Khi những kẻ đào ngũ lên tiếng về bộ mặt thật của IS

Thứ Ba, 29/09/2015, 22:15
Ngày càng có nhiều cựu chiến binh thánh chiến rời bỏ hàng ngũ của tổ chức nhà nước hồi giáo tự xưng (IS). những tiết lộ của họ cho thấy bộ mặt thật đầy mâu thuẫn và đạo đức giả của tổ chức này. Những câu chuyện và lập luận của họ dù sao cũng có giá trị vì họ kể về trải nghiệm của bản thân với độ tin cậy không ai có được.

Từ khi IS bành trướng mạnh, hàng ngàn người đã trốn sang Iraq và Syria với mong muốn gia nhập IS. Nhưng cũng có hàng chục, thậm chí hàng trăm người đã sớm nhận ra những gì đã ăn vào đầu họ chỉ là ảo tưởng và tìm cách trốn thoát. Trong báo cáo mới nhất, Trung tâm Nghiên cứu về phong trào thánh chiến cực đoan (ICSR) đã ghi nhận được 58 trường hợp đào ngũ và đã nói chuyện trước công chúng, đồng thời tìm hiểu lý do họ rời bỏ IS.

Hình ảnh hiện ra cho thấy thật khác xa với lời tuyên truyền của tổ chức cực đoan này. "IS không đúng như mong đợi của họ và cách hành xử cũng không xứng với những lời tuyên truyền và lý tưởng của tổ chức này". 

Khung cảnh hoang tàn tại Syria, nơi IS chiếm giữ một phần.

Từ 58 trường hợp ghi nhận được, các nhà nghiên cứu của ICSR đã liệt kê 4 lý do đào ngũ, thường cũng chính là các lý do đã khiến họ bỏ quê hương, nhà cửa, gia đình để trốn sang Syria hay Iraq.

Những cuộc chiến giữa các phe nhóm phiến quân khác. Lý do này thường thấy nhất: IS bỏ khá nhiều thời gian để chống lại các nhóm phiến quân khác, từ lực lượng Syria Tự do (ASL) đến Jabhat Al-Nosra, nhánh vũ trang của Al-Qaeda tại Syria. Họ cho rằng chiến đấu chống lại những phe nhóm Sunni là một sai lầm và bất hợp pháp về mặt tôn giáo. Những kẻ đào thoát chê trách IS đã không ưu tiên cho cuộc chiến chống Chính phủ Syria trong khi đó chính là động cơ để họ gia nhập IS.

Sự tàn bạo đối với người Hồi giáo Sunni. "IS giết hại người Hồi giáo thay vì bảo vệ họ" -  nhiều người đào ngũ khó có thể quên những vụ tàn sát dân thường tại các làng mạc nằm dưới sự kiểm soát của IS. Họ lên án tình trạng hành hạ những nạn nhân vô tội, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Họ bất mãn vì sự tàn ác đối với người Hồi giáo Sunni của ISå. Tuy nhiên, những sự lên án đó lại không nhắm vào các tội ác chống các cộng đồng thiểu số, như nạn nô lệ tình dục mà phụ nữ Yazidi phải gánh chịu.

Sự tha hóa và những cách hành xử phi Hồi giáo. Nhiều chỉ huy và giáo sĩ đã lạm dụng vị thế của họ. Các chiến binh không được đối xử một cách công bằng, người Syria than phiền về những ưu thế của các chiến binh nước ngoài. Nhiều trường hợp phân biệt chủng tộc đã xuất hiện bên trong tổ chức, chẳng hạn như một sinh viên Ấn Độ bị giao công việc chùi rửa toilet. Những kẻ đào ngũ cho rằng, IS đã phản lại lời hứa sẽ thành lập một xã hội Hồi giáo hoàn hảo. Họ sẵn sàng chấp nhận các gian nan của chiến tranh nhưng không chịu được sự bất công, đồi bại và phân biệt chủng tộc.

Một cuộc sống đầy thất vọng. Với một số ít kẻ đào ngũ, chất lượng sống bên trong IS hoàn toàn không như họ mong đợi. Bị hấp dẫn bởi lý do vật chất, họ nhanh chóng nhận ra rằng các điều hứa (xe hơi, của cải sang trọng…) đã không có thực. Đặc biệt, những chiến binh phương Tây không thích các thời gian cúp điện và thiếu thốn những món đồ dùng cấp thiết. Nhiều người khác ta thán vì bị sử dụng như những con tốt thí, ngược lại số khác thì bực bội vì bị tách xa khỏi chiến trường, xa vời với "mơ ước" được chiến đấu của họ. Có 2 người đã trốn thoát khi nghe tin chỉ huy đã chỉ định họ thực hiện khủng bố tự sát.

Giờ đây, khi IS đã cai quản một vùng lãnh thổ rộng lớn, thật khó mà che đậy được những mâu thuẫn. Tiết lộ của những kẻ đào thoát cho thấy một hình ảnh khác xa với luận điệu tuyên truyền chính thức và bẻ gãy các nguyên tắc mà IS hô hào. Số lượng những chiến binh đào ngũ dám đứng ra nói chuyện trước công chúng không nhiều, đó là vì họ rất khó khăn để thoát khỏi sự kiểm soát của IS. Những vụ hành hình vì đào ngũ hay gián điệp rất thường xuyên và IS kiểm soát chặt chẽ mọi nẻo đường ra khỏi lãnh thổ. Một người đào ngũ đã phải nói dối là anh ta đã thuyết phục em gái từ Đức gia nhập IS. Sau đó anh ta xin cấp trên sang Thổ Nhĩ  Kỳ để đón em gái tại biên giới.

Và những kẻ đào ngũ cũng không được khuyến khích nói trước công chúng về trải nghiệm của họ. Các chiến binh nước ngoài bị chính phủ xem như là tội phạm hình sự và rất lo lắng khi họ quay về nước. Theo chuyên gia Peter Neumann, lẽ ra nên sử dụng diễn từ của họ để trưng ra sự dối trá và đạo đức giả của IS. "Tất nhiên không phải tất cả những kẻ đào ngũ đều ủng hộ dân chủ tự do hoặc là một công dân khuôn mẫu. Nhưng câu chuyện và lập luận của họ dù sao cũng có giá trị vì họ kể về trải nghiệm của bản thân với độ tin cậy không ai có được" - Peter Neumann lập luận. Thật vậy, câu chuyện cụ thể của họ có thể khuyến khích nhiều người khác noi theo, đồng thời phá bỏ ảo tưởng của những kẻ định tìm đường gia nhập IS. 

Theo báo cáo của ICSR, sự đào thoát dường như gia tăng trong hàng ngũ IS. 30% các trường hợp diễn ra trong tháng 6, 7 và 8. Số 58 trường hợp được ghi nhận như trên chỉ là phần nhỏ trong số hàng trăm người đã trốn khỏi IS. Tuy những ca đào ngũ này chưa đủ làm lung lay IS nhưng đó sẽ là tín hiệu đầu tiên cho thấy tổ chức Hồi giáo cực đoan này rạn nứt.

Mê Linh (tổng hợp)
.
.