Cuộc thử nghiệm 236 ngày sống dưới hang sâu của M. Montalbini:

Đơn độc để làm chủ nỗi cô đơn

Thứ Ba, 24/07/2018, 15:18
Các ống kính truyền hình đang trực tiếp theo dõi một người đàn ông, từ ngày 14-12-1986 sống một mình sâu bên dưới Hang lớn của gió (Grotte di Frasassi) ở thị trấn Genga, thuộc tỉnh Ancona trong vùng Marche, miền trung Italia. Dáng bất động với bộ râu rậm, trông giống như một dạng hình hài "không có thật".

Đang đọc cái gì đó, dưới ánh nến leo lét bên cạnh chiếc thùng phi lớn được dùng làm bàn viết. Đương sự mất hẳn khái niệm về thời gian: những "ngày" của anh thường dài từ 70-72 tiếng đồng hồ, đứt quãng bởi những giấc ngủ ngắn và sâu.

Đó là Maurizio Montalbini (1953-2009), khi ấy tròn 33 tuổi, đã được thả xuống một cái hang sâu 182m trong lòng đất, để sống tại đó trong 236 ngày.

Cuộc thử nghiệm độc nhất vô nhị

"Căn nhà 7 tháng" của anh là một cái hốc nhỏ, cao 2m, rộng và dài mỗi chiều 3m, với nhiệt độ quanh năm là 14 độc C và độ ẩm không khí là 98%. Cái hốc này là đáy của một đường hầm dài, khởi đầu từ đoạn giữa trong hang trung tâm - "trái tim" của hệ thống hang động lớn nhất Italia, với độ dài 13km và tồn tại cách đây chừng 1,4 triệu năm.

Nhà xã hội học M. Montalbini lúc sinh thời.

Trong "ngôi giáo đường độc đáo của thời gian" này, M. Montalbini bắt đầu "liều" thể nghiệm để tồn tại: những cuộc vật lộn không mệt mỏi về nỗi sợ hãi, sự cô đơn, bóng tối cùng sự tĩnh lặng tuyệt đối như tờ. Chỉ có duy nhất một trường hợp trước anh là có thể sánh được: vào năm 1972, nhà hang động học người Pháp Michel Siffre, cũng 33 tuổi được Cơ quan Không gian Mỹ (NASA) tài trợ, đã sống trọn 203 ngày trong hang Midnight thuộc tiểu bang Texas.

"Thật là đáng sợ - M. Siffre kể lại - Tôi thường hoảng sợ bởi những cơn ác mộng sau khi đã rời hang. Phải mất 2 năm miệt mài chữa trị tôi mới lấy lại được trạng thái tâm lý bình thường cố hữu". Nhưng khác với M. Siffre, M. Montalbini lại có được mối liên lạc "điện đàm".

Anh liên hệ với thế giới bên ngoài chỉ qua một sợi cáp điện, dài khoảng 1km dẫn tới một nhóm cứu trợ thường xuyên túc trực. Sợi cáp bảo đảm nguồn điện cho một bóng tròn 100W và ống kính thu hình. Mọi người thấy anh, nhưng anh không thấy họ. Anh có thể ghi vài dòng và đưa ra trước ống kính để những người bên trên biết. Các câu trả lời được gửi tới theo dạng điện báo cổ sơ: một chấm là "vâng, đúng"; 4 chấm là "không"; 2 gạch là "hãy lặp lại"; 6 chấm nghĩa là "có bạn bè tới"…

M. Montalbini vốn rất đam mê khám phá hang động.

Maurizio Montalbini là nhà xã hội học theo bằng cấp, nhà hang động học theo sở thích, nhà nghiên cứu theo sự công nhận và có tầm hiểu biết y khoa như một thầy thuốc, đã tự nguyện quyết định tạo ra những khả năng khác biệt, để các nhà khoa học nghiên cứu về các thay đổi đối với cơ thể con người - khi phải sống một thời gian rất lâu dưới lòng đất.

Theo các bác sĩ thì đây là một thực nghiệm độc nhất vô nhị: điều gì sẽ xảy ra với con người khi không có khái niệm về thời gian nữa, không còn nhận biết được sự thay đổi của ngày và đêm, tuần và tháng? Rồi hậu quả về tâm sinh lý sau thời kỳ dài sống một mình, với khả năng vận động hạn hữu cùng cách sống khác hẳn sẽ ra sao?

M. Montalbini thông báo cho các bác sĩ về nhiệt độ cơ thể, mạch nhịp và áp huyết, cũng như cho biết đã ăn cái gì. Anh tự lấy mẫu máu mình, bảo quản chúng trong cái tủ lạnh nhỏ, sau này sẽ dùng để nghiên cứu nhằm khôi phục lại nhịp điệu sinh học khi anh trở lên lại mặt đất.

