Edmond Locard – Sherlock Holmes ở phố Saint - Jean
"Văn phòng đầu tiên của tôi được đặt trên tầng áp mái của Tòa án Lyon, những căn phòng cũ kỹ và chăng đầy mạng nhện, để lên đó phải trèo lên 5 tầng gác bằng một chiếc cầu thang ọp ẹp, dựng đứng. Nhân sự ban đầu của tôi còn thê thảm hơn: một người gác đêm và một nhân viên bảo vệ".
Một khởi đầu khiêm tốn như thế cũng đủ làm cho Locard thấy thỏa mãn. Ông có một niềm tin rằng người ta cần phải tập hợp tại cùng một cơ sở mọi phương tiện kỹ thuật cần thiết cho một cuộc điều tra của cảnh sát: nhận dạng chữ viết, thuốc độc, thuật đường đạn, lấy dấu vân tay.
Locard đã khởi đầu sự nghiệp với những nghiên cứu về giải phẫu thẩm mỹ, ngay sau đó ông chuyển hướng sang pháp y. Cuộc gặp gỡ với Giáo sư Alexandre Lacassagne, chuyên gia hàng đầu về nhân học tội phạm đã đánh dấu một bước ngoặt lớn lao trong sự nghiệp của Locard.
Vào một ngày mưa gió ở Lyon, khi đứng tránh mưa trong một nhà chờ xe bus, ngài giáo sư, vốn ghét sự lề mề và lãng phí thời gian, đã nói với Locard: Trong cặp tôi đã có một số bài báo của các tác giả nước ngoài, trong đó có một bài của một tác giả Argentina nói về tình trạng tái phạm của những tội phạm. Anh hãy đọc nó và cho tôi biết ý kiến của mình trước khi cơn mưa này ngớt". Với Locard, bài báo này là một phát hiện lớn với ông.
Tất cả mọi người đều để lại dấu vết
Ở tuổi 25, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài: "Pháp y trong thế kỷ XVII", Locard đã chọn con đường tội phạm học. Ông mô tả nó như là "những nghiên cứu khoa học về tội phạm".
Cùng với Lacassagne, ông cộng tác viết bài cho tạp chí Niên giám về Nhân học tội phạm và theo dõi sát sao tất cả những thành tựu mới trong lĩnh vực này. Năm 1905, ông tham dự hội nghị quốc tế về Nhân học tội phạm lần thứ 6 ở Turin, Ý.
Locard trong phòng thí nghiệm khoa học. |
Tại đây ông đã có dịp gặp gỡ nhà tâm lý học Cesare Lombroso, cha đẻ của thuyết tội phạm bẩm sinh; Alphonse Bertillon, người đã phát minh ra phép đo các chỉ số cơ thể nổi tiếng; Archibald Reisse, người đã thiết lập trường đào tạo cảnh sát khoa học đầu tiên trên thế giới ở Laussanne.
Trong bản tham luận tại hội nghị, Locard đã kiến nghị cần thiết lập một phương pháp nhận dạng thống nhất áp dụng tại tất cả các nước và một lực lượng cảnh sát quốc tế để phối hợp hành động. 84 năm sau bài phát biểu này, tổ chức Interpol đã chọn Lyon để đặt trụ sở chính của mình như một hành động để tưởng nhớ đến người đầu tiên đã đề xuất đến việc thành lập tổ chức này.
Hai năm sau vụ án ở phố Ravar, vụ phá án đầu tiên của e kíp của Locard, trung tâm chống tội phạm của ông đã gần như bị quá tải về công việc. Vẫn miệt mài làm việc trên tầng áp mái của tòa nhà của Tòa án Lyon, Locard đã hoàn thiện được kỹ thuật soi lỗ chân lông, một kỹ thuật bổ sung cho phép lấy vân tay.
Ông cũng đã hệ thống hóa và quy chuẩn hóa việc phân tích các vết bụi bám trên quần áo của các nghi phạm.
