Mìn – Nỗi ám ảnh chết người ở Afghanistan

Thứ Sáu, 20/05/2022, 21:29

Sáng ngày 1-4-2022, 7 đứa trẻ đang chạy nhảy trên một cánh đồng lúa mỳ ở huyện Majahad, tỉnh Helmand, miền Nam Afghanistan thì bất ngờ một chớp sáng lóe lên rồi ngay sau đó là tiếng nổ cùng một cụm khói. Vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của 5 trong số 7 trẻ em mà đứa bé nhất mới lên 9. Đó chỉ là một trong số hàng nghìn cái chết vì mìn ở Afghanistan sau ngày Taliban kiểm soát đất nước…

Những bãi mìn ở Afghanistan

Ngay sau khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan năm 1979, nhiều loại mìn đã được sử dụng rộng rãi tại những vành đai phòng thủ các vị trí quan trọng như thủ đô Kabul, thành phố Kandahar ở phía Nam, Jalalabad phía Đông và Herat phía Tây nhằm chống lại sự xâm nhập của lực lượng chiến binh thánh chiến (Mujahideen).

Ngược lại, Mujahideen cũng sử dụng mìn để ngăn chặn những cuộc tấn công của quân đội Liên Xô vào các căn cứ của họ. Theo ước tính của Liên hiệp quốc, từ 1979 đến 1989 - là năm Liên Xô rút quân, đã có khoảng 10 triệu quả mìn được cả hai bên tung ra, trong đó nhiều loại là “mìn bướm, mìn cóc, mìn hộp” với vỏ bọc bằng nhựa, không bị rỉ sét theo thời gian cũng như rất khó phát hiện bởi những dụng cụ dò mìn.

Nó được chôn dọc lề đường, trong những cánh đồng trồng thuốc phiện hoặc lúa mỳ, trên các sườn đồi và ngay cả xung quanh những giếng nước. Có những nơi mà mật độ mìn lên đến con số khó tưởng tượng như tại thung lũng Tangi Saidan ngay bên ngoài Kabul: 2 quả mìn/ 1m2.

Sau khi Liên Xô rút quân, lực lượng Mujahideen được sự ủng hộ chủ yếu từ Mỹ,  Pakistan, Arab Saudi, Trung Quốc…, tiếp tục cuộc chiến đấu nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Mohammad Naijibullah do Liên Xô hậu thuẫn.

Giai đoạn này, mìn lại được quân đội Chính phủ Kabul và Mujahideen xem như một trong những biện pháp để tàn sát lẫn nhau nhưng tai họa phần lớn rơi vào thường dân vô tội. Một báo cáo của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho thấy từ 1989 đến 1992, có khoảng 120.000 người thương vong vì mìn, phần lớn bị cụt 1 hoặc cả 2 tay, chân.

mines2.jpg -0
Trẻ em Afghanistan học cách phân biệt những loại mìn có hình dạng như đồ chơi.

Cũng năm 1992, chính quyền Tổng thống Mohammad Naijibullah sụp đổ. Mujahideen giành quyền kiểm soát Afghanistan nhưng do mâu thuẫn giữa các phe phái, chủ yếu là Mujahideen và Liên minh phương Bắc nên chiến tranh vẫn tiếp tục. Đến năm 1994, Mohamed Omar, một trong những thủ lĩnh của Mujahideen tách ra thành lập phong trào Taliban.

Cuộc nội chiến giữa Mujahideen, Liên minh phương Bắc và Taliban kéo dài cho đến tháng 10-2001, khi Chính phủ Mỹ đưa quân vào Afghanistan để tiêu diệt tổ chức Al-Qaeda do Osama bin Laden lãnh đạo, chủ mưu vụ tấn công khủng bố Tòa tháp đôi, Trung tâm thương mại thế giới New York ngày 11-9-2001.

Từ đó cho đến khi Mỹ và đồng minh rút khỏi Afghanistan (tháng 8-2021), mìn vẫn được các bên đem ra sử dụng nhưng lần này ngoài những loại mìn chống người, Taliban, Al Qaeda còn đưa vào thiết bị nổ tự tạo (IED). Nó làm từ những đầu đạn đại bác, súng cối đã bắn nhưng không nổ. IED không chỉ phá hủy xe vận tải quân sự, xe bọc thép và cả xe tăng hạng nhẹ mà mỗi lần nổ, nó còn gây thương vong cho hàng chục nhân mạng nhưng tàn bạo nhất vẫn là loại mìn chống người.

Bác sĩ Canada Stockwell, thành viên của MFS nói: “Loại mìn ấy không giết chết người ta ngay lập tức mà nó chỉ khiến cho nạn nhân cụt 1 hoặc 2 tay, chân. Hậu quả mà nó để lại ngoài chi phí cho việc chữa trị, lắp chân tay giả, nạn nhân còn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội”.

