Timothy Leary – Người nguy hiểm hay người đại diện?

Thứ Năm, 03/10/2019, 06:51
Timothy Leary là một trong những nhân vật nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi nhất trong cái gọi là phản văn hóa thế kỷ 20.


Những người ủng hộ Leary ca tụng ông là một nhà triết học, một thủ lĩnh tinh thần đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng tinh thần và tâm linh của con người. Trong khi đó, những người chỉ trích lại coi nhân vật này là một mối đe dọa đối với trật tự xã hội. Tổng thống Mỹ Richard Nixon còn công khai tuyên bố Leary “là người nguy hiểm nhất của nước Mỹ”.

Theo nhiều nhận xét, Leary là một người đam mê thám hiểm, có tư tưởng chống độc tài mạnh mẽ, đặc biệt quan tâm tới việc mở rộng giới hạn ý thức của con người. Tuy nhiên, ông cũng bị ám ảnh bởi sự nổi tiếng, hay tự cao, huênh hoang và bội tín.

Cá tính hình thành

Timothy Leary, sinh năm 1920 tại Springfield, Massachusetts, hiếm khi tuân thủ phép tắc. Leary đã bị đuổi khỏi Học viện Quân sự West Point vì say xỉn. Tới năm 1941, chàng trai trẻ tiếp tục phải thôi học ở Đại học Alabama sau khi qua đêm tại ký túc xá nữ. Sau một thời gian phục vụ trong quân ngũ giai đoạn Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Leary cuối cùng cũng quay trở lại trường học và nhận bằng Tiến sỹ Tâm lý học của Đại học California, Berkeley.

Giai đoạn những năm 1950, Leary sống một cuộc sống bình lặng, với người vợ thuộc tầng lớp trung lưu và hai đứa con. Khi đó ông làm việc tại Đại học California Bay Area và chỉ đạo nghiên cứu cho Quỹ Gia đình Kaiser. Công việc của Leary chủ yếu xoay quanh những chủ đề như thử nghiệm cá nhân và các phương pháp điều trị nhóm. Cuốn sách đầu tiên của Leary xuất bản năm 1957, miêu tả chi tiết chứng rối loạn nhân cách. Tuy nhiên, Leary bị đánh giá là người dễ nổi cáu.

Timothy và người vợ thứ ba Rosemary Leary - Ảnh trên hộ chiếu Algeria năm 1970.

Thực tế là trong giai đoạn được cho là tương đối “bình lặng” trong cuộc đời, Leary vẫn gây nên không ít sóng gió vì các cuộc say xỉn và quan hệ ngoài luồng. Những thói quen, phần không thể thiếu và định hình cuộc đời Timothy Leary, đã khiến chính gia đình ông trở thành nạn nhân. Khi người vợ đầu Marianne Busch chất vấn Leary về nhân tình, ông được cho là đã thản nhiên đáp lại rằng “đó là việc của cô”. Busch tự tử vào năm 1955.

Chuyến đi định mệnh

Năm 1958, Timothy Leary có một chuyến đi châu Âu cùng các con. Trong thời gian ở Tây Ban Nha, Leary mắc phải một căn bệnh lạ, khiến ông bị mê sảng. Leary sau đó viết: “Một giấc ngủ chợt đến, mọi sợi dây kết nối với xã hội của tôi biến mất. Tôi đã từng là một sinh vật đực, 38 tuổi, có 2 đứa con. Khi đó, tôi ở trên cao và hoàn toàn tự do”.

Sau khi trở về từ châu Âu, Leary nhận lời làm giảng viên tại Đại học Harvard. Sau đó, trong chuyến đi tới Mexico, ông đã lần đầu tiên thử món “nấm thức thần” (psychedelic psilocybin), một quyết định có lẽ xuất phát từ những gì ông từng trải qua ở châu Âu.

Leary sau chuyến đi Mexico đã trở thành một con người khác. Ông cùng Phó Giáo sư tâm lý Richard Alpert, người sau này được biết đến với tên gọi Ram Dass, xây dựng Dự án Psilocybin Harvard.

