Ăn thịt vô độ liệu có tốt?

Thứ Năm, 06/07/2017, 16:50
Thịt các loại gia súc, gia cầm là thực phẩm thiết yếu cho con người. Tuy nhiên, ăn quá nhiều thịt, không quan tâm đến số lượng và chất của thịt dễ bị mắc nhiều bệnh.


Bệnh ung thư: Sở dĩ ăn nhiều thịt dễ bị ung thư là vì chất bảo quản thịt. Do thịt rất giàu chất đạm dễ bị ôi thiu nên một số người kinh doanh thiếu lương tâm đã tẩm thịt với các chất bảo quản như nitrit, nitrat... Đến tay người tiêu dùng, chúng ta chỉ rửa sạch, pha chế rồi nấu chín thịt.

Nhưng dù nấu chín thịt thì các chất này không bị phân hủy. Khi chúng ta ăn vào ruột, các chất này kết hợp với các acid amin tạo nitrosamin là chất gây ung thư. Mặt khác nhiều người chăn nuôi đã sử dụng các loại chất kích thích tăng trưởng, chất gây thèm ăn, gây ngủ, hormon, kháng sinh… cho vật nuôi mau lớn.

Mặt khác khi vật nuôi bị bệnh, bị khối u, họ vẫn giết mổ và bán thịt gia súc ra thị trường. Người tiêu dùng vì không mắt thấy vẫn vô tư ăn thịt mà không biết trong loại thịt đó chứa đầy chất độc hại có thể gây bệnh từ nhẹ đến ung thư. Nhiều người do thói quen ăn uống lại chỉ ăn thịt mà rất ít ăn rau nên dễ bị táo bón, ứ đọng chất độc, càng làm cho bệnh ung thư dễ phát triển.

Như vậy, một chế độ ăn nhiều thịt nhưng ít quan tâm đến chất lượng thịt có thể làm cho người ăn dễ mắc các bệnh nói trên. Do đó để tránh tình trạng này, chúng ta nên thực hiện một chế độ ăn đầy đủ và cân bằng giữa các chất dinh dưỡng là đạm, đường, béo, các vitamin và khoáng chất mới có thể có sức khỏe tốt.

Một vài nghiên cứu cho thấy: trong số các bệnh nhân ung thư thì 30% liên quan đến thuốc lá, 3% liên quan đến những phụ gia thực phẩm như chất màu, chất bảo quản, 35% liên quan đến ăn uống... Nói cách khác, nếu ăn uống hợp lý, khoa học thì 35% bệnh nhân sẽ thoát khỏi ung thư thay vì bị mắc bệnh này.

Minh chứng cho tác dụng của chế độ ăn người ta thấy: cư dân vùng Bắc Mỹ và Tây Âu ăn nhiều thịt, bị ung thư đại tràng, ung thư dạ dày cao hơn cư dân ăn chay ở Ấn Độ; ở những nước ăn nhiều thịt, số phụ nữ bị ung thư vú cũng cao gấp 10 lần ở những nước có thói quen ăn chay.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hàng nghìn người trưởng thành trong gần 20 năm và phát hiện những người ăn chế độ giàu protein động vật thì khả năng chết vì ung thư cao gấp 4 lần những người ăn ít đạm. Tỷ lệ này cao gần bằng nguy cơ phát triển ung thư khi hút 20 điếu thuốc mỗi ngày. Theo giáo sư Tim Key, một nhà dịch tễ học chuyên nghiên cứu về ung thư tại Anh, cần thiết phải nghiên cứu thêm để xác định mối liên quan giữa chế độ ăn giàu đạm và việc tăng nguy cơ chết vì ung thư ở những người trung niên.

Bệnh tim mạch: Được coi là "kẻ giết người số 1" ở các nước phát triển. Nghiên cứu của Trường đại học Harvard cho thấy, huyết áp trung bình của người ăn chay giảm rõ rệt so với những người ăn thịt; nồng độ cholesterol trong máu của người ăn thịt cao gấp nhiều lần so với người ăn chay và là nguyên nhân chính của chứng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột qụy...

