Ngân sách tình báo tăng đột biến dưới thời ông Trump
- Điệp vụ bất thành của tình báo Mỹ với tỷ phú Nga
- Thất bại nặng nề của tình báo Mỹ tại Trung Quốc
- Cựu nhân viên tình báo Mỹ rò rỉ thông tin mật
Cụ thể, ngân sách năm 2018 dành cho CIA, NSA và 14 cơ quan tình báo khác đã tăng gần 9%, lên đến 59,4 tỉ USD. Riêng cơ quan tình báo quân đội tăng đến 20%, lên 22,1 tỉ USD. Theo yêu cầu của Tổng thống Trump, ngân sách năm 2019 cho các cơ quan tình báo Mỹ tăng hơn 10%, lên 81,5 tỉ USD. Đây là sự tăng ngân sách đột biến và đạt mức cao nhất trong lịch sử ngành tình báo Mỹ. Chi tiết các khoản ngân sách cho từng cơ quan không được tiết lộ công khai, vì theo ODNI, sự tiết lộ thông tin đó có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia.
Tổng thống Donald Trump đã tạo ra kỷ lục về ngân sách dành cho các cơ quan tình báo Mỹ. |
Cũng do tính chất bí mật quốc gia nên việc quyết định tăng ngân sách của Quốc hội Mỹ cũng diễn ra hết sức chặt chẽ. Quốc hội thường không đáp ứng mức đề xuất của Nhà Trắng, và các cuộc thảo luận để phê duyệt ngân sách đều diễn ra trong các cuộc họp kín của một nhóm nghị sĩ thuộc các ủy ban chuyên trách của Thượng viện và Hạ viện, không có báo chí hay các thành phần không liên quan dự. Ngân sách được thông qua sẽ được lập thành phụ lục kèm theo một đạo luật bí mật, không được công bố trước công chúng, kể cả công khai trong phạm vi Quốc hội.
“Ngân sách đen” của các cơ quan tình báo là vấn đề luôn được vận động cho chủ trương công khai, minh bạch quan tâm theo dõi ở Mỹ. Người ta luôn đặt dấu hỏi khi Chính phủ và Quốc hội Mỹ quyết định tăng ngân sách cho các cơ quan tình báo. Thông thường, việc tăng ngân sách bí mật được lý giải là để chi cho những chương trình, chiến dịch tình báo mới hay phục vụ cho việc trang bị phương tiện tác chiến mới. Nhưng việc chi tiêu của các cơ quan tình báo cũng là một dạng “bí mật quốc gia”, không được tiết lộ cho công chúng biết.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, năm 2014, có 62 nghị sĩ đã yêu cầu chính quyền công khai thông tin ngân sách tình báo, nhưng từ khi ông Trump lên nắm quyền, các yêu cầu đó đã giảm hẳn. Những thông tin bí mật đó chỉ được tiết lộ một phần bởi cựu điệp viên NSA Edward Snowden vào năm 2013, theo đó ngân sách dành cho CIA là 14,7 tỉ USD, còn NSA là 10,8 tỉ USD (trong cùng năm). Ngân sách chi cho từng chiến dịch cụ thể cũng chỉ đến được với công chúng do rò rỉ thông tin trên báo chí, chẳng hạn như chi phí cho các hoạt động của CIA tại Syria dưới thời Tổng thống Obama là 1 tỉ USD, còn chương trình do thám điện tử hậu 11-9 của NSA là 3,8 tỉ USD,…
Năm tài khóa đầu tiên trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump đi liền với sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với vấn đề “Nga can thiệp bầu cử năm 2016”, đồng thời là sự việc ông Trump “đoản mạch” với các cơ quan tình báo Mỹ trong nhiều vấn đề, trong đó ông cáo buộc các cơ quan tình báo đã theo dõi, do thám ông và bộ sậu tranh cử của ông một cách bất hợp pháp.
Mặc dù thế, ông Trump vẫn cho tăng ngân sách dành cho các cơ quan tình báo. Trong đó, ngân sách của tình báo quân đội tăng cao nhất. Đây được cho là dấu hiệu của việc Tổng thống Trump đang mất tin tưởng vào các cơ quan tình báo, nghiêng về phía quân đội nhiều hơn. Thời gian qua, quân đội Mỹ được cho là đã gia tăng các hoạt động tình báo và thu thập thông tin tình báo trên toàn thế giới.
Cũng do vấn đề giữ bí mật thông tin về ngân sách tình báo mà dư luận Mỹ không bao giờ có thể biết được các khoản chi ngân sách cho các hoạt động gia tăng như thế nào, chúng được chi tiêu ra sao và mang lại hiệu quả gì. Giới chức các cơ quan tình báo Mỹ thường giải thích một cách chung chung rằng, chi tiêu ngân sách tăng xuất phát từ hoạt động tình báo của nước Mỹ trên toàn thế giới tăng.
Sự gia tăng hoạt động tình báo được cho là để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, khi nước Mỹ đang đối mặt với những thách thức mới về an ninh cũng như về kinh tế. Chẳng hạn, Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích rằng ngân sách tình báo tăng do quân đội Mỹ phải tham gia nhiều “điểm nóng” trên toàn cầu, như xung đột ở Nam Sudan, cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Phi, Libya, Afghanistan, Ukraine,... Còn CIA thì tăng cường hoạt động hỗ trợ phiến quân tại Syria, quay trở lại Iraq để hỗ trợ cuộc chiến chống IS,…
Từ năm 2016, tình báo Mỹ lại đứng trước những thách thức mới từ Trung Quốc và Nga. Thách thức lớn nhất là việc tình báo Trung Quốc đã phá vỡ mạng lưới tình báo Mỹ cài cắm ở nước này. Đồng thời Bắc Kinh cũng phát triển mạnh mảng tình báo mạng, gây ra nhiều vụ tấn công bất ngờ, gây thiệt hại không nhỏ cho nước Mỹ khiến các cơ quan tình báo Mỹ đứng ngồi không yên.
Trong khi đó, tình báo Nga cũng không ngừng gia tăng hoạt động trên cả phương diện tình báo truyền thống lẫn tình báo mạng. Vụ việc tấn công máy chủ e-mail của đảng Dân chủ năm 2016 là một điển hình cho những thách thức lớn mà tình báo Mỹ đang đối mặt.
Cho đến nay, chưa ai thấy các cơ quan tình báo Mỹ sự ứng phó như thế nào trước các thách thức nêu trên. Người ta chỉ thấy một điều phổ biến là cơ quan phản gián (FBI) cất công đi điều tra xem “ai đó đã làm gì” đối với nước Mỹ.
Còn các cơ quan tình báo thì hầu như “bình chân như vại”, vì nếu có hành động thì cũng chẳng làm được gì. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 10, lực lượng tình báo mạng của Mỹ đã mở một đợt “phản công” nhằm vào lực lượng hacker Nga. Nhưng cú “phản công” được báo chí mô tả là “nhẹ hều”, chỉ mang tính chất “cảnh báo” là chính, kiểu như “tôi biết anh rồi đó nha, dừng lại đi”.