Mạng lưới hầm trú hạt nhân của nước Anh
- Bùng nổ dịch vụ trang bị “hầm trú ẩn hạt nhân” ở Hàn Quốc
- Khám phá bí mật bên trong hầm trú ẩn hạt nhân ở Scotland
- Thụy Sĩ: Quốc sách xây hầm trú ẩn
Gió hú gào ngay trên đầu chúng tôi khi Jack Hanlon mô tả về cách thức sử dụng căn phòng. Nó được xây để sẵn sàng đương đầu với một cuộc tấn công hạt nhân. Căn hầm này nằm trong số hàng trăm cái giống y chang nó, nằm rải rác khắp đất nước. Suốt hàng thập kỷ, căn hầm này bị bỏ trống, không còn sử dụng nữa, mặc dù vậy chúng vẫn còn đó như một sự nhắc nhở về nỗi sợ “chiến tranh hạt nhân” chưa bao giờ nguôi ngoai.
Báo cáo Strath tuyệt mật
Không người dân Anh nào biết các kế hoạch tuyệt mật hiện tại của Chính phủ Anh, mặc dù vậy những căn hầm này đã cung cấp một cái nhìn thoáng qua về công tác chuẩn bị bài bản và có sự tính toán. 23 tuổi, Jack Hanlon chưa từng biết Chiến tranh Lạnh là gì, nhưng anh bị mê hoặc khi nghe kể về thời kỳ đó và tiếc rằng đã “bỏ lỡ” nó. Hanlon nuôi đam mê cháy bỏng là muốn khôi phục lại các hầm trú ẩn thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Quyết tâm của Hanlon đã nhận được sự quan tâm của các sĩ quan quân đội cũ cũng như các tình nguyện viên của thời kỳ đó, một số người đã hiến tặng các vật liệu cũ.
Bản đồ tại hầm trú ở thành phố York có chú thích mạng lưới các hầm trú hạt nhân thời Chiến tranh lạnh. |
Thuật ngữ “Chiến tranh Lạnh” đã xuất hiện trên một bài báo có từ năm 1945, được viết bởi George Orwell nhằm mô tả trạng thái bế tắc hạt nhân giữa “2, 3 siêu cường, mỗi nước này lại sở hữu một thứ vũ khí mà hàng triệu người có thể bị tiêu diệt chỉ trong vòng vài giây”.
Đến năm 1955, Bộ Quốc phòng Anh đã tiến hành phân tích một báo cáo hàng tuyệt mật có tên là Strath (báo cáo này được giải mật vào năm 2002) về hơi hướm hủy diệt của vũ khí hạt nhân là như thế nào. Strath đã kết luận rằng một cuộc tấn công vào ban đêm của Liên Xô với việc sử dụng 10 quả bom hydrogen có thể khiến 12 triệu người thiệt mạng (1/3 dân số Anh thời kỳ đó) và đe dọa chấn thương nặng cho thêm 4 triệu người khác. Lương thực và nước sẽ bị nhiễm độc, ngành công nghiệp bị đóng cửa, và Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) sẽ trở nên quá tải.
Không thể để xảy ra một biến cố tồi tệ có thể cướp đi sinh mạng nhiều dân thường như thế, vương quốc Anh đã chi bạo để xây dựng các căn hầm trú ẩn hạt nhân. Một mạng lưới hầm trú ẩn được thiết kế để có thể bảo vệ càng nhiều người càng tốt với ước tính chi phí lên tới 1,25 tỷ bảng Anh (tương đương 30 tỷ bảng Anh so với thị giá ngày hôm nay), và Chính phủ Anh khẳng định việc này cực kỳ quan trọng. Họ ưu tiên xây dựng một mạng lưới các cơ sở ngầm nhấn mạnh đến thông tin, truyền thông và chức năng sau khi xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân.
Vài năm sau đó, hơn 1500 “cái lỗ” đã được cắm xuống đất trải dài từ Cornwall đến Shetland, và hình thành việc xây dựng những căn hầm bê tông tiêu chuẩn. Chúng sẽ là “tai, mắt” của nước Anh, và những người điều hành các căn hầm này sẽ giữ trọng trách gửi dữ liệu đến một mạng lưới với 29 trụ sở vùng lớn hơn.
Tại các nơi này nhiều dữ liệu sẽ được đối chiếu và nâng cao mức nắm bắt về vụ nổ diễn ra như thế nào, sức mạnh của các loại vũ khí, và có thể mô hình của bụi phóng xạ. Thông tin này sẽ được chia sẻ cho các quan chức cao cấp về dân sự và quân đội nhằm giúp họ nâng cao kế hoạch phản công.
Song song đó, Chính phủ Anh đã tuyển mộ một mạng lưới gồm 1 vạn tình nguyện viên dân sự được biết đến dưới cái tên Hội quan sát hoàng gia (ROC), hàng tuần họ trải qua các khóa huấn luyện tại các căn hầm trú ẩn. Trong suốt những giai đoạn leo thang căng thẳng, chẳng hạn như khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962, các tình nguyện viên của ROC đã rời gia đình của họ, đánh cược với số phận, chui xuống các căn hầm trú, nơi họ được tổ chức thành những ca trực 3 người.
