Tổng thống Mỹ tìm người thay thế Chủ tịch World Bank

Thứ Sáu, 03/03/2023, 22:03

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đề cử ông Ajay Banga, sếp cũ của Công ty Mastercard với hàng chục năm kinh nghiệm ở Phố Wall để lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (World Bank) và giám sát quá trình cải tổ tại định chế tài chính thế giới này nhằm chuyển trọng tâm phát triển theo hướng chống khủng hoảng khí hậu.

“Ajay được trang bị đặc biệt để lãnh đạo Ngân hàng Thế giới vào thời điểm lịch sử quan trọng này. Ông ấy đã dành hơn ba thập kỷ để xây dựng và quản lý thành công các công ty toàn cầu, tạo ra việc làm và mang lại đầu tư cho các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời hướng dẫn các tổ chức vượt qua các giai đoạn thay đổi cơ bản”, Tổng thống Biden giới thiệu về ông Ajay Banga như thế trong bài phát biểu đề cử của mình. Trong phát biểu của mình, Tổng thống Biden muốn ông Banga sử dụng những kinh nghiệm của mình ở Phố Wall để hỗ trợ việc cho vay chống khủng hoảng khí hậu ở các quốc gia đang phát triển.

Tổng thống Mỹ tìm người thay thế Chủ tịch World Bank -0
Ông Ajay Banga.

Ông Banga sẽ thay thế Chủ tịch World Bank hiện nay là ông David Malpass do ông này đã tuyên bố từ chức vào trung tuần tháng 2/2023. Ông David Malpass là người được Tổng thống Donald Trump đề cử để World Bank bầu làm Chủ tịch vào tháng 4/2019 thay thế một người gốc châu Á khác là ông Jim Young Kim, rời chức trước thời hạn. Ông Malpass vốn là một trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ thời ông Trump làm tổng thống, từng là một cố vấn thân cận của ông Trump trước khi được bầu làm Chủ tịch World Bank. Malpass cũng là một người có quan điểm đồng nhất với ông Trump, đó là quan điểm “nước Mỹ trên hết”, từ chối mọi sự hợp tác, chia sẻ với thế giới. Vì vậy, khi nắm giữ chức vụ Chủ tịch World Bank, quan điểm này của ông đã gây ra không ít tranh cãi. Ông Malpass tuyên bố sẽ rời ghế Chủ tịch World Bank vào cuối tháng 6/2023. Ông không nêu rõ lý do từ chức, nhưng dư luận chung cho rằng việc ông rời ghế lãnh đạo ngân hàng này có liên quan đến tranh cãi xung quanh phát ngôn thể hiện quan điểm của ông về khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Cuộc tranh cãi bắt đầu sau khi ông Malpass xuất hiện trong Hội đồng tài chính khí hậu tại một hội nghị ở New York vào tháng 9/2022. Khi được hỏi liệu ông có tin “việc đốt nhiên liệu hóa thạch do con người tạo ra… đang làm hành tinh nóng lên nhanh chóng và nguy hiểm hay không?”, Malpass cố né tránh câu hỏi trước khi nói: “Tôi thậm chí còn không biết. Tôi không phải là nhà khoa học”.

Câu trả lời đã bị Nhà Trắng lên án và gây áp lực lên Malpass. Rốt cuộc, ông Malpass đã phải cải chính trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng: “Tôi không phải là người phủ nhận biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, lời cải chính không thể dập tắt được ngọn lửa tranh cãi một khi nó đã được khơi dây, mà ngược lại còn làm dậy lên làn sóng kêu gọi thay đổi ban lãnh đạo tại World Bank. Áp lực càng lúc càng gia tăng cho việc tìm kiếm một chủ tịch mới, người sẽ tạo ra những thay đổi và đảm bảo cho ngân hàng này ứng phó với khủng hoảng khí hậu một cách quyết liệt hơn.

Thực ra, không phải đến vụ vấp váp vừa rồi của ông Malpass, mà từ lâu trong bộ máy chính quyền Mỹ do ông Biden lãnh đạo đã có nhiều động thái hướng đến “chỉnh đốn” hoạt động chống khủng hoảng khí hậu tại World Bank. Vào tháng 11/2021, cố vấn đặc biệt của tổng thư ký Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Selwin Hart đã chỉ trích World Bank vì đã “loay hoay trong khi thế giới đang phát triển bùng cháy” và cho biết tổ chức này “liên tục hoạt động kém hiệu quả” trong các hoạt động vì khí hậu. Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry cho biết ông muốn hợp tác với Đức để đưa ra một chiến lược tại các cuộc họp tiếp theo của World Bank vào tháng 4 năm nay nhằm “nâng cao năng lực của ngân hàng” để đưa thêm tiền vào lưu thông và giúp các nước đối phó với sự cố khí hậu. Gần đây hơn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã phát động một nỗ lực lớn nhằm thay đổi cách thức hoạt động của World Bank nhằm đảm bảo việc cho vay rộng rãi hơn để chống lại khủng hoảng khí hậu và các thách thức toàn cầu khác.

Quy trình bầu chọn tân Chủ tịch World Bank theo dự kiến sẽ được Hội đồng điều hành ngân hàng này tiến hành vào tháng 5/2023. Nhưng nhân sự để bầu chọn theo thông lệ truyền thống là do Tổng thống Mỹ tìm kiếm và chọn lựa một công dân Mỹ để đề cử. Đặc quyền này của Tổng thống Mỹ được cho là xuất phát từ việc nước Mỹ là nơi đặt trụ sở chính của World Bank (tại Washington DC), mặt khác Mỹ cũng là quốc gia nắm cổ phần lớn nhất trong cơ cấu nguồn lực của World Bank.

Tại các cuộc họp sắp tới, Hội đồng điều hành ngân hàng sẽ đặt câu hỏi về cam kết của ông Banga trong việc chống khủng hoảng khí hậu bằng cách sử dụng quỹ của khu vực tư nhân. Một số quốc gia đã vỡ nợ đối với các khoản vay nước ngoài, có nghĩa là họ tuyên bố phá sản và bị mắc kẹt trong các cuộc đàm phán với các ngân hàng và những chủ nợ khu vực tư nhân khác để giảm các khoản nợ vay.

World Bank cho biết tiêu chí đầu tiên cho một chủ tịch tương lai là “thành tích lãnh đạo và những thành tựu đã được chứng minh, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển”.

Ông Banga gần đây đã tham gia một số cơ quan với tư cách là cố vấn khí hậu. Ông trở thành Phó chủ tịch Quỹ Chống khủng hoảng khí hậu BeyondNetZero của General Atlantic khi quỹ này mới thành lập vào năm 2021. Sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, ông Banga được cho là sẽ thu hút nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang phát triển với tư cách là một giám đốc điều hành mang lại sự nhạy bén về tài chính cho công việc và duy trì mối quan hệ bền chặt với chính quyền Biden.

Ông John Kerry đánh giá ông Banga là “lựa chọn đúng đắn để đảm nhận trách nhiệm của World Bank vào thời điểm quan trọng này”, cho phép ngân hàng “huy động vốn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh”.

Ông Manish Bapna, Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC), cho biết ông Banga cần phải là một “nhà lãnh đạo có khả năng chuyển đổi tốt với tầm nhìn rõ ràng cho hành động khí hậu đầy tham vọng” nhằm giúp thế giới ngăn chặn thảm họa khí hậu.

An Châu (Tổng hợp)
.
.