Các công ty Anh bán công nghệ do thám cho nhiều quốc gia

Thứ Sáu, 30/06/2017, 20:08
Đài BBC của Anh vừa tung ra một thông tin mang tính "bí mật" rằng tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất của Anh là BAE Systems đã bí mật bán công nghệ do thám cho một số quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi để sử dụng cho mục đích do thám công dân các nước này.

Nhưng giới chuyên gia cho rằng không chỉ có BAE Systems, mà nhiều công ty công nghệ khác cũng tham gia việc mua bán này, với sự cấp phép của chính phủ Anh.

BBC ngày 14-6 dẫn nguồn tài liệu thu thập được tiết lộ rằng, BAE đã bán công nghệ do thám cho một số quốc gia khu vực Trung Đông, như Arập Xêút, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Oman, Qatar, Algeria và Morocco. Việc mua bán được thực hiện thông qua một công ty của Đan Mạch mà BAE mua lại vào năm 2011, và đặt tên mới là BAE Systems Applied Intelligence.

Công nghệ Evident có thể can thiệp giao dịch viễn thông mã hóa, xác định được địa chỉ người dùng Internet và định vị người gọi điện thoại di động.

Theo BBC, công nghệ mà BAE bán cho các quốc gia nêu trên có khả năng bẻ khóa xâm nhập được vào các giao tiếp đã được mã hóa, nhờ đó có thể do thám số lượng lớn email và điện thoại di động của người dân các nước. Loại công nghệ được mô tả có tên gọi là Evident, cho phép thu thập, lập danh mục và phân tích hàng triệu cuộc giao tiếp viễn thông của người dân.

Theo mô tả của những người từng làm việc cho hãng BAE, công nghệ này có thể can thiệp vào dòng giao tiếp trên Internet ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, thậm chí có thể can thiệp mạng Internet của cả một quốc gia để thu thập dữ liệu giao tiếp. Evident có thể ghi nhận và định vị được vị trí của từng cá nhân thực hiện cuộc gọi điện thoại di động nhờ vào dữ liệu phát ra từ chiếc điện thoại.

Những tiết lộ về việc BAE bán công nghệ do thám cho các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đã gây nên sự phản ứng gay gắt của các tổ chức vận động vì quyền con người. Bên cạnh đó, việc BAE bán công nghệ do thám phức tạp cho các quốc gia nêu trên còn khiến các quan chức Chính phủ Anh lo ngại rằng việc này có thể gây ra phản tác dụng và gây phương hại cho an ninh của chính nước Anh và các đồng minh của nước Anh.

Năm 2015, một quan chức Anh đã viết rằng, nếu nước Anh được yêu cầu chấp thuận việc xuất khẩu công nghệ Evident, nước Anh nên từ chối trên cơ sở điều đó có thể gây phương hại đến an ninh của nước Anh và các đồng minh của mình. Người ta lo ngại rằng công nghệ Evident có thể được sử dụng để giải mã và đọc các nội dung giao tiếp nhạy cảm của chính nước Anh.

Trong khi đó, Chính phủ Đan Mạch (nơi đóng trụ sở công ty trực tiếp bán phần mềm công nghệ Evident) cũng mau chóng đồng ý việc bán công nghệ Evident cho các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, bởi vì cơ quan tình báo nước này không phản đối, và các cố vấn an ninh của chính phủ cũng đồng ý.

Thực ra, việc mua bán công nghệ do thám của BAE có lẽ bắt đầu từ trước khi BAE mua lại công ty Đan Mạch. BBC tiết lộ, quốc gia Bắc Phi đầu tiên mua công nghệ do thám Evident là Tunisia dưới sự lãnh đạo của Tổng thống độc tài Zine al-Abidine Ben Ali. BAE đã cử hẳn 2 chuyên gia sang Tunisia để hỗ trợ vận hành hệ thống do thám Evident.

Nhiều người chống đối ông Ben Ali đã bị cầm tù và tra tấn trước khi ông ta bị lật đổ trong làn sóng nổi dậy Mùa xuân Arập năm 2011. Một trong hai chuyên gia của BAE kể với BBC rằng, anh ta được giao nhiệm vụ giám sát những người Tunisia sử dụng Internet thông qua một hệ thống do thám Evident cài đặt dưới tầng hầm một trong những căn nhà của ông Ben Ali.

Anh chuyên gia này mô tả, anh ta chỉ cần đọc tên một người nào đó, phần mềm Evident sẽ ngay lập tức hiện ra tất cả các trang web, blog, mạng xã hội mà người đó đã và đang truy cập vào. Theo BBC, chuyên gia thứ hai của BAE tham gia vào một đơn vị tình báo, làm việc sát bên cạnh ông Ben Ali, với nhiệm vụ thu thập và truy xuất thông tin, dữ liệu về những người chống đối mà ông Ben Ali cần biết.

Theo tạp chí Mother Board, ngoài BAE còn có nhiều công ty công nghệ an ninh, quốc phòng khác cũng bán công nghệ do thám cho các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi. Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ là những cái tên được Mother Board bổ sung vào danh sách khách hàng của các công ty Anh quốc. Từ năm 2015, bên cạnh BAE còn có thêm các công ty công nghệ an ninh, tình báo như Pro-Solve International, ComsTrac, CellXion, Cobham và Domo Tactical Communications (DTC) cũng được cấp phép để xuất khẩu các trang thiết bị an ninh và công nghệ tình báo.

Trong số các công nghệ do thám được xuất khẩu, ngoài Evident của BAE như đã nêu ở phần trên, còn có một loại công nghệ thu bắt sóng IMSI, thường gọi là công nghệ Stingray dùng để do thám điện thoại di động. Stingray hoạt động theo phương thức giả dạng làm cột thu phát sóng điện thoại di động để nhử các thiết bị viễn thông gần đó kết nối với nó.

Theo các chuyên gia, Stingray là loại công nghệ tình báo gây tranh cãi nhiều nhất nhưng cũng đang được nhiều nước ưa chuộng nhất, bởi nó nằm trong "vùng xám" của pháp luật quốc gia cũng như quốc tế. Do tầm phủ sóng của loại công nghệ này rất rộng và không có giới hạn hữu hình nên việc sử dụng nó đang tạo ra các vấn đề về đạo đức và xâm phạm quyền riêng tư.

Những tiết lộ về các thương vụ mua bán công nghệ do thám cho thấy một thực tế rằng tình báo mạng không còn là "độc quyền" của Mỹ, Nga hay các cường quốc Á, Âu nữa mà từ vài năm qua đã trở thành một công cụ mới của các quốc gia Arập trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Đã có nhiều trường hợp các nhà báo và những kẻ chống đối ở Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giam do chính phủ sử dụng công nghệ do thám truy tìm đến tận chỗ ở.

Cũng có trường hợp vô tình bị các tin tặc đột nhập máy tính rồi bày ra chuyện này chuyện nọ làm cho nạn nhân bị chính quyền theo dõi bắt giam. Tháng 5-2017, đơn vị chiến tranh mạng của Iran tuyên bố phát hiện các tin tặc Arập Xêút đứng sau loạt tấn công mạng nhằm vào các website của Chính phủ Iran, gây ra sự cố tạm dừng hoạt động.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.