Lần đầu tiên Trung Quốc đưa người lên trạm vũ trụ do nước này chế tạo
1. Sáng thứ Năm hôm ấy ở sa mạc Gobi là một ngày nắng đẹp, 3 phi hành gia Trung Quốc dẫn đầu bởi Nie Haisheng, 56 tuổi, Liu Boming, 54 tuổi và Tang Hongbo, 45 tuổi, giơ tay vẫy chào các phóng viên với một rừng ống kính máy quay phim, máy chụp ảnh đang hướng về phía họ khi họ tiến đến vị trí đặt tàu Thần Châu-12, được phóng đi bởi tên lửa Long March 2F. Cả 3 người sẽ bắt đầu chuyến du hành lên trạm vũ trụ Tiengong và họ cũng là những người Trung Quốc đầu tiên lên trạm vũ trụ này.
Việc phóng tàu Thần Châu-12 nằm trong kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, là nước duy nhất sở hữu và điều hành một trạm vũ trụ của riêng mình, dự kiến sẽ hoàn thành trong 2 năm tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan, một ngày trước khi khởi hành, Nie Haisheng nói: "Đây sẽ là chuyến bay đầu tiên có người điều khiển trong quá trình xây dựng trạm vũ trụ do Trung Quốc chế tạo. Sự phát triển trong lĩnh vực khám phá không gian của Trung Quốc là kết tinh giấc mơ ngàn năm bay lên bầu trời. Tôi đã rất may mắn khi được chọn…".
Cả 3 phi hành nói trên đều là cựu phi công của Không quân Trung Quốc. Đối với Nie Haisheng, đây là chuyến đi thứ 3, còn với Liu Boming, đây là chuyến đi thứ 2 sau một nhiệm vụ hồi năm 2008, lần đầu tiên các phi hành gia Trung Quốc thực hiện đi bộ ngoài không gian.
Nhiệm vụ chính của Nie Haisheng, Liu Boming và Tang Hongbo là đưa mô đun lõi Tianhe dài 16,6m, chỗ rộng nhất là 4,2m, lắp ráp thành công với trạm vũ trụ Tiengong.
Ông Yang, Phó tổng giám đốc chương trình không gian có người lái của Trung Quốc cho biết công việc đang chờ đợi 3 phi hành gia sẽ đầy thử thách và phức tạp.
Bên trong mô đun, các phi hành gia sẽ thử nghiệm nhiều thiết bị và công nghệ mới, không chỉ cho chương trình không gian của Trung Quốc mà còn có thể cho cả thế giới.
Một trong những công nghệ được thử nghiệm là động cơ đẩy ion - loại chưa từng được sử dụng trước đây trong những chuyến bay vũ trụ có người lái.
Ông Yang nói: "Việc xây dựng trạm vũ trụ sẽ buộc 3 phi hành gia phải dành nhiều thời gian cho những hoạt động ngoài không gian. Để hỗ trợ họ, mô đun Tienhe có những công cụ giúp giảm bớt khối lượng công việc, bao gồm một cánh tay robot khổng lồ có thể với đến hầu hết các vị trí trên bề mặt trạm vũ trụ. Nó cũng có thể chuyển công cụ hoặc thiết bị cho phi hành gia, hoặc mang họ từ nơi này sang nơi khác. Bên cạnh đó, bộ quần áo bay cũng có một số tính năng mới để các phi hành gia thoải mái hơn, đi lại cũng dễ dàng hơn".
Tàu Thần Châu-12 với tên lửa Trường Chinh trước giờ phóng. |
2. Lịch sử ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc khởi đầu với ông Qian Xue-sen. Trước đó, ông Qian là trưởng phòng thí nghiệm động cơ phản lực đồng thời là cố vấn cho quân đội Mỹ trong lĩnh vực tên lửa.
Năm 1955, ông Qian về nước và ngay lập tức ông nhận nhiệm vụ chủ trì chương trình tên lửa đạn đạo. Năm 1960, với sự trợ giúp về kĩ thuật của Liên Xô, Trung Quốc đã phóng thử tên lửa đạn đạo đầu tiên từ căn cứ Jiuquan.
Được tạo điều kiện tối đa cho việc nghiên cứu, năm 1966, ông Qian Xue-sen cùng các cộng sự bắt đầu thực hiện chương trình phóng tàu vũ trụ có người lái. Chuyến bay dự kiến tiến hành vào năm 1973 với 19 phi công quân sự đã được tuyển chọn nhưng do cuộc Cách mạng văn hóa, việc phóng phải tạm ngừng.
