Những điều thú vị về trí nhớ

Thứ Hai, 11/05/2020, 09:08
Trí nhớ kết nối chúng ta với quá khứ, giúp định hướng trong hiện tại, hướng tới tương lai. Nhưng chúng ta biết gì về trí nhớ? Có cách nào để cải thiện nó? Nó phụ thuộc vào điều gì?

Trí nhớ là một trong những chức năng và thần kinh và dạng hoạt động trí tuệ để duy trì, lưu trữ và tái tạo thông tin. Nhờ có trí nhớ mà trong cuộc sống hàng ngày chúng ta sử dụng kinh nghiệm riêng của mình và của các thế hệ trước. Trí nhớ kết nối chúng ta với quá khứ, giúp định hướng trong hiện tại, hướng tới tương lai. Nhưng chúng ta biết gì về trí nhớ? Có cách nào để cải thiện nó? Nó phụ thuộc vào điều gì?

Trí nhớ ngắn hạn và dài hạn

Trí nhớ gồm hai dạng- ngắn hạn và dài hạn. Trong thời gian ôn thi, sinh viên cả đêm nhồi nhét vào bộ nhớ của mình một khối lượng thông tin lớn rồi sau đó chúng lập tức biến mất sau kỳ thi. Những bệnh nhân có chứng hay quên của tuổi già nhớ về những chi tiết nhỏ nhất đã xảy ra trong thời thơ ấu hoặc là nhiều năm trước, nhưng lại không cố lưu giữ trong đầu những điều xảy ra từ nửa giờ trước.

Bộ nhớ nằm trong vỏ não.

Con người bắt đầu ghi nhớ ngay từ khi còn là bào thai

Ngay từ đầu thế kỷ trước người ta đã tin rằng con người xuất hiện trên thế gian với bộ não tinh khiết như tờ giấy. Những nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng trí nhớ của thai nhi được hình thành trong vòng 20 tuần sau khi thụ thai. 

Trong các bài test thì bào thai có thể nghe thấy tín hiệu âm thanh đã được truyền đi qua bụng người mẹ. Sau đó đã tiến hành kiểm tra sự phản ứng với sự hỗ trợ của máy quét siêu âm. Rõ ràng là thai nhi có phản ứng với tiếng ồn và nhẹ nhàng di chuyển cơ thể hoặc bàn chân. 

Tuy nhiên, nó đã quen với những âm thanh được lặp đi lặp lại và có thể bỏ qua nó sau tín hiệu thứ năm. Khi tín hiệu được gửi đi lặp lại sau 10 phút và thậm chí là sau 1 ngày thì thai nhi không khó để nhận biết được âm thanh quen thuộc. Các nhà khoa học cho rằng về nguyên tắc, con người có thể nhớ lại những gì đã xảy ra với mình khi còn nằm trong trong bụng mẹ.

Trí nhớ có tính cá thể

Có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến trí nhớ. Có người thì ghi nhớ được những gì mình đã nhìn thấy, có người thì nhớ những điều mình đã nghe thấy. Trong những trường hợp đó người ta nói về ký ức thị giác hoặc thính giác. Những thứ gợi nên sự hứng thú sẽ được ghi nhớ tốt nhất. 

Nếu cảm xúc ở mức cao trào thì đôi khi trong trí nhớ hiện ra những điều tưởng chừng như đã lãng quên từ lâu. Động lực rất quan trọng, khi một người cho rằng mình hoàn toàn không có khả năng học ngoại ngữ nhưng khi ở nước ngoài gặp phải vấn đề sống còn thì lại dễ dàng học ngoại ngữ.

Sự phân tâm không phải là tín hiệu của trí nhớ kém

Đôi khi sự xao lãng bị nhầm với trí nhớ kém. Nhưng những người thờ ơ trên thực tế chỉ là đang đắm mình vào ý nghĩ của mình, họ đang tập trung chú ý nhưng vào chuyện khác, còn thông tin bình thường không làm họ quan tâm. 

Thường thì sự suy giảm trí nhớ là do sự thờ ơ vì bị mệt mỏi quá sức, ảnh hưởng của bệnh tật, có nghĩa là trong tình trạng họ gặp phải ở thời điểm đó. Mùi vị cũng ngăn ngừa việc suy giảm trí nhớ. Điều này lý giải bởi sự kề cận của trung tâm khứu giác với "khu vực ghi nhớ" của não. Sự phản ứng mạnh của trí nhớ đối với mùi vị rõ ràng là đã được lập trình: vai trò của mùi vị trong sự sống của con người là rất lớn.

Không phải lúc nào trí nhớ kém cũng do tuổi tác

Sự than phiền về trí nhớ suy giảm thường xảy ra sau 40 tuổi và đặc biệt là ở tuổi già. Trên thực tế thì điều đó không hoàn toàn như vậy. Chỉ là nếu ai đó không còn tích cực học tập và tìm hiểu thêm thì kỹ năng luyện trí nhớ bị mất đi và nó không còn được rèn giũa.

