Vai trò âm thầm của quân đội Mỹ tại nước ngoài

Thứ Bảy, 07/05/2016, 18:05
Các tay súng vũ trang lái xe dọc một con đường hẹp trên sa mạc ở miền trung Tunisia mà không biết là đang lao thẳng vào một ổ phục kích. Khi lực lượng tinh nhuệ của Tunisia nấp sau những quả đồi quanh đó nổ súng, một số phiến quân tìm cách chạy trốn. Nhưng cả 9 nghi can, trong đó có tên phiến quân lão luyện Khaled Chaib, đều bị tiêu diệt.


Chống lưng cho lực lượng nước ngoài

Chiến dịch trên diễn ra vào tháng 3/2015, là một chiến thắng quan trọng với nền dân chủ mong manh ở Tunisia - nơi mà chính phủ đang chật vật thực hiện cam kết sau cuộc cách mạng năm 2011. Thủ tướng Tunisia Habid Essid coi cuộc đột kích của lực lượng Vệ binh Quốc gia Tunisia là thành công hoàn hảo, cho thấy năng lực chống khủng bố ngày càng tăng. Một tờ báo còn giật tít: "Đất nước đã được cứu khỏi một thảm họa".

Tuy nhiên, những gì mà giới lãnh đạo Tunisia không tiết lộ là vai trò quan trọng của lực lượng Chiến dịch Đặc biệt Mỹ trong hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện cuộc đột kích nói trên.

Một binh sĩ lực lượng đặc nhiệm Mỹ huấn luyện quân địa phương.

Theo giới chức Mỹ và Tunisia, Mỹ đã lần ra dấu của tên Chaib, một người Algeria, để từ đó binh sĩ Tunisia xác định được vị trí của hắn trên sa mạc. Một nhóm lực lượng Mỹ gồm lính biệt kích Chiến dịch Đặc biệt dưới sự hỗ trợ của các đặc vụ Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã hỗ trợ lực lượng Tunisia tập dượt vụ đột kích. Trong khi cuộc đột kích diễn ra, một máy bay giám sát của Mỹ bay phía trên và một nhóm cố vấn nhỏ của Mỹ đứng quan sát từ một vị trí ở phía trước.

Ở Tunisia, giới chức nước này đang buộc phải đối phó với mối đe dọa an ninh ngày càng tăng sau cuộc chính biến năm 2011. Cơ quan an ninh Tunisia đã chật vật kiềm chế phong trào cực đoan hóa ngày càng tràn lan. Hỗn loạn ở nước Libya láng giềng cũng khiến các nhóm phiến quân ngày càng lớn mạnh. Ông Haim Malka, thành viên cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington nhận định: "Có quá nhiều loại mối đe dọa khác nhau ở Tunissia vốn có nguồn lực hạn chế không thể giải quyết được. Họ bị quá tải".

Vào ngày 18/3/2015, một nhóm tay súng nhỏ đã ập vào tấn công bảo tàng quốc gia nổi tiếng Bardo ở Tunis. Kết thúc vụ tấn công, 20 người, phần lớn là du khách phương Tây, đã thiệt mạng. Đổ máu tại một bảo tàng quốc gia được yêu thích là một đòn choáng váng đối với ngành du lịch Tunisia. Mặc dù nhóm IS nhận trách nhiệm vụ tấn công nhưng chính phủ Tunisia cho rằng nhóm Okba Ibn Nafaa của tên Chaib mới là thủ phạm.

Sau năm 2011, lãnh đạo dân chủ mới ở Tunisia nhận thấy mình cần hỗ trợ. Giới chức Tunisia đã đề nghị đồng minh, trong đó có Mỹ và Đức, hỗ trợ thắt chặt biên giới với Libya. Khoảng 100 binh sĩ Mỹ ở Tunisia thời điểm đó đã hỗ trợ lực lượng vệ binh quốc gia và đặc nhiệm Tunisia. Mỹ đã điều máy bay giám sát ScanEagle tới Tunisia. Tunisia cũng đang chờ lô hàng là trực thăng Black Hawk của Mỹ.

Trong một bài phỏng vấn gần đây ở Tunis, Tổng thống Beji Caid Essebsi cho biết sự hỗ trợ của Mỹ là quý giá nhưng cần nhiều hơn thế. Tuy nhiên, người dân Tunisia không thích sự can thiệp của nước ngoài. Do đó, giới chức nước này đã không đề cập tới sự can dự quân sự của Mỹ.