Leary và Alpert đã thử nghiệm một số thuốc gây ảo giác, ban đầu là psilocybin, và sau đó là LSD, cho một số tình nguyện viên – bao gồm các đồng nghiệp, những tù nhân và một nhóm sinh viên hứng thú với thần học. Leary sau đó viết rằng sự tham gia của những sinh viên này trong thí nghiệm cho thấy “giờ đây con người đã có thể trực tiếp tiến tới cõi cực lạc tâm linh, thức thần tôn giáo và kết nối với Chúa trời”.

Ông cũng cho rằng những người tham gia phần lớn đều “có những trải nghiệm tinh thần huyền bí vô cùng sâu sắc,… những thứ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của họ theo hướng tốt đẹp hơn”. Tuy nhiên, một người từng tham gia thí nghiệm này miêu tả dự án là một thứ điên rồ, “một đám người đứng trong một hành lang hẹp và cùng thốt lên “wow!”.

Không ngạc nhiên khi dự án của Leary và Alpert gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là khi có các tin đồn cho rằng họ cố tình gây áp lực buộc các sinh viên đã tốt nghiệp phải tham gia thí nghiệm của mình, trong khi đưa chất gây ảo giác cho nhiều sinh viên khác. Nhiều phụ huynh đã chỉ trích và đặt dấu hỏi về tính hợp pháp của dự án này.

Năm 1963, Harvard sa thải Alpert và từ chối việc tiếp tục hợp đồng giảng dạy của Leary, với lý do ông bỏ quá nhiều bài giảng để dành thời gian cho thí nghiệm của mình. Tuy nhiên, Leary đã sớm tìm ra “mạnh thường quân” để tiếp tục theo đuổi các cuộc thí nghiệm của mình.

Những người thừa kế nhà Mellon đã giúp Timothy Leary có một khuôn viên để tiếp tục công việc của mình. Timothy Leary cũng kết hôn với người vợ thứ hai, người mẫu Birgitte Caroline “Nena” von Schlebrügge tại đây vào năm 1964. Hai người ly hôn chỉ mộtnăm sau đó.

Trong thời gian này, Leary làm quen với nhà thơ Allen Ginsberg, người mà nhờ danh tiếng có được đã giúp Leary có được các mối quan hệ với rất nhiều người nổi tiếng và giới trí thức.

Việc Leary kết giao với các nhân vật nổi tiếng thực chất là một phần chiến lược nhằm phục vụ các công trình nghiên cứu của mình, song đó cũng là cách để ông dấn thân vào giới thượng lưu và tìm kiếm sự nổi tiếng. Con trai của Timothy, Jack Leary, từng chia sẻ rằng cha mình “chưa bao giờ muốn làm một người truyền giáo. Ông ấy muốn trở thành một ngôi sao nhạc rock, một Mick Jagger, nhưng ông ấy lại không biết chơi guitar”.

Năm 1964, Leary, Alpert, và Ralph Metzner xuất bản cuốn sách “The psychedelic xperience: A manual based on the Tibetan book of the dead” (tạm dịch: “Trải nghiệm ảo giác: Hướng dẫn dựa trên cuốn sách về cái chết của người Tây Tạng”).

Leary cùng cựu lãnh đạo đảng Những con Báo đen (BPP) Eldridge Cleaver.

Giữa những năm 1960, Timothy Leary trở thành một trong những nhân vật đi đầu của phong trào ủng hộ LSD và các chất gây ảo giác khác. Ông thúc đẩy phong trào này với nền tảng là hàng loạt nghiên cứu và chứng nhận. 

Leary thậm chí còn được mời tham gia phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ về việc liệu LSD có phải là một hợp chất nguy hiểm và có nên bị cấm hay không. Thượng viện Mỹ sau đó vẫn quyết định thông qua văn bản luật cấm sử dụng và lưu hành LSD do không bị thuyết phục bởi những lý lẽ mà Leary đưa ra trong phiên điều trần.