Nếu xảy ra tấn công hạt nhân thì cửa hầm trú ẩn sẽ bị niêm phong và giữ yên như vậy trong ít nhất 3 tuần. Mạng lưới này được kích hoạt vào cuối thập niên 1950 và tiếp tục sử dụng cho mãi đến năm 1991 khi những căng thẳng hạt nhân đã giảm bớt. Các căn hầm được xây dựng trên các thửa đất và ngày nay nhiều cái đã bị phá hủy hay kệ cho lũ lụt và mục ruỗng. Nhưng 2 căn hầm trú trong số đó là Castleton và Chop Gate đã thoát khỏi định mệnh là nhờ công lao của chàng thanh niên Jack Hanlon.
Bên trong hầm trú hạt nhân
Ngôi làng Castleton từng là một mục tiêu quân sự quan trọng, và là một trong số 30 trạm ra-đa được giao nhiệm vụ canh gác bầu trời và cung cấp các cảnh báo cứ mỗi 4 phút/ lần về những vụ tấn công tên lửa (12 trạm ra-đa là do các tình nguyện viên của ROC từng điều hành). Sau khi lái xe nửa dặm ra khỏi ngôi làng Castleton, Hanlon đưa tôi đến một vùng cỏ bao la, nơi có một ống kim loại màu đen trông như ống kính tiềm vọng ngầm dưới mặt đất.
Jack Hanlon, cư dân địa phương giúp trùng tu hầm trú ẩn Castleton. |
Jack Hanlon giải thích: “Lần đầu tiên tôi biết tới nơi này là năm 14 tuổi. Trong hầm bị ngập, tôi nhận ra rằng nó quá lớn với tôi tại thời điểm đó, dù vậy nó vẫn lưu lại trong tâm trí tôi”. Với sự giúp sức của một cựu sĩ quan ROC mà Hanlon có thêm động lực để phục hồi căn hầm trú ẩn Chop Gate và Castleton.
Hanlon mở nắp hầm trú ẩn, và để lộ ra một cái thang đi xuống bên dưới. Chúng tôi đi xuống gần 5m bên dưới lòng đất. Ánh đèn pin rọi sáng khiến tôi nhìn thấy một sảnh dài. Hanlon kéo cầu dao điện, một thứ ánh sáng màu cam mờ bao phủ tất cả. Đèn sáng hoạt động tự động theo giờ để tiết kiệm nguồn pin.
Tháng 4-2017, Hanlon bắt đầu công đoạn trùng tu hầm trú ẩn Castleton. Các cựu sĩ quan ROC đã tư vấn cho Hanlon mọi chi tiết trong công tác trùng tu và chia sẻ các bức ảnh cũ, tài liệu và các bản kiểm kê đồ đạc.
Ở góc cuối căn phòng có một tấm bản đồ trưng ra mạng lưới các căn hầm trú ẩn trên khắp đất nước Anh cùng những biểu đồ được nhận dạng bằng công nghệ đám mây. Ngày mở cửa căn hầm trú đầu tiên, công chúng phải đặt vé để đi vào bên trong, ngày đó căn hầm chứa đến 600 người!
Nhiều hầm trú ẩn được đặt ở các thành phố hay thị trấn, còn căn hầm của Hanlon thì ở khá xa. Nếu xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân, việc đầu tiên mà các tình nguyện viên ROC sẽ làm là, thổi còi để báo hiệu dân tình nhanh chóng xuống hầm ẩn nấp, việc này cũng hao hao như trú ẩn khi có không kích dưới thời Chiến tranh Thế giới thứ II.
Trong hầm, có một ống thổi nhỏ được gắn vào ống chỉ số sức mạnh bom. Nó sẽ phả ra không khí bị nén từ vụ nổ trên mặt đất. Ống thổi sẽ làm xoay cây kim cho biết sức mạnh của sóng vụ nổ - một chỉ số thông tin quan trọng. 3 tình nguyện viên ROC sẽ thiết lập các bản đọc vụ nổ; lượng bức xạ bên ngoài căn hầm có thể được đo an toàn từ bên trong hầm bằng cách sử dụng “Đồng hồ đo khảo sát cố định”, thiết bị này gắn ở trên nóc hầm trú ẩn cho phép ghi lại tốc độ gió, hướng đi và loại mây.
Mặc dù có nơi trú ẩn tốt hơn so với phần lớn dân số nói chung, nhưng các cư dân của những căn hầm trú ẩn này lại biết rằng cơ hội sống sót của họ đặc biệt mong manh. Nếu vụ nổ gây hỏng trụ thông gió của hầm trú ẩn Castleton thì xem như cơ chế bảo vệ của căn hầm ít nhiều sẽ gặp rủi ro.