Còn tại Philippines, binh sĩ Mỹ cũng tham gia hỗ trợ lực lượng địa phương lên phương án chống nhóm Abu Sayyaf và các nhóm phiến quân khác. Mỹ đã tìm cách huấn luyện cho một loạt đơn vị Philippines. Sứ mệnh này kết thúc năm 2014.

Hiệu quả ngắn hạn

Chiến dịch đột kích ở Tunisia nói trên cho thấy vai trò quan trọng nhưng ít biết của lực lượng Chiến dịch Đặc biệt Mỹ trong hỗ trợ các lực lượng nước ngoài lên kế hoạch và thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm nhằm vào các phiến quân. Trong những năm gần đây, lực lượng Mỹ đã thực hiện nhiều hoạt động từ cố vấn chiến đấu, tháp tùng cho tới hỗ trợ ở một loạt quốc gia như Uganda, Mauritania, Kenya, Colombia, Philippines và Tunisia.

Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ hướng tới phương án tham chiến gián tiếp.

Các hoạt động này ngày càng quan trọng trong bối cảnh chính quyền Mỹ đã giảm quy mô binh sĩ Mỹ tham gia chiến đấu trực tiếp ở nước ngoài mà thay vào đó trao quyền cho các lực lượng địa phương. Tuy nhiên, những chiến dịch kiểu này dù ít mạo hiểm với người Mỹ nhưng hầu như không mấy thay đổi được bức tranh an ninh toàn cảnh ở các nước đang chìm sâu trong hỗn loạn về kinh tế, chính trị. Đây là cách tiếp cận mà một số nhà phân tích nói rằng có thể tạo ra một cảm giác an ninh giả tạo cho các lực lượng đối tác và bản thân Mỹ.

Phần lớn các chiến dịch hỗ trợ kiểu này diễn ra ở châu Phi. Đây là nơi mà các nhóm phiến quân ngày càng nhiều và thường liên kết với các nhóm khủng bố lớn như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo. Chúng có lực lượng áp đảo quân đội sở tại vốn vừa thiếu trang thiết bị vừa yếu năng lực.

Linda Robinson, một học giả thuộc tổ chức Rand Corp chuyên quan sát các hoạt động của Chiến dịch Đặc biệt Mỹ, nhận định: "Vẫn còn có hiểu lầm rằng chúng ta chỉ có một phương thức là chiến đấu, một phương thức khác là tập huấn".

Trong thực tế, giữa hai phương thức đó còn có cả một chuỗi hoạt động liên quan tới hỗ trợ và cố vấn chiến dịch. Trong vai trò đó, lực lượng Mỹ đã giúp các đối tác vạch ra các chiến dịch mạo hiểm dưới sự hỗ trợ của tình báo và trang thiết bị Mỹ, như máy bay do thám và các hệ thống tình báo tân tiến khác. Máy bay Mỹ đưa các lực lượng nước ngoài tới địa điểm chiến dịch hoặc được sử dụng để di chuyển người thương vong.

Trong một số trường hợp, binh sĩ Mỹ có quyền hành động như cố vấn chiến trường, tháp tùng các lực lượng nước ngoài ra chiến trường và dừng lại ở tiền tuyến. Các chiến dịch kiểu này khác so với các sứ mệnh hành động trực tiếp mà Mỹ thực hiện, ví dụ như vụ đột kích vào nơi trú ẩn của Osama bin Laden năm 2011 hay vụ đột kích năm 2014 để giải cứu con tin Mỹ ở Syria.

Trong các chiến dịch đó, Mỹ đã mạo hiểm sinh mạng của binh sĩ để bắt giữ, tiêu diệt một nhân vật quan trọng hoặc giải cứu con tin. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cũng chỉ thị các chỉ huy quân sự tìm cơ hội để Mỹ tham gia gián tiếp.

Ông William F. Wechsler, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc giám sát các hoạt động của Chiến dịch Đặc biệt tới năm 2015, cho biết: Việc chuẩn bị cho lực lượng nước ngoài thực hiện các vụ tấn công thay vì Mỹ trực tiếp làm phải đảm bảo sự cân bằng giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Theo ông Wechsler, lực lượng Mỹ ra tay trực tiếp thì lúc nào cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu muốn thực hiện một sứ mệnh dài hơi hơn thì lực lượng Mỹ phải chấp nhận lùi về phía sau để hỗ trợ lực lượng sở tại thực hiện.

