Nhà máy Boeing đã "tàng hình" như thế nào trong Thế chiến II?

Thứ Ba, 08/12/2020, 13:34
Nhờ sự hậu thuẫn ngụy trang tài tình của quân đội Hoa Kỳ mà Nhà máy số 2 của hãng Boeing đã hoàn toàn "bốc hơi" dưới một vùng ngoại ô rộng tới 10,5 ha. Sự thật của câu chuyện ly kỳ này là như thế nào?


Ý tưởng "tắc kè hoa" 

Khi ánh bình minh treo trên nền trời, một phi công Nhật Bản đang hình dung cách lái chiến cơ bay trên không phận của quân thù. Những viên đạn phòng không làm rung chuyển dữ dội chiếc thủy phi cơ khi người lính nhắm mục tiêu: một nhà máy máy bay khổng lồ. Tòa nhà đồ sộ và những đường băng vĩ đại là thứ không thể nào nhầm lẫn được.

Nhưng ô hay, tại sao bên dưới chỉ có vài căn nhà? Chiếc chiến cơ lạ lúng túng, tràn ngập nghi hoặc, và thình lình ngay lúc đấy có 2 chiếc tiêm kích P-40 đã bất ngờ hiện ra và dàn hàng ngang sau đuôi chiếc thủy phi cơ, điệp vụ của kẻ ngoại xâm đã sụp đổ. Hồi đầu năm 1942, kịch bản này đã nung nấu trong tâm can của Kỹ sư quân đội - Đại tá John F. Ohmer Jr. mặc dù dấu ấn dự định cho ảo mộng lớn nhất của ông - Hải quân Thiên hoàng Nhật Bản - vẫn chưa thật sự hiện rõ.

Nghệ thuật và khoa học ngụy trang đã cuốn hút Ohmer trong suốt nhiều năm. Năm 1938, sau khi gia nhập quân đội, Ohmer đã kết hợp niềm đam mê ảo thuật và nhiếp ảnh để định hình ra những cách thức sáng tạo mới mẻ nhằm đánh lừa thị giác và cả ống kính máy ảnh. 

Khi Ohmer du học hải ngoại với chương trình các nỗ lực che giấu thời chiến ở Anh, Ohmer đã tỏ ra kinh ngạc khi biết những kẻ tấn công Đức Quốc xã (ĐQX) đã lãng phí bom trên những cánh đồng trống khi tấn công các mục tiêu quan trọng. Dưới tư cách là chỉ huy Tiểu đoàn ngụy trang kỹ thuật số 604 của quân đội Mỹ, Ohmer đã chứng tỏ tài nghệ của mình khi đề đạt ý định với cấp trên sẽ làm "bốc hơi" sân bay quân sự Wheeler ở Hawaii vào năm 1941. Nhưng với số tiền lên tới 56.210 USD (thị giá ngày nay là gần 900.000 USD), cấp trên của ông đã từ chối. 

Thiết kế ngoại ô giả của nhà máy 2 của Boeing đã bắt chước y chang khu dân cư South Park nằm gần đó. Ảnh nguồn: Boeing

Rủi thay vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, phát xít Nhật đã cày xới tiêu điều các sân bay dã chiến ở Oahu cùng với căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng. Chỉ riêng sân bay Wheeler đã thiệt hại 83 chiến cơ, chỉ riêng mỗi 1 chiến cơ cũng đủ chi phí để cho Ohmer trổ tài giấu cả sân bay. Với việc Mỹ tham chiến, những nhà máy và căn cứ quân sự của nước này ở Bờ Tây sẽ là mục tiêu kế tiếp của hải quân Thiên hoàng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tàu ngầm Nhật Bản đã triệt hạ một cơ sở lưu trữ xăng dầu nằm gần Santa Barbara, và ngay những giờ đầu của buổi sớm ngày 25 tháng 2 năm 1942, pháo thủ phòng không quanh thành phố Los Angeles đã "khạc" 1400 quả đạn lên trời nhắm vào những đốm sáng lấp lánh, săn đuổi những chiến cơ ma. Mối hiểm họa về một cuộc tấn công sắp sửa xảy ra đã khiến cấp chỉ huy phải xét lại tầm nhìn của Ohmer.

