Phẫu thuật cấy chip vào cơ thể ngày càng phổ biến

Thứ Sáu, 28/07/2017, 09:40
Những con chip NFC (kết nối không dây tầm ngắn) và RFID (nhận dạng bằng sóng vô tuyến) đang ngày càng được sử dụng phổ biến ở thủ đô Moskva của nước Nga. Họ được gọi là các "cyborg".

Ví dụ như kỹ sư Vlad Zaitsev ở Moskva cấy một con chip để kết nối với tài khoản cá nhân của mình.  Hay bác sĩ phụ khoa - sản khoa Alexander Volchek làm việc tại thành phố Novosibirsk thuộc Siberia cũng sở hữu đến 4 con chip trên 2 bàn tay của mình.

Tháng 6-2015, kỹ sư Vlad Zaitsev cấy con chip NFC vào bàn tay trái của mình để sử dụng thay thế cho thẻ soát vé trong đường metro ngầm. Sau đó, viên kỹ sư cập nhật lên phiên bản mới hơn tích hợp chip thẻ ATM cho phép trả tiền chỉ bằng động tác vẫy bàn tay đơn giản. Một "cyborg" khác là Alexander Volchek cấy 4 con chip và một nam châm vào cả 2 bàn tay của mình.

Alexander Volchek.

Chuyên gia IT Daniil Lytkin thì cấy la bàn vào trong lồng ngực có tính năng rung lên khi anh di chuyển chệch hướng theo lộ trình đã lên sẵn. Evgeny Chereshnev, chuyên gia làm việc ở công ty Biolink Technologies, cũng sở hữu con chip ở bàn tay…

Rất nhiều người ở Nga cấy chip vào cơ thể song phần đông họ chọn cách im lặng về quyết định của mình. Volchek tiết lộ sự tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày là lý do chính thúc đẩy họ cấy chip. Zaitsev khẳng định nhờ cấy chip vào người mà anh dễ dàng tích tiền vào tài khoản thông qua một ứng dụng ngân hàng di động và về phía ngân hàng thì họ cũng "biết về trải nghiệm này nên rất ủng hộ".

Tuy nhiên, Zaitsev nhấn mạnh rằng phía ngân hàng "đề nghị tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động của mình". Ngoài ra, Zaitsev còn sử dụng chip RFID để "mở những cánh cửa và kích hoạt smartphone".

Thậm chí con chip cũng được sử dụng để xác định nhân dạng một người trên mạng xã hội cũng như cho phép chia sẻ thông tin cá nhân với những đối tượng có chọn lọc - Chereshenev viết trên blog cá nhân. Còn Alexander Volchek đặc biệt quan tâm đến những con chip ứng dụng trong y khoa để theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân.

Albert Efimov, lãnh đạo Trung tâm Robot học ở Skolkovo, ngoại vi Moskva, bình luận rằng, chip ứng dụng trong y khoa là "rất hữu ích để giám sát thường xuyên sức khỏe cũng như lối sống của chúng ta". Daniil Lytkin, người sở hữu nam châm trong ngực, lập luận: "Trong tự nhiên có nhiều con vật được phú cho giác quan cực kỳ nhạy bén. Ví dụ như con tôm tích có khả năng nhìn thấy ánh sáng hồng ngoại và tử ngoại cũng như các loại tia khác của ánh nắng mặt trời. Hãy tưởng tượng một người cũng có được khả năng như thế".

Alexander Volchek tiết lộ nhờ cấy thỏi nam châm nhỏ ở một ngón tay mà anh có thể cảm nhận được nguồn từ trường! Volchek cho biết nam châm cấy nơi ngón tay cho phép anh "hút con dao mổ đến ngón tay" mà không cần phải sử dụng bàn tay! Efimov giải thích về trào lưu cấy chip rằng "một số người muốn cải thiện thế giới quanh mình trong khi số khác muốn "cải thiện chính bản thân mình".

Con chip bằng silicon được cấy vào bàn tay Vlad Zaitsev.

Tuy nhiên, Zaitsev cũng lên tiếng cảnh báo về "mặt trái" của trào lưu này như là hậu quả có thể có từ tiến trình phẫu thuật hay chip "có thể được nhìn thấy" từ bên ngoài. Một ca phẫu thuật cấy chip đòi hỏi gây tê cục bộ và sau 3 tuần mới lành vết thương. Trước đây, chip được chế tạo từ kim loại có tính ăn mòn cho nên người được cấy phải sử dụng thuốc chống gỉ sét. Nhưng chất liệu silicon sau này giúp giải quyết vấn đề tốt hơn. Volchek công khai về các bệnh nhân của mình: "Cá nhân tôi đã cấy khoảng 40 con chip và trong đó 11 đối tượng cấy là đồng nghiệp của tôi. Thậm chí, vợ tôi cũng sở hữu 1 con chip".

Cấy chip vào cơ thể không chỉ xuất hiện ở nước Nga. Ống tiêm trượt vào giữa ngón tay cái và ngón trỏ và nhanh chóng một con chip được cấy vào bàn tay nhân viên - thêm một "cyborg" nữa được tạo ra. Đó là chuyện diễn ra bình thường ở trung tâm công ty công nghệ cao đặt trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển) Epicenter - nơi hội tụ hơn 100 công ty và khoảng 2.000 nhân viên.

Trung tâm cấy những con chip to chỉ cỡ hạt gạo cho đội ngũ nhân viên công ty để sử dụng như tấm thẻ quét: mở cửa, vận hành máy in hay mua đồ uống với động tác vẫy tay đơn giản. Patrick Mesterton, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Epicenter, phát biểu: "Theo tôi, cái lợi to lớn nhất là sự thuận tiện. Con chip sẽ là thiết bị thay thế cho thẻ tín dụng hay chìa khóa".

Thực ra, công nghệ này không có gì mới: những con chip như thế từng được tích hợp trong vòng cổ của chó nhà và các công ty cũng sử dụng để giám sát hoạt động giao nhận hàng hóa. Tuy nhiên, trước đó công nghệ chưa được sử dụng trên diện rộng đối với nhân viên công ty như trường hợp Epicenter.

An An (tổng hợp)
.
.