Mỹ tiêu diệt Bộ trưởng Tài chính IS ở Somali
Ngày 21/1/2023, một nhóm đặc nhiệm thuộc Đội 6, Hải quân Mỹ (NAVY SEAL) gồm 20 người và 1 chó nghiệp vụ được trực thăng đưa đến một tàu Hải quân Mỹ ở ngoài khơi bờ biển Somali. Đến ngày 25/1, nhóm đặc nhiệm này tiến hành đột kích vào một hang động ở Puntland, miền núi phía Bắc Somali, là nơi ẩn náu của Bilal al-Sudani, Bộ trưởng Bộ tài chính Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) rồi hạ sát người này. Đội 6 cũng chính là nhóm đặc nhiệm SEAL đã tiêu diệt Osama bin Laden ở Abbottabad, Pakistan ngày 2/5/2011.
Truy tìm dấu vết
Theo Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ CIA, Bidal al-Sudani tên thật là Suhayl Salim Abd el-Rahman, gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng năm 2015. Trước đó Sudani là thành viên cao cấp của tổ chức khủng bố al-Shab, chi nhánh của al-Qaeda ở Somali, phụ trách đưa các tay súng người nước ngoài vào Somali để tham gia “thánh chiến” trong hàng ngũ al-Shabab.
So với các chi nhánh khác của al-Qaeda tại một số nơi trên thế giới thì al-Shabab Somali là chi nhánh mạnh nhất và giàu nhất với hơn 1.000 tay súng cùng ngân quỹ hoạt động lên đến khoảng 300 triệu USD, phần lớn có được nhờ những vụ bắt cóc đòi tiền chuộc, tấn công ngân hàng, trung tâm mua sắm, các cơ sở sản xuất công nghiệp; nhưng hoạt động sinh lợi nhất do Sudani trực tiếp thực hiện là đầu tư phương tiện gồm xuồng cao tốc, vũ khí, đạn dược, lương thực cho những nhóm cướp biển với tỷ lệ ăn chia khi chủ tàu trả tiền để giải thoát tàu và thủy thủ đoàn: Sudani 7, cướp biển 3.
Tháng 3/2015, anh ruột Sudani lúc ấy phụ trách mảng truyền thông của IS ở Somali móc nối hắn rồi đến tháng 6, Sudani dẫn theo 60 thuộc hạ thân tín cùng một mớ tiền về đầu quân cho IS. Cuối năm 2016, chiến tích đầu tiên của Sudani là với một nhóm IS, chiếm thị trấn Afgoye và giữ nó suốt 1 tháng trước khi bị quân đội Somalia được người Mỹ hậu thuẫn đánh bật khỏi nơi này. Cũng kể từ đó, Sudani bị Chính phủ Mỹ liệt vào danh sách khủng bố vì đã hỗ trợ tài chính cho những người nước ngoài đến các trại huấn luyện của al-Shabab, IS, cũng như hợp tác với một người Nam Phi là Abdella Hussein Abadigga để tuyển mộ thành viên Nam Phi tham gia IS.
Sau khi bị đánh bật khỏi thị trấn Afgoye, Sudani chọn vùng núi Putland làm căn cứ. Đây là khu vực bán tự trị do một số bộ tộc kiểm soát, địa thế rất hiểm trở gồm những mê cung hang động ngầm nối tiếp nhau. Cũng tại khu vực này, Sudani được IS chỉ định là người chỉ huy một bộ phận gọi là al-Karrar, hoạt động như trung tâm hành chính và tài chính cho IS, là cầu nối của mọi giao dịch về tiền bạc giữa IS Somali, IS Mozambique và IS Trung Đông. Theo các nguồn tin tình báo CIA, Sudani đã sử dụng một mạng lưới các doanh nghiệp do gia tộc Ali Saleban điều hành để chuyển tiền khắp châu Phi bởi lẽ phần lớn các thủ lĩnh IS ở Somali đều xuất thân từ gia tộc quyền lực này. Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố vào tháng 7/2017 cho thấy “hàng triệu USD đã được Sudani chuyển đến Afghanistan, Iraq, Syria thông qua mạng lưới IS ở Yemen, chưa kể một số còn được chuyển cho “những con sói đơn độc”, thuật ngữ để chỉ những phần tử IS hoạt động một mình ở Anh quốc và Bắc Ireland.
