Đoạn kết bi thảm của điệp viên Guy Burgess trong nhóm “Bộ ngũ Cambridge”
Điệp viên "sâu rượu"
Thường xuyên lui tới các quán rượu đông người, Guy Burgess luôn mồm huênh hoang và còn thốt ra tên của một số nhân viên tình báo Anh. Đối với một nhân viên làm việc trong Bộ Ngoại giao Anh, cách hành xử của anh ta thật sự nguy hiểm. Cơ quan Tình báo Anh MI-6 được báo cáo ngay về sự việc này. Khi Burgess trở lại làm việc sau kỳ nghỉ, anh ta bị đưa vào phòng nhân sự của Bộ Ngoại giao. Tình hình nghiêm trọng đến mức Burgess hoặc sẽ phải từ chức hoặc sẽ bị sa thải.
Tuy nhiên, cứu tinh của Burgess xuất hiện và giúp anh ta thoát hiểm trong gang tấc. Guy Liddell, một nhân vật cấp cao trong Cơ quan phản gián MI-5 và là một chuyên gia về các hoạt động của Liên Xô ở Anh. Ông Liddell cho rằng chỉ cần khiển trách thật nặng là đủ với Burgess vì điệp viên này sẽ phát huy đúng sở trường khi hữu dụng.
Dù đã thoát hiểm nhưng Burgess biết rằng rất nhiều họng súng đang chĩa về phía mình. Anh ta cảm thấy bất an không chỉ vì mình bị nghi ngờ mà vì cả mạng lưới tình báo Liên Xô mà anh ta là một phần đang bắt đầu bị lộ. Trong cuộc gặp căng thẳng kéo dài tới 6 tiếng rưỡi tại một công viên ven ngoại ô với cấp trên người Nga, Burgess cho biết anh ta sợ bị lộ.
Nỗi sợ khiến Burgess luôn ở trạng thái căng thẳng và phải lấy rượu để tự trấn an mình. Burgess còn nợ nần chồng chất. Dù hưởng lương 700 bảng ở Bộ Ngoại giao Anh, có khoản thu nhập riêng chừng 500 bảng và số tiền công hậu hĩnh từ phía người Nga nhưng anh ta vẫn phải vay bạn bè từng đồng.
Guy Burgess ở Moscow, năm 1956. |
Sự nghiệp của Burgess lẽ ra đã bước vào ngõ cụt nhưng thay vào đó, Bộ Ngoại giao Anh lại quyết định thăng chức cho anh ta. Anh ta được làm Phó Đại sứ quán Anh tại Mỹ và được trao cho cơ hội cuối cùng để chứng tỏ giá trị của mình. Một lần nữa, mạng lưới các mối liên hệ có ảnh hưởng mà Burgess thiết lập từ khi ở Cambridge đã cứu anh ta. Việc anh ta được chỉ định làm Phó Đại sứ tại Mỹ cũng là sự việc bất thường vì anh ta chưa bao giờ giấu giếm sự căm ghét nước Mỹ và các chính sách chống Trung Quốc, Liên Xô của nước này. Đại sứ quán Anh cũng không muốn có Burgess.
Một nhà ngoại giao cấp cao cho rằng Burgess có cuộc sống phóng túng, vô trách nhiệm và không đáng tin cậy. Tuy vậy, Đại sứ quán Anh tại Mỹ vẫn không thể từ chối tiếp nhận anh ta. Bản thân Burgess cũng ngần ngại không muốn tới Mỹ. Nhưng khi không còn triển vọng nào sáng hơn và bị người Nga gây áp lực đi Mỹ, Burgess đã chấp nhận công việc mới.
Một điều thuận lợi của Burgess là người đứng đầu Cơ quan Tình báo Anh MI-6 ở Washington là Kim Philby, một trong những người bạn cũ của Burgess ở Trường Cambridge và cũng là một điệp viên mật của Liên Xô. Khi Burgess tới Washington, anh ta dọn vào nhà Philby và định ở cho đến khi tìm được căn hộ. Nhưng thực tế, anh ta ở hẳn nhà Philby. Lối sống bê tha của Burgess khiến vợ Philby rất khó chịu. Đầu mẩu thuốc lá chất đống sau ghế sofa, chăn lông vũ bị cháy sém. Món ăn nào anh ta cũng muốn có tỏi, kể cả cháo và bánh pudding Giáng sinh. Anh ta uống rượu liên miên.
