Hé lộ về cơ quan tình báo ISI của Pakistan

Chủ Nhật, 28/11/2021, 11:06

Không có lực lượng chính trị nào ở Pakistan có tầm ảnh hưởng đến nền chính trị trong nước và quốc tế của quốc gia này lớn như các lực lượng quân đội, đặc biệt là đơn vị tình báo quân sự ISI (Inter-Services Intelligence - cơ quan Tình báo Liên ngành). Hợp nhất từ ba nhánh tình báo Lục quân, Hải quân và Không quân, trong một thời gian dài ISI bị nghi ngờ có liên quan đến các vụ ám sát chính trị…

Lai lịch

Năm 1948, sau khi Pakistan thua trận trong cuộc chiến tranh Ấn-Pakistan lần thứ nhất và trước tình trạng hoạt động kém cỏi của các cơ quan tình báo Pakistan, Phó Tổng tư lệnh Lục quân R. Cawthorne  đứng đầu Cục Tình báo, đã quyết định thành lập cơ quan Tình báo liên ngành (ISI). Mô phỏng theo SAVAK (cơ quan tình báo của Iran), ban đầu ISI có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị tình báo Lục quân, Hải quân và Không quân của Pakistan trong việc thu thập, phân tích và phổ biến thông tin tình báo quân sự và phi quân sự, tập trung chủ yếu vào Ấn Độ. Vào năm 1958 vai trò của ISI đã có một thay đổi mang tính quyết định khi Tư lệnh quân đội lúc đó - Tướng Ayub Khan lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính.

 Dưới thời Tướng Khan, ISI được trao thêm sứ mệnh tiến hành thu thập thông tin tình báo trong và ngoài nước, điều phối các chức năng tình báo của ba quân chủng; giám sát cán bộ, người nước ngoài, giới truyền thông, các hoạt động chính trị của xã hội Pakistan, các nhà ngoại giao phục vụ bên ngoài đất nước; đánh chặn và giám sát thông tin liên lạc; và tiến hành các hoạt động bí mật”.

Đến thời Tổng thống Yahya Khan, ISI một lần nữa tăng cường các hoạt động tình báo trong nước, đặc biệt là ở Đông Pakistan. Trong hai năm tiếp theo, khi Đông và Tây Pakistan xảy ra nội chiến đẫm máu, ISI đã cố gắng dập tắt phong trào kháng chiến của người Bengali ở Đông Pakistan và đã nhúng tay vào một số vụ ám sát nhiều chính trị gia nổi tiếng của Bengali. Cuộc nội chiến cuối cùng đã kết thúc vào cuối năm 1971 khi quân đội Ấn Độ, với danh nghĩa trợ giúp Chính phủ Đông Pakistan đã đánh bại Pakistan vào ngày 16-12-1971. Sự thất bại của Pakistan đã dẫn đến việc ra đời quốc gia Bangladesh, còn Tổng thống Yahya Khan thì buộc phải từ chức và Zul fi qar Ali Bhutto được bầu lên làm Tổng thống.

Tổng thống Bhutto đã cố gắng kiểm soát ISI bằng cách bổ nhiệm Trung tướng Gulam Gilani Khan làm Giám đốc ISI. Theo yêu cầu của Khan, Bhutto đã thăng cấp Trung tướng Zia ul-Haq lên vị trí Tổng tư lệnh Lục quân. Tháng 3-1977, Pakistan lần đầu tiên tổ chức tổng tuyển cử và Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của Bhutto đã giành được chiến thắng vang dội. Các đối thủ của ông tố cáo kết quả bầu cử là gian lận. Những lời cáo buộc này đã dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực và đình công. Ngày 5-7-1977, tướng Zia ul-Haq, với sự hỗ trợ của ISI, đã lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính. Zia sau đó ra lệnh bắt giữ Bhutto và tuyên án tử hình ông ta vì tội giết một đối thủ chính trị vào năm 1974.

