Tình báo Anh thiết lập chân rết từ châu Âu đến Trung Đông

Thứ Năm, 24/05/2018, 15:23
Theo tiết lộ từ tờ Independent, cơ quan tình báo tín hiệu khổng lồ của Anh GCHQ điều hành một trung tâm giám sát Internet bí mật ở Trung Đông với mục đích thu thập thông tin điện tử từ một lượng khổng lồ email, các cuộc gọi điện thoại và giao tiếp trên Web...


Không chừa các đồng minh như Đức, Israel và EU

Các tài liệu do người tố giác Edward Snowden cung cấp tiết lộ bằng chứng cho thấy các mục tiêu của cơ quan tình báo tín hiệu khổng lồ của Anh GCHQ cũng bao gồm cả giới chính khách nước Đức, Liên minh châu Âu (EU) và Israel.

Danh sách giám sát của trạm GCHQ Bude chứa số điện thoại của mạng lưới chính quyền Đức ở Berlin cũng như của các giới chức trong các đại sứ quán nước này, trong đó gồm một đại sứ quán ở Rwanda. Các tài liệu chứng tỏ tình báo Anh giám sát chặt chẽ các đường truyền giao tiếp vệ tinh liên quốc gia, ví dụ “Đức – Georgia” và “Đức – Thổ Nhĩ Kỳ”, của một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Trong danh sách theo dõi của GCHQ còn ghi rõ danh tính của phó chủ tịch Ủy ban cạnh tranh của Hội đồng châu Âu (EC) Joaquin Almunia, cũng như các địa chỉ email của thủ tướng Israel và Bộ trưởng Quốc phòng nước này. Trong một báo cáo mật, nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) hết lời ca tụng trạm ăngten của GCHQ nằm ven Đại Tây Dương, cách thủ đô London nước Anh khoảng 300km về phía tây.

Trước đây căn cứ tình báo Cornwall – từng là một bộ phận của mạng lưới tính báo tín hiệu toàn cầu Echelon nổi tiếng – được biết đến với tên gọi “Morwenstow” nhưng ngày nay địa điểm có tên là “GCHQ Bude”. Những tiết lộ về hoạt động gián điệp của GCHQ gây ra những hậu quả chính trị nghiêm trọng do các hoạt động tình báo được coi là nhằm chống lại các quốc gia đối tác trong EU.

Từ Bude cho đến các địa điểm khác của GCHQ cho thấy cơ quan tình báo giám sát có hệ thống các cuộc gọi điện thoại quốc tế giữa các quốc gia với nhau thông qua các kết nối vệ tinh cũng như các giao tiếp email (gọi là “C2C” hay giữa các máy tính với nhau). Ví dụ, danh sách dài của GCHQ có ghi chép về các kết nối liên lạc giữa những nơi như Bỉ và các quốc gia châu Phi.

Phó chủ tịch Ủy ban cạnh tranh của EC, ông Joaquin Almunia.

Đề mục “EU COMM JOAQUIN ALMUNIA” xuất hiện trong một tài liệu phân tích về những đường dẫn giao tiếp giữa Bỉ và châu Phi được chuẩn bị từ tháng 1-2009. Lúc đó, trong cao trào của cuộc khủng hoảng đồng euro, Almunia còn là ủy viên tài chính và kinh tế của EU và tài liệu liên quan đến ông của GCHQ có tên mã là “Broadoak”. Tên của Almunia cũng xuất hiện trong tài liệu thứ hai của GCHQ từ năm 2008, trong đó mô tả đường dẫn giao tiếp giữa Pháp và châu Phi.

Theo tài liệu, Almunia – hay một con số gán cho ông trong cơ sở dữ liệu mục tiêu của GCHQ – gọi đến một số ở quốc gia Tây Phi Bờ biển Ngà vào ngày 30 hay 31-10-2008. Danh sách mục tiêu của GCHQ còn bao gồm các lãnh đạo châu Phi, các thành viên gia đình của họ cũng như các đại sứ và doanh nhân của lục địa này. Thêm vào đó là, đại diện của các tổ chức quốc tế - như Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị Liên Hiệp Quốc (UNIDIR).

Một số lớn đáng kể các sứ mạng ngoại giao Liên Hiệp Quốc ở Geneva, các tổ chức phi chính phủ như Các bác sĩ không biên giới (Doctors of the World), các công ty tư nhân (nhất là trong lĩnh vực viễn thông và ngân hàng), nhà thầu quốc phòng Pháp Thales và tập đoàn năng lượng khổng lồ Total ở Paris cũng nằm trong danh sách mục tiêu của GCHQ.

