Sống thật với ảo giác trong trạng thái hôn mê nhân tạo

Thứ Sáu, 11/03/2016, 08:40
Claire Wineland tin rằng mình đang có mặt ở Alaska, bước đi trên những đỉnh núi phủ tuyết, thở ra khói trắng và phát hiện một con hươu đang thu mình lấy đà từ xa. Cảnh vật quá bình dị và mùi hương cây thông khiến cô quên mất cảm giác lạnh giá. Thật ra, Wineland đang nằm viện trong trạng thái hôn mê!

Trạng thái hôn mê đem lại trải nghiệm gì cho chúng ta? Claire Wineland, 18 tuổi mắc chứng bệnh xơ nang, mô tả trong video clip những ảo giác kỳ lạ mà cô trải qua trong trạng thái ngủ kéo dài 2 tuần dưới sự kiểm soát của y khoa. Wineland thấy mình có mặt ở Alaska khi cơ thể được bọc trong đá lạnh. Những cảnh vật mà cô "thấy" được trong tâm trí cũng tùy thuộc vào giọng nói mà cô nghe được.

Claire Wineland, ở California (Mỹ), sinh ra đã mắc bệnh xơ nang - một loại bệnh di truyền gây tích tụ dịch nhầy có tính kết dính cản trở hoạt động của phổi (khó thở) và bộ máy tiêu hóa (khó hấp thu và phân hủy thức ăn). Cách đây 5 năm, Wineland đã mắc phải một chứng nhiễm trùng đe dọa tính mạng và các bác sĩ phải đưa cô vào trạng thái hôn mê để cứu lấy mạng sống. Nghĩa là, bệnh nhân được đưa vào trạng thái vô thức sâu để bảo vệ não bộ bị phình ra sau một tổn thương hay nhiễm trùng.

Cô Claire Wineland.

Những cơn hôn mê do y khoa gây ra khác với trạng thái hôn mê "tự nhiên" thường phát sinh do tổn thương, ngộ độc hay thiếu ôxy lên não bộ. Wineland sẽ phục hồi ý thức sau khi thuốc không còn tác dụng. Bác sĩ có thể đưa bệnh nhân vào nhiều cấp độ vô thức khác nhau tùy theo phác đồ điều trị được áp dụng. Thỉnh thoảng, bệnh nhân có thể phản ứng bằng cách gật đầu. Mặc dù không ý thức song họ vẫn nghe được xung quanh và về sau nhớ họ những gì mình đã nghe thấy.

Sau khi có những trải nghiệm kỳ lạ, Wineland mô tả lại và chia sẻ chúng trong một video clip và đưa nó lên trang YouTube. Tính đến nay, video clip này đã được hơn 500.000 người xem. Wineland nói: "Các bác sĩ chỉ định cho tôi dùng thuốc liên tục trong 2 tuần giúp cho tôi rơi vào trạng thái ngủ vô thức. Nhưng  khi rơi vào hôn mê, bạn vẫn hiện diện ở đây, vẫn biết được mọi thứ diễn ra xung quanh song dường như đi qua bộ lọc kỳ lạ bên trong não bộ nhờ thuốc. Và sau nó chuyển biến thành tín hiệu gì đó chạm vào ý thức của bạn".

Trong vòng 2 tuần này, Wineland có ảo giác như mình có mặt ở Alaska - một trải nghiệm được cô mô tả là phần "thú vị nhất" trong cơn hôn mê.

Claire Wineland khi chuẩn bị bước vào trạng thái hôn mê.

Claire Wineland mô tả: "Tôi chưa bao giờ đến Alaska mà trước đó cũng không hề quan tâm đến vùng đất lạnh lẽo này. Nhưng ở đâu đó trong giấc ngủ, tôi thật sự đã đến Alaska, nơi có những cây thông và quả nón thông. Tôi nhìn chăm chú cảnh vật, có một con hươu bé nhỏ phía xa xa. Trời lạnh giá nhưng tôi không hề có cảm giác".

Sau khi thoát khỏi thời gian hôn mê, Wineland được các bác sĩ cho biết họ phải đặt những túi nước đá quanh cơ thể cô để hạ thấp thân nhiệt - đây là một phần trong phác đồ điều trị đặc biệt dể chống nhiễm trùng và hồi sinh cho bệnh nhân.

Wineland giải thích về ảo giác của mình: "Tôi sốt cao kèm theo nhiễm trùng và những gì mà bác sĩ phải làm là đặt nước đá xung quanh người tôi. Cơ thể lúc đó như đóng băng và ở đâu đó trong não bộ tôi nghĩ đến "băng giá" - đó là Alaska". Wineland nhớ lại mình có nghe thấy mẹ kểë và bà nội đang nói chuyện, và trong đầu tôi có ảo giác là họ đang dự trại hè và tán chuyện gẫu với một ai đó. Nhưng trong thực tế họ đang nói chuyện với cô y tá hay một thành viên gia đình. Thậm chí, Wineland còn có cảm giác như mình đang góp chuyện với mọi người!

Claire Wineland sau khi được đưa khỏi trạng thái hôn mê.

Claire Wineland tải video clip của mình lên kênh dự án The Clarity Project trang YouTube. Tại đây, Wineland lần lượt giới thiệu với mọi người những cảnh phim về cuộc sống của mình với chứng xơ nang. Trong clip, Wineland nhớ lại trong thời gian hôn mê, các bác sĩ buộc phải đặt người cô ở các tư thế khó chịu và lúc đó não bộ sẽ phản ứng bằng cách tạo ra câu chuyện nào đó cho phù hợp với tư thế mới.

Ví dụ có lúc bác sĩ đặt Wineland trong tư thế nằm ngửa, hai chân kê cao hơn đầu với góc 15-30 độ (gọi là tư thế Trendelenburg - đặt theo tên của Friedrich Trendelenburg (1844 - 1924),  nhà phẫu thuật người Đức sử dụng tư thế này lần đầu tiên vào năm 1895 trong ca phẫu thuật bụng). Khi đó trong tâm trí Wineland chợt bật lên "câu chuyện" trong đó cô bị lộn ngược trong một cái võng và cơ thể phình to lên như quả bóng.

Hôn mê là trạng thái vô thức mà ở đó cơ thể con người không phản ứng và không thể được đánh thức. Một người có thể rơi vào hôn mê do chấn thương nặng vùng đầu tác động đến não bộ, do nhiễm trùng hay bị ngộ độc. Một người cũng có thể được bác sĩ đưa vào cơn hôn mê có sự kiểm soát y khoa nhưng đó chỉ là trạng thái tạm thời và bệnh nhân sẽ lấy lại được ý thức sau khi thuốc hết tác dụng như trường hợp của  Claire Wineland. Bệnh nhân có thể nghe được mọi người xung quanh trò chuyện hay có những ký ức rõ ràng về cơn hôn mê của mình hay không còn tùy thuộc vào mức độ ý thức.

Thang điểm hôn mê Glasgow (Glasgow Coma Scale, viết tắt là GCS) được sử dụng để đánh giá tình trạng ý thức của người bệnh bằng cách theo dõi phản ứng của mắt, lời nói và thần kinh vận động trước những tác động có tính mệnh lệnh từ bên ngoài. Các đáp ứng được tính bằng điểm gọi là điểm Glasgow. Thang điểm được 2 giáo sư Khoa Thần kinh học Đại học Glasgow là Graham Teasdale và Bryan J. Jennett giới thiệu lần đầu vào năm 1974.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.