Hé lộ về cơ quan tình báo ISI của Pakistan -0
Ngày 6-10-2021, ISI ra thông báo rằng trung tướng Nadeem Anjum (ảnh trái) sẽ thay thế cho tướng Faiz Hameed (ảnh phải) làm người đứng đầu tổ chức này. Thông báo này được đưa ra khi chưa có sự phê duyệt của thủ tướng như thông lệ .

ISI trong cuộc chiến chống Liên Xô ở Afghanistan

Năm 1979 Liên Xô đưa quân vào Afghanistan đã buộc CIA phải tăng cường quan hệ với ISI. CIA đã bắt đầu hợp tác với ISI trong việc huấn luyện các mujahideen Afghanistan để chống lại Liên Xô, cung cấp cho ISI các hỗ trợ hậu cần cũng như viện trợ tài chính và quân sự. Nhiều thành viên ISI được cử sang Mỹ đào tạo về các hoạt động bí mật.

CIA, thông qua ISI, cũng đã chuyển một lượng vũ khí trị giá khoảng 3 tỷ USD đến mujahideen Afghanistan. Nhưng CIA không hề biết rằng ISI đã không sử dụng toàn bộ vũ khí và tiền bạc như yêu cầu của Washington. Họ đã bán một lượng khá lớn những vũ khí đó cho Iran và biển thủ số tiền thu được. ISI cũng đã sử dụng các khoản tiền do CIA cung cấp để tuyển mộ các chiến binh từ các sinh viên tốt nghiệp từ các madrasas (Học viện Hồi giáo) để tham gia cuộc chiến chống Liên Xô, đây cũng là cơ sở cho sự trỗi dậy của Taliban. 

ISI cũng đứng ra bảo trợ cho các hoạt động sản xuất thuốc phiện và heroin ở miền Bắc Afghanistan. Việc phát triển và buôn bán các chất này rất quan trọng bởi ba lý do sau:

Ma túy và việc sử dụng ma túy đã biến nhiều người trong các lực lượng Liên Xô đóng tại Afghanistan thành những con nghiện ma túy, làm suy giảm ý chí và khả năng của họ.

Số tiền thu được từ việc bán heroin ở Châu Âu và Hoa Kỳ đã tạo cơ hội cho ISI tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Liên Xô;

Số tiền thu được từ ma túy cũng hỗ trợ đáng kể cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đang triển khai của Pakistan.

Những cố gắng kiềm chế ISI

ISI được cho là đã đầu độc Shah Nawaz Bhutto, em trai của cựu Thủ tướng Benazir ở Riviera của Pháp năm 1985. Vụ ám sát này có mục đích gửi một lời đe dọa đến Benazir Bhutto nếu bà có ý định quay trở lại Pakistan. Nhưng Benazir Bhutto đã chấp nhận thách thức, bà quay trở về Pakistan ngay sau khi Tướng Zia thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay và giành được vị trí Thủ tướng sau khi thắng cử vào năm 1988.

Vào thời điểm đó, rất nhiều người ở Pakistan đã nhận ra rằng ISI nằm ngoài tầm kiểm soát của xã hội. Nhận định đó được khẳng định rõ ràng vào năm 1990 khi một ủy ban do Bhutto chỉ định sau khi xem xét các hoạt động của ISI đã kết luận rằng tổ chức này ''có cấu tạo của một chính phủ trên thực tế”.

Bhutto đã cố gắng tìm cách hạn chế quyền lực của tổ chức này. Việc đầu tiên là phủ quyết việc bổ nhiệm Tổng giám đốc ISI, nhân sự do Tư lệnh lục quân đề xuất, thay vào đó bà đề bạt thiếu tướng Shamsur Rahman Kallue làm Giám đốc ISI và các tướng lĩnh trung thành đứng đầu hai cơ quan tình báo khác của Pakistan: Cơ quan Điều tra Liên bang (FIA),  chuyên trấn áp các phần tử Hồi giáo cực đoan (do ISI hậu thuẫn) và Cục Tình báo (IB).

