Sau loạt bài "Những người mẹ "siêu" dũng cảm": Vô cùng cảm phục, nhưng…

Thứ Tư, 19/07/2017, 09:35
Bên cạnh sự cảm phục về đức hy sinh với những người mẹ dũng cảm, cũng có những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn lo lắng về sức khỏe của sản phụ và những cháu bé. Chúng tôi đã tìm đến một số chuyên gia tâm lý cũng như y tế để mong giải đáp được phần nào những băn khoăn của độc giả.

Sau khi loạt bài "Những người mẹ siêu dũng cảm" được đăng tải, chúng tôi rất bất ngờ khi nhận được nhiều ý kiến của độc giả  gửi về cho tòa soạn. Đó là những bày tỏ sự cảm phục về đức hy sinh, những lời sẻ chia, động viên thật chân thành, và cả những tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ các sản phụ.

Bên cạnh đó cũng có những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn lo lắng về sức khỏe của sản phụ và những cháu bé. Chúng tôi đã tìm đến một số chuyên gia tâm lý cũng như y tế để mong giải đáp được phần nào những băn khoăn của độc giả.

Chuyên gia tâm lý: Hãy nghe theo tiếng nói của con tim

Khi chúng tôi đề cập những trường hợp người mẹ dù mắc bệnh hiểm nghèo song vẫn quyết giữ con, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa - người đã có hơn 30 năm chuyên giải đáp mọi thắc mắc về tâm sinh lý của phụ nữ và hôn nhân gia đình - rất cảm động. Ông cho biết qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông thực sự cảm phục trước đức hy sinh của họ. Tuy nhiên, ông cũng không quá bất ngờ về những lựa chọn đó.

Theo chuyên gia tâm lý, phụ nữ Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung vốn có truyền thống hy sinh vì gia đình, vì chồng con. Thời đất nước còn đang chiến tranh, đã có hàng ngàn hàng vạn tấm gương phụ nữ chịu cảnh góa bụa, hoặc một mình nuôi con chỉ với một hy vọng mong manh chồng mình sẽ trở về sau khi đất nước thống nhất.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: "Hãy theo tiếng nói của con tim".

Trong cuộc sống hiện đại, dù đôi lúc ở một nơi nào đó, ở một vài cá nhân nào đó xuất hiện những người phụ nữ ích kỷ, chỉ sống riêng cho bản thân mình mà "bỏ quên" vài trò làm vợ, làm mẹ - nhưng đại đa số phụ nữ Việt Nam hiện vẫn giữ được đức tính rất "đẹp" mà cũng rất "tội nghiệp", đó là đức hy sinh.

"Hãy nhìn những người mẹ nông dân chắt bóp từ mớ rau con cá để cho con đi học, hãy nhìn những bà mẹ không quản nắng mưa ngày ngày sớm tối buôn thúng bán bưng trên phố, cũng chỉ để lo cho chồng con. Họ dường như không giữ được chút thời gian, tiền bạc cho riêng mình nữa. Do vậy sự hy sinh của những người mẹ (cụ thể như của chị Yên, chị Hảo) để giữ bằng được những đứa con của mình, là một điều hết sức dễ hiểu" - ông Hòa bày tỏ.

Trong quá trình tư vấn tâm lý, ông Hòa cũng gặp một ca rất đáng nhớ. Đó là trường hợp chị Phạm Thị M. (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội). Chị M. lấy chồng khá lâu mà chưa có con. Sau khi chạy chữa thêm vài năm nữa thì có mang. Chị chưa kịp vui mừng thì khi siêu âm, bác sỹ thông báo con chị có những "khuyết tật" và khuyên chị nên bỏ em bé. Cả gia đình cũng lo sợ sẽ sinh em bé sẽ là gánh nặng cho gia đình, xã hội nên cũng khuyên chị bỏ.

Ban đầu chị M. nghe theo ý kiến của gia đình, đăng ký đi phá thai. Nhưng lúc lên bàn phẫu thuật, bỗng nhiên có tiếng nói từ đâu đó vang lên: "Xin mẹ đừng bỏ con". Nghe thấy thế, chị M. vùng dậy và chạy đi trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Cũng từ hôm đó gia đình, người thân chị không đề cập gì đến chuyện phá thai nữa. Tâm sự với chuyên gia tâm lý, chị M. luôn tự nhủ: "Dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa, thì tôi vẫn sẽ không bỏ con". Và mấy tháng sau thì chị M. đẻ. Thật may mắn là đứa con sinh ra bình thường, và nhiều năm sau vẫn phát triển tốt.

