Nhật ký Hitler – cú lừa siêu hạng
- Tiết lộ mới về phút cuối đời của Hitler
- Đấu giá album ảnh người tình của Hitler
- Bí ẩn chưa có lời giải về cái chết của Hitler
Để có được tài liệu này, Stern đã phải chi tổng cộng 9,3 triệu mark Đức (DM), còn tờ tuần báo nổi tiếng của làng báo Anh The Sunday Times cũng phải chi 200.000 bảng để được quyền đăng tải lại mà không biết rằng, từ lúc ấy họ đã tiếp tay cho 2 kẻ "mã tầm mã" thực hiện một trong những vụ lừa đảo ngoạn mục nhất thế kỷ XX.
Thoạt tiên G. Heidemann cho lan truyền một nguồn tin: trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II, một chiếc máy bay quân sự chở những tài liệu mật của nhà nước quốc xã đã bị nạn gần một ngôi làng ở miền đông nước Đức, có một người đã nhặt được một chiếc hộp kim loại bên trong chứa những tập nhật ký từ đống xác máy bay. Chiếc hộp kim loại được người này lưu giữ ở một nơi bí mật, rồi cuối cùng được tuồn ra khỏi Đông Đức một cách bất hợp pháp và cuối cùng "may mắn" đến tay G. Heidemann.
"Chuyên gia lỗi lạc" Konrad Kujau cùng ấn bản của Stern. |
Tình cờ có một vài sự kiện xảy ra trong thời gian ấy củng cố cho giả thuyết, như trong một cuốn hồi ký, trung tướng Hans Baur - tư lệnh lực lượng không quân SS của Đức Quốc xã có kể chi tiết: một chiếc máy bay do đại tá Friedrich A. Gundlfinger điều khiển đã bị Hồng quân Liên Xô bắn hạ sau khi cất cánh khỏi Berlin vào tháng 4-1945, trên máy bay chở các vật lưu trữ cá nhân của Hitler. Câu chuyện này càng khiến một số người tin rằng, quyển nhật ký là hiện vật thật.
Tuy vậy, G. Heidemann cần cung cấp thêm bằng chứng nhằm chứng minh tính xác thực của tập tài liệu, đặc biệt nếu muốn đem ra "mời chào" các chủ báo khác để kiếm chác thêm. Được G. Heidemann gợi ý, bộ phận lãnh đạo của tạp chí Stern đã thuê một số chuyên gia về chữ viết tay chịu trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của tài liệu, trong số này là chuyên gia người Thụy Sĩ Max Frei-Sulzer và Ordway Hilton, người Mỹ. Họ được giao cho một số trang bản sao của cuốn nhật ký và được đề nghị so sánh chúng với những mẫu viết tay khác của Hitler, được lấy từ Cục Lưu trữ liên bang Đức.
Dựa trên những mẫu được cung cấp, hai chuyên gia xác định các mẫu chữ viết này là thống nhất. Stern ngay lập tức xúc tiến bán bản quyền phát hành cho tờ Newsweek (Mỹ), tờ The Sunday Times và một số khách hàng khác, dù họ chỉ muốn mua từng phần của cuốn nhật ký.
Trái ngược với các mô tả trong các tài liệu báo chí và lịch sử trước đó, nội dung các tài liệu này cho thấy Hitler là một nhà lãnh đạo tử tế và chỉ chịu phần trách nhiệm nhỏ trong những tội ác diệt chủng người Do Thái và các sắc dân Đông-Nam Âu. Sự kiện "Nhật ký Hitler" từng được mô tả là sự kiện mà "giới sử học mâu thuẫn nhau, giới báo chí “ông nói gà bà nói vịt”, nội bộ giới chuyên gia thì “choảng” nhau, và làm một nửa thế giới hoang mang do những cứ liệu sử học xung đột với những gì toát lên từ các trang nhật ký. Từ đó, nhiều người đã bắt đầu bày tỏ sự nghi ngờ về tính xác thực của nó.