Vẫn theo thông tin tình báo, các khoản tiền mặt từ văn phòng al-Karrar đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc nổi dậy của Lực lượng Dân chủ đồng minh (ADF), là một nhóm phiến quân Hồi giáo hoạt động tại phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Nhiều thành viên ADF đào ngũ khai rằng những tháng trước khi ADF bắt đầu nhận tiền từ Sudani, ADF hầu như không hoạt động được vì không có thức ăn và các nhu yếu phẩm cơ bản, tinh thần chiến binh xuống thấp, nhưng kể từ lúc được Sudani tiếp ứng, ADF mới từng bước phục hồi bằng những cuộc tấn công vào các đồn bốt của Quân đội Chính phủ Congo cùng các làng mạc, thị trấn, không chỉ ở Congo mà còn ở cả Uganda và Rwanda, giết chết hơn 40.000 người, đa số là dân thường. Những kẻ đào ngũ còn cho biết người đứng ra nhận tiền của Sudani là Meddie Nkalubo điều phối viên của ADF thông qua mạng lưới của IS ở miền Trung và miền Nam châu Phi. Chưa hết, cái vòi bạch tuộc của Sudani còn vươn đến Mozambique khi quân đội quốc gia này tịch thu được một máy tính xách tay của nhóm IS Mozambique, trong đó có một điện văn của Sudani gửi từ văn phòng al-Karrar, yêu cầu IS Mozambique báo cáo tình hình thực tế chiến trường. Điện văn trả lời của IS Mozambique cho thấy nhóm này đã liệt kê những thành tích gồm: “Giết chết hơn 4.000 kẻ chống đối, tuyển mộ gần 1.000 thành viên tuổi từ 13 đến 16, tấn công vào thị trấn Palma để phá hủy nhà máy hơi đốt…”.
Tại Ethiopia, các cơ sở của Sudani tiến hành tuyển mộ nhân lực thông qua những khoản tiền thưởng tại tỉnh Oromia, địa phương đông dân nhất Ethiopia. Hơn một nửa những tân binh đang được IS huấn luyện ở các trại nằm trên đất Somali là người Ethiopia. Tại Mali và Niger, Sudani cũng để lại dấu ấn của mình qua những vụ đánh bom khủng bố. Tất cả những việc đó đã khiến Juma Awad al-Badri, thủ lĩnh IS trên toàn thế giới hiện đang ẩn náu tại Syria đã phong cho Sudani là “Bộ trưởng Tài chính của Nhà nước Hồi giáo, là người đứng đầu IS ở Somali”. Thành tích gần đây nhất của Sudani là khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan hồi cuối tháng 8/2021, hắn đã trực tiếp chỉ đạo các phần tử IS ở Afghanistan đánh bom sân bay Kabul, giết chết 13 lính Mỹ cùng hơn 100 người Afghanistan.
Diễn tiến việc tiêu diệt Sudani
Trở lại cuộc đột kích tiêu diệt Sudani của Đội 6, Lực lượng SEAL, Hải quân Mỹ, sau khi thu thập tin tình báo và biết được chỗ ẩn náu của Sudani, CIA tiến hành trinh sát mục tiêu bằng cách sử dụng máy bay không người lái trang bị máy quét LIDAR, hay còn được biết đến dưới tên “bóc vỏ trái đất”. Suốt nhiều ngày, từ độ cao 6.000m, chiếc MQ-9 Reaper quét đi quét lại toàn bộ khu vực núi Puntland nhiều lần rồi sau đó, một phần mềm máy tính xử lý từng lớp quét, giống như người ta lột từng lớp của một quả dừa cho đến khi lộ ra toàn bộ cấu trúc của hệ thống hang động ngầm cùng tất cả những gì có ở trong đó. Công nghệ LIDAR cũng đã từng được Hải quân Mỹ sử dụng để “hút cạn nước biển”, tìm xác tàu đắm.
Cho đến nay, ngoài thông báo chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ là đã tiêu diệt Sudani, chi tiết của chiến dịch này vẫn được giữ kín nhưng qua tìm hiểu của các hãng thông tấn thì ngày 21/1, 20 đặc nhiệm thuộc Đội 6 SEAL mã danh Night Stalker được trực thăng đưa đến một tàu chiến ở ngoài khơi bờ biển Somali. Chỉ đến lúc ấy, họ mới biết nhiệm vụ của họ là truy lùng Bidal al-Sudani, Bộ trưởng Tài chính IS ở quốc gia này. Suốt 2 ngày, nhóm đặc nhiệm nghiên cứu hệ thống hang động Putland trên mô hình 3D dưới sự cố vấn của các chuyên gia tình báo. Ưu tiên hàng đầu của họ là bắt sống Sudani hoặc tiêu diệt hắn nếu việc bắt giữ không khả thi. Chiến dịch đột kích được sự chấp thuận của Tổng thống Biden dựa theo đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và của tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ.