"Do không có kiến thức chuyên môn về y tế nên tôi không dám tư vấn cho các sản phụ nên bỏ hay giữ con - khi họ có vấn đề trong thai kỳ. Tôi chỉ có thể khuyên họ nên cân nhắc trước những ý kiến của các bác sỹ, và nghe theo tiếng nói của con tim mình. Và theo kinh nghiệm của tôi thì có khá nhiều nguyên nhân để lý giải cho những trường hợp sinh nở thành công như của chị Yên, chị Hảo".

Trước hết, ngay sau khi người mẹ có mang thì giữa mẹ và con xuất hiện một "sợi dây" tình cảm hết sức đặc biệt, có quan hệ tương hỗ với nhau. Người mẹ vui buồn đều có những tác động nhất định đến đứa con. Đặc biệt là khi người mẹ quyết tâm sẽ làm tất cả cho bé, thì "tự nhiên" sẽ xuất hiện những điều kỳ diệu tiếp thêm năng lượng, sức mạnh để "khắc chế" bệnh tật cho cả bé và mẹ. Điều này khoa học thế giới cũng đã từng đề cập.

Thứ hai, những sản phụ tuy mắc bệnh hiểm nghèo song vẫn được người chồng, gia đình, bạn bè luôn ở bên ủng hộ, động viên thì họ cũng sẽ được tiếp thêm một nguồn năng lượng lớn lao để có thể chiến đấu với bệnh tật.

Vì thế, khi mà sản phụ đã quyết định sẽ chiến đấu đến cùng vì đứa con, thì người chồng, gia đình hai bên nội ngoại cần phải hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện và động viên để họ có thể vượt qua được thời khắc khó khăn đó.

Bác sỹ: Cảm phục về đức hy sinh của họ, nhưng…

Trao đổi với chúng tôi, thạc sỹ - bác sỹ Vũ Quang Hưng, phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện huyết học - truyền máu trung ương (VHH -TMTU) - người trực tiếp điều trị cho sản phụ Nông Thị Hảo (mà chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước) chia sẻ: Khi tiếp nhận bệnh nhân Hảo, bác sỹ Hưng và đội ngũ y bác sỹ trong khoa cảm thấy băn khoăn, ít nhiều lúng túng và khó xử.  Bởi, cùng một lúc bệnh nhân phải đối mặt với 2 cú sang chấn lớn: đó là mắc bệnh ung thư, và lại đang có thai. Họ sẽ buộc phải đối mặt với hai lựa chọn, mà lựa chọn nào cũng đau đớn và tiềm ẩn những nguy cơ đối với sinh mạng của bản thân và đứa bé.

Thạc sỹ - bác sỹ Vũ Quang Hưng: "Đôi khi chúng tôi vẫn phải "bó tay" trước những ca thuộc dạng bất khả kháng".

Với chức trách nhiệm vụ của một người thày thuốc, bác sỹ Hưng buộc phải phân tích, nói rõ mọi nguy cơ, rủi ro có thể xảy đến cho sản phụ Hảo, để chị và người nhà thấu hiểu và lựa chọn một giải pháp phù hợp.

"Chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên cho sản phụ là nên giữ, hay bỏ. Bởi y văn cũng như trên thực tế điều trị chưa có cơ sở nào khẳng định căn bệnh ung thư có tính di truyền. Chúng tôi luôn luôn phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân để tư vấn.

Bên cạnh đó mỗi người lại có một hoàn cảnh riêng, và một sự lựa chọn riêng. Ví dụ như có sản phụ mới mang bầu lần đầu, họ vô cùng mong mỏi được thấy đứa con đầu lòng. Hay có chị thì đã có 1-2 cô con gái, nay mang bầu một bé trai. Họ cũng không đành lòng bỏ đi thằng cu đích tôn của dòng họ.

Tuy nhiên, với những sản phụ mắc chứng bệnh giống chị Hảo, và nếu tuổi thai nhi còn nhỏ thì chúng tôi đều đề nghị đình chỉ thai để tập trung chữa trị. Bởi có những trường hợp bệnh sẽ tiến triển rất nhanh mà sức khỏe của sản phụ không thể nào đáp ứng vừa mang thai và vừa chiến đấu với bệnh. Bên cạnh đó trong quá trình điều trị bệnh, có thể một trong những loại thuốc có thể xuyên qua hàng rào bảo vệ của nhau thai để gây độc cho thai nhi"- bác sỹ Hưng phân tích.

Khi chị Hảo quyết định sẽ giữ lại cái thai, bác sỹ Hưng và đội ngũ trong khoa đều tôn trọng quyết định đó; rất cảm phục về đức hy sinh của chị, song cũng rất lo lắng. Bởi vừa điều trị căn bệnh hiểm nghèo, lại vừa phải giữ sao cho em bé phát triển tương đối khỏe mạnh là một việc vô cùng khó.