Ông Henrietta Fore, người điều hành chương trình cứu trợ nhân đạo của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Afghanistan cho biết: “Đặc biệt là trẻ em. Chúng phải gánh chịu những đau đớn khủng khiếp cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngay cả khi chiến tranh được xem như đã kết thúc, mìn vẫn nổ mỗi ngày…”.

Eimal, 12 tuổi chẳng hạn, khi bước ra khỏi nhà ở thung lũng Panjshir, Đông Bắc Afghanistan, cậu không hề biết rằng cuộc đời mình sắp thay đổi. Trên đường đi, cậu tình cờ nhìn thấy một vật hình trụ màu rêu, giống như hộp thức ăn dã chiến mà vài năm trước, lính Mỹ vẫn hay dùng. Thế nhưng khi với tay nhặt lên thì nó bất ngờ nổ tung, hất cậu ngã ngửa.

Theo MSF, trung bình mỗi tháng tổ chức này ghi nhận khoảng 150 trường hợp thương vong vì mìn và cứ 10 nạn nhân thì có 8 là trẻ em, phần lớn tò mò với những vật lạ, một số thậm chí còn có hình dáng như đồ chơi. Một báo cáo của ICRC cho thấy từ 1979 đến cuối năm 2021, đã có hơn 400.000 người là nạn nhân của mìn, 70% trong số đó là thường dân nhưng mới chỉ có khoảng 177.000 người được lắp chân, tay giả.

mines1.jpg -0
Một nạn nhân bị mất cả 2 chân và 1 tay.

Thần chết sau chiến tranh

Hơn 20 năm trước, Hiệp ước Ottawa đã cấm tất cả các bên tham chiến trong những cuộc xung đột sản xuất, sử dụng mìn sát thương trên mặt đất nhưng thứ vũ khí tàn ác ấy vẫn tồn tại và Afghanistan là quốc gia mà mìn xuất hiện nhiều nhất trên thế giới. Trong số 34 tỉnh thành ở Afghanistan thì 33 tỉnh có mìn; 50 loại mìn do 10 quốc gia chế tạo đã được tìm thấy ở đây.

Nhiều loại có hình dạng như cây bút và dĩ nhiên, nó là món quà “trời cho” đối với trẻ em nhưng khi nhặt lên, đứa trẻ sẽ không bao giờ còn cầm cây bút thật được nữa. Rouf, 15 tuổi, làm công việc sửa chữa đường xá bằng cách xúc đất lấp các ổ gà để nhận lương (tương đương 50.000 đồng tiền Việt mỗi ngày), bị mất 4 ngón tay vì nhặt một “cây bút”. Cậu kể: “Ngay sau khi nó nổ, trong vài giây đầu tiên cháu vẫn không cảm thấy gì, chỉ thấy máu chảy. Sau đó cơn đau tràn ngập cả người cháu. Nhìn xuống, 4 ngón tay của cháu biến đi đâu mất”.

Sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan, các bệnh viện lớn ở thủ đô Kabul và các tỉnh Kandahar, Herat, Jalalabad, Mazar…,  trước đây vốn luôn đầy đủ thuốc men, trang thiết bị thì nay rơi vào cảnh thiếu thốn. Nhiều bệnh viện ngay cả những tấm nệm trên giường cũng đã bị lấy đi, nhân viên không được trả lương, một số bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất đã rời khỏi đất nước. Những người còn lại hầu hết chưa đủ kinh nghiệm để xử lý  những trường hợp phải cắt cụt chân tay vì mìn.

Bác sĩ Omar ở Bệnh viện Mirwais, tỉnh Kandahar nói: “Nếu các thầy, các đàn anh còn ở lại, chúng tôi còn có cơ hội học hỏi chuyên môn nhưng nay thì phải tự lo”. Y tá Ibrahim cũng ở bệnh viện này nói thêm: “Nhiều người trong chúng tôi đã bỏ việc, dẫn đến tình trạng thân nhân phải tự chăm sóc cho người nhà mình, từ thức ăn đến chăn mền. Ngay cả bông băng gòn gạc, họ phải mua ngoài chợ. Một số loại thuốc cũng thế…”.

mines3.jpg -0
Tình nguyện viên HALO tìm kiếm mìn ở làng Nad-e-Ali, tỉnh Helmand.

Sau khi kiểm soát toàn bộ Afghanistan, tháng 10-2021 những nhà lãnh đạo Taliban đã đồng ý để tổ chức phi chính phủ Anh quốc “Hỗ trợ sự sống ở những khu vực nguy hiểm” (HALO) tiếp tục hoạt động tại đất nước này trong lĩnh vực rà phá bom mìn (HALO đã có mặt ở Afghanistan từ năm 1990).