Còn tại Đại sứ quán, lẽ ra Burgess sẽ được làm những việc để phát huy kinh nghiệm đáng kể về vùng Viễn Đông nhưng không bộ phận nào muốn nhận Burgess vào đội. Vì thế, anh ta được giao nhiệm vụ đi thu thập thông tin thông qua các mối quan hệ xã hội. Vì thế, anh ta trở thành một vị khách thường xuyên trong nhà của những người có vai vế ở Washington.
Một ngày đi làm bình thường của Burgess như sau: Anh ta xuất hiện ở văn phòng lúc 11 giờ trong bộ quần áo cùng chiếc áo gile lấm lem thức ăn. Lúc 13 giờ kém, anh ta sẽ đi ăn trưa ở một quán ăn rẻ tiền nào đó và gọi một chai rượu California. Trở về sau bữa trưa, anh ta say túy lúy, về phòng riêng ở Đại sứ quán và lúc thì ngồi, lúc thì nằm ườn ra rồi ngáy. Dù ghét người Mỹ, dù không đáng tin và hợm hĩnh nhưng Burgess vẫn tồn tại được nhờ anh ta vẫn có những lúc xuất chúng, có trí thông minh và có thể thực hiện công việc hiệu quả.
Người sinh sự
Có lần Burgess gây chuyện lớn trong một bữa tiệc tối ở nhà Philby - nơi có một số quan chức cấp cao của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Burgess không được mời nhưng anh ta về nhà trong trạng thái say bét nhè và hung hăng. Trong trạng thái đó, anh ta đã xúc phạm ông William Harvey, điệp viên phản gián hàng đầu của CIA, khi vẽ một bức vẽ nguệch ngoạc về bà vợ Libby của ông này. Bà Libby là một phụ nữ dễ chịu nhưng hàm răng hơi chìa ra ngoài.
Trong bức vẽ, Burgess khắc họa gương mặt của bà trông giống như mũi một con tàu chiến xấu xí. Ngay khi vừa nhìn thấy bức vẽ, bà Libby đã hét lên: "Cả đời tôi chưa bao giờ bị xúc phạm như thế này" rồi vùng chạy ra khỏi nhà, trong khi ông chồng cũng đang giận tím mặt.
Guy Burgess trong cuộc phỏng vấn chớp nhoáng ở Moscow. |
Trong khi Burgess tỏ vẻ hài lòng với màn chiến thắng trước người Mỹ của mình. Nhưng Philby lại ngồi im lặng, tay ôm mặt nghĩ về điều vừa xảy ra. Burgess vừa tạo ra cho họ một kẻ thù mạnh có thể đánh bật cả anh ta và Philby. Người Mỹ vốn đã không tin tưởng người Anh vì họ nghi điệp viên Liên Xô đã thâm nhập vào Bộ Ngoại giao Anh và tuồn bí mật sang Moscow. Họ đã nói với Philby về sự ngờ vực này mà không biết rằng chính Philby cũng là một điệp viên Liên Xô.
Sau sự cố bức biếm họa, Burgess rơi vào tầm ngắm của CIA. Họ thấy anh ta vào các quán rượu, phòng vệ sinh và đi ăn tối với người Nga. Nhưng anh ta vẫn tiếp tục lối sống bất cẩn. Thông qua Philby, Burgess được mời tới một bữa tiệc cocktail ở Washington và tại đây, anh ta cãi nhau về vấn đề Triều Tiên với Franklin D. Rossevelt Jr, con trai của cố Tổng thống Rossevelt.
Cuộc tranh luận nảy lửa đến mức người ta phải tách Burgess và Roosevelt ra. Roosevelt sáng hôm sau đã giận dữ thuật lại sự việc cho Allen Dulles, Phó giám đốc CIA. Cùng lúc đó, Thống đốc bang Virginia đã gửi thư phàn nàn rằng Burgess thường xuyên vi phạm Luật Giao thông khi chạy quá tốc độ tới 3 lần trong một ngày.
Burgess bị Đại sứ Oliver Franks triệu tập và bị tạm dừng công tác. Anh ta bị đưa về Anh trong nỗi xấu hổ và phải trình diện ban kỷ luật để xem xét khả năng anh ta phải từ chức hoặc bị sa thải. Nhưng anh ta lại viết thư cho một người bạn bảo rằng: Thật tuyệt vời khi được trở về Anh. Nước Mỹ thật khó chịu!