Thật không may cho Bhutto, những bước đi này đã khiến Tư lệnh Lục quân - Tướng Aslam Beg phẫn nộ, Bhutto liên tiếp gặp khó khăn khi thực hiện các cuộc bổ nhiệm khác trong quân đội. Sự xung đột ngày càng gay gắt giữa Thủ tướng Bhutto và tướng Beg đã dẫn đến việc bà bị Tổng thống Pakistan cách chức vào tháng 8-1990.

Trong nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai của mình, Bhutto một lần nữa cố gắng kiềm chế quyền lực của ISI. Tuy nhiên việc làm này đã không thành công khi Tổng thống Leghari  một lần nữa sa thải bà để dọn đường đưa Nawaz Sharif lên nắm quyền (10-1996).

 Khởi đầu của Taliban

Mặc dù cố gắng kiềm chế quyền lực của ISI, Benazir Bhutto lại để lại một di sản đáng kinh ngạc liên quan đến sự trỗi dậy của Taliban thông qua đạo diễn của ISI. Từ lâu Pakistan đã sử dụng vai trò tích cực của ISI ở Afghanistan như một phương tiện để kiểm soát mujahideen Afghanistan và định hình các chính sách đối ngoại khu vực của riêng mình.

Năm 1994, Bhutto, theo gợi ý của một nhà cung cấp dầu mỏ Mỹ và một số người bạn trong quân đội Pakistan, đã ủng hộ phong trào mới xuất hiện có tên là Taliban của một nhóm sinh viên Hồi giáo Afghanistan, khi đó chủ yếu đang tập trung ở thành phố Kandahar. Dẫu ban đầu Taliban chưa hề  có mối liên hệ nào với ISI, họ vẫn nhanh chóng gặt hái được thành công.

Các thành viên của các phe phái tham chiến từ khắp Afghanistan đã rời khỏi các căn cứ riêng của họ để đến tập hợp dưới sự lãnh đạo của Taliban. Nhanh chóng nhận ra lợi ích chiến lược của Taliban, lại được sự ủng hộ nhiệt tình của Chính phủ Bhutto, ISI đã ra sức tuyển mộ sinh viên từ các madrasa trên khắp Pakistan để hỗ trợ Taliban và thủ lĩnh Mullah Muhammad Omar.

Năm 1996, sau hai năm chiến đấu, Taliban đã đánh bại hầu hết các phe tham chiến và giành quyền kiểm soát khoảng 90% đất nước. Kể từ đó, ISI bị thế giới cáo buộc là đã hỗ trợ tích cực cho Taliban.

Hé lộ về cơ quan tình báo ISI của Pakistan -0
Trong hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng Pakistan, dù cố gắng kiểm soát ISI nhưng bà Bhutto thất bại.

Hậu 11 tháng 9

Mối quan hệ giữa ISI với Mỹ và Afghanistan đã hoàn toàn thay đổi kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 vào Mỹ. Trước đó, cả ISI và Chính phủ Pakistan chưa bao giờ nghĩ đến chuyện giao nộp Osama bin Laden cho Mỹ.

Ngày 11-9, tướng Mahmud của ISI đã có mặt ở Washington đúng vào thời điểm xảy ra các cuộc tấn công và cam kết sẽ cung cấp cho Mỹ những thông tin tình báo mà họ cần để theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố. Bất chấp những lời hứa của Mahmud, người ta được biết có ít nhất 5 sĩ quan tình báo của ISI đã đến hỗ trợ Taliban lên kế hoạch để chuẩn bị phòng thủ trước một cuộc tấn công của Mỹ sắp xảy ra nhắm vào Afghanistan.