Nghề nghiệp có ảnh hưởng đến trí nhớ: Nghệ sỹ có sự lưu giữ trí nhớ tốt hơn những người khác (nhờ sự rèn luyện thường xuyên khi học thuộc văn bản), các nhà khoa học (do tất cả các bộ phận của não đều nỗ lực hoạt động) và người nuôi ong (nếu họ sử dụng những sản phẩm của ong rất giàu các vi chất có khả năng cải thiện trí nhớ). 

Hiện nay ở một số quốc gia như  Mỹ và Đức, có nhiều người khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn đi học đại học (thường là vào các khoa xã hội nhân văn). Họ học tập thành công và dự thi bình đẳng với sinh viên trẻ cùng lớp.

Biết quên những thông tin không cần thiết

Không thể nhớ được hết mọi thứ. Biết quên có ý nghĩa lớn trong sự tồn tại của con người. Bộ não cần phải được giải phóng khỏi gánh nặng của những ấn tượng và thông tin không cần thiết. Trí nhớ dường như tự điều chỉnh áp lực, chuẩn bị cho việc tiếp nhận thông tin mới. 

Trong trường hợp này thông tin cũ sẽ không biến mất hoàn toàn mà chuyển từ nhớ tích cực sang nhớ thụ động, từ đó đôi khi nó được loại bỏ. Đặc tính đáng chú ý đó giải cứu cho nhiều người trong những tình huống bi kịch. Các nhà khoa học Mỹ đã làm thí nghiệm trên chuột và cho biết rằng động vật càng nhanh chóng quên thông tin cũ không cần thiết thì việc tiếp nhận thông tin mới càng tốt hơn.

Có thể cải thiện trí nhớ

Các nhà khoa học cho rằng số lượng tế bào thần kinh sẽ giảm theo tuổi tác, chất lượng hoạt động của bộ não chúng ta và của hệ thống thần kinh có thể kém đi. Những không có nghĩa là việc mất trí nhớ là chuyện tất yếu.

Trong hầu hết các trường hợp có thể cải thiện được trí nhớ. Trước đây người ta cho rằng ở người cao tuổi thì các tế bào não - các tế bào thần kinh không phân chia và cuối cùng là sẽ chết đi. 

Nhưng thực ra không phải như thế. Các kết quả nghiên cứu gần đây nói lên rằng các tế bào thần kinh được phân chia ngay cả khi đã ở tuổi 70. Hơn thế, sự nhân lên của tế bào được tìm thấy trong những khu vực tư duy nhất của não. Hiện nay, các nhà khoa học cho rằng sự suy giảm trí nhớ do tuổi tác không hẳn là do sự thoái hóa của tế bào thần kinh mà chủ yếu là do sự rối loạn sự kết nối giữa chúng.

Những chất giúp cho việc thiết lập sự liên kết, trước hết là các vitamin C, E, B6, B12, beta- caroten, các axit béo có trong cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích. Người ta tin rằng khi tuân thủ chế độ ăn "làm sạch cơ thể" sẽ cải thiện được khả năng của trí nhớ. Các nhà khoa học lý giải rằng một chế độ ăn nghèo nàn, đơn điệu không giúp cho hoạt động trí nhớ nhanh, cũng như việc sử dụng rượu dẫn đến suy giảm trí nhớ.

Quy luật của trí nhớ

Người bình thường sử dụng không quá 10% khả năng bẩm sinh trí nhớ của mình, 90% còn lại đã mất đi bởi vì chúng ta không biết sử dụng những quy luật tự nhiên của trí nhớ. Mà những quy luật đó lại rất đơn giản, gồm 3 điều: ấn tượng - sự lặp lại - liên kết.

Như vậy, bạn muốn ghi nhớ bất kỳ điều gì cần tuân thủ: Thứ nhất, cần tập trung và thu nhận ấn tượng không chỉ bằng thị giác mà còn bằng thính giác và khứu giác. Ấn tượng trực quan là bền vững nhất, bởi các dây thần kinh dẫn từ mắt đến não dày gấp 20 lần so với tế bào thần kinh dẫn từ tai tới não. Mark Twain không thể ghi nhớ được thứ tự lời phát biểu của mình khi dùng ghi âm, nhưng khi ông bỏ ghi âm và sử dụng những bản vẽ thì mọi khó khăn đã biến mất. 

Thứ hai là nhắc lại. Hàng ngàn sinh viên Hồi giáo biết cách học thuộc cuốn kinh Coran rất dày. Họ ghi nhớ được nó chủ yếu bằng cách nhắc lại. 

Thứ ba là sự liên kết. Cách duy nhất để ghi nhớ có hiệu quả một yếu tố nào đó là liên kết nó với những điều khác.

Bích Nguyễn (Tổng hợp)
.
.