Cuộc Đại Chiến lần thứ nhất đã làm gián đoạn các nghiên cứu của ông. Tham gia quân đội, ông làm việc trong cục cơ yếu, chuyên tìm cách giải mã các bức mật mã của đối phương.
Chiến tranh kết thúc, ông trở về với công việc yêu thích của mình tại phòng thí nghiệm ở số nhà 35 phố Saint-Jean, Lyon và tiếp tục việc hoàn thiện các công cụ, các kỹ thuật và các quy trình điều tra tội phạm.
Ông đã sáng tạo ra máy đọc và phân loại nét chữ và trở thành một chuyên gia không thể thay thế được trong lĩnh vực đoán định chữ viết. Nhưng trên hết, ông nhắm đến một mục tiêu cao hơn, tạo ra một cái gì đó để có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành điều tra hình sự.
Năm 1919, trong diễn văn nhậm chức tại Viện Hàn lâm Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật Lyon nhân dịp ông được bầu làm thành viên chính thức, lần đầu tiên ông đã đề cập đến khái niệm chuyển giao tại hiện trường một vụ án. Nguyên lý về sự chuyển giao này giờ đây đã được giới khoa học cảnh sát biết tới dưới cái tên gọi là "nguyên lý Locard". Nguyên lý này giờ đây vẫn còn nguyên tính thời sự của nó và vẫn được các nhà điều tra hình sự áp dụng triệt để.
"Không một ai có thể đến và rời khỏi một địa điểm, đi vào và đi ra khỏi một căn phòng mà không nâng lên và đặt xuống một cái gì đó, không cầm lấy và mang đi một thứ gì đó ở tại địa điểm hay căn phòng đó", nói một cách khác, bất kỳ ai cũng sẽ để lại ở hiện trường một dấu vết gì đó đánh dấu sự có mặt của mình, việc các nhà điều tra phải làm là tìm ra chúng.
Sẽ không có cái gọi là một “tội ác hoàn hảo”
Với Locard, không tồn tại cái gọi là "tội ác hoàn hảo". Luôn luôn sẽ có một chi tiết nhỏ bé nào đó phá vỡ cái logic hoàn hảo trên bình diện tổng thể mà kẻ tội phạm đã cố công tạo dựng ra để đánh lạc hướng các nhà điều tra. Ngoài giáo sư, ngoài những nghiên cứu tìm tòi về nhân học tội phạm, còn là một người rất mê opéra, sưu tầm tem và nghệ thuật ẩm thực của Lyon.
Chuyên luận về tội phạm học gồm 7 tập của ông luôn được các nhà nghiên cứu trích dẫn, khán phòng trong các buổi thuyết trình của ông luôn luôn đông nghịt các thính giả.
Trong số các trợ lý của ông, không chỉ có các sinh viên, các nhà điều tra mà còn có một phóng viên trẻ người Bỉ của tờ Gazette de Liège, anh ta tên là Georges Simenon, lúc đó đang phụ trách mục tin vặt kiểu "xe cán chó". Một vài năm sau đó Simenon bắt đầu viết tiểu thuyết và đã trở thành cây bút viết truyện trinh thám nổi tiếng thế giới.
Năm 1925, nhờ vào thiết bị nhận dạng chữ viết, Locard đã tìm ra Angèle Laval, tên hung thủ đã làm náo loạn thành phố Tulle bằng những lá thư nặc danh. Vụ án này là nguồn cảm hứng để ra đời bộ phim Le Corbeau (kẻ nặc danh) của Henri-Georges Clouzot vào năm 1943. Tiến sĩ Locard cũng không quên ngài Conan Doyle, tiểu thuyết gia trinh thám xuất thân từ một bác sĩ như ông.