Ohmer đã nhận được một sứ mạng mơ ước nghe thì có vẻ đơn giản, song trọng trách lại nặng nề. Ông phải làm cho những địa điểm có nguy cơ bị đánh bom trải dài từ San Diego đến Seattle phải biến mất. Đó là một danh sách dài ngoằng gồm các sân bay, kho dầu, các trạm cảnh báo máy bay, các doanh trại quân đội cũng như các khẩu đội pháo phòng không. Những mục tiêu dễ bị phát hiện cũng như dễ tổn thương nhất có thể lên đến vài chục, chúng là những tòa nhà được lắp ráp để chứa máy bay. 

Các lãnh đạo quân sự lo ngay ngáy khi nghĩ đến viễn cảnh chỉ cần vài quả bom cháy cũng đủ hóa chúng ra tro. Việc tổn thất một cơ sở sản xuất máy bay lớn cũng có thể khiến cuộc chiến kéo dài thêm. Nếu những nhà máy như của Lockheed Martin bị đốt vào năm 1942 thì quân đội Mỹ sẽ bị thiệt hại khoảng 3.500 tiêm kích, oanh tạc cơ và không vận tải hàng hóa. Và phải mất cả năm hoặc vài năm mới xây dựng lại một nhà máy tương đương, đi vào vận hành bình thường.

Ohmer lặn lội tới Hollywood để lần cho ra những nhân viên dân sự lão làng nhất, "đột kích" các hãng phim nhằm tận dụng tài năng của những nhà thiết kế bối cảnh, các đạo diễn nghệ thuật, họa sĩ, thợ mộc và họa sĩ phong cảnh để đảm đương nhiệm vụ cấp thiết; ngoài ra còn có sự phối hợp của một nhóm các nhà làm phim hoạt hình, các chuyên gia ánh sáng, cùng những nhà thiết kế khái niệm nghệ thuật. Ohmer hiểu rằng những nghệ sĩ này làm việc rất nhanh và hiểu sâu sắc về ảo ảnh khi họ bắt tay xây dựng các bộ phim điện ảnh công phu. Một số nỗ lực che đậy nghe qua tương đối đơn giản.

Các cơ sở chế tạo máy bay Nam California chẳng hạn như Consolidated, North American và Northrop đã nhanh chóng "biến mất" dưới một mạng lưới sơn xám và lưới ngụy trang hết sức tinh vi. Quân đội Mỹ gọi những hoạt động này là "giảm âm sắc" hay nói nôm na là làm mờ và che bớt đi những đường nét đặc trưng của các nhà máy. Những nhà máy nằm trong các khu nội đô chẳng hạn như Lockheed ở Burbank, Boeing ở Seattle, và Douglas ở Santa Monica, đã buộc các chuyên gia ngụy trang phải vắt óc nghĩ kế che giấu.

Để làm cho những nhà máy lớn hoàn toàn biến mất trong khu vực mà chúng tọa lạc, các nghệ nhân và họa sĩ đã xây dựng những khu dân cư giả y như thật đặt ngay trên nóc của những tòa nhà lắp ghép khổng lồ, và cùng hoàn thiện với những con phố giả, cây cối giả, sân vườn, nhà cửa giả tạo. Bị đồn ép gồm cả thời gian và nguồn lực, cả quân đội Mỹ lẫn các chuyên gia Hollywood đều hiểu rằng hiệu ứng giả phải thật sự hoàn hảo để làm cho địch phải hoang mang chí ít trong vài phút.

Tạp chí Douglas Airview (một tạp chí của hãng bay Douglas) từng nhấn mạnh: "Bối cảnh giả như thật sẽ tăng cơ hội vô hiệu hóa địch bằng tiêm kích và súng phòng không. Trong hồ sơ chiến tranh, khả năng đó đắt vô cùng!". Xảo thuật của Ohmer hiệu quả đến mức ngay cả các phi công Mỹ lúc tìm kiếm nhà máy Douglas cũng trở nên rối bời, xôn xao phàn nàn sao nhìn chả thấy những tòa nhà và đường băng quen thuộc.

Sự ngụy trang của nhà máy Lockheed còn thần sầu đến nỗi tại hiện trường chỉ còn nổi bật mỗi hãng phim Warner Brothers trong khu vực thung lũng San Fernando Valley. Jack Warner mất ăn mất ngủ khi cho rằng xưởng phim của ông sẽ biến thành mục tiêu khi bị nhầm với phức hợp nhà máy ẩn mình. Có những đồn thổi dư luận cho rằng tỷ phú Jack Warner đã mướn một họa sĩ tài năng để vẽ một mũi tên khổng lồ ngay trên mái của một trong những sân khấu âm thanh vĩ đại của ông kèm dòng chữ "Lockheed Đi chỗ khác".