Trước câu hỏi của Thượng nghị sỹ Ted Kennedy về việc sự nguy hiểm của LSD, Leary chỉ trả lời: “Xe hơi cũng nguy hiểm nếu người ta sử dụng nó không đúng cách… Hiểm họa duy nhất mà loài người phải đối mặt trên thế giới này là sự ngu xuẩn và thờ ơ của chính mình”.

Tham vọng

Danh tiếng của Leary ngày càng lan rộng trong giới nghệ sỹ, và cùng với đó là sự để mắt của các nhà chức trách. Năm 1965, ông bị bắt tại Texas vì tàng trữ cần sa, và bị xử phải ngồi tù 30 năm. Tuy nhiên, Leary sau đó kháng cáo và được tại ngoại.

Năm 1967, Leary thành lập Liên đoàn Khám phá tinh thần (tên tiếng Anh: League for spiritual discovery), một tổ chức tôn giáo với các hoạt động tinh thần lấy trọng tâm là việc sử dụng LSD.

Cùng giai đoạn đó, các hoạt động tại Millbrook phải dừng lại do sức ép từ chính quyền. Leary sau đó chuyển tới California, bắt đầu một bước ngoặt mới trong cuộc đời. Quyết định chuyển tới Nam California vào năm 1967 đã đưa Leary tới gần hơn trung tâm phong trào phản văn hóa mà ông sau này sẽ trở thành một nhân tố đi đầu. Thay đổi này cũng giúp ông ngày càng nổi tiếng trong không chỉ giới nghệ sỹ mà còn cả thế giới ngầm.

Một thời gian ngắn sau khi tới California, Leary kết hôn với Rosemary Woodruff. Gia đình sau đó dọn tới Laguna Beach để tiện tham gia các hoạt động của “Hippie Mafia”, tổ chức tôn giáo phi lợi nhuận được biết đến nhiều hơn với tên gọi “The brotherhood of eternal love” (Hội huynh đệ vì tình yêu vĩnh cửu), khá giống với tổ chức League for spiritual discovery mà ông sáng lập.

Tuy nhiên, ngoài việc cùng chung chí hướng với Leary nhằm thúc đẩy mục tiêu phổ biến thuốc ảo giác để khai thác tối đa tiềm năng tinh thần của con người, Hội Huynh đệ còn là một trong những tổ chức buôn lậu và phân phối thuốc phiện lớn nhất cả nước.

Tháng 12-1968, Leary bị bắt vì tội mang theo cần sa. Năm 1969, đúng ngày được tuyên trắng án sau kháng cáo về vụ bắt giữ năm 1965 và 1968, Leary công khai ý định chạy đua vào vị trí Thống đốc bang California. Dù tuyên bố này được đưa ra tại phòng tranh Mystic Arts World, nơi được xem là trụ sở của Hội Huynh đệ, Leary lại không nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong tổ chức.

Thực tế, tuyên bố của ông đã khiến nhiều người ngạc nhiên bởi sự nghiệp chính trị của ông không mấy nổi bật, ngoài những cuộc vận động về chất gây ảo giác, và cũng bởi khái niệm phản văn hóa chưa phổ biến vào những năm 1960. Tuy nhiên, cùng với cuộc chiến ở Việt Nam – cuộc chiến mà cộng đồng hippie cực lực phản đối, cuộc chiến chống thuốc phiện, và sự trỗi dậy của phong trào Sức mạnh da màu (Black power), phản văn hóa vào cuối những năm 1960 bắt đầu có những tác động mạnh mẽ hơn trên phương diện chính trị.

Nhờ các bài nói chuyện tại nhiều trường đại học và tiếp xúc với giới văn nghệ sỹ, Leary ngày càng truyền tải mạnh mẽ thông điệp và mục tiêu cá nhân của mình. Dù vậy, chiến dịch chính trị của Leary sớm kết thúc vào đầu năm 1970 khi ông bị cáo buộc tàng trữ cần sa và chịu hình phạt 10 năm tù giam. Những tưởng ông sẽ dành một quãng thời gian dài cuối đời sau song sắt, song Leary đã sớm có ý định khác.

