Nga tăng cường tiềm lực quân sự và cải tiến những vũ khí lạc hậu

Thứ Năm, 05/01/2017, 20:00
Ngày 23-12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, quân đội Nga đã "thử nghiệm 162 loại vũ khí hiện đại trong chiến dịch quân sự ở Syria", trong đó có các máy bay chiến đấu Sukhoi cùng những trực thăng MiG, Kamov, tên lửa, hệ thống phòng không, máy bay, xe tăng - thiết giáp, tàu nổi, tàu ngầm. Ông nhấn mạnh, những thiết bị này đều thể hiện tính hiệu quả cao trong hoạt động.

Tăng tiềm lực hạt nhân, đảm bảo tên lửa Nga có thể xuyên mọi lá chắn

Theo ông Shoigu, 10 trong tổng số 162 vũ khí được thử nghiệm đã xuất hiện lỗi và Moscow sẽ đảm bảo việc khắc phục tình trạng này. Cho đến nay, các máy bay Nga đã tiến hành được tổng cộng 18.000 đợt không kích chống khủng bố tại Syria, phá hủy 71.000 mục tiêu bao gồm trại huấn luyện, kho đạn và các hệ thống vũ khí và phương tiện quân sự.

Chiến đấu cơ Nga ở Syria.

Bộ trưởng Shoigu cũng tiết lộ kế hoạch mua sắm quốc phòng năm sau của Nga bao gồm việc biên chế thêm 4 khẩu đội tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars và 5 máy bay ném bom chiến lược. Trong năm 2017, Nga sẽ mở rộng phi đội máy bay không người lái, vốn đã tăng gấp 10 lần về số lượng trong vòng 5 năm qua.

Nga bắt đầu can thiệp quân sự vào Syria, triển khai chiến dịch hoạt động của lực lượng VKS để hỗ trợ hỏa lực từ trên không cho quân đội Syria (SAA) trong cuộc chiến chống khủng bố từ ngày 30- 9-2015, theo yêu cầu của Tổng thống Bashar al-Assad. Vào ngày 14-3-2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh rút một số lượng lớn quân nhân và vũ khí - trang bị hàng không từ Syria về nước, vì nhiệm vụ chính đã hoàn thành. Tuy nhiên, Nga vẫn để lại tại sân bay Hmeymim vài chục chiến đấu cơ và trực thăng tấn công để tiếp tục hỗ trợ quân đội Syria. Ngoài ra, những vũ khí tiên tiến nhất như máy bay Su-34, Su-35 hay các hệ thống phòng không S-300, S-400 vẫn tiếp tục bảo vệ các căn cứ Nga ở tỉnh Latakia.

Bộ Quốc phòng Nga đã vô hiệu hóa mối đe dọa tiềm tàng từ các tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ đặt gần biên giới nước này. Đó là báo cáo của Bộ trưởng Sergei Soigu với Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga ngày 22-12. Ông Soigu nhấn mạnh Tổng thống Putin đã đưa ra chỉ thị và Bộ Quốc phòng đã thực hiện chỉ thị này.

Tổng thống Nga cũng vừa kêu gọi nước này tăng cường tiềm lực hạt nhân quân sự và đảm bảo các tên lửa của Nga có thể xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa. Theo AP, các hãng thông tấn dẫn lời phát biểu của Tổng thống Putin tại cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga nói: "Chúng ta cần tăng cường tiềm lực quân sự cho các lực lượng hạt nhân chiến lược, đặc biệt với các tổ hợp tên lửa có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại và tương lai".

Biến vũ khí cổ lỗ thành thông minh

Một điểm nữa là trong cuộc chiến ở Syria, Nga đã thử nghiệm các loại vũ khí tấn công chính xác và các hệ thống hỗ trợ tấn công như SVP-24, biến các loại bom thông thường thành   vũ khí thông minh, giải quyết được bài toán xử lý khối lượng các bom, đạn công nghệ lạc hậu có từ thời Liên Xô. Công nghệ chế tạo bom trước đây của Liên Xô là bom trọng lực, máy bay cắt bom bằng hệ thống ngắm mục tiêu cơ bản, khiến bom có thể đi lệch mục tiêu rất xa. Loại bom này có thể dùng cho chiến thuật ném bom rải thảm, nhưng không phù hợp với đòn tấn công chính xác.

Hệ thống SVP 24 được lắp đặt trên các máy bay chiến đấu của Nga.

