Cuộc vượt ngục lớn nhất lịch sử nước Anh

Thứ Hai, 20/02/2023, 09:20

2 giờ 30 chiều ngày 25/9/1983, 38 tù nhân thuộc Đạo quân Cộng hòa Ái Nhĩ Lan (Ireland Republic Army - IRA) đã tổ chức thành công cuộc vượt thoát khỏi một nhà tù nằm cách thủ đô Belfast, Bắc Ái Nhĩ Lan 16km, nơi được xem là an ninh nhất nước Anh, Và mặc dù một nửa tù nhân đã bị bắt lại không lâu sau đó nhưng nó vẫn là cuộc vượt ngục lớn nhất trong lịch sử xứ sở sương mù…

Bối cảnh của cuộc vượt ngục

Ra đời năm 1919 với mục đích chống lại sự cai trị của người Anh vốn theo đạo Tin Lành, Đạo quân Cộng hòa Ái Nhĩ Lan (Ireland Republic Army, viết tắt là IRA) gồm đa số người theo Thiên Chúa giáo chia thành hai nhánh, chính trị và vũ trang nhưng mãi đến năm 1972, bạo lực mới bắt đầu nổ ra khi nhánh chính trị do Sinn Fein lãnh đạo chủ trương giành lại độc lập bằng các biện pháp ôn hòa, còn nhánh vũ trang do Sean Mac Stiofain cầm đầu lại muốn dùng vũ lực đuổi người Anh ra khỏi Bắc Ái Nhĩ Lan.

Được gọi là “ngày Chủ nhật đẫm máu”, sáng 30/1/1972, một nhóm tín đồ Thiên Chúa giáo tổ chức biểu tình ôn hòa ở Derry, Bắc Ái Nhĩ Lan để đòi quyền công dân nhưng đã bị lính dù Anh đàn áp. Hậu quả là 13 người biểu tình bị giết, 15 người khác bị thương. Trong một báo cáo được ngụy tạo sau đó, lính dù Anh đã gọi người biểu tình là “những kẻ vũ trang bằng súng ngắn và bom”. Nó đã gây ra một làn sống phẫn nộ trong cộng đồng dân cư Bắc Ái Nhĩ Lan và sau vụ tàn sát ấy, hàng nghìn người tình nguyện gia nhập nhánh vũ trang của IRA.

Cuộc vượt ngục lớn nhất lịch sử nước Anh -0
Toàn cảnh nhà tù Mê Cung.

Từ đó, những vụ tấn công, ám sát, đánh bom được IRA khởi động, kéo dài đến tháng 7/2005, khi IRA chính thức tuyên bố chấm dứt chiến dịch vũ trang suốt 36 năm của mình, để lại hậu quả 3.600 người thiệt mạng và hơn 30.000 người bị thương. Đỉnh điểm cuộc chiến giữa IRA và quân đội Anh xảy ra từ những năm 1970 đến 1980.

Trong thời gian này, Chính phủ Anh đã bắt giữ hàng trăm tay súng IRA rồi giam họ tại một nhà tù khét tiếng, gọi là “Prison Maze - Nhà tù Mê cung”.  Nó nằm trong một căn cứ cũ của Không lực Hoàng gia Anh, cách thủ đô Belfast của Bắc Ái Nhĩ Lan khoảng 16km về phía bắc. Được thiết kế theo hình chữ H, “Mê cung” là “nhà tù an ninh nhất nước Anh” bởi đa số tù nhân đều là thành viên IRA. Chính phủ Anh không xem họ là tù nhân chính trị mà là khủng bố.

Handy, một tù nhân kể lại: “Để phản đối việc đánh tráo khái niệm của người Anh, tù nhân IRA không mặc quần áo tù mà quấn chăn (mền). Mỗi sáng thứ Hai, khi loa phóng thanh của nhà tù phát bài quốc ca Anh, tù nhân đồng loạt reo hò hoặc đập ầm ầm vào song sắt”. Cao trào của những cuộc phản đối là năm 1981, toàn bộ tù nhân IRA tuyệt thực, dẫn đến cái chết của 10 người, trong đó có Bobby Sands, thủ lĩnh của IRA trong “Mê cung”.