"Cơ thể chúng ta tuần tự sản sinh ra nội tiết tố (hormone) - nữ bác sĩ Andrea Galvanio, người trực tiếp tham gia theo dõi cuộc thực nghiệm cho biết - Ở một vài giờ trong ngày số lượng của chúng lên tới mức tối đa. Vậy cần phải có một trung tâm điều tiết nào đó chứ? Nhưng nó nằm tại đâu, hoạt động như thế nào? Bị ảnh hưởng tác động bởi cái gì? Khi chúng ta loại trừ những chu kỳ ngày và đêm thông lệ, có thể chúng ta sẽ đạt tới bản chất của hiện tượng. Ngoài ra chúng tôi cũng thu thập các thông số cần thiết, mà cơ thể con người ta có thể chấp nhận được - qua chế độ ăn uống nhất định. Montalbini vốn là người ăn chay trường, nên anh không đem theo bất cứ thứ sản phẩm từ thịt cá nào hết; mà chỉ gồm các đồ dự trữ giàu chất đạm, sữa bột giàu sinh tố (vitamin), hoa quả khô, sôcôla, mật ong, nước ngọt và vitamin dạng nước. Đây là lần đầu tiên các loại đồ ăn như vậy được thí nghiệm với khoảng thời gian dài. Lúc đầu mối ngờ vực về thành công của thực nghiệm lớn đến nỗi, ngay cả các nhà sản xuất thực phẩm cũng từ chối sự bảo trợ cũng như niên hạn bảo hành…".

Cuộc sống sau thử nghiệm

Sau khi M. Montalbini lên mặt đất, người ta chú ý nhiều nhất đến lá gan. Trong điều kiện bình thường có tới 2.000 tế bào thẩm thấu làm việc trong cơ quan nội tạng này của cơ thể, nhằm làm trung hòa các tạp chất, cũng như rượu, thuốc tây… - tất cả những thứ không có trong thực đơn của Montalbini. Vì vậy một phần các tế bào trên không hoạt động. Hệ thống đề kháng nói chung cũng hoạt động không tích cực lắm, bởi hầu như dưới hang sâu không có những vi thể giống như trên mặt đất.

"Cơ ngơi" của M. Montalbini dưới lòng đất.

Giới thầy thuốc đặc biệt lưu ý, rằng hệ thống đề kháng sẽ xử trí ra sao trước sự tấn công của các loại vi trùng mới - khi Montalbini về sống giữa đời thường? Còn các mao mạch trong hộp sọ lại được nghiên cứu riêng, vì những thay đổi trong tuần hoàn máu, do giới hạn tính chất của hệ cơ bắp… Nhưng điều quan trọng nhất là về thể trạng tâm lý suốt một quãng thời gian cô độc lâu như vậy.

Montalbini cuối cùng sẽ mất khái niệm về thời gian. Trong một mẩu giấy ghi lại mức huyết áp, anh đề: "Ngày thứ Hai, 22 giờ, mùng 3 tháng 3", nhưng thực ra lúc đó là thứ Sáu, ngày 4-7, lúc 15 giờ 30 phút. "Lúc đầu anh ta thử "đo" thời gian bằng những giọt nước tương ứng với thời gian cháy của một cây nến. Nhưng sau vài lần đếm nhầm, anh thấy thực ra thời gian lúc này cũng chẳng còn nghĩa lý gì. Chẳng cần phải biết là mấy giờ rồi và điều đó không làm Montalbini lo nữa. Anh ăn khi nào đói, đi nằm lúc thấy buồn ngủ, làm việc khi thích - bác sĩ A. Galvanio cho biết thêm - Nhưng mọi việc không chỉ đơn giản như vậy.

Đã đến lúc Montalbini cảm thấy mình rất gầy. Một "ngày" của anh đúng ra là rất nhiều ngày trong thực tế. Ngủ liền tù tì trong 12 giờ, nhưng lại nghĩ rằng mình mới chợp mắt có 5 phút. Ngồi viết hết 7 tiếng đồng hồ, nhưng lại cho là mới có một giờ trôi qua. Rồi chẳng buồn ăn ngay cả những lúc thấy đói nữa, do anh cứ ngỡ rằng mình đã ăn quá nhiều… Montalbini đã sút đi hẳn 14kg so với trước đây. Bên trên lưu ý anh nên ăn thường xuyên hơn, nhưng không cho biết nguyên nhân, vì muốn giấu Montalbini về khoảng thời gian thực anh vừa trải qua trong hang.

Tại sao người đàn ông mới hơn 30 tuổi này lại quyết định thử nghiệm bằng cách như vậy? Trong một thời kỳ dài, M. Montalbini từng đi sâu nghiên cứu điều trị những người nghiện thuốc phiện, rồi rút ra kết kuận: "Cuộc sống tồn tại có ý nghĩa, còn kẻ nghiện thuốc phiện là… vật thừa". Để giúp được người nghiện, cần phải giúp đương sự một việc gì đó sát thực tế, phải thuyết phục, thậm chí bắt buộc người ấy cần luyện ý chí của mình bằng những năng lực nội tâm, tạo tiền đề hướng tới tương lai".

