Ấn Độ: Thành phố hạt nhân tuyệt mật

Thứ Sáu, 08/01/2016, 09:00
New Delhi chưa bao giờ công bố chi tiết về kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ kể từ khi nước này phát triển chương trình hạt nhân lần đầu tiên vào năm 1974, cũng như hiện nay ít người biết đến những gì đang diễn ra âm thầm ở thành phố Challakere - địa điểm được cho là sản xuất bom nhiệt hạch.


Trong nỗ lực điều tra bí ẩn bên trong thành phố hạt nhân tuyệt mật Challakere của Ấn Độ, Trung tâm Minh Bạch Công (CPI) có trụ sở tại Washington DC. (Mỹ) đã tiến hành những cuộc phỏng vấn quy mô đối với nhiều người - bao gồm cư dân địa phương, các nhà khoa học và giới chức quân đội Ấn Độ có liên quan đến chương trình hạt nhân nước này cũng như giới chuyên gia và nhà phân tích tình báo nước ngoài.

Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Bhabha (BARC) ở Trombay, gần Mumbai.

Kế hoạch mở rộng chương trình bom nhiệt hạch (còn gọi là bom khinh khí, bom H hay bom Hydro) của Ấn Độ sẽ đưa quốc gia này vào danh sách các nước sở hữu kho vũ khí có sức hủy diệt ghê gớm này, bao gồm: Mỹ, Anh, Nga, Israel, Pháp và Trung Quốc. Người phát ngôn cho 2 tổ chức  liên quan đến dự án xây dựng thành phố hạt nhân Challakere - Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) và Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Bhabha (BARC) đóng vai trò hàng đầu trong thiết kế vũ khí hạt nhân của Ấn Độ - từ chối trả lời phỏng vấn của tổ chức CPI.

Bí mật thành phố hạt nhân Challakere

Theo đánh giá từ Viện Quốc tế Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), Ấn Độ sở hữu khoảng 90 đến 110 vũ khí hạt nhân, so với Pakistan là khoảng 120. Trung Quốc xấp xỉ 260 đầu đạn hạt nhân và quốc gia này thử nghiệm thành công quả bom nhiệt hạch vào năm 1967. Thời gian qua, phương Tây phát hiện một địa điểm hạt nhân thứ 2 của Ấn Độ núp dưới tên gọi: Nhà máy Vật liệu Hiếm, nằm gần thành phố Mysore, bang Karnataka, miền Nam nước này. Nhà máy xử lý uranium từ khu mỏ ở làng Jadugoda, miền Bắc Ấn Độ và  lấy nước từ đập Krishna Raja.

Hình ảnh vệ tinh về nhà máy Mysore.

Theo các chuyên gia phân tích phương Tây, nhà máy ở Mysore được coi là môi trường thử nghiệm công nghệ mở đường cho dự án bom nhiệt hạch đầy tham vọng của New Delhi ở Challakere. Bộ trưởng Môi trường, Rừng và Thay đổi khí hậu Ấn Độ phê chuẩn xây dựng nhà máy này vào tháng 10-2012, đánh giá đây là "dự án có tầm quan trọng chiến lược" trị giá gần 100 triệu USD - theo thông tin mà CPI có được từ bức thư đóng dấu "tuyệt mật" từ cơ quan này gửi đến giới chức chương trình hạt nhân Ấn Độ trong cùng năm.

Một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ nhận định nỗ lực tìm kiếm thông tin chính thức về quy mô và mục tiêu của 2 dự án hạt nhân trên là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, Gary Samore - Điều phối viên kiểm soát vũ khí và vũ khí hủy diệt hàng loạt của Nhà Trắng từ năm 2009 đến 2013 - khẳng định những gì mà Washington biết được cũng khá chính xác: "Tôi tin chắc tham vọng xây dựng vũ khí nhiệt hạch của Ấn Độ là một phần trong nỗ lực răn đe mang tính chiến lược chống lại Trung Quốc". Đối với một cựu quan chức Anh từng phụ trách các vấn đề về hạt nhân cho biết, cộng đồng chuyên gia phân tích tình báo Mỹ và phương Tây "đang hết sức lo ngại" về quyết tâm theo đuổi chương trình vũ khí nhiệt hạch của New Delhi và họ "đang tích cực giám sát" cả 2 địa điểm Challakere và Mysore.

Chuyên gia vũ khí Mỹ Robert Kelly.

Sau khi phân tích những hình ảnh vệ tinh cũng như nghiên cứu về cả 2 địa điểm này, cựu chuyên gia vũ khí Mỹ Robert Kelly xác nhận với CPI rằng Ấn Độ thực sự đang cố theo đuổi giấc mộng xây dựng kho vũ khí nhiệt hạch tầm cỡ, và ông cảnh báo tham vọng của New Delhi "có nguy cơ không tránh khỏi dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân" tại khu vực Nam Á cực kỳ bất ổn. Cũng giống như người dân ở Challakere, một số thành viên quan trọng của Quốc hội Ấn Độ tuyên bố họ chỉ biết chút ít về dự án Challakere.

Một nhà lập pháp giấu tên, người từng 2 lần là thành viên nội các, tiết lộ ông cùng với các đồng nghiệp hiếm khi được báo cáo về những vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của đất nước và "những gì mà chúng tôi biết được là từ báo chí phương Tây!". Theo một số giới chức chính quyền về hưu của Ấn Độ và các chuyên gia độc lập ở London và Washington, tham vọng của New Delhi là xây dựng kho nhiên liệu uranium làm giàu rộng lớn hơn để sản xuất bom nhiệt hạch. Trong khi đó, hai láng giềng gần gũi của Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan coi động thái của New Delhi là sự thách thức thúc đẩy họ càng tăng cường hỏa lực hạt nhân mạnh hơn nữa.