Quan hệ đối tác đó thường ít mạo hiểm hơn, chi phí thấp hơn là các chương trình rầm rộ mà cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng thực hiện để xây dựng lại quân đội Iraq và Afghanistan. Các chương trình tốn kém đó khiến Lầu Năm Góc bị nghi ngờ về năng lực trong cải tổ lực lượng nước ngoài. Ở Afghanistan, binh sĩ sở tại có nhiều điểm yếu khiến Mỹ phải trì hoãn kế hoạch rút quân. Ở Iraq, chính những binh sĩ được Mỹ huấn luyện trong chương trình trị giá hơn 20 tỷ USD đã sụp đổ trước các tay súng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) năm 2014.

Giới chức quân sự cho biết các chương trình hỗ trợ chiến dịch ở nước ngoài ngày càng nhiều là do Mỹ đã rút kinh nghiệm từ những hoạt động ở những nơi như Mali. Tại đây, binh sĩ Chiến dịch Đặc biệt Mỹ đã huấn luyện, tập trận cùng lực lượng địa phương từ năm 2005 đến 2009. Sau khi diễn tập tập huấn, giới chức Mỹ tỏ ra thất vọng khi thấy binh sĩ Mali vấp ngã trên chiến trường.

Một quan chức quốc phòng nói: "Một trong những bài học đó là chúng ta sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta ở lại với họ. Nếu chúng ta tìm cách tập hợp những người có kiến thức khá sơ đẳng để dạy họ một vài kỹ năng tân tiến thì chúng ta sẽ đẩy họ xuống đáy hồ".

Theo giới chức Lầu Năm Góc, sứ mệnh Mỹ đang thực hiện ở Somalia là một minh chứng thành công về kiểu hoạt động hỗ trợ này. Tại đây, lực lượng Chiến dịch Đặc biệt đang cố vấn cho binh sĩ Phái đoàn Liên minh châu Phi ở Somalia (AMISOM). Mặc dù Mỹ đã từng huấn luyện binh sĩ AMISOM ở từng nước sở tại nhưng giới chức Mỹ nhận ra rằng các lực lượng này cần thêm hỗ trợ khi đối mặt với nhóm phiến quân al-Shabab. Binh sĩ Mỹ hiện hỗ trợ lực lượng đồng minh ở Somalia lên kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ. Họ giúp giám sát trên không, không kích chống phiến quân.

Tuy nhiên, ngay cả những sứ mệnh mà binh sĩ không phải tham chiến trực tiếp cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro chết người. Sứ mệnh Mỹ nối lại ở Iraq đã khiến một binh sĩ đầu tiên thiệt mạng năm 2015. Đó là một binh sĩ thuộc Lực lượng Delta, người này chết khi thực hiện nhiệm vụ tháp tùng các tay súng người Kurd.

Mặc dù Mỹ có thể mài giũa kỹ năng của lực lượng chống khủng bố ở nước ngoài nhưng hiệu quả rộng hơn của hoạt động hỗ trợ đôi lúc là khiêm tốn vì họ chỉ tập trung vào các đơn vị nhỏ. Ví như ở Yemen, Mỹ đã phải dừng một sứ mệnh cố vấn chiến đấu kéo dài suốt thời gian qua vào cuối năm 2014. Sau khi binh sĩ Chiến dịch Đặc biệt Mỹ đột ngột rời đi vài tháng sau đó, năng lực đối phó với al-Qaeda ở bán đảo Arab bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Quá trình huấn luyện của Mỹ với binh sĩ Yemen có thể tăng cường năng lực chiến thuật cho lực lượng này trong một thời gian nhưng lại không thể định hình được việc tổ chức an ninh trên diện rộng và không thể hình thành một môi trường chính trị phù hợp cho họ hoạt động.

Do không có thay đổi đáng kể về giới lãnh đạo quân sự, hệ thống cấp trang thiết bị và trả lương cho binh sĩ vẫn như vậy, nỗ lực chống tham nhũng không tiến triển, nên hiệu quả sự hỗ trợ của Mỹ nhanh chóng tan thành mây khói.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.