Những cuộc đào tẩu

Với sự trợ giúp của Hội Huynh đệ, Leary đã lên kế hoạch đào tẩu. Nhờ kinh nghiệm soạn những bài kiểm tra tâm lý khi còn làm việc trong trường đại học, Leary đã dễ dàng đưa ra những câu trả lời có chủ đích để được phân công làm các công việc ngoài trời khi là tù nhân. 

Cơ hội này giúp Leary có thể vượt qua hàng rào và tẩu thoát trên một chiếc xe đã chờ sẵn. Hội Huynh đệ đã chi hàng nghìn USD cho một tổ chức cấp tiến phản đối chủ nghĩa đế quốc Mỹ có tên Weathermen để họ giúp Leary hoàn thành cuộc đào tẩu và đưa hai vợ chồng ông rời nước Mỹ.

Leary và vợ tìm đến chính quyền lưu vong của đảng Những con báo đen (BPP) tại Algeria, song những mâu thuẫn về lối sống và quan điểm với tổ chức này đã khiến lãnh đạo của BPP là Eldridge Cleaver giam lỏng hai vợ chồng Leary.

Leary và vợ sau đó lại trốn thoát tới Thụy Sỹ, nơi họ gặp nhà buôn vũ khí Michel Hauchard. Tuy nhiên, Hauchard sau đó buộc Leary phải ký hợp đồng chia sẻ 30% lợi nhuận thu được từ mọi cuốn sách mà Leary viết, và giam giữ ông do cho rằng Leary sẽ viết lách tốt hơn khi là một tù nhân.

Hai vợ chồng Leary lại tiếp tục chạy trốn, và chia tay sau đó. Rosemary Leary dành phần lớn 2 thập kỷ còn lại để lẩn tránh tại Mỹ trong khi Leary bị Cục Phòng chống ma túy và chất gây nghiện nguy hiểm bắt giữ tại Kabul, Afghanistan năm 1972. Leary đã cung cấp cho FBI thông tin về Tổ chức ngầm Weathermen để đổi lấy việc được tại ngoại. Leary được trả tự do năm 1976, và ban đầu sống dưới sự bảo trợ của chương trình bảo vệ nhân chứng song sau đó đã quay trở lại California để sống nốt những năm cuối đời.

Leary sau đó trở thành diễn giả, và nhiều lần viết bài cho những tạp chí có tư tưởng bảo thủ như National Review. Vào khoảng những năm 1990, ông bắt đầu xây dựng một trang mạng cập nhật các thông tin về danh mục lượng thuốc ông dùng mỗi ngày. Không dừng ở đó, ông còn thúc đẩy một tư tưởng về giới hạn của con người, kêu gọi làm chủ không gian, kéo dài sự sống và tăng cường trí tuệ của loài người.

Leary bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và không thể phẫu thuật. Sau đó ông trở thành một trong số ít những người nổi tiếng tường thuật và ghi chép về cái chết của chính mình. Timothy Leary qua đời bên đông đảo bạn bè và người thân ở tuổi 75 vào ngày 31-5-1996. Sự kiện này thậm chí còn được phát trực tiếp trên trang mạng của ông.

Sau khi Leary qua đời, một phần tro cốt của ông được tên lửa mang lên không gian, và một phần được diễn viên Susan Sarandon đem tới lễ hội Burning Man năm 2015.

Những công trình liên quan đến chất gây ảo giác của Timothy Leary đóng vai trò quan trọng trong phong trào phản văn hóa những năm 1960, phong trào chống lại lực lượng bảo thủ hồi giữa thế kỷ XX tại Mỹ. Leary là một nhân vật phức tạp, nhiều khiếm khuyết, có một cuộc đời khó có thể nhận định cụ thể theo hướng tích cực hay tiêu cực. Xét cho cùng, Timothy Leary thực chất là một biểu tượng lớn của hệ tư tưởng phản văn hóa mà ông đại diện.

Dương Anh (tổng hợp)
.
.