Sống mòn ở Moscow
Trong lúc chờ hình thức kỷ luật, Burgess gặp lại người tình đồng tính lâu năm Jack Hewitt sau 10 tháng xa cách. Hewitt kể lại rằng khi dỡ hành lý cho Burgess, anh ta thấy một tập tiền dày cộp và Burgess bảo là mang từ Mỹ về cho một người bạn. Trong thực tế, đó là số tiền mà Liên Xô đưa cho Burgess để thực hiện một sứ mệnh quan trọng là sắp xếp để điệp viên Donald Maclean trốn khỏi Anh. Maclean được Liên Xô tuyển mộ trước Burgess. Maclean đã leo lên được một số vị trí rất cao trong Bộ Ngoại giao Anh.
4 năm làm nhà ngoại giao ở Washington, Maclean đã tuồn một số bí mật về chương trình vũ khí hạt nhân của Anh và Mỹ về Moscow. Nhưng năm 1950, Maclean bị nghi ngờ và có nguy cơ bị lộ mặc dù Philby đã đánh lạc hướng chú ý của người Mỹ và Anh.
Burgess và cấp trên người Liên Xô đã sắp xếp một kế hoạch khẩn cho Maclean trốn khỏi Anh. Theo kế hoạch, anh ta sẽ đưa Maclean tới một chặng đường nào đó rồi trở lại London tiếp tục như trước kia. Nếu chỉ có Maclean trốn thì cả mạng lưới tình báo Liên Xô trong lòng nước Anh sẽ không bị nghi ngờ. Tuy nhiên, Burgess lại bất tuân mệnh lệnh, trốn luôn cùng Maclean.
Cả hai bị nhốt trong một ngôi nhà nhỏ ở thành phố Kuybyshev, bị nhân viên tình báo Liên Xô canh giữ và thẩm vấn vài tuần liền cho tới khi người Liên Xô tin rằng hai người không phải là điệp viên hai mang. Tháng 2/1956, nhà báo Australia Richard Hughes làm việc cho tờ Sunday Times của Anh ở Moscow trong dịp phỏng vấn Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov có yêu cầu cung cấp thông tin về Burgess và Maclean.
Trong khi lưu trú tại một khách sạn đối diện Điện Kremlin để chờ đợi câu trả lời, Hughes bất ngờ nhận được một cú điện thoại, người đàn ông ở đầu dây báo: "Làm ơn đến phòng 101". Sau đó, cũng giọng nói đó gọi đến lần nữa: "Đến ngay. Khẩn cấp". Sau này, Hughes kể lại: khi đến phòng 101 ông gặp 2 người đàn ông tiếp đón. Người cao lớn tự giới thiệu "Tôi là Donald Maclean", còn người thấp hơn nói "Tôi là Guy Burgess". Trong phòng lúc đó còn có mặt 3 nhà báo khác - một người từ Hãng tin Anh Reuters và 2 người từ cơ quan thông tấn Nga. Cuộc phỏng vấn diễn ra chớp nhoáng chỉ trong 5 phút.
Sau đó, Burgess và Maclean nhanh chóng rời khỏi phòng. Đây quả là một câu chuyện giật gân: họ còn sống và thật sự họ đã phản bội nước Anh. Thông tin nhanh chóng lan truyền ra thế giới, lôi kéo các nhà báo khác âm thầm "đổ bộ" đến Moscow bất chấp nguy cơ bị Điện Kremlin trừng phạt.
Vài năm sau, Guy Burgess lấy tên mới là Jim Andreyevitch Eliot (theo tên người ông yêu mến là nữ văn sĩ người Anh George Eliot). Trong khi Maclean thích nghi với cuộc sống mới, bắt đầu học tiếng Nga và có việc làm tại một viện ngôn ngữ học thì Burgess sống cô đơn trong một căn hộ bình thường ở Moscow và chỉ biết tìm vui trong men rượu. Về sau, Burgess chuyển đến sống cùng một căn nhà tiện nghi hơn ở ngoại ô Moscow nhưng vẫn bị nhân viên KGB theo dõi. Burgess sau đó làm việc cho một nhà xuất bản và Bộ Ngoại giao Nga với vai trò chuyên gia phân tích báo chí phương Tây. Ngoài ra, Burgess cũng biên soạn một cuốn sách huấn luyện điệp viên cho KGB, trong đó ông mô tả lối sống của người Anh.