“Ký giả cự phách" G. Heidemann đang lăng xê các cuốn nhật ký "mới phát hiện". |
Bản thân nhà sử học nổi tiếng người Anh, giáo sư Hugh Trevor-Roper (1914-2003) cũng từng lên tiếng "công nhận": "Đó là những văn bản nguyên gốc và có thể làm thay đổi lại vài trang trong lịch sử thế chiến. Như trong đó có viết về một cử chỉ thân thiện của Hitler với Vương quốc Anh, khi cho phép các tàu Anh mắc kẹt tại cảng Dunkirk ở Pháp - nơi họ bị bao vây giữa năm 1940 - được phép rút đi.
Nhật ký cũng viết về Rudolf Hess, cấp phó của Hitler được giao sứ mạng bay sang Scotland dàn hòa, nhưng không thành…". Nhưng chính bản thân giáo sư H. Trevor-Roper, cũng như chẳng có vị chuyên viên "khả kính" nào có diễm phúc được thấy tận mắt những quyển vở - nhật ký đó cả.
Khi các chuyên gia hàng đầu của Cơ quan Cảnh sát Hình sự CHLB Đức (BKA) nỗ lực "rờ" được tới những trang nhật ký gây ầm ĩ kia, Ban lãnh đạo BKA quyết định bắt tay vào cuộc qua chuyên án mang bí số 01-04. Rồi họ lần ra Konrad Kujau với "nghệ danh" Konrad Fisher, một họa sĩ nghiệp dư kiêm "chuyên gia lỗi lạc" về các văn tự thời Quốc xã. Là kẻ tôn sùng Hitler như thần tượng, Konrad Kujau qua cuốn nhật ký giả đã lừa gạt được hàng triệu người.
Konrad Kujau chào đời năm 1938 ở tỉnh lỵ Lobau (Đức). Cha của Konrad, một thợ đóng giày, là người ủng hộ nhiệt thành chủ nghĩa Quốc xã. Mồ côi cha khi mới lên 6 tuổi, gia đình nhanh chóng rơi vào cảnh túng quẫn nên mẹ của Konrad buộc phải gửi con trai và 4 con gái vào một trại tế bần. Konrad từ nhỏ đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, sáng tạo và có hoa tay mỹ thuật, một trong những thú vui của Konrad là vẽ chân dung quốc trưởng Đức Adolf Hitler.
Một số thông tin cho rằng, Konrad đã bỏ dở việc học, nhưng bản thân anh ta thường tuyên bố không chỉ hoàn thành trung học mà còn theo học tại Học viện Nghệ thuật Dresden cho đến năm 18 tuổi, vì sinh nhai mới buộc phải nghỉ học để đi làm thêm. Konrad làm đủ nghề, từ thợ khóa, thợ thay cửa kính cho tới bồi bàn. Tháng 6-1957, hắn chuyển đến sống ở vùng ngoại ô Stuttgart và bắt đầu một cuộc đời dính dáng nhiều đến án tích như tội trộm cắp, đánh nhau.
Tuần báo The Sundy Times phải đăng đính chính, cáo lỗi độc giả cùng dòng tít: "Nhật ký Hitler - cú lừa của thế kỷ". |
"Thành tích" được biết đến đầu tiên của Konrad là vào năm 1963 khi làm giả các phiếu ăn trưa nhưng chỉ bị phạt tù ngắn hạn. Cùng năm đó, Konrad quen với một nữ nhân viên pha rượu tên là Edith Lieblang. Họ kết hôn và cùng nhau lập một công ty dọn vệ sinh. Cuộc sống gia đình nhiều thiếu thốn và bức bách khiến Konrad đi đến quyết định dùng trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo của mình để "thay đổi vận mệnh".
Nhận thấy trong xã hội mới vẫn còn rất nhiều những kẻ tiếc nuối thời hoàng kim của Đệ tam đế chế từng bá chủ châu Âu và tôn thờ chủ nghĩa Quốc xã nên quan tâm sưu tầm những di vật liên quan đến "kỷ nguyên" đó, Konrad âm thầm tiến hành công việc.