Nhưng viên trân châu mà Ohmer dành trọn tâm huyết lại diễn ra ở một nơi nằm gần thành phố Seattle, nơi có Nhà máy 2 của hãng Boeing rộng hơn 65.000m2 diện tích sàn. Ngay bên trong nhà máy khổng lồ này có sự hiện diện của hàng ngàn con người đang miệt mài làm việc bên những chiếc oanh tạc cơ hạng nặng "Pháo đài bay" B-17 ra vào cứ mỗi 90 phút / lần.

Kỳ công ngụy trang của các nghệ sĩ Mỹ

Ohmer đã đặt một nhân vật hàng đầu do ông tuyển dụng để đảm trách dự án Boeing đó là kiến trúc sư John Detlie. Detlie là người thuần Hollywood khi kết hôn với ngôi sao điện ảnh Veronica Lake. Trước khi Detlie tham gia vào các nỗ lực chiến tranh thì còn đã là đạo diễn nghệ thuật được đề cử giải Oscar cũng như là nhà thiết kế phối cảnh cho hãng MGM.

Chiếc B-17 mới toanh đang lăn bánh khỏi Nhà máy 2. Mái của nhà máy này được sơn ngụy trang để giống với mặt đất thật. Ảnh nguồn: Boeing

Tại Seattle, Detlie đã tập hợp một đội quân gồm 13 kiến trúc sư và vẽ đồ án, 8 họa sĩ thương mại, 7 kiến trúc sư phong cảnh, 5 kỹ sư và 1 chuyên gia quản lý đất. Để đánh bại một trinh sát cơ của địch không chỉ đơn giản là bao vây nhà máy.

Một trinh sát tinh tường có thể sẽ bay vào khu vực liền kề sân bay, các bãi đỗ xe hoặc các khu đường dốc. Làm cho toàn bộ nhà máy của hãng Boeing biến mất đồng nghĩa sẽ là gieo hoang mang cho đối phương trên một phạm vi vài mẫu đất. Việc ngụy trang các đường băng và đường lăn đã kêu gọi một giải pháp hai chiều nhằm không gây gián đoạn hoạt động cho máy bay.

Các nhà lập kế hoạch cố hình dung ra một bối cảnh trực quan với nhiều thảm cỏ, tòa nhà và các giao lộ trên sân bay đang hoạt động. Trước hết, các nhà xây dựng sẽ trộn đá nghiền mịn tạo thành Bitumen (một chất dạng nhựa đường) và áp dụng nó lên các khu vực thường xuyên có hoạt động giao thông của máy bay. Hỗn hợp Bitumen sẽ tạo ra một kết cấu mờ nhạt do sự phản chiếu và ánh sáng phát ra từ các bề mặt bê tông lớn và bằng phẳng của sân bay.

Tại những khu vực ít máy bay hoạt động, nhiều công nhân đổ dăm gỗ và xi măng để hấp thụ ánh sáng. Đối với những kết cấu gồ ghề, công nhân sẽ dùng sơn để tạo ra một khu phố nhìn từ trên xuống dưới theo hiệu ứng hình ảnh được cố vấn bởi kiến trúc sư Detlie. Một loại chất màu sơn đặc biệt được chế ra bởi anh em nhà Warner được cho là "chống lại việc bại lộ ngụy trang thông qua chụp ảnh hồng ngoại". Dầu trộn với sơn đã tạo ra mặt cắt ngang đầy thuyết phục của những con đường nhân tạo.

Trên sân bay, các công nhân đã tạo ra những tòa nhà giả cao gần 1m được làm từ các khối bê tông. Từ trên cao, các cấu trúc nhỏ quê kệch đã đổ bóng chân thực và tạo ra một hiệu ứng chiều sâu nhỏ khiến cho cảnh giả trở nên sống động hơn. Sự giả dối thần thánh đã đánh lừa đôi mắt cú vọ của đối phương từ độ cao vài trăm mét. Chỉ khi một phi công hạ độ cao thì khi đó đường băng "tàng hình" mới hết ảo ảnh.