Trường hợp của chị Hảo có thể coi là một trong những ca may mắn hiếm hoi. Và, chính bản thân sản phụ này cũng có những "tố chất" để có thể giữ con.

Sản phụ Nông Thị Hảo đã kiên cường chiến đấu và giành chiến thắng.

"Chúng tôi phải lựa chọn những giải pháp, những loại thuốc phù hợp - để những độc chất không thể truyền qua nhau thai vào cháu bé. Các bác sỹ, y tá phải luôn theo dõi mọi chỉ số huyết học như hồng cầu, tiểu cầu, có thể bị nhiễm trùng hay không. Liệu có nguy cơ gì liên quan đến cuộc mổ đẻ hay không?

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải phối hợp chặt chẽ với một bác sỹ chuyên khoa sản để theo dõi sự phát triển cũng như từng biến động nhỏ nhất của thai nhi. Đánh giá sự phát triển của tế bào ung thư cũng như ảnh hưởng của nó đến em bé. Đồng thời, chúng tôi cũng phải là những bác sỹ tâm lý - để có thể luôn động viên, khuyến khích sản phụ hợp tác với những phương pháp điều trị".

Có thể nói chị Hảo đã rất kiên cường chống lại bệnh tật. Vì không điều trị bằng liệu pháp xạ trị, truyền hóa chất nên sức khỏe của chị Hảo ngày một đi xuống. Chị thường xuyên bị sốt cao, đau đớn khắp mình mẩy. Đặc biệt là cái hạch to bằng quả trứng gà mọc nơi cổ cũng không được "đụng" vào khiến chị đau nhức khó chịu đến phát điên. Cả tháng trời chị chỉ có thể nằm nghiêng về một phía bên phải. Cho đến khi cái hạch vỡ ra, chị mới được nằm những tư thế khác.

Cháu Dương Ngọc Lâm (con chị Hảo) được sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt nên chỉ nặng 1,8kg và mắc nhiều bệnh.

Mỗi bữa ăn, chị chỉ có thể húp được vài thìa cháo loãng. Chị phải cố uống sữa bầu thay thế, những mong truyền được ít dưỡng chất cho con. Cứ vài hôm siêu âm, các bác sỹ lại phát hiện thai nhi có những dấu hiệu bất thường, chị Hảo phải chuyển sang bệnh viện Bạch Mai để khám lại. Chỉ riêng việc di chuyển giữa hai bệnh viện cũng khiến cho chị Hảo mệt mỏi vô cùng vì chị bị say xe. Khi cháu bé trở về trạng thái tạm ổn, chị quay về Khoa Điều trị hóa chất, VHH - TMTW để tiếp tục điều trị căn bệnh ung thư máu.

Song cuối cùng, mẹ con chị cũng đã giành chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức đó. Tháng 7-2016, một bé trai đã ra đời trên bàn mổ của bệnh viện Bạch Mai. Chị Hảo khóc ngất vì sung sướng.

Cũng theo bác sỹ Hưng, mỗi năm khoa Điều trị hóa chất VHH -TMTU đều tiếp nhận và chữa trị cho không ít những bệnh nhân thuộc dạng "khó xử" như chị Hảo. Có những người mang bầu rồi mới biết bị bệnh hiểm nghèo; có những chị sau khi điều trị bệnh một thời gian rồi thì muốn có em bé… Tất cả họ cần sự tư vấn, hỗ trợ của các bác sỹ.

Và mặc dù đội ngũ y bác sỹ trong khoa luôn hết lòng "chiến đấu" cùng bệnh nhân, song đôi khi vẫn phải "bó tay" trước những ca thuộc dạng bất khả kháng. Năm ngoái, một sản phụ quê ở Thanh Hóa mắc bệnh ung thư máu cũng cố giữ thai trong bụng. Nhưng khi mổ đẻ, cháu bé tương đối khỏe mạnh song tính mạng người mẹ đã không giữ được…

Và thực tế cũng đã có những trường hợp, một số nữ bệnh nhân sau khi đã điều trị tốt ở VHH- TMTƯ sau đó đã có bầu, rồi sinh con bình thường, khỏe mạnh.

Còn theo một bác sỹ thuộc Khoa Đẻ A2, bệnh viện Phụ sản Hà Nội, không có một mẫu số chung cho các sản phụ mắc bệnh hiểm nghèo nhưng muốn giữ con. Bởi phải căn cứ vào sức khỏe, tố chất của từng sản phụ. Rồi căn cứ tiền sử thai sản của người phụ nữ đó nữa…

Minh Tiến
.
.