Mùa hè năm 1983, các nhà lãnh đạo của IRA trong “Mê cung” bắt đầu tính chuyện vượt ngục. Lợi dụng những lúc được cho ra sân phơi nắng và qua cung cấp thông tin của những tù nhân làm việc vặt cho lính canh, nhóm chủ mưu vượt ngục biết rằng bao quanh nhà tù là một hàng rào cao 4,6m còn mỗi khu nhà giam trong cấu trúc hình chữ H là bức tường bê tông cao 5,5m có giây thép gai trên đỉnh. Chưa hết, tất cả các cánh cửa nối thông giữa khu này và khu kia đều bằng thép, đóng mở bằng điện. Nếu may mắn thoát ra, họ còn phải đối mặt với 120 lính canh vũ trang đến tận răng.

Dựa trên những thông tin này, Paul Kane và Dermot Finucane, hai kẻ chủ mưu trong vụ vượt ngục bắt đầu lên kế hoạch. Từ đó đến cuối tháng 8, lợi dụng những cuộc thăm viếng, thân nhân của những người tù đã đưa trót lọt vào nhà giam 6 khẩu súng ngắn loại Browning 1954 Baby cỡ nòng 6,35mm và 30 viên đạn bằng cách tháo rời ra từng mảnh, dấu trong những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như ống kem đánh răng, bánh sinh nhật, lọ bơ đậu phộng và thậm chí báng súng còn được nhét vào một cái lỗ khoét giữa cuốn từ điển Oxford nhưng lính canh lại không hề phát hiện!

Đào thoát

14 giờ 30 chiều ngày 25/9/1983, 6 tù nhân với 3 khẩu súng đã giành quyền kiểm soát khu H7 bằng cách uy hiếp rồi bắt giữ 9 sĩ quan quản giáo làm con tin để ngăn họ kích hoạt hệ thống báo động.Trong quá trình bắt giữ, một sĩ quan bị đâm bằngdao và một sĩ quan khác bị hạ gục bởi một cú đánh vào đầu.Viên sĩ quan thứ ba lao vào tù nhân Gerry Kelly với ý định cướp súng nhưng Kelly nhanh tay hơn, bắn vào đầu sĩ quan này.

20 phút sau cuộc bạo động, các tù nhân trong khu H7 khống chế thêm 12 sĩ quan và lính canh. Họ thay quần áo tù bằng đồng phục sĩ quan rồi buộc một sĩ quan phải giao chìa khóa của chiếc Land Rover cho họ. Đến 15 giờ 25, một xe tải chở thực phẩm cho nhà tù xuất hiện. Do không biết về tình hình đang diễn ra nên lính gác đã mở cổng. Khi xe vừa đi ngang khu H7, hai tù nhân là Brendan và McFarlane xông ra, dùng súng khống chế tài xế và phụ xe rồi đưa họ vào trong. Tiếp theo, thay vì lấy chiếc Land Rover chỉ chở tối đa được 9 người, nhóm vượt ngục ép buộc tài xế, phụ xe phải đưa cả nhóm 38 người ra khỏi nhà tù. Sau này tài xế lái xe thực phẩm kể lại: “Một trong những kẻ vượt ngục chĩa súng vào tôi rồi chỉ cho tôi thấy một tù nhân khác. Anh ta nói người ấy đã bị kết án 30 năm và hắn sẽ bắn tôi không do dự nếu tôi không làm theo lời hắn”.