Nhưng ngay sau đó Tổng thống Musharraf đã buộc ISI phải nhìn nhận lại vai trò bấy lâu nay của nó ở Afghanistan. Tháng 10-2001, Musharraf đã cử Mahmud đến Kandahar ở Afghanistan trong thành phần của một phái đoàn ngoại giao với mục đích yêu cầu Mullah Muhammad Omar giao nộp bin Laden cho Mỹ. Nhưng thay vào việc đòi hỏi Omar làm theo yêu cầu của Tổng thống Musharraf, Mahmud đã làm điều hoàn toàn ngược lại, ông ta khuyên Mullah Omar không nên giao nộp bin Laden cho Mỹ.

Khi Musharraf, người lâu nay luôn theo dõi chặt chẽ ISI, biết được hành động của Mahmud, ông đã quyết định phải đặt cơ quan này dưới quyền kiểm soát chặt chẽ hơn bằng cách loại bỏ Mahmud, thay thế bằng một người bạn lâu năm, Trung tướng Ehsan ul-Haq, người được cho là luôn chia sẻ quan điểm thân Phương Tây của tổng thống. Ehsan luôn được coi là một người ôn hòa, ông đã có một thời gian dài đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Pakistan và nhận được sự kính trọng rộng rãi trong quân đội Pakistan cũng như giới tình báo cấp cao của Mỹ.

Dưới thời Tổng thống Musharraf, mối quan hệ giữa Mỹ và ISI Pakistan đã cải thiện đáng kể. Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào các thông tin tình báo do ISI cung cấp bởi vì ISI được cho là sở hữu kho thông tin tình báo khổng lồ về bin Laden, al-Qaeda và Taliban. Đổi lại ISI cũng nhận được các thông tin tình báo điện tử của Mỹ (ELINT) và những thù lao tài chính rất đáng kể. Để tỏ rõ thiện chí hợp tác, ISI đã bắt giữ nhiều kẻ bị tình nghi là al-Qaeda khi chúng cố gắng xâm nhập vào Pakistan và giao chúng cho FBI.

Một quốc gia với hai nhánh quyền lực?

 Ngày 6 tháng 10 năm 2021, ISI đã công bố tên của tổng giám đốc mới của họ là trung tướng Nadeem Anjum, người được quân đội chọn để thay thế tướng Faiz Hameed. Tuy nhiên trong suốt hai tuần lễ sau đó, văn phòng của Thủ tướng Pakistan Imran Khan không hề đưa ra một thông báo nào để khảng định cho sự bổ nhiệm này. Sự im lặng kéo dài này cho thấy một sự chia rẽ sâu sắc giữa hai nhánh quyền lực: dân sự và quân sự ở Pakistan.

Theo thông lệ, tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan sẽ đệ trình lên cho thủ tướng một bản danh sách khoảng ba sĩ quan cao cấp của quân đội, những ứng cử viên cho vị trí đứng đầu ISI, cơ quan tình báo có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên mọi mặt của đất nước Pakistan. Đây là một quy trình dựa trên truyền thống chứ không dựa trên luật lệ vì không có bất cứ quy định nào liên quan đến việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan tình báo lớn nhất Pakistan.

Phản ứng của thủ tướng đương nhiệm Imran Khan là điều dễ hiểu. Ông yêu cầu phải có tiếng nói quyết định trong vấn đề này. ISI đã tham gia quá sâu vào các vấn đề chính trị của đất nước đến mức các nhà báo Pakistan và quốc tế đều gọi đó là “một nhà nước trong một nhà nước”. Căng thẳng xung quanh việc bổ nhiệm thủ lĩnh mới của ISI cho thấy những rạn nứt giữa các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự ngày càng gia tăng, hai bên không còn cùng bước sóng. Những rạn nứt loại này cũng đang kết tụ xung quanh các vấn đề khác như chính sách đối ngoại và an ninh, đặc biệt là trong mối quan hệ với nước Afghanistan láng giềng sau khi Taliban lên nắm quyền.

Dương Quốc Tuệ
.
.