Người Nga thừa biết Burgess là người đồng tính nhưng họ làm ngơ, vì người đồng tính sẽ bị xã hội Xôviết tẩy chay. Trong thế giới đồng tính bí mật ở Nga, Burgess gặp gỡ và trở thành "người tình" của Tolya, một kỹ sư điện tử trẻ tuổi người Nga. Burgess thường xuyên nằm trong sự giám sát bí mật của KGB, căn hộ của ông bị lén cài thiết bị theo dõi và mỗi khi ông ra ngoài phố đều có người theo dõi sát. Trong những bức thư của mình, Burgess kể ông có nhóm bạn thân thiết ở Anh - bao gồm các nhà văn, nhà thơ, chính khách và những "người tình cũ".
Burgess thừa nhận: "Cuộc đời tôi kết thúc sau khi rời khỏi nước Anh". Burgess luôn hy vọng sẽ có một ngày nào đó được quay trở về Anh, mặc dù điều này không bao giờ xảy ra và chính sự thật này đã khiến ông ta rơi vào trầm uất. Năm 1959, một nhà báo Canada gặp Burgess ở Nga đã mô tả ông ăn mặc vô cùng luộm thuộm và không có vẻ gì là một siêu điệp viên. Burgess hầu như chìm trong men rượu. Ông ta rất khổ sở và mệt mỏi vì chứng đau họng, đau tim và ông từng bày tỏ nguyện vọng: không muốn nằm lại trên đất Nga.
Siêu điệp viên khốn khổ và cùng quẫn
Đầu năm 1960, một người bạn cũ của Burgess, nhà thơ Stephen Spender đến thăm rất ngạc nhiên trước sự tàn tạ của cựu điệp viên. Nhà báo James Morris đến thăm Burgess cũng bày tỏ sự hối tiếc cho "con người khốn khổ". Trong những năm 1960 - 1961, Burgess phải nhập viện do nhiều chứng bệnh như xơ cứng động mạch, lở loét, viêm khớp và suýt chết. Nhưng bất chấp bệnh tình đe dọa tính mạng, Burgess vẫn tiếp tục uống rượu một cách vô độ.
Tâm trạng buồn chán của Burgess lộ hẳn ra bên ngoài. Burgess cũng ít gặp mặt Maclean, ngoại trừ một lần vào năm 1962 trong một trận đấu cricket diễn ra ở Moscow. Nhưng đây cũng chỉ dịp đi chơi bên ngoài bất ngờ của Burgess vì thường thì ông ấy cứ nằm lì trong nhà, hút 60 điếu thuốc lá một ngày và nốc rượu như điên. Một nữ y tá mỗi ngày đến nhà để tiêm thuốc cho Burgess. Cuối tháng 8/1963, Burgess được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Trước khi mất, Burgess được Kim Philby - điệp viên trong nhóm Cambridge đào thoát đến Moscow vài tháng trước đó - đến thăm trong chốc lát.
Đáng buồn hơn vì đây không là cuộc hội ngộ hạnh phúc, bất chấp những năm tháng hai người cùng chia sẻ nhiệm vụ gián điệp với nhau. Cho đến lúc này, Philby vẫn còn bực tức và không bao giờ tha thứ cho Burgess về việc ông bất tuân lệnh mà chạy trốn cùng Maclean đến nước Nga. Bản thân Burgess cũng nhận thức được rằng hành động bỏ chạy của ông và Maclean đã khiến cho tình báo Anh và Mỹ chuyển sang nghi ngờ Kim Philby. Vài hôm sau cuộc viếng thăm của Kim Philby, ngày 30/8/1963, Burgess ra đi vĩnh viễn trong giấc ngủ do suy gan cấp. Năm đó, ông 52 tuổi.
Cái chết của Burgess được thông tin trên khắp thế giới. Tờ nhật báo Nga Izvestia đăng tải cáo phó ngắn chỉ 78 từ dành cho Burgess. Sau đó, KGB lập tức ra lệnh hủy hết mọi tài liệu, giấy tờ trong căn hộ của Burgess. Còn "người tình" Tolya của Burgess thì biến mất tăm và không bao giờ nghe nói đến nữa. Sau khi hỏa táng, lọ đựng tro cốt của Burgess được đưa về nước Anh và chôn trong mảnh đất nhỏ của gia đình ở ngôi làng thuộc hạt Hampshire, nơi ông ta lớn lên.