Vì thế, Hội Tim mạch Hoa Kỳ đã khuyến cáo rằng, chế độ ăn chay có thể phòng ngừa từ 90 - 97% các bệnh tim mạch. Trong nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy thịt đỏ có tác hại cho tim, nhưng chỉ gần đây họ mới bắt đầu phát hiện ra lý do tại sao. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy một loại vi khuẩn trong ruột chuyển hóa L-carnitine, một hợp chất hóa học được tìm thấy trong thịt đỏ, và chuyển đổi nó thành trimethylamine-N-oxide (TMAO). Chất này đã được chứng minh là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch. Thịt đỏ bổ sung sắt nhưng lại gây hại cho động mạch, bạn nên cân nhắc để lựa chọn cách phù hợp với cơ thể của mình.

Bệnh tiểu đường: Chế độ ăn nhiều thịt, nhất là các loại thịt lẫn nhiều mỡ, làm tăng axít béo và triglycerid - là nguyên nhân gây ra tiểu đường týp II. Bởi vì các axít béo dư thừa trong máu và triglycerid ức chế hoạt động của insulin, điều này dẫn đến kết quả xét nghiệm lượng insulin trong máu vẫn bình thường hoặc chỉ hơi tăng nhưng đường huyết của người bệnh lại trong tình trạng bị cao.

Một bài báo đăng trên JAMA Internal Medicine cho biết, sau 4 năm nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng những đối tượng ăn nhiều thịt đã làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường tuýp 2 lên tới 50%.  Nếu sửa chữa sai lầm này bằng cách chuyển sang chế độ ăn chay thì lượng đường trong máu giảm hẳn và nồng độ axít béo cũng về mức an toàn.

Bệnh gút: Khi thận không đủ khả năng lọc thải hết các chất chứa nitơ độc hại thì creatinin và acid uric tăng cao trong máu. Nồng độ acid uric tăng cao sẽ lắng đọng lại trong các khớp nhỏ như khớp ngón tay, ngón chân gây nên bệnh gút. Tại các khớp, acid uric đọng lại kết tinh thành tinh thể tạo ra phản ứng viêm, gây nhiều đau nhức cho bệnh nhân.

Ăn hợp lý để tránh bệnh: Các nhà nghiên cứu xác định một chế độ ăn giàu đạm là tiêu thụ ít nhất 20% chất đạm trong tổng lượng calo hằng ngày. Họ khuyến cáo nên tiêu thụ khoảng 0,8 g protein cho mỗi kg cân nặng mỗi ngày ở lứa tuổi trung niên. Điều đó có nghĩa một người nặng khoảng 57 kg thì nên ăn khoảng 45-50 g đạm một ngày. Một miếng thịt 300 g chứa 77 g đạm.

Theo các nhà nghiên cứu, cũng như thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa có hàm lượng protein cao cũng nguy hiểm. Một cốc sữa 200 ml chứa 12% lượng đạm cho phép hằng ngày được khuyến cáo, trong khi một lát pho mát 40 g chứa 20% lượng đạm. "Nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn ít protein ở tuổi trung niên rất hữu ích trong việc phòng ngừa ung thư nói riêng và tử vong nói chung", tiến sĩ Eileen Crimmins - đồng tác giả nghiên cứu cho biết. "Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất, nhóm tuổi cao hơn nên tránh ăn chế độ ít đạm, để cho phép duy trì cân nặng hợp lý và tránh suy sụp", ông nói thêm. Tuy nhất trí việc cắt giảm thịt đỏ sẽ giảm nguy cơ ung thư, song các chuyên gia Anh cho rằng chế độ ăn cân bằng vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Tiến sĩ Gunter Kuhnle, một chuyên gia dinh dưỡng tại ĐH Reading (Anh) cho biết: "Trong khi nghiên cứu này đặt ra một số quan điểm đáng chú ý về mối liên quan giữa tiêu thụ protein và tử vong... thì nó lại đi sai, thậm chí nguy hiểm, khi so sánh ảnh hưởng của việc hút thuốc với tác động của việc ăn thịt và pho mát".

Ông cho rằng, điều này "có thể làm hỏng hiệu quả của thông điệp quan trọng với sức khỏe công chúng. Những người hút thuốc có thể nghĩ 'Tại sao lại phải bận tâm đến việc bỏ thuốc nếu ngay cả pho mát và bánh mỳ kẹp thịt cũng có hại cho tôi'", tiến sĩ Gunter Kuhnle nói.

Văn Nguyễn-L. Thùy (tổng hợp)
.
.