Các tài liệu mật cho thấy mạng lưới vệ tinh gián điệp của GCHQ giống như sự tiếp nối của hệ thống gián điệp toàn cầu Echelon huyền thoại một thời từng là đối tượng điều tra gắt gao của một ủy ban thuộc Nghị viện châu Âu vào năm 2000. Trong báo cáo kết luận năm 2001 của ủy ban này, giới chính khách EU đưa ra bằng chứng chắc chắn về mạng gián điệp công nghiệp sử dụng Echelon và cũng có sự dính líu của Mỹ.

Nhưng, chỉ vài tuần sau đó, sự kiện tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001 đã nhanh chóng đẩy sự chỉ trích của EU vào bóng tối. Các tài liệu của người tố giác Edward Snowden chứng minh được rằng hệ thống gián điệp kiểu Echelon của nhóm “Five Eyes” (hay Fornsat) – nhóm hợp tác chia sẻ thông tin tình báo giữa 5 quốc gia nói tiếng Anh; bao gồm Mỹ, Canada, New Zealand, Anh và Australia - thực sự còn tồn tại. GCHQ Bude được nêu lên bằng tên mã “Carboy” trong đề mục “Các hoạt động thu thập thông tin quan trọng của Fornsat”.

Một điểm thu thập thông tin khác trong liên minh Five Eyes cũng xuất hiện trong tài liệu của GCHQ là trạm nghe lén Suger Grove của NSA ở Bắc Virginia có tên mã là “Timberline”. Thời gian qua, tờ báo Anh The Guardian tiết lộ câu chuyện NSA đảm nhận số tiền hơn 20 triệu USD dành cho tái phát triển GCHQ Bude.

Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức Harald Range.

Theo một tài liệu mật của GCHQ từ năm 2010, chính quyền Anh luôn cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu của người Mỹ đồng thời thỏa mãn mọi mong muốn tối thiểu của NSA. Ít nhất 4 mục tiêu Israel nằm trong danh sách gián điệp của GCHQ Bude. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức Harald Range cho biết không có bằng chứng cho thấy NSA hay GCHQ giám sát một cách hệ thống sự giao tiếp qua Internet và điện thoại ở Đức.

Trong nhiều trường hợp, tên mã của các chiến dịch xuất hiện gần các con số được lên danh sách trong đó bao gồm chiến dịch của nhiều cơ quan thực thi pháp luật khác nhau của Anh như là Cơ quan chống tội phạm nghiêm trọng có tổ chức (SOCA). Tuy nhiên, vẫn còn điều khó hiểu về các con số được gọi là “nóng” liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, chính trị và ngoại giao. Và, người ta cho rằng các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp được coi là mục tiêu gián điệp của GCHQ.

Một tài liệu đề ngày 27-11-2009 chứa danh sách dài các số điện thoại được cho là liên quan đến các Viện và có thể là các cá nhân Đức. Một chiến dịch ghi trong tài liệu tập trung vào đất nước Congo chìm trong khủng hoảng, bao gồm các thành viên gia đình của tổng thống một quốc gia châu Phi cũng như một số quan chức cao cấp, một giáo sĩ và một cựu phó tổng thống của nước này.

Chân rết gián điệp GCHQ ở Trung Đông

Theo tiết lộ từ tờ Independent, GCHQ điều hành một trung tâm giám sát Internet bí mật ở Trung Đông với mục đích thu thập thông tin điện tử từ một lượng khổng lồ email, các cuộc gọi điện thoại và giao tiếp trên Web. Cũng theo tờ Independent, căn cứ gián điệp Trung Đông của GCHQ – nơi thu thập thông tin từ hệ thống mạng cáp ngầm dưới biển chạy ngang qua khu vực – nằm ở ngôi làng ven biển Seeb phía bắc thủ đô Muscat, Oman. 

Thông tin từ căn cứ gián điệp Trung Đông sau khi được xử lý sẽ được chuyển giao về trụ sở GCHQ ở thị trấn Cheltenham miền Tây nước Anh và chia sẻ với NSA ở bang Maryland (Mỹ). Chính quyền Anh tuyên bố căn cứ Trung Đông là cơ sở quan trọng trong “cuộc chiến chống khủng bố” của phương Tây, cung cấp hệ thống “cảnh báo sớm” về những cuộc tấn công khủng bố có khả năng xảy ra trên toàn thế giới. Trung tâm gián điệp Trung Đông được coi là đặc biệt có giá trị cho Anh và Mỹ bởi vì nó có thể mắc nối với hệ thống mạng cáp ngầm chạy ngang qua khu vực. 