Tuy vậy, các nghiên cứu, thiết kế vẫn diễn ra lặng lẽ và đến ngày 24-4-1970, Trung Quốc trở thành nước thứ 5 trên thế giới có vệ tinh nhân tạo. Đó là Đông Phương Hồng-1 với đường kính 1m, nặng 173kg. Khi bay quanh quỹ đạo trái đất, Đông Phương Hồng-1 phát đi bài hát Đông Phương Hồng ở tần số 20Mhz
Năm 1991, Qian Xue-sen nghỉ hưu. Thời điểm này, quân đội Trung Quốc (PLA) cũng bắt đầu bí mật xúc tiến chương trình phát triển tàu vũ trụ có người lái, mang mật danh Dự án 921. Đến năm 1993, 5 phi công quân sự Trung Quốc được cử sang Trung tâm huấn luyện vũ trụ Nga để đào tạo. Dựa trên thiết kế có cải tiến từ tàu Soyuz của Nga, năm 1998, tàu Thần Châu-1 ra đời.
Cũng trong năm này, Trung Quốc đặt vấn đề gửi các phi hành gia của họ lên Trạm vũ trụ ISS nhưng phía Mỹ từ chối vì lý do bảo mật công nghệ. Điều đó vô hình trung đã thúc đẩy Trung Quốc tập trung nguồn lực để phát triển ngành hàng không vũ trụ cho riêng mình.
Ngày 19-11-1999, từ căn cứ Jiuquan, Thần Châu-1 được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh (Long March). Hôm sau, nó hạ cánh xuống sa mạc Nội Mông. Đến ngày 9-1-2001, Thần Châu-2 bay vào vũ trụ, mang theo một số loại vi sinh vật rồi trở về sau 7 tháng với những kiến thức thu thập được trong lĩnh vực sinh học.
Năm 2002, chương trình vũ trụ của Trung Quốc hoàn tất những thử nghiệm cuối cùng, chứng minh sự tin cậy của tên lửa Trường Chinh qua việc 2 lần liên tiếp, các tàu Thần Châu-3 và 4 mang theo phi công mô hình được phóng lên quỹ đạo và đều đã hạ cánh an toàn.
Bước sang năm 2003, 9 giờ sáng ngày 15-10, tàu Thần Châu-5 do Yang Lai Wei điều khiển được phóng vào không gian rồi sau đó, nó bay 14 vòng quanh Trái đất với tổng chiều dài hơn 600.000km trong 21 giờ 23 phút.
Đến 6h23 phút ngày 16-10, tàu Thần Châu-5 hạ cánh an toàn ở Nội Mông. Từ đó đến năm 2020, Trung Quốc đã lần lượt đưa các tàu Thần Châu từ 6 đến 11 lên không gian, trong đó năm 2013, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 sau Mỹ và Nga đổ bộ thành công lên Mặt trăng bằng xe tự hành Ngọc Thố-1. Đến năm 2019, xe tự hành Ngọc Thố-2 hạ cánh xuống vùng tối của Mặt trăng để nghiên cứu về việc các "biển" trên hành tinh này có nước hay không.
Và rồi 9 giờ 30 phút sáng ngày 17-6-2021, tàu Thần Châu-12 rời bệ phóng Jiuquan đặt ở sa mạc Gobi để thực hiện chuyến hành trình lịch sử vì đây là lần đầu tiên, Trung Quốc đưa người lên trạm vũ trụ Tiengong trong bối cảnh trước đó - ngày 6-6-2021, các phi hành gia thuộc Cơ quan Hàng không, không gian Mỹ (NASA) và Pháp đã thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian để lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời mới cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trước khi trạm này ngừng hoạt động trong năm 2024 nếu không nhận được thêm nguồn vốn.
Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1998, ISS hiện đã 23 tuổi. Trong 23 năm ấy, nó tiêu tốn 150 tỷ USD gồm 100 tỷ USD do Mỹ chi trả. Phần còn lại do các cơ quan vũ trụ của Nga, châu Âu, Nhật Bản và Canada cùng gánh vác. Như vậy, rất có thể trạm Tiangong sẽ là trạm không gian duy nhất của con người trong vũ trụ kể từ 2025.
Sau 6 tiếng rưỡi kể từ khi rời bệ phóng, Thần Châu-12 và khoang lõi Tienhe đã ghép nối thành công với trạm vũ trụ Tiangong. Ông Hao Chun, Giám đốc chương trình đưa người vào vũ trụ Trung Quốc (CMSA) cho biết, khác với những lần phóng trước, lần này nhiệm vụ của phi hành đoàn Thần Châu-12 sẽ phức tạp và nhiều thách thức hơn.