Để xóa những đường dốc rộng lớn và bãi đổ xe hơi quanh nhà máy của hãng Boeing, công nhân đã lắp đặt những cột buồm gỗ cao 27m trong các bệ bê tông vững chắc trước khi buộc những cột cao bằng cáp thép nặng.

Thực ra thì Boeing chưa khi nào che phủ được các bãi đỗ xe của họ, song các dự án tương tự đã sử dụng hàng trăm cột buồm và hơn 1 triệu cáp thép. Từ các dây cáp theo, những nhà xây dựng đã kéo những tấm lưới ngụy trang siêu rộng nhằm tạo ra các mô hình giả đồng lúa, thảm cỏ và nhà cửa phủ lên các bãi đỗ xe cùng sân bay mới xây dựng.

Tại một nhà máy khác, hàng triệu mét vuông lưới giả trang đã phủ trùm lên các bãi đỗ xe. Những tấm lưới này được đan xen bằng những sợi vải bố cùng các súc vải, kế đó nó lại được điểm tô bằng những cái lông gà được sơn xanh lá cây được dán bằng hắc ín để giả như vườn tược. Song khi trời mưa, những cái lông vũ dính sơn sẽ tỏa ra thứ mùi khăm khẳm. Đội ngũ công nhân tài ba đã bao phủ nhà máy 2 (trái tim của hãng Boeing) bằng một tấm lưới "tàng hình" trải dài 10,5 ha phủ lên các mái nhà nhằm tạo ra một mặt bằng đất đai giả hiệu ở độ cao 15m.

Tại các vị trí thấp của nhà máy, tấm lưới phủ đã được hỗ trợ bằng giàn giáo gỗ hoặc cáp thép. Các lối đi được gia cố hao hao như vỉa hè. Khu dân cư giả do ông Detlie tạo ra tại Boeing với 53 ngôi nhà, hàng chục nhà để xe, nhà kính, một trạm dịch vụ và một tiệm tạp hóa. Trong khi chiều rộng và chiều dài của các cấu trúc vẫn giữ y nguyên thì chiều cao đã bị gọt bớt trước những máy bay nhanh và cao của địch.

Các dầm gắn trên mái nhà máy xuyên qua lưới thẳng đứng đã trở thành những trụ cột quan trọng cho các cấu trúc nhân tạo. Được bọc trong vải bố và ván ép, các ngôi nhà thường có những khung cửa sổ tối màu, trong khi ngoại thất thường có màu đất và màu nhạt như thường thấy ở các khu phố Mỹ thời kỳ đó.

 Nhìn từ trên trời, các mái nhà sẽ có các màu đỏ, trắng hoặc xám đen. Chỉ có duy nhất 2 ngôi nhà trên mái nhà máy Boeing là có thật, chúng dùng làm nơi sống cho đội pháo thủ quân đội nắm trọng trách bảo vệ nhà máy. Tô điểm trên các con phố, công nhân đã tạo ra các loại xe hơi giả làm từ những khung vải bố, chúng có mặt phẳng và trơn.

Các công nhân nhà máy đã hạ những chiếc xe giả nhằm giữ cho các cấu trúc nhẹ không bị dịch chuyển vào những ngày trời giông gió. Trong sân khu dân cư giả, các công nhân đã tạo ra thảm thực vật nhân tạo. Họ sử dụng 300 cây giả có các độ cao khác nhau, thân và nhánh cây tạo ra từ gỗ.

Tán lá cây và các cây bụi được tạo tác từ lưới B40, lông gà được sơn, những phương pháp tạo cây giả đã được áp dụng chỉ 1 thập kỷ sau khi Disneyland khánh thành vào năm 1955. Các ống khói cao nhất của nhà máy Boeing đã biến mất ngay bên trong các nhà máy bơm chiến lược, những lỗ thông hơi nhỏ được phủ màu đỏ nhằm giả trang vòi chữa cháy.

Để các thảm cỏ và thực vật nhân tạo trông sống động vào các mùa khác nhau, các công nhân đã dùng đến nhiều loại sơn mới. Bí mật ngụy trang cho nhà máy 2 của hãng Boeing đã được giữ kín bưng cho tới tháng 7 năm 1945, trong tháng đó khi các lực lượng quân Đồng Minh đóng quân trên lục địa Nhật Bản, giới chức quân đội Mỹ nghĩ rằng đã đủ an toàn để công bố sự thật với dư luận.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.