15 giờ 50 phút, nhóm vượt ngục lên xe tải sau khi bắt theo một sĩ quan quản giáo làm con tin. Trong buồng lái,  Gerry Kelly nằm dưới sàn xe, chĩa súng vào tài xế. 16 giờ, xe đến trước cổng chính. 10 tù nhân mặc quần áo sĩ quan và lính canh bước xuống rồi đồng loạt khống chế lính gác cổng nhưng một người trong số họ đã kịp nhấn chuông báo động.

Lập tức, một sĩ quan trực ở Phòng điều hành trung tâm gọi vào mạng liên lạc nội bộ, hỏi xem có chuyện gì. Dưới họng súng của các tù nhân, sĩ quan trưởng nhóm trực cổng phải trả lời rằng “do vô tình kích hoạt”. Trong bối cảnh căng thẳng ấy, sĩ quan James Ferris lao ra khỏi cổng, chạy ngược về phía trong nhà tù nơi có lối đi dành cho người đi bộ với nỗ lực thông báo vụ vượt ngục nhưng đã bị tù nhân Dermot Finucane lao theo, đâm nhiều nhát. Sự việc được nhìn thấy bởi một người lính trên tháp canh khiến anh ta hiểu lầm nên đã điện báo cho Phòng điều hành: “Các sĩ quan quản giáo đánh nhau”. Thế nên khi Phòng điều hành gọi cho Bộ phận kiểm soát những tình huống khẩn cấp thì được trả lời rằng “mọi sự đều ổn, hệ thống báo động vô tình bị kích hoạt bởi hai sĩ quan xích mích với nhau”.

Cuộc vượt ngục lớn nhất lịch sử nước Anh -0
Những thành viên chủ chốt của cuộc vượt ngục.

4 giờ 12 phút chiều, tất cả tù nhân dồn lên chiếc xe chở thực phẩm nhưng khi ra đến cổng, họ thấy chiếc Land Rover của nhà tù nằm nằm chắn ngang đường. Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì một sĩ quan khi lái xe ra cổng, đã dừng lại để đi… vệ sinh! Tuy nhiên nhóm tù nhân vượt ngục do không biết chi tiết này nên một số đã nhảy xuống, lấy chiếc Land Rover khi ấy vẫn đang nổ máy. Vì thế, vụ vượt ngục bị phát hiện và toàn bộ trại giam được đặt trong tình trạng báo động đỏ.

Khi tiếng còi báo động ở 4 góc “Mê cung” hú lên chát chúa, hai tù nhân trên chiếc Land Rover bỏ xe, chạy bộ ra cổng nhưng cả hai đều bị đội tuần tra ở vòng ngoài trại giam  bắt được. Những tù nhân còn lại vừa nổ súng vào tháp canh, vừa chạy tán loạn vì theo kế hoạch, khi cuộc vượt ngục diễn ra, 100 thành viên IRA có vũ trang ở bên ngoài sẽ hỗ trợ cho nhóm vượt ngục nhưng do tính toán sai lầm về thời gian nên khi nhóm tù nhân thoát khỏi hàng rào trại giam, họ không hề thấy một người nào đón họ. Vì vậy họ chỉ còn một cách duy nhất là mạnh ai nấy chạy!

4 giờ 18 phút chiều, trật tự trong “Mê cung” được tái lập rồi đến 4 giờ 25 tất cả mọi ngả đường ở Bắc Ái Nhĩ Lan đều bị phong tỏa. Quân đội Anh bắt được một tù nhân khi người này đang lẩn trốn trong một cánh đồng, 36 người trốn thoát. Về phía lực lượng quản giáo, lính canh nhà tù “Mê cung”, 20 sĩ quan quản giáo và lính canh bị thương gồm 13 người bị đánh, 4 người bị đâm và 2 người bị bắn. Một sĩ quan quản giáo là James Ferris chết. Đến 5 giờ chiều, tin tức vụ vượt ngục xuất hiện trên trang nhất của tất cả các tờ báo ở Ái Nhĩ Lan và cả ở nước Anh. Các nhà lãnh đạo IRA gọi nó là “cuộc đào tẩu vĩ đại” còn Thủ tướng Anh Margaret Thatcher thì tuyên bố: “Đây là sự việc  nghiêm trọng nhất trong lịch sử của chúng ta. Cần phải có một cuộc điều tra sâu rộng để xem nó đã được tổ chức như thế nào”.