Edmond Locard trên hình con tem của nước Pháp. |
Vào năm 1927, Locard đã viết lá thư sau gửi tới Conan Doyle: "Dưới ảnh hưởng của ngài, tôi đã chọn lấy nghề nghiệp này và đã khởi sự những nghiên cứu của mình. Tôi đã vay mượn từ những cuốn sách của ngài rất nhiều ý tưởng. Việc nghiên cứu các vết bụi trên quần áo nghi phạm, một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm trong phòng thí nghiệm của chúng tôi ở Lyon, đó chính là một trong các ý tưởng tôi đã lấy ra từ các cuốn truyện trinh thám của ngài".
Conan Doyle, trong một lần trả lời phỏng vấn của tờ The Daily Express, cũng nhắc lại chi tiết này. Ông nói rằng ông rất tự hào khi biết rằng một trong những phát minh trong lĩnh vực điều tra hình sự của cảnh sát Lyon đã mang tên mình.
Quan tâm đến những bí ẩn của thời đại mình, Locard cũng rất hứng thú trong việc đưa ra lời giải cho những câu đố của lịch sử. Năm 1943, André Castelot đã đề nghị Locard phân tích một nhúm tóc của Karl-Wilhelm Naundorff, người thợ đồng hồ nước Phổ, chết năm 1845. Khi còn sống Karl-Wilhelm Naundorff luôn tự xưng mình là Hoàng tử Louis-Charles, con trai của vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette.
Ông khẳng định mình đã được bí mật đưa ra khỏi nhà tù và trốn thoát thành công khỏi nước Pháp chứ không phải bị đầu độc chết như các công bố chính thức. Locard đã tiến hành phân tích, so sánh mẫu tóc này với mẫu tóc đúng của hoàng tử khi còn bé.
Bản giám định của ông cho kết luận rằng đó không phải là mẫu tóc của cùng một người. Sau khi kỹ thuật xét nghiệm bằng AND ra đời, kết quả cho thấy kết luận của Locard trong vụ việc này là hoàn toàn chính xác.
Trong suốt thời gian hoạt động nghề nghiệp, Locard đã phối hợp sử dụng tất cả các công cụ đã ra đời của ngành khoa học hình sự để phá án: các phương pháp quan sát, thuật đường đạn, phương pháp phân tích dấu vết, độc dược học... với một đầu đạn và một ngòi nổ, dựa vào những vết xước được tìm thấy trên đầu đạn, ông có thể khẳng định chính xác khẩu súng nào đã bắn ra viên đạn đó.
Ông cũng là một chuyên gia đầu ngành trong việc nhận dạng chữ viết. Chiếc máy soi chữ viết của ông là một công cụ rất hữu hiệu để đưa các giám định về nét chữ là thật hay giả. Là một người nói thông thạo 5 thứ tiếng và đọc được 11 thứ tiếng, ông đã mở rộng phương pháp nhận dạng chữ viết không chỉ cho các chữ viết hệ Latinh, Slav mà còn cho các thứ tiếng hệ Arab, tiếng Phạn và các chữ tượng hình của Trung Hoa.
Tuy nhiên gia tài quan trọng nhất mà Edmond Locard đã để lại cho hậu thế chính là nguyên lý mang tên ông "Nguyên lý Locard".
Nguyên lý này đã phát biểu rằng "Hiện thực là một sự kiện mà không gì có thể làm thay đổi nó hay thủ tiêu nó được. Với mức độ bạo lực mà một hoạt động tội phạm đòi hỏi, kẻ phạm tội không thể không để lại ở hiện trường vô vàn những dấu vết chứng tỏ hắn từng có mặt ở đó.
Ở chiều người lại, hắn sẽ mang theo trên cơ thể hắn hay trên quần áo của hắn những dấu vết có nguồn gốc từ việc hắn có mặt tại hiện trường hay từ những hành động hắn đã từng thực hiện tại hiện trường".
Nguyên lý này vẫn còn là nguyên lý cơ bản của cảnh sát hình sự và khoa học cảnh sát cho đến tận ngày hôm nay.