Trước đó từ lâu, Konrad đã được coi là một trong những tay sưu tầm có hạng các di vật loại này ở Tây Đức. Bộ sưu tập của hắn khá đồ sộ trong khi nhu cầu người mua quá cao, đến mức Konrad đã thuê một cửa hàng để bán. Thấy việc bán hàng thật thu lợi quá hời, Konrad "gia tăng lợi nhuận" bằng cách làm giả một số di vật với các chữ ký của các lãnh đạo Đức Quốc xã có cả giấy chứng nhận giả đi kèm.
Để cho các di vật giả của mình trở nên hấp dẫn hơn, Konrad thêu dệt nên những câu chuyện xung quanh chúng. Lịch sử một món vật mới chính là yếu tố hấp dẫn khách hàng, chuyện càng ly kỳ bao nhiêu, khách hàng sẵn lòng dốc túi ra mua mà chẳng chút nghi ngờ.
Tới cuối thập niên 1970, Konrad quyết định tiến hành một dự án tinh vi hơn: làm giả quyển "Mein Kampf" (Cuộc tranh đấu của tôi) do Hitler viết trong thời kỳ bị cầm tù vào những năm 1920. Hắn đã chế ra bản viết tay hai tập của cuốn sách này và lời tựa cho tập thứ ba, hoàn toàn bịa đặt nhờ trí tưởng tượng quá phong phú. Bản gốc giả mạo quyển "Mein Kampf" khi hoàn tất đã làm dậy sóng giới sưu tầm và được những kẻ sùng bái Hitler giành giật nhau để sở hữu. Được thể, Konrad tiếp tục tạo ra một loạt bản viết tay ấn tượng hơn dưới dạng nhật ký, mô tả những trải nghiệm riêng tư nhất của Hitler.
Mùa thu năm 1979, phóng viên Heidemann của tạp chí Stern được mời tới nhà của một người sưu tập về Đệ tam đế chế tên là là Fritz Stiefel. Tại đây, tay phóng viên được chiêm ngưỡng bộ sưu tập giá trị các di vật thời Đức Quốc xã. Vật gây chú ý nhất với Heidemann là một tập sách vàng ố, ngoài bìa có chữ viết tắt A.H. (Adolf Hitler).
"Nhà sưu tập" nói với Heidemann rằng, quyển nhật ký đó là một trong sáu tập nhật ký của Hitler, thuộc về một vị tướng ở Đông Đức và chính em trai của viên tướng này, có tên Konrad Fischer, đã mang chúng đến cho ông ta.
Đánh hơi thấy rằng, nếu có được một tập của cuốn nhật ký, hay toàn bộ 6 tập thì mình sẽ tạo nên một cơn chấn động trong làng báo thế giới, Heidemann tìm tới ngôi làng Boernersdorf để tìm hiểu câu chuyện và quả thực, đã có một vụ tai nạn tại đây vào tháng 4-1945 cùng thông tin về một chiếc hộp bí ẩn chứa đầy tài liệu. Chúng đang nằm trong tay một người tên là Konrad Fischer - chính là một trong các nghệ danh mà Konrad Kujau sử dụng.
Heidemann đưa ra đề xuất với Stern với hy vọng sẽ được cấp kinh phí để mua các tập nhật ký. Thật bất ngờ, chủ báo đã quyết định chi gần 2 triệu mark để đổi lấy 27 tập nhật ký. Heidemann nhanh chóng liên hệ với Konrad tiến hành thương lượng. Cuối cùng vào tháng 1-1981, một trong các tập nhật ký đã được giới thiệu với Heidemann.