Mọi tín hiệu giao tiếp và dữ liệu  lưu thông qua mạng cáp ngầm đều được sao chép vào hệ thống lưu trữ máy tính khổng lồ để sau đó sàng lọc dữ liệu. Thông tin về trung tâm gián điệp Trung Đông chứa đựng trong 50.000 tài liệu GCHQ mà người tố giác Edward Snowden gom góp được trong năm 2012, trong đó nhiều tài liệu có nguồn gốc từ trang thông tin nội bộ theo kiểu Wikipedia gọi là GC-Wiki. 

Nhưng không giống như trang Wikipedia phổ biến công khai, wiki của GCHQ nói chung chứa những tài liệu từ Tuyệt Mật trở lên. Chiến dịch thu thập thông tin tình báo là một phần trong dự án Internet trị giá 1 tỷ bảng Anh với mục đích chặn bắt các tín hiệu giao tiếp điện tử toàn cầu, như là email và thông điệp văn bản, thông qua các đĩa vệ tinh và mắc nối với hệ thống mạng cáp sợi quang ngầm dưới biển.

Công ty viễn thông Vodafone của Anh.

Sự mắc nối hệ thống mạng cáp ngầm Trung Đông được coi là vô cùng quan trọng đối với các cơ quan tình báo Anh và Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ. Từ đó, NSA và Bộ Quốc phòng Mỹ ở Washington cố gắng thúc đẩy sự hợp tác chia sẻ dữ liệu rộng lớn hơn giữa tình báo Anh và Mỹ. 

Trung tâm gián điệp Trung Đông được thành lập dưới sự phê chuẩn của Ngoại trưởng Anh lúc đó là David Miliband, cho phép GCHQ giám sát và lưu trữ dữ liệu về “những toan tính chính trị của các quyền lực nước ngoài”, khủng bố, sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, lực lượng lính đánh thuê và các công ty an ninh tư nhân cũng như sự gian lận tài chính. 

Tuy nhiên, giấy phép hoạt động của GCHQ phải được xét cấp lại sau mỗi 6 tháng và có thể thay đổi tùy theo ý của các bộ trưởng Anh. Trung tâm gián điệp điện tử Trung Đông của GCHQ nằm trong chương trình có tên mã “CIRCUIT” và cũng được đặt tên là Trung tâm 1 Xử lý Hải ngoại (OPC-1). 

Trung tâm nằm ở ngôi làng ven biển Seeb phía bắc của Oman, nơi mắc nối với hệ thống mạng cáp sợi quang ngầm dưới biển chạy từ eo biển Hormuz (giữa Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất – UAE – và Iran) đến Vịnh Persian ở trung tâm khu vực Trung Đông. Ngoài Seeb, các căn cứ gián điệp khác của GCHQ đặt tại các vị trí có tên mã là “TIMPANI”, “GUITAR” và “CLARINET”. 

Căn cứ “TIMPANI”, gần eo biển Hormuz, giám sát các cuộc giao tiếp của người Iraq. Còn “CLARINET”, ở miền nam Oman, là vị trí chiến lược giám sát Yemen. Vị trí của căn cứ “GUITAR” không được tiết lộ. Các căn cứ gián điệp khai thác xương sống mạng cáp ngầm được xếp vào mức độ Tuyệt Mật và dán nhãn “Strap 3”.

Các công ty viễn thông Anh BT Group (được giới chức GCHQ và NSA đặt tên mã là “REMEDY”) và Vodafone Cable là hai tổ chức hàng đầu nằm trong bảng lương của GCHQ và một tổ chức tình báo khác ít được biết đến của Anh là Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật Quốc gia (NTAC), Các công ty hợp tác với GCHQ mang các tên mã như “REMEDY”, “GERONTIC”, “STREETCAR” hay “PINNAGE” được dán nhãn tuyệt mật “Strap 2”.  

Hai nhà báo David Miranda (trái) và Glenn Greenwald.

Theo các tài liệu được người tố giác Edward Snowden tiết lộ cho các nhà báo (bao gồm David Miranda của Brazil và Glenn Greenwald của tờ Guardian), hàng năm GCHQ chi trả cho các công ty viễn thông chọn lọc hàng chục triệu bảng Anh để điều hành các đội bí mật của họ được thành lập bên trong cơ quan tình báo.

Mỗi một đội bí mật của các công ty được gọi là “Đội quan hệ nhạy cảm” hay SRT, có nhiệm vụ thiết lập các kết nối bí mật đến thiết bị của các công ty khác nhằm thu thập dữ liệu khách hàng để chuyển giao cho các trung tâm xử lý của GCHQ.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.