Theo ông Juma Khan, điều phối viên địa phương của HALO thì địa điểm đầu tiên mà nhóm của ông tìm đến là ngôi làng Nad-e-Ali ở tỉnh Helmand, nơi đã trở thành tiền tuyến trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến giữa Taliban và quân đội Chính phủ Kabul. Ông Juma Khan nói: “Cả ngôi làng đã được hai bên khai thác triệt để. Mìn đặt ở khắp nơi, bên dưới cửa ra vào, cạnh giếng nước, trên những bậu cửa sổ, các lối đi và ngay cả trong chuồng nuôi gia súc”.

Với sự hướng dẫn của các chiến binh Taliban, những người đã đặt thứ vũ khí giết người ấy, chỉ khoảng 1 tháng nhóm HALO đã vô hiệu hóa 1.446 quả mìn các loại bằng cách để lên đó những hòn đá sơn màu trắng trước khi thu gom, đem đi tiêu hủy. Còn với hơn 1.500 quả khác chưa tháo kíp nổ, nhóm HALO đánh dấu bằng những hòn đá sơn màu đỏ.

Đến tháng 11, khi những cư dân đầu tiên trở về làng, họ được hướng dẫn cụ thể về “đá trắng, đá đỏ” còn với trẻ em, HALO phân phát những tờ áp phích in màu, có hình ảnh của các loại mìn, nhất là những loại nhìn giống như đồ chơi để các em biết cách phòng tránh.

Nhưng ngay cả khi mọi nỗ lực rà phá bom mìn đang tiếp diễn, một số vụ nổ vẫn xảy ra. Cô giáo Bismillah kể: “Sáng hôm ấy, tôi dẫn 2 đứa con ra khu vườn phía sau nhà để dọn cỏ, trồng rau. Vừa đặt nhát cuốc đầu tiên xuống đất thì một tiếng nổ khủng khiếp vang lên. Tôi bị cụt cả 2 chân còn con tôi đều bị thương ở bụng”.

Ông Juma Khan nói: “Đối với HALO, đây là cuộc chạy đua với thời gian của chúng tôi ở Afghanistan, ưu tiên là bảo vệ trẻ em.Xin hãy hiểu rằng nếu bạn chết vì mìn, cha mẹ bạn sẽ rất buồn khổ nhưng rồi thời gian sẽ làm họ nguôi ngoai. Còn nếu bạn mất 1 tay, 1 chân hoặc cả 2 chân, cha mẹ bạn sẽ sống suốt đời với nỗi đau trước mặt…”.

Về phía Taliban, ngoài việc đồng ý để HALO rà phá bom mìn, những người đứng đầu chính quyền Kabul còn chính thức kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế trong việc xác định vị trí để tháo gỡ và vô hiệu hóa các vật liệu nổ còn lại, bao gồm cả những loại do các tay súng của họ cài đặt. Một chỉ huy cao cấp thuộc lực lượng Taliban nói: “Chúng tôi rất thiếu các thiết bị phát hiện bom mìn. Nhiều quả mìn được bố trí bởi  những chiến binh của chúng tôi thì nay hoặc họ đã quên, hoặc đã chết…”.

Thế nhưng việc rà phá, tháo gỡ bom mìn vẫn không hề đơn giản. Sau khi người Mỹ và đồng minh rút quân, Taliban lại phải đối mặt với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Một nhóm tình nguyên viên của HALO đã bị IS tấn công ở tỉnh Baghlan, miền Bắc Afghanistan khiến 10 người thiệt mạng và 16 người khác bị thương.Trong một tuyên bố, IS khoe rằng họ không chỉ giết người mà còn thu giữ cả thiết bị dò mìn.

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến tranh, Mỹ (ISW), Taliban và IS là hai kẻ thù không đội trời chung mặc dù trong quá khứ, cả hai chấp nhận cộng sinh để chống lại người Mỹ. Tuy nhiên sau khi Afghanistan kiểm soát đất nước, IS mặc nhiên bị cho ra rìa bởi các cam kết của Taliban trước đây với chính quyền Tổng thống Trump:  “Sẽ không để IS sử dụng lãnh thổ Afghanistan tiến hành các hoạt động khủng bố”.

Điều này đã khiến giấc mơ tái thành lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo” của IS ở Trung, Nam Á trở nên xa vời. Vì thế, chỉ 4 tháng đầu năm nay IS đã tổ chức 77 vụ tấn công nhắm vào Taliban và trong tương lai, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ dừng lại.

Như vậy, những quả mìn vô tri vô giác sẽ lại tiếp tục giết người hoặc lấy đi một phần thân thể của những thường dân vô tội...

Vũ Cao (Theo Inside Politics)
.
.