M. Montalbini (đội mũ trắng) trở lại mặt đất sau hơn 7 tháng sống trong hang sâu.

Montalbini bảo lưu ý kiến cho rằng, chính điều kiện trong hang động là những thuận lợi tốt nhất để người nghiện ma túy cai được, bởi dưới đó "sự khủng hoảng" của họ ít hơn và dễ tự thân kiểm soát lấy hơn. Nhưng phải chăng chỉ vì mục đích đó mà anh đã phải sống tới 7 tháng trong hang? "Hoàn toàn không! - Giáo sư Tâm lý học Daniela Tonoya Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu quả quyết - Montalbini muốn chứng minh chút ít về mình, anh ấy "tự khép kín" nhằm biết rõ bản thân... Cắt đứt mọi sự ràng buộc, các mối quan hệ trần tục cũng như với thế giới tiện nghi".

Người thân và bạn bè của Montalbini luôn đưa ra những câu hỏi qua điện báo, anh trả lời băng cách ghi vào giấy và đưa ra trước ống kính. Không phải là những câu đối thoại thực sự, mà chỉ là một dãy các ký tự. "Anh cảm thấy thế nào?". "Rất khỏe. Nhưng tôi luôn phải nghe những tiếng ồn liên tục do các giọt nước sinh ra. Tôi ngỡ có khi chúng sẽ thành đại nhạc hội trong cái "nhà hát" khó chịu và tối tăm ẩm thấp này".

"Anh có thấy chật chội không?". "Không! Ngôi nhà nhỏ rất tuyệt, an toàn lắm!". "Thế còn những lúc khó khăn?". "Một trong những khoảnh khắc xấu nhất là có lần khi đun nấu, tí nữa làm bình chứa khí nén phát nổ. Có cả những lúc tệ hơn, nhưng tôi sẽ kể sau…".

"Còn những điều thú vị?". "Mỗi khi nghĩ rằng, xung quanh là màu sắc, cảm hứng, mọi vấn đề và các phương pháp giải quyết".

"Anh có cho rằng kinh nghiệm của mình sẽ có lợi cho người khác?". "Tôi tin rằng hoàn cảnh khó khăn luôn tạo ra những nguồn lực mới. Sự thể nghiệm cho phép bạn không chùn bước trước những trở ngại và tự giải phóng mọi điều cản trở mình". "Anh có thiếu cái gì không?". "Cái mà tôi thiếu thì lúc nào cũng thiếu và bất cứ ở đâu cũng vậy"…

Đến ngày thứ 236 cuộc thử nghiệm của M. Montalbini kết thúc. Anh lên khỏi hang vào buổi tối nhằm tránh những điều bất lợi cho thị lực vốn quen với bóng tối dài ngày, trước đám đông các nhà khoa học chờ đón cùng những người dân trong vùng kéo tới chào mừng. "Mặt trăng thật tuyệt - M. Montalbini thốt lên vẻ ngỡ ngàng - Nhưng ở đây, giữa các bạn cũng vậy, rất tuyệt. Nhiều người tới quá, tôi không quen với điều đó. Thế giới thật rộng lớn, còn chỗ của tôi dưới kia thì rất nhỏ".

Trong đám người vây quanh có cả ông M. Siffre, cựu vô địch thế giới về thời gian sống trong hang sâu. M. Siffre phát biểu với báo giới: "Thực nghiệm của Maurizio Montalbini chắc chắn là điều thú vị nhất, mà bản thân con người đã làm được từ trước đến nay, nhất là với nhịp điệu sinh học và tác động của thức ăn. Nhưng quan trọng hơn nữa là phương diện tâm lý. Montalbini đã biết tận dụng vị thế của mình, để suy nghĩ và làm việc…".

"Bây giờ điều trước mắt là cả quá trình nghiên cứu về khôi phục thể chất tâm sinh lý. Montalbini sẽ gặp khó khăn khi hội nhập lại với thế giới bên ngoài - nữ Giáo sư D. Tonoya quả quyết - Nhưng tôi ghen tị với anh, bởi Montalbini đã biết được thế nào là nỗi cô đơn và làm chủ được nó, một điều mà xã hội chúng ta ngày nay cho là niềm bất hạnh lớn lao. Những "nhà cô đơn học" như M. Montalbini chính là những con người đã làm nên những điều phi thường. Họ biết cách "dám liều mình" để giành được chiến thắng!".

Hơn 2 thập niên sau, vào ngày 19-9-2009, nhà hang động học M. Montalbini đột ngột từ trần vì một cơn đau tim ở thành phố Macerata, miền trung Italia nơi ông đang cư ngụ, hưởng thọ 56 tuổi. Theo kết luận giám định pháp y, cái chết của nhà xã hội học quả cảm M. Montalbini không liên quan gì đến các quá trình thử nghiệm, hòng sinh sống và tồn tại dưới hang sâu của ông trong quá khứ.

Kim Dung (theo Panorama)
.
.