Họ sẽ ở trong không gian 3 tháng và sẽ phải hoàn thành 4 nhiệm vụ chính trên quỹ đạo, gồm vận hành, quản lý khu phức hợp của khoang lõi, đi bộ và làm các công việc lắp ráp thiết bị ngoài không gian, thực hiện các thí nghiệm khoa học và thử nghiệm công nghệ trong vũ trụ.
Để đảm bảo cho sức khỏe của các phi hành gia, Thần Châu-12 mang theo những nguồn cung cấp cơ bản với 120 bữa ăn dinh dưỡng cân bằng, chất lượng phong phú.
Bên cạnh đó, mô đun lõi Tienhe lần đầu tiên trang bị hệ thống hỗ trợ sự sống, bao gồm các thiết bị tạo oxy điện phân, thu gom và xử lý hơi nước ngưng tụ, xử lý chất thải, loại bỏ carbon dioxide (CO2) cùng các loại khí độc khác hại nhằm giúp các phi hành gia có thể sống dài ngày.
Tàu thăm dò Thiên Vấn-1 của Trung Quốc hạ cánh xuống sao Hỏa ngày 15-5-2021. |
3. Dù chậm hơn Mỹ và Nga 4 thập kỷ nhưng chuyến bay có người lái đầu tiên của Trung Quốc đến trạm Tiangong được xem là bước tiến lớn để quốc gia này có thể xuất hiện thường trực ngoài không gian.
Về phía Mỹ, Cơ quan Hàng không, không gian Mỹ (NASA) vẫn chưa đưa ra bình luận gì ngoại trừ một phát biểu của Bill Nelson, quản trị viên NASA: "Chúc mừng Trung Quốc đã phóng thành công phi hành đoàn lên trạm vũ trụ của họ. Tôi rất mong chờ những khám phá khoa học sẽ đến".
Tuy nhiên đây chỉ là phát biểu mang tính ngoại giao bởi lẽ tên lửa Trường Chinh chỉ mang được tối đa 25 tấn vào quỹ đạo thấp của trái đất trong lúc tải trọng của tên lửa Falcon Heavy (Mỹ) là 63,8 tấn. Trong một báo cáo hồi tháng trước, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) đã đánh giá Trung Quốc vẫn đi sau các cường quốc không gian khác, kể cả vệ tinh.
Tính đến tháng 3-2020, Trung Quốc đang vận hành 363 vệ tinh, nhiều hơn gấp đôi vệ tinh Nga trong lúc một nửa số vệ tinh đang bay trên quỹ đạo trái đất là của Mỹ. Tổng cộng, Mỹ đã phóng 916 tàu vũ trụ, gồm cả tàu đưa vệ tinh lên không gian còn Trung Quốc chỉ là 85.
Vẫn theo CSIS, trong tương lai nếu trạm ISS ngừng hoạt động và nếu có sự hợp tác giữa Mỹ, Trung Quốc trên trạm Tiengong, NASA phải xin phép Quốc hội Mỹ nhưng sẽ rất khó để được quốc hội chấp thuận.
Với các quốc gia khác, ông Zhou Jianping, thiết kế trưởng chương trình không gian có người lái của Trung Quốc cho biết: "Ở giai đoạn hiện tại, chúng tôi chưa xem xét việc tham gia của các phi hành gia quốc tế nhưng sau này, sự có mặt của họ sẽ được đảm bảo. Tôi biết rằng nhiều quốc gia đã bày tỏ mong muốn của họ về vấn đề này".
Theo dự kiến, sau khi phóng thành công tàu Thần Châu-12, Trung Quốc sẽ tiếp tục phóng tàu chở hàng Thiên Châu-3 và tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-13 vào tháng 9 và 10-2021 với 3 phi hành gia thay thế. Ngoài ra, Trung Quốc dự kiến có thêm 6 lần phóng khác, gồm khoang thí nghiệm Wentian và Mengtian, 2 tàu chở hàng và 2 tàu có phi hành đoàn trong năm 2022 để hoàn tất việc xây dựng trạm vũ trụ.
Sau khi hoàn tất, trạm Tiangong của Trung Quốc có thể hoạt động trên quỹ đạo ít nhất 10 năm hoặc 15 năm nếu được bảo dưỡng thích hợp. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có kế hoạch trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới đưa người lên Mặt trăng mà khả năng sẽ diễn ra trong thập niên 2030…