Khi những tập nhật ký bắt đầu thu hút sự quan tâm, Stern chuẩn bị công bố những tài liệu này ra khắp thế giới. Không ngoài dự đoán, số lượng tập nhật ký vượt cả sự mong đợi ban đầu. Tuy vậy, trước khi Stern quyết định bán, họ muốn kiểm tra chắc chắn các tài liệu đã được đầu tư hàng triệu mark. Trong quá trình tìm cách kiểm chứng tính xác thực, Stern đã mắc những sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến việc vụ giả mạo không bị lật tẩy như phần trên bài đã đề cập.
Cùng với chuyên án 01-04 của Cơ quan Cảnh sát Hình sự CHLB Đức, Cục Lưu trữ Liên bang Đức cũng chính thức thông báo: các tập nhật ký của Hitler là hoàn toàn giả mạo và không liên quan gì đến bàn tay của Adolf Hitler. Các thử nghiệm đã chứng minh, giấy, mực và hồ dán được sản xuất vào thời kỳ hậu Thế chiến II.
Một cuộc lục soát cửa hàng của Konrad được tiến hành. Mặc dù không tìm thấy bằng chứng nào liên quan đến vụ lừa đảo, nhưng Konrad và vợ đã biến mất. Hắn đến ẩn náu tại nhà của người tình ở vùng biên giới Đức- Áo, đến tháng 5-1983 thì quyết định ra đầu thú đơn giản vì muốn "được bảo vệ khỏi những cáo buộc sai lầm".
K. Kujau đã thừa nhận trong phiên thẩm vấn hôm 22-8-1984 rằng, lúc đầu Heidemann đặt mua 27 quyển vở, nhưng đột nhiên lại đổi ý tăng thêm số lượng và để "đáp ứng" nhu cầu thì chỉ còn cách "sản xuất" thêm (!). Thậm chí Kujau còn đổ cho Heidemann đã rắp tâm lừa hắn, khi hứa sẽ bán cho hắn một ít tro hài cốt của Hitler sau khi công việc viết nhật ký hoàn tất.
Bản thân G. Heidemann khi chất vấn với K. Fisher tại văn phòng BKA ở Hamburg lại quật ngược lại rằng, bị Kujau lừa khi bán những quyển vở - nhật ký giả cho mình. Riêng luật sư của "phóng viên cự phách" G. Heidemann thì kết tội đích danh ban biên tập tòa báo "đã vội vàng cho đăng mà không thẩm tra lại tính chính xác của tài liệu".
Ngày 26-5, Konrad cuối cùng đã phải thú nhận toàn bộ hành tung. Trong cả "thương vụ" G. Heidemann đã "bỏ túi" 1,7 triệu DM, "chuyên gia" K. Fisher cũng không kém - với 2,5 triệu DM "nhuận bút". Gần như ngay lập tức sau khi tin nhật ký giả được công bố, một số thành viên ban biên tập Stern đã từ chức hoặc bị sa thải, trong đó có Heidemann. Tổng biên tập của cả 2 ấn phẩm thuộc dạng hàng đầu Âu châu và thế giới - Stern và The Sundy Times - bắt buộc phải đệ đơn từ chức.
Trên trang đầu những tờ báo hàng đầu giật hàng tít lớn: "Vụ Watergate của làng báo thế giới", hay "Trùm quốc xã Đức đội mồ sống lại viết nhật ký"… Một phiên tòa đã được mở ra vào giữa tháng 8-1984, G. Heidemann bị truy tố về tội gian lận và K. Kujau về tội giả mạo giấy tờ. Cả 2 đều bị tòa tuyên phạt mức án 4,5 năm tù giam.
Năm 1988, Konrad được trả tự do sau khi được chẩn đoán bị bệnh ung thư dạ dày. Để kiếm sống, Konrad tiếp tục sản xuất và bán các bức tranh nhái của các họa sĩ. Ngày 12-9-2000, Konrad qua đời vì bệnh ung thư tại Stuttgart ở tuổi 62, được "lưu danh" là tác giả một trong những vụ lừa đảo thành công và táo tợn nhất thế kỷ XX.