Xa hơn, các tình nguyện viên phải rời khỏi hầm để thực hiện những công tác đo đạc thì vấn đề an toàn dài hạn của họ xem ra không rõ ràng. Lại nói về chuyện khác. Trong một quán cà phê ở thành phố York, cựu sĩ quan ROC - Tim Kitching giải thích về chiến lược Chiến tranh Lạnh của Chính phủ Anh với tôi (tác giả bài viết này): “Chắc chắn các hầm trú ẩn này là nhằm cho mục đích sống còn, và chính phủ còn có công tác hỗ trợ sau đó. Hệ thống giám sát và cảnh báo đã được thiết kế ra nhằm hỗ trợ cho người dân có cơ hội sống sót ngay lần tấn công đầu tiên, ngăn cản bất kỳ kẻ nào có ý đồ sử dụng căn hầm trú ẩn, cư dân đã biết chắc chắn về mức độ của cuộc tấn công”.
Tim Kitching tự hào nói: “Tôi sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc, với những gì đã được đào tạo để ứng phó với một vụ nổ hạt nhân”. Ông Kitching tin rằng hệ thống sẽ hoạt động hiệu quả. Kitching giải thích: “Mỗi hầm trú ẩn chỉ cần 3 tình nguyện viên ROC/ca là đủ cho một đơn vị hành động nhỏ”.
Điểm du lịch
Tuy vậy vẫn có một liên kết yếu giữa hầm trú ẩn và phần còn lại của thế giới: liên kết điện thoại trên mặt đất, truyền phát thông tin giữa các điểm giám sát và các trụ sở vùng. Vào thập niên 1980, Chính phủ Anh đã giảm bớt những rủi ro này bằng cách đầu tư vào những hệ thống đường dây điện thoại ngầm liên kết với các hầm trú ẩn. Xa hơn, các điểm giám sát sẽ được bố trí thành cụm 3-4 điểm, mỗi điểm sẽ cách nhau 15 dặm và nối kết bằng điện thoại.
Các phương pháp đo lường, thông tin liên lạc với trụ sở vùng… đều có mặt trên bàn. |
Mỗi cụm sẽ có 1 hầm trú ẩn đóng vai trò là “điểm giám sát chính” và được trang bị đầy đủ hệ thống thông tin vô tuyến để hỗ trợ cho hệ thống diện thoại. Castleton là một trong những hầm trú ẩn có trang bị cột ăng-ten và máy vô tuyến. Castleton có thể thông tin liên lạc với các trạm quan sát khác (Hinderwell và Goathland) đến trụ sở vùng nằm cách thành phố lịch sử Durham khoảng 50 dặm.
Trụ sở Durham không còn tồn tại, nhưng trụ sở York vẫn còn hoạt động như một trong số 29 trụ sở khu vực được bảo tồn. Hầm trú ẩn Chiến tranh Lạnh York là một địa điểm tuyệt mật của thành phố York.
Dân địa phương gọi Hầm trú ẩn York bằng cái tên là “Đền Aztec”. Kiến trúc này được giấu trong một vườn cây ăn trái, kể từ năm 2006, Quỹ di sản Anh đã biến nó thành một điểm du lịch lạ thường. Hầm trú này có 1 tầng nổi, 2 tầng ngầm nằm ở độ sâu 0,9m nhằm giúp bảo vệ cư dân thoát khỏi một vụ nổ, nhiệt nóng và bức xạ. Hầm trú ẩn Chiến tranh Lạnh York ước rộng độ 371,6m2, gồm có một nhà bếp, phòng ăn, ký túc xá, phòng để máy phát điện, điện thoại và phòng các sĩ quan ROC. So với hầm trú ẩn Castleton thì căn hầm trú ẩn York xứng đáng lá “con quái vật”.
120 tình nguyện viên ROC và 4 viên chức được trả lương đã làm việc tại hầm trú York. Có thêm vài chuyên gia hạt nhân làm việc tại hầm trú York. Trong các tình huống khẩn cấp, luôn luôn có ít nhất 1 kỹ sư trong hầm trú York để giữ vận hành máy phát điện và máy điều hòa nhiệt độ. Dữ liệu được vẽ trên một bản tam giác, địa diểm xảy ra các vụ nổ sẽ được chuyển lên 4 tấm bản đồ lớn trên tường: tình hình hiện tại, tình hình dồn lại, tình hình nước Anh và tình hình châu Âu….
Về lý thuyết là vậy, nhưng hầm trú ẩn York lại không thể tồn tại trong ngày tấn công hạt nhân đầu tiên. Vì thành phố York là trung tâm của ngành công nghiệp đường sắt và nơi này có 4 căn cứ không quân hoàng gia Anh, vì thế đây bị coi là mục tiêu lớn.
Theo thiết kế, mạng lưới hầm trú hạt nhân là một trong những bí mật tuyệt mật của Chính phủ Anh thời Chiến tranh Lạnh ở cả trong nước và quốc tế. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hệ thống này gồm cả hầm trú ẩn và con người, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khơi gợi lòng yêu nước và vượt qua nỗi sợ hãi.