Ngày nay, nếu một điều tra viên đến hiện trường vụ án với phong cách của Sherlock Holmes; mũ phớt, tẩu thuốc... anh ta sẽ bị mời ra khỏi hiện trường ngay lập tức. Nếu là các chuyên gia điều tra hình sự, họ sẽ phải mặc những bộ đồ chuyên dụng màu trắng, đeo mặt nạ và gang tay.
Kiên nhẫn và tỷ mỉ, làm việc thận trọng và có phương pháp, họ sẽ tìm kiếm và phát hiện các vết ngón tay hay bàn tay, các yếu tố sinh học, những sợi vải, mảnh sơn tróc ra từ một bức họa, những vết đạn, bụi thuốc nổ, chấy gây cháy…
Một kẻ tội phạm dù khôn khéo đến đâu cũng rất khó tránh khỏi không để lại dấu vết, có thể nói là không thể không để lại dấu vết. Trong lĩnh vực di truyền học, bằng các phương tiện hiện đại, một lượng nhỏ đến mấy của mẫu vật, cũng cho phép kết luận được về các dấu vết sinh học.
Một mẩu tóc rất nhỏ cũng cho phép đọc ra toàn bộ hay một phần lớn bộ gien với sai số gần như bằng không. Những chiếc điện thoại di động cho phép định vị nhanh chóng địa điểm xảy ra vụ án. Bộ nhớ của máy điện thoại dù bị xóa hết, vẫn có thể khôi phục nhờ vào các phần mềm chuyên dụng.
Sự có mặt của những loại côn trùng khác nhau trên thi thể nạn nhân cho phép xác định khá chính xác thời gian nạn nhân bị sát hại. Dựa vào những dấu vết đã lưu lại trên cơ thể nạn nhân, người ta có thể biết được những loại thuốc mà nạn nhân đã uống trước đó cả tuần.
Các kỹ thuật điều tra ngày càng tiến bộ, nhưng chúng luôn luôn vẫn chỉ là những yếu tố hỗ trợ để củng cố thêm tính đúng đắn của Nguyên lý Locard. Năm 1983, thám tử người Anh Alec Jeffreys lần đầu tiên đã sử dụng dấu vết di truyền để chứng minh sự vô tội của một nghi phạm.
3 năm sau đó, nghi phạm này bị nhận diện cũng chính nhờ vào phương pháp này. Ngày nay phương pháp sắc ký khí và quang phổ cho phép tách các phân tử ra khỏi một hỗn hợp phức tạp và nhận dạng được các chất bột, các chất lỏng hay những sản phẩm khác đã từng bốc hơi tại hiện trường vụ án.
Với những kinh nghiệm dày dạn của mình, Locard hiểu rằng kẻ thù lớn nhất của một điều tra viên chính là thời gian. "Thời gian càng trôi đi, các dấu vết càng bị xóa nhòa và cái sự thật sẽ chạy trốn theo chúng".
Edmond Locard đã nghĩ về tương lai xa của ngành cảnh sát khoa học, ít nhất là 30 năm sau cái chết của ông. Trong một vụ án, ông muốn các dữ liệu thu thập được phải đạt đến một mức độ xác tín cao để không thể có khả năng đưa ra đồng thời hai kết luận trái ngược nhau, có nghĩa là sẽ dẫn đến những chứng cứ không thể đảo ngược được.
Trong suy nghĩ của ông, hình ảnh người cảnh sát điều tra thật là đẹp đẽ. Trong cuốn sách "Những kỷ niệm và hồi ức của một cảnh sát" xuất bản năm 1951 ông đã viết "thanh tra cảnh sát, đó là một người đàn ông trung niên, đầy khôn ngoan và cẩn trọng, đầy sự dịu dàng và tình thương, tình thương ấy đến từ những trải nghiệm của anh ta trong quá trình tiếp xúc với con người theo nghĩa rộng nhất của từ này, bao gồm cả những kẻ khốn cùng bị đánh đồng với những kẻ vô lại, những kẻ khốn cùng đã phạm phải những điều xấu xa bởi họ đã quá thiếu may mắn trong cuộc đời".