Số phận của những người vượt ngục

8 giờ tối, 15 người vượt ngục bị bắt, trong đó 4 người trốn dưới sông Lagan bằng cách ngậm ống sậy để thở. Hugh Corey và Patrick McIntyre cùng 2 người khác cũng bị bắt khi đang lẩn trốn trong một trang trại sau cuộc bao vây kéo dài gần 3 giờ đồng hồ. 19 người còn lại thì 18 người đến được căn cứ chính của IRA ở Nam Armagh. Tại đó, 2 thành viên IRA đưa họ đến các nhà an toàn rồi một thời gian sau, họ lại tiếp tục chiến đấu trong hàng ngũ IRA.

Cuộc vượt ngục lớn nhất lịch sử nước Anh -0
Chiếc xe tải được những người vượt ngục sử dụng để chạy trốn.

Kieran Fleming chết đuối ở sông Bannagh gần Kesh vào tháng 12/1984 khi cố gắng thoát khỏi cuộc phục kích của Lực lượng đặc nhiệm Anh quốc (SAS) nhưng  Antoine Mac Giolla Bhrighde thiệt mạng, còn Gerard McDonnell bị bắt tại Glasgow vào tháng 6/1985 cùng 4 thành viên IRA khác bao gồm Patrick Mage, kẻ đã gây ra 16 vụ đánh bom trên khắp nước Anh. Seamus McElwaine bị SAS giết ở Roslea vào tháng 4/1986 còn Gerry Kelly và Brendan McFarlane bị bắt tại Hà Lan vào tháng 1/1986 rồi đến tháng 12 cùng năm, họ bị dẫn độ về Anh.

Với 12 kẻ vượt ngục còn lại, Padraig McKearney bị SAS giết cùng với 7 thành viên khác thuộc Lữ đoàn Đông Tyrone trong cuộc phục kích ở Loughgall vào tháng 5/1987 và đó cũng là tổn thất nhân mạng lớn nhất của IRA kể từ khi thành lập. Riêng 2 kẻ cầm đầu cuộc vượt ngục là Paul Kane và Robert Russell bị bắt tại Granard, County Longford hồi tháng 11/1987. Với James Pius Clarke và Dermot Finucane, tháng 3 năm 1990 Tòa án Tối cao Ái Nhĩ Lan ở Dublin đã ngăn chặn việc dẫn độ với lý do “họ sẽ là mục tiêu đối xử tệ bạc nếu họ bị đưa trở lại nhà tù ở Bắc Ái Nhĩ Lan”. Chỉ có 2 người duy nhất không bị bắt là Gerard Fryers và Seamus Campbell, cả hai tiếp tục hoạt động trong cánh vũ trang IRA cho đến tháng 7-2005, khi IRA chính thức tuyên bố chấm dứt chiến dịch vũ trang suốt 36 năm của mình.

Theo một quan chức cảnh sát cao cấp Anh quốc, vụ đào thoát khỏi Prison Maze - Nhà tù Mê cung của 38 tù nhân là thành viên Đạo quân Cộng hòa Ái Nhĩ Lan - IRA là vụ vượt ngục lớn nhất trong lịch sử nước Anh mặc dù sau đó, nhiều tù nhân IRA lại tiếp tục thực hiện thêm những vụ đào thoát khác. Nó đã truyền cảm hứng cho phong trào IRA suốt một thời gian dài cho đến khi một thỏa thuận gọi là “Thỏa thuận thứ Sáu Tuần thánh” được ký năm 1998, tạo ra một khuôn khổ cho việc chia sẻ quyền lực chính trị, chấm dứt hàng thập kỷ bạo lực...

Vũ Cao (Theo History)
.
.