Sau khi hoàn thành xây dựng vào năm 2017, thành phố hạt nhân Challakere sẽ là khu phức hợp nằm dưới sự điều hành của quân đội lớn nhất ở tiểu lục địa; bao gồm hàng loạt thiết bị ly tâm, phòng thí nghiệm nguyên tử và các cơ sở thử nghiệm vũ khí cũng như máy bay chiến đấu. Tham vọng của dự án Challakere là mở rộng chương trình nghiên cứu hạt nhân, sản xuất nhiên liệu cho mạng lưới lò phản ứng hạt nhân và cung cấp năng lượng cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân mới của Ấn Độ.

Tuy nhiên, phương Tây biết rõ Ấn Độ còn rất yếu kém trong công tác dự trữ, vận chuyển cũng như bảo vệ vũ khí hạt nhân và chất liệu phóng xạ. Tháng 1-2014, sau khi nghiên cứu quy trình bảo vệ an ninh hạt nhân tại 25 quốc gia, tổ chức Sáng kiến đe dọa hạt nhân (NTI) trụ sở tại Washington xếp vị trí cho công tác bảo đảm an ninh hạt nhân của Ấn Độ vào hàng thứ 25 - tức chỉ nằm trên Iran và CHDCND Triều Tiên! Một chuyên gia phân tích của NTI nói với CPI rằng điểm số an ninh dành cho Ấn Độ rất thấp một phần do trình độ yếu kém của nước này trong các vấn đề an ninh và điều tiết hạt nhân. Ngoài ra là nạn tham nhũng lan tràn ở Ấn Độ cùng với tình hình mất an ninh trong khu vực - với sự nổi lên của các mặt trận thánh chiến Hồi giáo ở Ấn Độ cũng như một số quốc gia láng giềng như Bangladesh, Pakistan và Afghanistan.

Từ những thiết bị ly tâm đến tham vọng tàu ngầm hạt nhân

Bà Serena Kelleher-Vergantini, chuyên gia phân tích của tổ chức phi lợi nhuận thuộc Viện Khoa học và An ninh Quốc tế trụ sở tại Washington, cố gắng tìm kiếm những hình ảnh vệ tinh vào mùa hè năm 2014. Cuối cùng, Serena tập trung vào khu xây dựng nằm trên các đồng cỏ rộng lớn ở Challakere.

Tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos với công nghệ tàng hình của Ấn Độ.

Cùng lúc đó, tờ Jane's Intelligence Review của London cũng ủy thác cho Robert Kelley, chuyên gia vũ khí Mỹ từng làm việc cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), phân tích những hình ảnh về nhà máy Mysore. Những gì khiến cho cả hai phải kinh ngạc là quy mô khủng khiếp cũng như tham vọng của dự án và bầu không khí bí mật bao trùm tại hai nơi này. Khu công viên hạt nhân quân sự ở khu đồng cỏ của Challakere chiếm diện tích hơn 50.000 km2!

Sau khi phân tích các hình ảnh và tiến hành phỏng vấn một số giới chức nguyên tử ở Ấn Độ, Kelleher-Vergantini kết luận rằng, thành phố hạt nhân Challakere với nhiều cơ sở làm giàu uranium cho phép Ấn Độ sản xuất uranium với quy mô công nghiệp từ 1.050 thiết bị ly tâm thế hệ mới cùng với 700 máy cũ!

Trong lúc đó, khi xem xét hình ảnh chụp địa điểm Mysore, Kelley phát hiện 2 tòa nhà cao ngất và rộng lớn đủ sức chứa các thiết bị ly tâm sợi carbon thế hệ mới làm giàu uranium nhanh hơn bất cứ phiên bản nào đang tồn tại. Với khả năng như thế, Ấn Độ có thể sản xuất đến 183kg uranium. Trong khi một quả bom nhiệt hạch với sức nổ vượt quá 100.000 tấn TNT chỉ cần từ 4-7kg uranium làm giàu - theo tiết lộ từ các chuyên gia hạt nhân quốc tế. Theo như các nhà khoa học hạt nhân và sĩ quan quân đội về hưu của Ấn Độ, hạm đội tàu ngầm hạt nhân đang phát triển của nước này sẽ hưởng lợi trước tiên từ uranium làm giàu được sản xuất theo quy trình mới này.

Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant.

Hiện nay, Ấn Độ chỉ có tàu ngầm hạt nhân đầu tiên tự chế tạo là INS Arihant, được xây dựng dưới sự giám sát của Văn phòng thủ tướng. Với lò phản ứng hạt nhân 80 megawatt do BARC thiết kế, tàu ngầm này bắt đầu hoạt động vào tháng 8-2013 và sẽ chính thức biên chế cho quân đội Ấn Độ vào năm 2016.

Chiếc thứ hai, INS Aridhaman, đang trong tiến trình xây dựng. Mỗi chiếc đều mang theo 12 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Tàu chiến INS Arihant giúp Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ các quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp. Chính quyền Delhi khẩn trương cho xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân sau khi tàu ngầm Trung Quốc băng qua vịnh Bengal đến Sri Lanka hồi tháng 9 và tháng 10-2014. Khi được hỏi về số lượng uranium dư thừa được dùng vào việc gì, một sĩ quan  ở DRDO nói rằng phần lớn được sử dụng cho các lò phản ứng hạt nhân dân sự và cho "các chương trình khoa học và y khoa vô hại".

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.