Khác với Mỹ gắn thiết bị điều khiển trực tiếp lên quả bom (bom JDAM), các chuyên gia Nga đã có biện pháp giải quyết khối lượng lớn các loại "bom ngu" có từ thời Liên Xô bằng cách lắp đặt hệ thống máy tính đặc biệt mang tên SVP-24 ở trong khoang các máy bay chiến đấu. Hệ thống này hoạt động trên nguyên lý liên tục so sánh vị trí giữa máy bay với mục tiêu (thông qua hệ thống GLONASS), tính toán điều kiện môi trường ảnh hưởng tới quỹ đạo của bom như: Áp suất không khí, độ ẩm, sức gió, tốc độ bay, góc tấn công….

Sau đó hệ thống này đưa ra một bảng thông số cần thiết cho quả bom như tốc độ rơi, độ cao, quỹ đạo… và những tham số cần thiết cho máy bay để thả bom đúng thời điểm, độ cao và khoảng cách cần thiết, giúp bom tấn công đúng mục tiêu, với sai số chỉ từ 3 đến 5m.

Ngoài ra, để hỗ trợ tấn công chính xác hơn, máy bay được cài đặt SPV-24 cũng có thể tiếp nhận thông tin bổ trợ về mục tiêu từ các phương tiện trinh sát như máy bay cảnh báo sớm, trung tâm chỉ huy mặt đất và các máy bay khác trong phi đội. Nhờ SPV-24 mà những máy bay "đồ cổ" của Nga như Su-24, Su-25 hay Su-33 vẫn có khả năng tấn công trúng mục tiêu ở độ cao trên 5000m, chỉ bằng các loại bom cũng đã già lão, với độ chính xác ngang với bom dẫn đường tiên tiến nhất trên các máy bay ném bom hiện đại của Mỹ-NATO.

Nhờ SPV-24, Nga đã giải đươc bài toán đau đầu về khối lượng lớn bom đạn không điều khiển dưới thời Liên Xô bằng một biện pháp cực kỳ kinh tế, rẻ hơn rất nhiều so với cách gắn các thiết bị trực tiếp lên bom như của Mỹ (mỗi bộ điều khiển cho một quả bom JDAM có giá 25.000 USD). Ngoài ra, SPV-24 được lắp trên máy bay nên sử dụng được lâu dài, không như phương pháp sử dụng một lần trên các loại bom của Mỹ.

Vũ khí xuyên mọi "lá chắn tên lửa"

Các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu thiết bị bay siêu thanh có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của kẻ thù.

Boris Satovsky, Giám đốc dự án tại Quỹ nghiên cứu tương lai của Nga, cho biết các tiến bộ công nghệ giúp tạo ra những loại vũ khí mới, bao gồm các thiết bị bay siêu thanh có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay. "Nhờ các tiến bộ kỹ thuật, những vũ khí như thế này sẽ có thể xuyên phá qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay. Chúng sẽ đảm bảo sự cân bằng chiến lược quân sự toàn cầu trong vòng 30 đến 40 năm tới", ông Boris Satovsky nói.

Theo lời ông B. Satovsky, công nghệ vũ khí hiện đại đang tiến tới giai đoạn "cửa sổ", khi các bước tiến vượt bậc về công nghệ đang làm định nghĩa lại thế nào là vũ khí chiến lược. Tiến trình này đang tạo ra một loại vũ khí mới chưa từng có trong lịch sử, trong đó nổi bật nhất là các loại phương tiện lượn siêu thanh có khả năng cơ động quỹ đạo trang bị trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo các báo cáo, Nga đã thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh hai lần trong năm nay nhằm mục đích thay thế các đầu đạn truyền thống trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới, bao gồm tên lửa đạn đạo hạng nặng Sarmat.

Trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin RIA, chuyên gia quân sự Boris Litovkin cho biết rằng sau khi bay vào bầu khí quyển, các thiết bị sẽ đạt vận tốc siêu thanh (gấp 5 lần tốc độ âm thanh hay 330 m/giây) và có thể thay đổi mục tiêu trong suốt hành trình. Điều này khiến chúng rất khó bị đánh chặn. Quỹ nghiên cứu tương lai được thành lập vào năm 2012 để hỗ trợ phát triển và nghiên cứu khoa học nguy hiểm cao trong lĩnh vực liên quan tới quốc phòng. Các nghiên cứu này có thể giúp Nga đạt được những bước đột phá trong công nghệ quốc phòng.

Quỹ nghiên cứu tương lai đã hỗ trợ cho hơn 50 dự án nghiên cứu thiết bị bay đạn đạo siêu thanh tại hơn 40 phòng thí nghiệm thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp quốc phòng ở Nga.

Văn Nguyễn - D.T. (tổng hợp)
.
.