Quá nửa đêm 24, rạng sáng 25/1/2023, 20 tay súng Night Stalker cùng 1 con chó nghiệp vụ xuất phát. Trực thăng thả họ xuống “một khoảng cách vừa phải so với mục tiêu” để không làm lộ kế hoạch. Hỗ trợ họ là máy bay không người lái MQ-9 Reaper cùng một lực lượng SEAL và một phi đội máy bay F-16 có thể tiếp cận hiện trường chỉ trong 10 phút. Sau gần 1 giờ di chuyển, nhóm Night Stalker đến khu vực hang động ngầm, nơi Sudani ẩn náu. Do đã được chỉ dẫn trên mô hình 3D, họ dễ dàng tìm ra lối vào cửa hang, nơi Sudani vừa dùng làm chỗ ở, vừa là nơi làm việc. Được trang bị kính nhìn đêm, súng tiểu liên có bộ phận hãm thanh, nhóm Night Stalkers phát hiện và tiêu diệt chốt bảo vệ tiền tiêu IS một cách dễ dàng.
Tiến sâu vào bên trong, họ hạ thêm 16 thành viên IS khi những kẻ này báo động về sự xuất hiện của họ. Cuộc đấu súng kéo dài nhiều phút. Ở căn phòng cuối cùng trong hang động, nhóm Night Stalker phát hiện 5 gã IS lập thành một hàng rào phòng thủ, là cận vệ của Sudani còn một kẻ núp sau một chiếc giường riêng biệt mà theo họ, đó là Sudani. Sau vài giây cân nhắc, người chỉ huy nhóm Night Stalker ra lệnh tiêu diệt bởi họ không biết trong số những tên cận vệ, có kẻ nào mặc áo bom hay không. Trong một không gian hẹp và kín, nếu áo bom kích nổ thì không chỉ với nhóm IS mà ngay cả các thành viên Night Stalker, chưa chắc đã còn ai toàn mạng. Tổng cộng 30 tên khủng bố bị bắn chết, gồm cả Sudani; còn với nhóm Night Stalker, chỉ 1 người bị thương do chó cắn mà nguyên nhân là anh ta vô tình giẫm lên chân chú chó nghiệp vụ!
Vài phút sau, Night Stalkers chia thành 3 bộ phận, một là chụp hình tất cả những kẻ đã chết để Bộ Quốc phòng Mỹ làm công tác nhận dạng, hai là thu thập máy tính, điện thoại, tài liệu có trong hang, còn bộ phận thứ ba làm công tác cảnh giới. Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết những chiếc máy tính, điện thoại thông minh và hồ sơ thu được có thể sẽ làm rõ mạng lưới nhận và cung cấp tài chính không chỉ với IS Somali mà còn cả những chi nhánh và những cá nhân IS khác đang hoạt động ở nhiều nơi.
Trưa hôm sau, 26/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin xác nhận với báo chí rằng Sudani đã bị giết: “Vào ngày 25/1, theo lệnh của Tổng thống, quân đội Mỹ đã tiến hành một chiến dịch tấn công ở miền bắc Somalia dẫn đến cái chết của một số thành viên IS, bao gồm Bilal-al-Sudani, thủ lĩnh IS ở Somalia và là người hỗ trợ chính cho mạng lưới toàn cầu của IS. Sudani chịu trách nhiệm thúc đẩy sự hiện diện ngày càng tăng của IS ở châu Phi và tài trợ cho các hoạt động của các nhóm IS trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Afghanistan”.
Vẫn theo ông Austin: “Không có thường dân nào bị tổn hại sau chiến dịch này. Chúng tôi rất biết ơn các thành viên đã thực hiện thành công một nhiệm vụ phi thường cũng như cộng đồng tình báo của chúng tôi và các đối tác liên ngành khác, đã hỗ trợ cho hoạt động chống khủng bố thành công. Việc này giúp Mỹ và các đối tác an toàn hơn, đồng thời nó phản ánh cam kết kiên định của chúng tôi trong việc bảo vệ người Mỹ khỏi mối đe dọa khủng bố trong và ngoài nước…”.
Theo các chuyên gia chống khủng bố, việc quân đội Mỹ giết chết Sudani đã bộc lộ một mạng lưới tài chính mờ ám trải dài khắp toàn cầu mà các nhóm khủng bố liên kết với Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã và đang sử dụng để mở rộng tầm ảnh hưởng. Về phía al-Shabab và IS ở Somali cùng nhiều chi nhánh khác ở châu Phi, Afghanistan, Syria, Iraq…, tất cả đồng loạt gào lên lời hăm dọa: “Sẽ trả thù cho Bidal al-Sudani, anh hùng tử vì đạo…”.