phỏng vấn: "Mục đích là tạo ra một tình huống mới trên mặt đất buộc các cường quốc trên thế giới can thiệp, hay một tình huống buộc người Ai Cập phải dừng lại và nói 'Chờ chút, chúng tôi chưa chuẩn bị cho điều đó!'. Mục tiêu hướng đến là làm thay đổi bức tranh toàn cảnh". 

Cuốn "Irael and the Bomb" của Avner Cohen.

Avner Cohen bắt đầu tìm cách làm quen với tướng Yaakov sau khi ông xuất bản cuốn sách "Israel and the Bomb" năm 1998. Cohen tiến hành phỏng vấn Yaakov suốt nhiều giờ trong mùa thu và mùa hè năm 1999 và khoảng đầu năm 2000. Những cuộc phỏng vấn bằng tiếng Hebrew và chủ yếu diễn ra tại Midtown Manhattan, nơi Itzhak Yaakov đang sống.

Ngay từ đầu thập niên 1960, Israel đã nhận thức cần phải có một chương trình cấp tốc để sở hữu quả bom hạt nhân. Năm 1963, Yaakov trở thành người trung gian giữa quân đội Israel và các đơn vị phòng vệ dân sự của nước này trong dự án chế tạo vũ khí hạt nhân. Itzhak Yaakov tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nổi tiếng thế giới của Mỹ và Viện Công  nghệ Israel - Technion.

Tháng 5-1967, theo lời kể của Yaakov, mối quan hệ căng thẳng tăng cao giữa Israel và Ai Cập xung quanh quyết định phong tỏa eo biển Tiran - hành lang hẹp chừng 13km, giữa bán đảo Sinai và bán đảo Arập, ngăn cách vịnh Aqaba và Hồng Hải. Việc Ai Cập phong tỏa eo biển Tiran - vị trí có tầm chiến lược đối với Israel - đã dẫn đến cuộc “Chiến tranh 6 ngày” năm 1967 giữa Israel và các lực lượng Arập - Ai Cập, Jordan và Syria. Thời gian đó, Yaakov đang viếng thăm trụ sở tập đoàn nghiên cứu quốc phòng RAND Corporation ở Santa Monica bang California miền tây nước Mỹ và ông nhận lệnh trở về Israel ngay lập tức - dấu hiệu của một cuộc chiến tranh sắp bùng nổ.

Lực lượng xe thiết giáp của Israel trong “cuộc Chiến tranh 6 ngày”.

Sau đó, Yaakov được giao trách nhiệm phác thảo và xúc tiến kế hoạch kích nổ quả bom hạt nhân tại vùng sa mạc phía đông Sinai thưa thớt dân số để chứng tỏ sức mạnh răn đe đối với Ai Cập cũng như liên minh quân sự các nước Arập. Địa điểm được chọn cho vụ nổ hạt nhân là đỉnh núi nằm cách khu phức hợp quân sự Ai Cập ở Abu Ageila khoảng 19km. Abu Ageila là vị trí chiến lược quan trọng, nơi diễn ra trận đánh quyết liệt giữa Israel (dưới sự chỉ huy của tướng Ariel Sharon) và Ai Cập. Về sau, Ariel Sharon trở thành Thủ tướng Israel và mất năm 2014.

Trở thành cường quốc hạt nhân

Kế hoạch (nếu được Thủ tướng và Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel chuẩn y) là phái một nhóm nhỏ binh sĩ nhảy dù đánh lạc hướng quân đội Ai Cập trong vùng sa mạc để từ đó một nhóm khác có thể chuẩn bị cho vụ nổ hạt nhân. Theo đó, 2 chiếc máy bay khổng lồ sẽ hạ cánh, chuyển giao quả bom hạt nhân và kế đến là lập ra một đồn chỉ huy trong hẻm núi.

Sau khi nhận lệnh, vụ nổ sẽ tạo ra đám mây hình nấm khổng lồ chói sáng có thể nhìn thấy được trên khắp bán đảo Sinai và vùng sa mạc Negev nằm về phía nam Israel, thậm chí có lẽ cả ở thủ đô Cairo của Ai Cập! Lúc đó, Israel không thể dự đoán được hậu quả từ vụ nổ hạt nhân sẽ khủng khiếp đến mức nào! Có lẽ, tất cả tùy thuộc vào kích thước quả bom, mật độ dân số trong khu vực và hướng gió vào ngày quả bom nổ.

Giáo sư Israel Dostrovsky - Tổng Giám đốc đầu tiên Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Israel.

Tướng Itzhak Yaakov cũng không quên đề cập đến chuyến bay do thám bằng máy bay trực thăng mà ông tham gia cùng với giáo sư Israel Dostrovsky (qua đời năm 2010, thọ 92 tuổi) - tổng giám đốc đầu tiên Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Israel, nhánh dân sự của chương trình vũ khí hạt nhân nước này. Chiếc máy bay trực thăng đã không thực hiện được nhiệm vụ do bất ngờ phát hiện máy bay chiến đấu Ai Cập cất cánh có lẽ để ngăn chặn. Yaakov kể lại chuyến bay: "Chúng tôi đã bay đến rất gần. Chúng tôi nhìn thấy ngọn núi cũng như hẻm núi có thể dùng để ẩn náu".

Trước khi nổ ra cuộc Chiến tranh 6 ngày, Itzhak Yaakov cũng cảm thấy phân vân tương tự như cảm giác của những nhà khoa học Mỹ trong chương trình chế tạo bom nguyên tử- Dự án Manhattan. Nếu quả bom nổ thì liệu ông có sống sót hay không? Nhưng may mắn là quân đội Israel đã nhanh chóng đánh bại 3 lực lượng Arập tham chiến, từ đó giành được vùng lãnh thổ rộng hơn Israel gấp 4 lần và trở thành cường quốc quân sự hàng đầu trong khu vực chỉ với vũ khí thông thường mà không cần đến biện pháp răn đe hạt nhân.

Tuy nhiên, Itzhak Yaakov sau đó vẫn tiếp tục vận động hành lang cho quả bom hạt nhân để chứng minh Israel là cường quốc hạt nhân. Song, ý đồ của Yaakov không thành công. Yaakov nói với Cohen: "Cho đến nay, tôi vẫn cho rằng chúng tôi nên làm điều đó". Trong một chuyến trở về thăm quê hương Israel, tức vào 1 năm sau cuộc phỏng vấn cuối cùng của Cohen ở New York, Itzhak Yaakov bị chính quyền nước này bắt giữ vì tội "gián điệp cấp cao" và có thể phải chịu mức án tù chung thân.

Phóng viên Ronen Bergman.

Được biết phiên tòa xét xử Itzhak Yaakov diễn ra trong bí mật. Jack Chen, một trong những luật sư biện hộ cho Yaakov, phát biểu với tờ New York Times vào thời điểm đó: "Chúng tôi thấy đây là câu chuyện rất buồn về một người đã dành cuộc đời mình cho an ninh Israel".

Hóa ra vụ luận tội chỉ tập trung vào những cuộc nói chuyện giữa Yaakov và phóng viên Ronen Bergman của Israel về kế hoạch hạt nhân năm 1967. Cuối cùng, Yaakov chỉ bị tuyên có tội vì "chuyển giao thông tin mật mà không được cho phép" và chỉ lĩnh án treo 2 năm.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.